29 tháng 9, 2013

Con sâu làm rầu ... cả một nồi canh !!!


Chiều hôm qua 28 tháng 9, Silvio Berlusconi đã chính thức quyết định rút tất cả 5 Bộ trưởng thuộc đảng “Nhân Dân Tự Do” (Popolo della Libertà) của ông ta ra khỏi Hội Đồng Chính Phủ của Thủ tướng Enrico Letta. Và như thế là trên thực tế Silvio Berlusconi đã “khai pháo” mở màn cho kịch bản tồi tệ nhất cho nước Ý hiện nay: đó là khủng hoảng chính phủ.

Chính phủ của Enrico Letta, như người ta còn nhớ, được ra đời cách đây 5 tháng trong hoàn cảnh bế tắc chính trị ở Quốc hội vì đảng “Dân Chủ” (Partito Democratico), vốn được mang tiếng là thắng cử hồi tháng 2 vừa qua nhưng vẫn không tìm ra được đa số để lập chính phủ, và do đó Tổng thống Ý, ông Giorgio Napolitano đã bắt buộc phải chọn con đường chính phủ “đại đoàn kết” với sự tham gia của cả hai lực lượng chính trị đối địch nhau là đảng Dân Chủ và đảng Nhân Dân Tự Do, với hy vọng là tạo ra được một ổn định chính trị tối thiểu để có thể giúp nước Ý thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế tài chánh.

Silvio Berlusconi biện minh cho quyết định rút nhân sự ra khỏi Chính phủ là vì chính phủ muốn tăng thuế giá trị gia tăng (tức là thuế IVA (VAT) từ 21% lên 22%) trên hàng hóa tiêu dùng. Và vẫn theo lời của Silvio Berlusconi, điều này là đi ngược lại chủ trương không tăng thuế của Đảng Nhân Dân Tự Do.

Trên thực tế thì kể từ hồi tháng 8, khi Tòa Án Tối Cao kết án vĩnh viễn Silvio Berlusconi 4 năm tù về tội gian lận thuế má, và nhất là quyết định 5 năm nghiêm cấm giữ các chức vụ nhà nước, trong đó có chức đại biểu Quốc hội, và dựa theo một sắc luật mới vừa ra đời hồi năm ngoái (còn gọi là luật Severino, tên của Bà Bộ Trưởng Tư Pháp thời chính phủ Mario Monti, Paola Severino), sắc luật mà trước đó chính Đảng của Berlusconi cũng đã bỏ phiếu thông qua, theo đó những người bị kết án vĩnh viễn từ 2 năm tù trở lên sẽ không có quyền ứng cử vào Quốc hội. Chính đây là mấu chốt đã khiến Silvio Berlusconi và Đảng Nhân Dân Tự Do của ông ta bắt đầu “tra tấn” chính phủ Enrico Letta ngày đêm với những hăm dọa cho ngã chính phủ bằng đủ mọi cách với hy vọng gây được áp lực với lên đảng Dân Chủ để tìm ra một “giải pháp chính trị đàm phán” nào đó cho phép Silvio Berlusconi vẫn có thể tiếp tục ngồi lại trong Quốc hội. Lý do rất đơn giản là vì nếu không còn giữ được chức đại biểu Quốc hội thì Silvio Berlusconi sẽ bị mất quyền miễn tố, và như thế thì ông ta cũng mất hết ô dù làm lá chắn để trốn tránh những nợ nần công lý. Như ta biết là hiện nay, sau vụ án gian lận thuế má vừa kết thúc như nói trên, các Tòa án vẫn còn đang tiếp tục xử những vụ án nổi tiếng khác như vụ “Rubygate” trong đó chính Silvio Berlusconi là nghi can trong việc “mua dâm và quan hệ tính dục với trẻ vị thành niên và lạm quyền”, hay vụ án “mua chuộc đại biểu Quốc hội” để lật đổ chính phủ trung tả của Romano Prodi hồi năm 2008.

Đặc biệt là theo lịch trình của Quốc hội thì ngày 4 tháng 10 sắp tới, dựa trên bản kết án vĩnh viễn của Tòa án tối cáo hồi tháng 8 vừa qua, Ủy ban Quốc hội đặc trách về quyền miễn tố của đại biểu sẽ bỏ phiếu để xét xem Silvio Berlusconi có  còn đáng được hưởng quyền miễn tố hay không. Nếu Ủy ban bỏ phiếu đa số bát bỏ quyền miễn tố thì sau đó toàn thể Thượng viện sẽ bỏ phiếu chấp nhận quyết định của Ủy ban. Theo các đánh giá dựa trên cán cân lực lượng giữa các đảng phái thì gần như chắc chắn là Silvio Berlusconi sẽ bị tước quyền miễn tố. Và chính đây là cốt lõi của quyết định rút các Bộ trưởng ra khỏi chính phủ.

Bởi vì rút các Bộ trưởng ra khỏi chính phủ, Silvio Berlusconi đã làm ngã chính phủ, với hy vọng là chính phủ mới sẽ không được ra đời vì không có đa số. Như thế thì Quốc hội sẽ đi đến giải tán. Nước Ý lại bắt đầu tranh cử. Và nhất là trong bối cảnh bị giải tán sớm, Quốc hội cũng sẽ không có thì giờ bỏ phiếu về quyền miễn tố của Silvio Berlusconi, và như thế là ông ta sẽ còn có khả năng tranh cử tiếp tục ... với hy vọng là thắng cử với đa số trong Quốc hội ... để thay đổi luật lệ nhằm cho phép ông ta vẫn tiếp tục làm đại biểu Quốc hội.

Tất cả mọi chuyện như thế là vẫn xoay quanh cái trục “nợ nần công lý riêng tư” của một cá nhân chứ không dính dáng gì đến vấn đề quyết định về thuế má của chính phủ như Silvio Berlusconi ngụy biện.



Câu hỏi đặt ra trước mắt là: thế thì cái gì sẽ xẩy ra trong những ngày sắp tới ?

Hiện nay người ta chỉ có thể dự đoán được hai kịch bản.

Kịch bản thứ nhất là ông Enrico Letta sẽ trở lại Quốc hội để đi tìm một đa số mới để lập ra một chính phủ mới. Chắc chắn là mô hình “đại đoàn kết” (với sự tham gia của cả hai đảng đối địch Dân Chủ và Nhân Dân Tự Do) không còn tính khả thi. Như ta đã biết là ở Hạ viện đảng Dân Chủ tự mình có đủ đa số. Vấn đề là ở Thượng viện, đảng Dân chủ cần có sự tham gia của ít nhất là một lực lượng chính trị khác để có đa số. Người ta hay nói đến khả năng một số nghị sĩ của phe Berlusconi có thể “bỏ ngũ” để cùng với lực lượng trung dung của cựu Thủ tướng Mario Monti để cùng với đảng Dân Chủ lập ra đa số mới. Khả năng khác là ngay chính một số đại biểu của Phong Trào 5 Sao cũng có thể “bỏ ngũ. Trên thc tế thì trong mấy tháng vừa qua, ngay trong hàng ngũ của Phong trào 5 sao cũng đã xẩy ra chia rẽ và một số đại biểu đã rời khỏi nhóm của Phong trào 5 sao.

Kịch bản chính phủ mới cũng là kịch bản mà Tổng thống Giorgio Napolitano mong muốn, vì đó là kịch bản “low-cost” cho nước Ý, trong nghĩa là những hệ lụy chính trị và kinh tế tài chánh sẽ giảm thiểu tối đa, tình trạng bất ổn sẽ được rút ngắn.

Kịch bản thứ hai là không tìm ra được đa số mới, Tổng thống Giorgio Napolitano bắt buộc phải tuyên bố giải tán Quốc hội trước nhiệm kỳ ... và nước Ý lại trở lại mùa tranh cử một cách vô bổ. Đây là kịch bản tồi tệ nhất cho nước Ý. Tồi tệ bởi vì trước nhất là trong cơn khủng hoảng kinh tế tài chánh, sản xuất đình đốn, thất nghiệp gia tăng ... thêm mấy tháng tranh cử, chính phủ lúc đó chỉ là “chính phủ hành chánh” nên sẽ không có khả năng đưa ra những biện pháp cụ thể để giải quyết những khó khăn của đất nước. Càng tồi tệ hơn vì trong trường hợp này cử tri lại vẫn tiếp tục đi bầu với luật bầu cử hiện hành vốn đã không cho phép Quốc hội hồi tháng 2 vừa qua có được một đa số ổn định ... và do đó rất có khả năng là Quốc hội mới cũng sẽ rơi vào cái vòng bất ổn chính trị như Quốc hội hiện nay. Trong khi đó thì rất có thể là tình trạng rối loạn này sẽ làm cho nền kinh tế tài chánh của Ý thêm tục hậu. Nợ nhà nước hiện nay đang có khuynh hướng vượt quá 3% trên tổng sản lượng quốc gia, mức độ tối đa mà Châu Âu đề ra cho các quốc gia thành viên. Nếu phải trở lại những tháng ngày tê liệt vì tranh cử ... thì chắc chắn là nợ nhà nước của Ý sẽ vượt hơn chỉ số 3%. Và điều này có nghĩa là Ủy Ban Châu Âu lại sẽ báo động và Ý sẽ phải bị “trừng phạt”.

Thực ra thì còn có kịch bản thứ ba, nhưng dựa theo các cán cân lực lượng giữa các đảng phái chính trị hiện nay trong Quốc hội thì tính khả thi của kịch bản này rất thấp: đó là Enrico Letta sẽ lập ra chính phủ thiểu số. Tức là trên nguyên tắc chính phủ không có đa số “trực tiếp”, nhưng được sự “đồng tình” từ bên ngoài của một (hay nhiều) lực lượng chính trị không trực tiếp tham gia vào Hội đồng chính phủ. Nói thẳng ra là một “đa số gián tiếp”. Nhưng điều này có nghĩa là đảng Dân chủ phải có những thỏa thuận với một số lực lượng chính trị để có được sự ủng hộ từ bên ngoài. Và nhất là một chính phủ thiểu số như thế thì “độ dày ổn định” cũng khá giới hạn, bởi vì các lực lượng chính trị ủng hộ từ bên ngoài rất có thể sẽ có những thế đứng không hoàn toàn “nhất trí” với phe của chính phủ (bởi vì nếu “nhất trí” thì họ đã trực tiếp tham gia chính phủ rồi !!!), do đó các quyết định và các chính sách của chính phủ có thể thường xuyên gặp nhiều cản trở trong Quốc hội. Tuy nhiên, kịch bản thứ ba này xem ra vẫn còn khá hơn là kịch bản đi bầu lại. Ít ra là trong thời gian của chính phủ thiểu số Quốc hội có thể nhanh chóng thay đổi luật bầu cử trước khi cử tri đi bầu lại.

Tuy nhiên cũng cần nói thêm là kịch bản đi bầu lại, dù là kịch bản tồi tệ nhất, nhưng cũng là kịch bản mà rất nhiều lực lượng chính trị mong muốn, có lực lượng thì chính thức tuyên bố là muốn trở lại bầu cử, có những lực lượng không chính thức nói ra, nhưng trong thâm tâm cũng rất muốn nước Ý đi bầu lại.

Những lực lượng chính thức tuyên bố muốn trở lại thùng phiếu là đảng Nhân Dân Tự Do của Berlusconi, đảng Liên Đoàn Phương Bắc (Lega Nord), Phong trào 5 sao.

Riêng đảng Dân Chủ thì muốn tránh kịch bản đi bầu lại, nhưng trong nội bộ của đảng không hẳn ai cũng nhất trí điều này. Đặc biệt là phe nhóm của ông Matteo Renzi, thị trưởng thành phố Firenze.

Matteo Renzi là một nhân vật “nổi cộm” hiện nay trong đảng Dân Chủ, tiêu biểu cho sự “đổi mới” trong đảng, nhất là đổi mới về nhân sự trong hàng ngũ lãnh đạo đảng, vốn bị phê phán là quá sơ cứng và không có khả năng  (và thiện chí) đấu tranh. Theo các cuộc thăm dò ý kiến thì nếu phải đi bầu lại ngay thời điểm hôm nay, thì người mà đại đa số đảng viên của đảng Dân Chủ muốn đưa ra tranh cử vào chức vụ Thủ tướng chính là Matteo Renzi. Và người ta cũng hy vọng rằng Matteo Renzi có đủ khả năng đánh bại Silvio Berlusconi (Matteo Renzi có lợi điểm là trẻ trung (38 tuổi) so với một Silvio Berlusconi đã 77 tuổi). Tuy nhiên hiện nay đa số lãnh đạo đảng Dân Chủ đang tìm đủ cách để ngăn chận “con đường tiến thân” của Matteo Renzi, điều này có nghĩa là nếu phải đi bầu lại ngay lập tức, trong hoàn cảnh tương đối thất bại của chính phủ Enrico Letta, thì Matteo Renzi sẽ có nhiều khả năng thắng cử. Ngược lại, nếu chính phủ Enrico Letta tiếp tục “thọ” với một đa số mới, việc bầu cử sẽ được dời lại ít ra cho đến mùa thu năm 2014, trong điều kiện đó, sức “công phá” của Matteo Renzi có thể bị giảm sút, một phần theo thời gian, một phần do những thành quả mà chính phủ Enrico Letta có thể đạt được. Chính vì thế mà Matteo Renzi, dù không chính thức nói ra, nhưng vẫn muốn đi đến kịch bản đi bầu lại.

Thế là nước Ý lại rơi vào khủng hoảng chính phủ.

Nhưng lần này thì đúng là ... chỉ có một con sâu ...làm rầu cả một nồi canh !!!

Roma, 29/09/2013.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét