9 tháng 5, 2018

Cục nợ Berlusconi.


Bây giờ là 22h00 ngày 09/05/2018. Tôi không dám chắc là những gì tôi viết ra đây bây giờ đến sáng mai 10/05/2018 có còn "thời sự" hay không. Tuy nhiên vẫn viết.


Nước Ý hôm 04 tháng 3 vừa rồi đã đi bầu lại quốc hội, và từ hôm đó đến nay đã hơn hai tháng trời Ý vẫn chưa có một chính phủ mới. (Theo hiến pháp hiện hành thì cử tri Ý chỉ đi bầu đại biểu quốc hội (thượng nghị sĩ và dân biểu hạ viện), và sau đó quốc hội mới bầu ra Thủ tướng và hội đồng chính phủ. Cũng như sẽ chính quốc hội sẽ bầu ra Tổng thống (nhiệm kỳ 7 năm). Tức là cử tri Ý, khác với trường hợp ở Pháp hay ở Mỹ, không trực tiếp bầu Thủ tướng hay Tổng thống. Nói dài dòng như trên để cho thấy lối nói mị dân của những lực lượng chính trị dân tuý như đám 5 sao hay Lega, hay những lực lượng hũu khuynh như Forza Italia hay Fratelli d'Italia (cựu phát xít), cứ hay "đe doạ" Tổng thống Ý rằng nếu Tổng thống không "tạo thuân lợi" cho các lực lượng chính trị dân tuý và hữu khuynh lập chính phủ (dù rằng trong các lực lượng này chẳng có lực lượng nào có được đa số trong quốc hội để được Tổng thống đề cử lập chính phủ) có nghĩa là Tổng thống đã đi ngược lại "nguyện vọng của cử tri" (nguyện vọng ở đây "bị" hiểu như thể cử tri đã trực tiếp đi bầu Thủ tướng).

Sau hai tháng ròng rã đánh xì phé, thấu cáy, hù doạ lẫn nhau ... hai lực lượng dân tuý 5 sao và Lega vẫn không đi đến một giải pháp khả thi nào để đứng ra lập chính phủ.

Vấn đề cốt lõi là sự hiện diện của Berlusconi.

Sự việc là thế này: đám 5 sao là lực lượng chính trị (không gọi là đảng chính trị, và đám 5 sao vẫn tiếp tục tự xưng là "phong trào quần chúng" chứ không phải là đảng chính trị, bởi vì đảng chính trị là thứ "mô hình" đã thối nát, cần phải dẹp bỏ như rác rưới) coi như là đảng có số phiếu cao nhất 32,7%. Trong khi đó liên minh hữu khuynh (gồm Lega, Forza Italia và Fratelli d'Italia) lại là liên minh thắng cử với số phiếu 37,5%. Nhưng vấn đề là không phe nào được đến 40% để có đa số trong quốc hội, do đó dù muốn dù không bắt buộc đám 5 sao phải đi tìm "đồng minh" để lập chính phủ.

Dĩ nhiên "canh bạc" mà 5 sao nhắm đến là làm liên minh với Lega (5 sao 32,7%, Lega 17,6, như thế cộng chung lại thì đã dư sức có đa số trong quốc hội). Trong thời gian qua, trong những lúc "dầu sôi lửa bỏng" 5 sao cũng đưa "sáng kiến" đói thoại để mở liên minh với đảng PD (18%).Về mặt "toán học" thì liên minh với đảng PD cũng dư sức cho 5 sao có đa số lập chính phủ. Nhưng trên thực tế liên minh giữa 5 sao và PD hoàn toàn không khả thi vì hai đảng quá khác biệt nhau (dù rằng công luận bây giờ vẫn hay nhập nhằng bảo rằng phân biệt tả hay hữu cũng chẳng có nghĩa lý gì, nhưng trên thực tế, sự khác biệt giữa 5 sao và PD vẫn như lửa với nước). Do đó ai cũng có thể thấy rõ ràng là lá bài liên minh với PD chỉ là một lối tháu cáy của 5 sao để tìm cách áp lực lên Lega hòng đi tìm đa số lập chính phủ. (Kiểu như cô gái rao tin rằng ... nếu không lấy em .. thì em đi lấy thằng kia).

Nhưng cái khúc mắc lớn nhất trong canh bạc liên minh 5 sao và Lega là .... Berlusconi. Xưa nay dựa theo lối tuyên truyền mị dân kinh điển của 5 sao thì Berlusconi là hiện thân của một tầng lớp chính trị thối nát lạm quyền cần phải đạp đỗ (và cũng chính nhờ thế mà 5 sao đã thu hút nhiều cử tri, kể cả những cử tri của PD vốn không ưa Berlusconi). Nhưng chẳng lẽ sao bao nhiêu năm tẩy chai và mắng nhiết Berlusconi ... bây giờ 5 sao lại đứng ra lập chính phủ trong đó có sự hiện diện của Forza Italia của Berlusconi ? Nếu thế là coi như 5 sao ... hoàn toàn "mất trinh" trước mắt của cử tri. Do đó, 5 sao, cho đến bây giờ, vẫn cương quyết đòi lập chính phủ với riêng Lega chứ không lập chính phủ với liên minh hữu khuynh (bao gồm cả Forza Italia).

Nhưng khổ nỗi là Lega, tức là Salvini, không thể vứt "cuốn rún" với Berlusconi vì hai lý do rất đơn giản:

a) lập chính phủ 5 sao và toàn bộ liên minh hữu khuynh thì Salvini mới có "thế" làm cao với Di Maio, vì cộng hết cả đám hữu khuynh thì Salvini ngồi vào bàn phé với trọng lượng 37,5% (trong khi 5 sao chỉ được 32,7%). Trong khi nếu bỏ rơi liên minh hữu khuynh và ngồi vào sòng bài đơn thân độc mã với Dai Maio thì Salvi chỉ được trọng lượng là 17,6%, tức là ở vị thế lép vế, kiểu đi làm vợ bé cho Di Maio.

b) hiện nay trong nội bộ liên minh hữu khuynh thì Lega là lực lượng lớn nhất (17,6%), qua mặt cả Forza Italia của Berlusconi (14%), và thậm chí ngay trong nội bộ lãnh đạo của Forza Italia cũng đang có những khuynh hướng muốn ... nhảy sang thuyền của Lega (tư duy xưa nay vãn là nhảy lên cỗ xe của người thắng cử). Và Salvini đang nuôi mộng về lâu về dài thôn tính phần lớn đảng Forza Italia, lợi dụng thế yếu kém và "món hàng Berlusconi" đã bị quá đát. Do đó Salvini không muốn bỏ rơi liên minh trung hữu.

5 sao thì chỉ muốn lập chính phủ với riêng Lega. Salvini thì không muốn cắt cuốn rún với Berlusconi ... Tình hình như thế đã kéo dài hơn hai tháng nay bất phân thắng bại.

Theo tin báo chí hôm nay thì chính 5 sao và Lega đã chính thức "năn nỉ" Tổng thống Mattarella cho thêm 24 tiếng đồng hồ (tức là cho đến ngày mai) để hai lực lượng này "tìm ra giải pháp" để lập chính phủ. Nói trắng ra là tìm ra cách để "giải quyết" cục nợ Berlusconi.

Sau khi bầu cử quốc hội xong, công luận vẫn nghĩ rằng sẽ nhanh chóng có một chính phủ 5 sao + Lega, chả thế mà có người đã vẽ lên vách gần quốc hội hình Di Maio và Salvini hôn nhau đắm đuối (nhạy theo hình hôn nhau giữa Breznev và Honecker). Bây giờ sau hai tháng, "đám cưới" giữa Dai Maio và Salvini vẫn chưa thành hiện thực. Người ta có thể ví von rằng "đôi trẻ không/chưa lấy nhau được vì .... có ông bố của Salvini (là Berlusconi) đang làm cản mũi kỳ đà".



Theo các thông tin rò rĩ thì trong 24 tiếng đồng hồ vừa qua, Berlusconi đã là "tâm bão" của tình hình chính trị hiện nay ở Ý. Tất cả các lực lượng chinh trị đang tìm cách "thương thuyết" với Berlusconi để tìm giải pháp vượt qua được khúc mắc Berlusconi để đôi trẻ Di Maio và Salvini có thể làm "đám cưới". 

5 sao thì ráng thuyết phục Berlusconi ... "xê qua một bên". Salvini thì đang gồng mình làm bảo kê để Berlusconi có thể yên lòng "xê qua một bên". Mà ngay đến cả đảng PD cũng đã ra sức thuyết phục Berlusconi "xê qua một bên", dù rằng mục tiêu của PD có khác với 5 sao và Lega: PD sợ rằng nếu không có "chính phủ" thì sớm muốn gì lại sẽ đi bầu quốc hội lại (5 sao và Lega hù dọa là nếu không "lấy nhau" được chúng sẽ tìm cách cho đi bầu lại vào tháng 7), và từ đây đến tháng 7 PD chắc chắn sẽ không đủ sức và có đủ thời giờ để chấn chỉnh lại đảng vốn đang bị chia rẽ trầm trọng, và như thế lại có khả năng là lần bầu cử tới PD lại sẽ tụt hậu thêm. 

Và "nghe phông phanh" là ngay cả người của Tổng thống Mattarella cũng đã có "liên hệ" với Berlusconi (chắc chắn là thông qua quân sư quạt mo của Berlusconi là Gianni Letta) để tìm cách thuyết phục Berlusconi "xê qua một bên". Lý do là Mattarella không muốn phải lấy trọng trách (dù rằng hợp pháp) đứng ra chỉ định một chính phủ của Tổng thống, kiểu chính phủ kỹ trị Monti, và dù cho có lập chính phủ như thế thì cùng chỉ kéo dài đến hết 2018 rồi sau đó lại đi bầu lại. Đấy chỉ là kế hoạch gần như "bất đắc dĩ" mà Mattarella muốn tránh. Phải nói thêm là một chính phủ của Tổng thống (kiểu Monti) như kể trên cũng sẽ là một đòn "chí tử" cho PD: bởi vì cho đến nay, chỉ có đảng PD là đảng duy nhất tuyên bố sẽ ủng hộ lá bài chính phủ của Tổng thống. Điều này có nghĩa là trong trường hợp như thế thì PD sẽ là đảng làm bia hứng đạn cho chính phủ kỹ trị và nhường hết các quyền phê phán chống đối, đối lập, lại cho các đảng dân tuý 5 sao và Lega và đảng hữu khuynh Berlusconi, với thành quả là đến đầu năm 2019, khi đi bầu lại thì PD càng thêm mất phiếu trong khi các đảng dân tuý và hữu khuynh thì lại có cơ tăng phiếu do sự chống đối lại các quyết định khó khăn của chính phủ kỹ trị.

Nhìn chung là hiện nay, lực lượng chính trị nào, từ dân tuý đến hữu khuynh, đến cánh tả đều đang có gắn thuyết phục Berlúconi "xê qua một bên". Nhưng vì sao mà Berlusconi không muốn "xê qua một bên"?  Rất dễ hiểu, đây là điểm then chốt của hiện tượng chính trị ở Ý mấy chục năm nay được gọi là "conflitto d'interessi" (mâu thuẩn quyền lợi). Berlusconi là một đại gia, có trong tay cả chục cơ sở kinh tài từ truyền thông đến tài chính, ngân hàng, và có thể chi phối nặng nề nền chính trị xã hội của Ý. Và cũng chính để bảo vệ tất cả các cơ ngơi này mà Berlusconi đã nhảy ra làm chính trị (sau khi người bảo kê chính trị của hắn là Craxi bị hạ bệ). Trong hơn hai thập niên, lúc ở thời điểm thịnh vượng của mình, Berlusconi (thông qua đa số cực lớn trong quốc hội) đã cho thông qua hàng loạt sắc luật để bảo vệ cơ ngơi của hắn: đầu tiên là bỏ qua tình trạng "mâu thuẩn quyền lợi" của chính hắn (vừa làm Thủ tướng vừa là đại gia giàu có có thể khuynh đảo chính trị xã hội Ý theo những điểm thuận lợi cho hắn), bãi bỏ các sắc luật thuế khoá đánh mạnh vào tài sản, bãi bỏ luật tài chánh đánh thuế lên gia tài (như thế hắn có thể chuyển giao phần lớn các cơ sở kinh tài cho con cháu mà không bị đánh thuế). 

Vấn đề là nếu bây giờ Di Maio và Salvini làm "đám cưới" với nhau, ai dám bảo đảm rằng chính phủ 5 sao + Lega sẽ tiếp tục giữ hết các quyền lợi của đại gia Berlusconi trong khi Forza Italia đứng ngoài chính phủ ?

Chừng nào Berlusconi yên tâm được vấn đề "mâu thuẩn quyền lợi" vừa kể trên ... thì Di Maio và Salvini mới hy vọng có thể "thành hôn".

Roma, 09/05/2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét