23 tháng 6, 2014

Kiev, Baghdad và biển Đông.



Thế giới hiện nay có 3 cuộc khủng hoảng đáng ngại trong đó cả 3 siêu cường thế giới hiện nay đều “có mặt” trong các cuộc khủng hoảng nói trên.

Đầu tiên là cuộc khủng hoảng ở Ukraine, và ở đấy Nga đang chủ động chơi “ván bài” quyết định cho chiến lược lâu dài của Nga trong những thập niên sắp tới với mục tiêu khôi phục lại vị thế một thời của Liên Xô.

Kế đến là cuộc khủng hoảng trên biển Đông do quyết định của Trung Quốc ngang nhiên đem giàn khoang HD-981 vào lãnh hải của Việt Nam ... để thử nghiệm tất cả các “đối tác” trong vùng và các siêu cường khác ... trước khi bước thêm bước thêm những bước khác trong quá trình làm chủ biển Đông vốn nằm trong sách lược “trổi dậy” của Trung Quốc.

Và sau cùng là cuộc khủng hoảng ở Iraq, nơi mà cách đây 3 năm Obama đã hồ hởi tuyên bố “Mỹ kết thúc” cuộc chiến tranh ở Iraq và “hùng hồn” khẳng định rằng quân đội Iraq, vốn đã được huấn luyện và trang bị tận răng, sẽ có khả năng gìn giữ ổn định và bảo vệ Iraq, để rồi bây giờ Mỹ đang phải sống lại những giây phút bi thảm như đã phải trải nghiệm trong cơn ác mộng của 39 năm về trước ở Sài Gòn: đạo quân thánh chiến Hồi giáo của ISIS (Islamic State in Iraq and Syria or Islamic State in Iraq and al-Sham) đang chuẩn bị chiếm thủ đô Baghdad ... và Mỹ chỉ còn biết ngồi bất động ... và thậm chí trong chờ vào một sự “hợp tác” với “kẻ thù truyền kiếp” là Iran ... với hy vọng cứu vãn được tình hình đã vượt khỏi tầm kiểm soát của Mỹ. (Iran vốn là quốc gia có đa số sắc tộc Shia tuyên bố sẳn sàng can thiệp quân sự vào Iraq để ngăn chận lực lượng ISIS vốn thuộc sắc tộc Sunni)

Báo chí và công luận Việt Nam (lẽ đương nhiên) đang đặt chú ý vào vấn đề biển Đông ... và trong thâm tâm người Việt cho rằng vấn đề biển Đông sẽ là trọng tâm của sân khấu chính trị quốc tế trong thời điểm này. Nhưng thực ra, so sánh giữa 3 cuộc khủng hoảng nói trên thì chính cuộc khủng hoảng ở biển Đông là cuộc khủng hoảng “bé” nhất, có tầm ảnh hưởng giới hạn nhất đối với thế giới nói chung, đối với hai siêu cường Nga và Mỹ nói riêng .... và chỉ có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với Trung Quốc (và đương nhiên là với Việt Nam vì Việt Nam đang là “con vật thí nghiệm” của chính sách “thử lửa nắn gân” của Trung Quốc hiện nay).

Lý do rất đơn giản: Iraq hiện nay cung ứng khoảng 15% tổng sản lượng dầu hỏa do OPEC sản xuất. Một cuộc chiến tranh xẩy ra ở Iraq giữa hai “nhánh” Hồi giáo Shia và Sunni sẽ làm giảm nguồn cung cấp năng lượng cho thế giới (nhất là cho Trung Quốc) tạo ra những hệ lụy về kinh tế thương mãi toàn cầu ... và làm cho vị trí “sen đầm” của Mỹ ở Trung Đông càng thêm lung lay..

Còn khủng hoảng ở Ukraine là một cuộc khủng hoảng kiểu “cháy nhà” ngay bên hàng xóm của Châu Âu, tức là một cuộc khủng hoảng nếu vuột khỏi sự kiểm soát có thể lây lan sang các nước khác trong vùng Baltic .. và sau đó là cháy sang tận các nước Tây Âu. Vã lại, cuộc khủng hoảng ở Ukraine có một hệ lụy rất trực tiếp đến Châu Âu, đó là vấn đề khí đốt. Hiện nay Nga cung cấp khoảng 25% yêu cầu khí đốt của Châu Âu và hầu như toàn bộ lượng khí đốt này đều chạy ngang qua lãnh thổ của Ukraine. Bất cứ một “căng thẳng” nào giữa Nga và Ukraine sẽ khiến Nga cắt khí đốt chạy sang Ukraine ... và dĩ nhiên là Châu Âu sẽ “lãnh đủ”.

Trong khi đó, bình tâm nhìn kỹ thì thấy biển Đông ... dù có “dậy sóng” đến bao nhiêu ... thì trước mắt cũng chẳng gây một ảnh hưởng trực tiếp nào về mặt kinh tế thương mãi cho Tây Âu và cho Mỹ. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Tây Âu cũng chỉ chiếm một số lượng nhỏ so với số lượng hàng nhập từ các quốc gia Châu Á khác, nhất là so với Trung Quốc. Biết rằng chính sách hiện nay của Trung Quốc là “bành trướng” và trước nhất là phải “nuốt trọn” cái biển Đông: vừa để chủ động kiểm soát tuyến đường hàng hải huyết mạch cho nền kinh tế của Trung Quốc, vừa bảo đảm an ninh quốc phòng cho chính Trung Quốc, vừa có khả năng “hất” được Mỹ ra khỏi vùng biển này .... Bởi thế cho nên mấy năm trước đây (trước khi nổ ra khủng hoảng ở Syria và trước khi Nga bắt đầu chính sách “khôi phục” lại vị thế của Liên Xô một thời) Obama đã tuyên bố một cách hoành tráng chiến lược “chuyển đổi tâm điểm của chính sách ngoại giao Mỹ sang Châu Á (Pivot to Asia) ... tức là giảm bớt áp lực quân sự của Mỹ ở Châu Âu và chuyển trọng tâm sang Châu Á với mục tiêu  kiềm chế Trung Quốc.

Nhưng chỉ trong vòng có mấy năm, cục diện thế giới thay đổi với cuộc khủng hoảng ở Ukraine, rồi khủng hoảng ở Syria ... lây lan sang Iraq ... đang làm Mỹ phải (dù không chính thức tuyên bố) ... “Pivot to .... West again”.

Trung Quốc chắc chắn là ý thức rất rõ thế bí hiện nay của Mỹ (bị cầm chân ở Châu Âu và bị động ở Trung Đông), và cũng biết là Nga đang tìm kiếm đồng minh trong vụ Ukraine ... nên cả Mỹ lẫn Nga sẽ không dại gì mở thêm một mặt trận với Trung Quốc ở biển Đông.

Đối với Trung Quốc, hiện nay thế cờ quốc tế với các cuộc khủng hoảng nói trên đang tạo ra thòi cơ lớn cho Trung Quốc: “một mình một chợ” trên biển Đông để có thể mở các hoạt động bành trướng trong khu vực và lấn át Việt Nam (vốn hiện nay khá bị “cô đơn” về ngoại giao ngay cả trong vùng) mà không lo ngại Mỹ hay Nga trực tiếp “can thiệp”.

Bằng cớ là cho đến nay cả Mỹ lẫn Châu Âu cũng chỉ có những tuyên bố “quan ngại” về những căng thẳng ở biển Đông, và cũng chỉ giới hạn ở chổ “mong muốn các bên” sớm tìm ra giải pháp trong hòa bình ... “Các bên ...” chứ cũng chẳng dám nêu đích danh tên cúng cơm Trung Quốc !!!

Còn Nga ? Nga thì một tay ký kết hợp đồng giá trị 400 tỉ đô-la để cung cấp khí đốt cho Trung Quốc trong vòng 30 năm (như vậy là Nga đã tìm được khách hàng mới để thay thế khách hàng Châu Âu trong trường hợp bị trừng phạt cấm vận lâu dài vì vấn đề Ukraine), tay kia ký kết hợp đồng kếch xù bán tàu lặn và vũ khí cho Việt Nam. Nga đang ở thế “ngư ông đắc lợi” trong cuộc tranh chấp ở biển Đông. 

Roma, 23/06/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét