26 tháng 3, 2012

Thánh chiến về luật lao động 18 ở Ý

Mấy tuần nay ở Ý nổ ra một cuộc tranh hùng giữa chính phủ và công đoàn về các đề luật cải tổ lại thì trường lao động, nhất là cuộc thánh chiến một mất một còn trên điều luật lao động 18.
Đang đắng đo nặn óc tính "post" một bài bình loạn về chuyện này .... thì sáng nay 25/03/2012 trên tờ nhật báo "la Repubblica" có đăng bài xã luận của nhà báo kỳ cựu Eugenio Scalfari mang tựa đề "Governo e sindato uniti nell'errore" (Chính phủ và công đoàn cùng nhau mắc lỗi), thấy hay quá, nên không viết nữa mà chuyển ngữ bài này vậy (có thêm mấy câu bình loạn của người dịch ở cuối bài)


Governo e sindacato
uniti nell'errore

di EUGENIO SCALFARI
http://www.repubblica.it/politica/2012/03/25/news/governo_e_sindacato_uniti_nell_errore-32158824/?ref=HRER2-1 
Tổng thống Giorgio Napolitano, để diển tả một cách chính xác các quan điểm của chính phủ và của công đoàn về “điều luật lao động số 18”, đã nói; đó là hai biểu tượng trái nghịch nhau (simbolismi contrapposti). Báo chí, trong suốt cả tháng nay, cũng đã viết về hiện tượng này: kể từ khi hai biểu tượng nói trên đã chế ngự toàn bộ các mạng truyền thông, công luận không ngớt bàn tán về nó, và đã nổ ra tong suốt  quá trình tranh luận chính trị trong thời gian gần đây.

(Điều luật lao động 18 ở Ý: cấm sa thải lao động nếu không có lý do chánh đánh. Lý do chánh đáng có nghĩa là chẳng hạn như người lao động vi phạm quy tắc lao động, hoặc ăn trộm ăn cắp, hoặc có những hành vi chống phá lại hảng xưởng. Chủ yếu của điều 18 là để tránh hảng xưởng tự do sa thải nhân công khi gặp khó khăn về kinh tế hay tài chánh – chú thích của người dịch)

Biểu tượng có vai trò mô tả một cách đơn giản tối đa một sự thật nào đó. Mà mỗi sự thật đều chỉ có giá trị tương đối, bởi vì sự thật nào cũng được hiểu tùy theo lăng kính của người nhìn và tùy theo hoàn cảnh sống của mỗi chúng ta, và do đó các quá trình đơn giản hóa rồi đều không tránh khỏi việc đẻ ra những vị trí trái nghịch nhau một cách sâu sắc: một luận điểm được đưa ra rồi sẽ có ngay một luận điểm phản biện. Kết quả của những cuộc tranh luận như thế thì thông thường, trong trường hợp tối ưu, là đưa đến một “luận điểm tổng hợp” (mà trong ngôn từ chính trị người ta gọi là “thỏa hiệp” (compromesso)), hoặc trong trường hợp tồi tệ nhất là đưa đến những cuộc xung đột.

Do đó rất là nguy hiểm khi mọi chuyện đều chỉ dựa trên các biểu tượng. Chính các vị thế đối nghịch nhau một cách thảm hại đã đẻ ra những màn chiến tranh tàn khốc: năm 1914 việc ám sát người thừa kế của dòng dỏi Asburgo (ám sát Hoàng tử Francesco Ferdinando, người thừa kế của đế chế Áo-Hung, tại Sarajevo, thủ đô của Serbia) đã châm ngòi nổ cho Đệ I thế chiến đã gây tử vong cho 10 triệu nhân mạng. Năm 1939 ngòi nổ của cuộc Đệ II thế chiến là thành phố Danzica (Đức tấn công Ba Lan) và con số tử vong là 30 triệu, chưa kể đến con số thiệt mạng do nạn diệt chủng Shoah (chính sách chống người Do Thái của Đức Quốc Xã) gây ra.

May mắn là ngày hôm nay sự kiện tương phản của các biểu tượng đương thời không có người chết lẫn người thương tật, nhưng, trong trường hợp không đi đến được một thỏa hiệp nào đó giữa hai vị trí đối nghịch nhau, nó sẽ đẻ ra một sự biến động xã hội và chính trị cực kỳ to tát: chính phủ Monti có thể ngã, đảng Dân Chủ (Partito Democratico) có thể chịu cảnh “chia năm xẻ bảy” và cánh tả của xã hội Ý có thể đi đến “dẹp tiệm”, chỉ số “spread” có thể tăng trở lại lên đến mức độ bất kham với những hệ lụy đen tối cho toàn bộ Châu Âu. Và tất cả kịch bản bi thảm này ... chỉ vì hai vị thế đối nghịch nhau muốn chứng minh cho thiên hạ thấy, xin lỗi giọng văn lỗ mãng nhưng cũng cực kỳ súc tích, “của ai bự hơn”.

Thực tế cho thấy là “điều luật 18” hầu như chẳng có mấy ảnh hưởng đến môi trường lao động. Con số những vụ thưa kiện dựa trên luật 18 để giữ công ăn việc làm cho người lao động, theo thống kê của khoảng 10 năm trở lại đây, trên dưới khoảng một vài ngàn, và nhất là điều luật 18 này hoàn toàn không có một ảnh hưởng gì trong quá trình tăng trưởng nền kinh tế sản xuất hàng hàng hóa (khác với nền kinh tế tài chánh) và cũng chẳng có tác hại gì đến các cấu trúc cơ bản của nền kinh tế. Mặc dù có sự hiện diện của điều luật 18 nhưng những chỉ số kinh tế như lợi tức kinh doanh, mức lương, doanh số xuất khẩu, khả năng mua sắm ... trồi sụt hoàn toàn do tác động của những nguyên nhân khác. Còn nếu muốn nói đến việc bảo vệ giới lao động tránh sa thải không có lý do chánh đáng ... thì cũng đã có những đạo luật trước đạo luật 18.

Những lý do khiến Thủ tướng Monti phải “đụng” đến luật 18 trong chính sách cải tổ thị trường lao động cũng rất rõ: thị trường muốn thấy nhà nước Ý có một dấu hiệu đảm bảo sự cáo chung của quyền phủ quyết của công đoàn, có nghĩa là sự cáo chung của mô hình “hòa đàm” (concertazione) giữa các lực lượng kinh tế và chính trị trong xã hội: giữa hiệp hội doanh nhân với công đoàn với sự có mặt của chính phủ. Nhưng ai bảo đảm rằng đấy là yêu cầu thật sự đến từ thị trường ? Thị trường không phải là một “pháp nhân” duy nhất, mà là một tổng thể của nhiều “pháp nhân”, mà mỗi “pháp nhân” là một đại diện cho một giới kinh tế nào đó với cách nhìn và cách đánh giá kinh tế với những nét đặc thù riêng biệt. Điều mà người ta tự hỏi là điều gì sẽ xẩy ra khi những hệ lụy của việc thay đổi điều 18 này sẽ tạo ra những biến động lớn trong xã hội.

Cho đến nay thì “mặt trận” NO-TAV (phong trào dân sự chống lại việc xây tuyến đường xe lửa cao tốc nối Torino với Lyon của Pháp) đã “hút” hết tất cả những bực dọc tức giận của xã hội gây ra bởi những chính sách hy sinh thắt lưng buộc bụng của các điều luật “cứu quốc” (salva Italia). Nhưng NO-TAV là một “mặt trận” với nhiều giới hạn mang tính chất địa phương cục bộ để có thể trở thành một mặt trận quốc gia trải dài từ Torino ra đến Palermo. Nhưng nếu lá cờ của mặt trận NO-TAV biến tướng từ “chống xe lửa cao tốc” thành “chống sa thải thợ thuyền” trong thời buổi kinh tế trì trệ ... thì cũng có nghĩa là nền hòa bình trong xã hội cũng có thể bị đảo lộn và cũng rất có thể đó là lý do khiến thị trường sẽ đánh giá xấu khả năng tăng trưởng của nền kinh tế Ý.

Vã lại điều 1 của hiến pháp Ý đã chẳng khẳng định rằng “Cộng Hòa Ý dựa trên lao động” ? Chẳng lẽ điều này chỉ  là điều khoảng “lấy lệ” ? Hoặc chính là điều khoảng cơ sở mà các nhà lập pháp (Quốc Hội) phải lấy đó làm lề ?

Cũng nên nhắc lại rằng chính tờ “la Repubblica”, và riêng bản thân tôi, đã là những lực lượng khởi xướng cho sự ra đời của chính phủ Monti và ủng hộ chính phủ này trong chính sách cải tổ lại thị trường lao động, cải tổ mà theo cách đánh giá của chúng tôi là có giá trị trong hầu hết phần lớn của dự luật: chống lại mô hình lao động bất ổn định, mở rộng các biện pháp bảo vệ đến các tình trạng thất nghiệp, thúc đẩy khuyến khích áp dụng các hợp đồng lao động vô thời hạn, linh động để thúc  đẩy khả năng tạo công ăn việc làm cũng như để đối phó trong trường hợp mất công ăn việc làm. Chỉ vì để bảo vệ một biểu tượng không có giá trị sâu rộng mà đánh đổ cả một loạt chính sách cải tổ với những ưu điểm như vừa kể trên có nghĩa là mắc phải một lỗi lầm chính trị rất lớn. Và với một chính phủ không phải chỉ đơn thuần là kỹ trị - như nhiều người, thậm chí đến cả Monti, đã sai lầm khi cứ nhắc đi nhắc lại cái chi tiết “kỹ trị” – mà là một chính phủ chính trị một trăm phần trăm, thì sai lầm chính trị nếu có lại càng thêm nặng.

Dĩ nhiên là Quốc hội sẽ có mọi quyết định tối hậu và chính các lực lượng chính trị sẽ có trách nhiệm điều chỉnh lại những sai lầm xuyên qua quá trình sửa đổi lại các điều khoảng nhầm thay đổi luật 18. Các lực lượng chính trị đang ủng hộ chính phủ Monti liệu có đủ khả năng tiến đến những đồng thuận về vấn đề 18 này hay không ?

Chỉ nói đến thái độ và vị trí của chính phủ trong chuyện này là chưa đủ. Đến đây cũng cần phải nói đến thái độ và vị trí của công đoàn CGIL, bởi vì chính CGIL cũng đang đấu tranh để bảo vệ một biểu tượng “có tiếng hơn là có miếng”.

(CGIL là công đoàn lớn nhất ở Ý, hai công đoàn khác là CISL và UIL – Chú thích của người dịch)

Ai cũng biết là bà Susana Camusso (Tổng thư ký CGIL) cần phải chung sống với FIOM (Công đoàn của các thợ thuyền lao động trong các cơ sở sản xuất kỹ thuật), CGIL cũng như FIOM, công đoàn nào cũng vấn đề nội bộ cũng như đến từ bên ngoài. Nhưng nếu phải đưa cả đất nước vào một cuộc thánh chiến một mất một còn chỉ vì một biểu tượng ... thì đất nước có thể sẽ phải đối đầu với những hậu quả bất hạnh. Bà Camusso phải có khả năng đưa ra những sáng kiến để có thể tiến đến một thỏa hiệp cho công đoàn. Chẳng hạn như Camusso có thể chấp nhận đề nghị áp dụng mô hình của Đức về việc sa thải lao động với lý do kinh tế hay không ? Một vài bộ trưởng trong chính phủ Monti bảo rằng họ đã có đưa đề nghị này cho công đoàn CGIL, và phía bà Camusso cũng đã có phản hồi tích cực. Và nếu tin đồn trên là đúng, bà Camusso phải có can đảm nói chính thức trước công chúng, và chỉ có như thế mới có nghĩa là giúp cho những ai muốn tiến đến một giải pháp tổng thể hài hòa giữa hai biểu tượng đối nghịch nhau và để cứu lấy những ưu điểm của toàn bộ chính sách cải tổ thị trường lao động. Nhưng cho đến nay, theo các thông tin mà người ta có trong tay, thì bà Camusso vẫn còn khăng khăng tuyên bố rằng điều luật 18 là bất khả xâm phạm. Nhưng đối với chúng tôi (tờ “la Repubblica”) trên đời chẳng có giá trị gì có thể gọi là “bất biến”. Chẳng hạn như Tòa thánh có toàn quyền răn đe giáo dân về việc tôn trọng những chân lý bất khả xâm phạm của Nhà thờ, nhưng nếu Tòa thánh nằng nặc đòi biến những chân lý tôn giáo ấy thành luật pháp của một Nhà nước .. thì không được. Ở đời không có giá trị gì là bất khả xâm phạm trừ những chân lý về “pháp quyền”, về “đạo đức ứng xử trong xã hội”, và về “bình đẳng trước pháp luật”.

Trong lãnh vực lao động chỉ có quyền được đại diện cho người lao động trong cơ sở sản xuất là bất khả xâm phạm (tức là quyền hoạt động công đoàn trong các nhà máy).

Điều luật 18 chắc chắn là một thành tích lớn cho giới lao động, nhưng áp dụng điều luật 18 theo cách thức nào, mô hình nào ... thì không phải là bất biến.

Cách đây không lâu tôi (E. Scalfari) đã có một trận khẩu chiến với bà Camusso: lần đó tôi nhắc đến một buổi nói chuyện với Luciano Lama (1921-1996 - Tổng thư ký CGIL từ 1970 đến 1986) vào năm 1984 (trong đó Lama đã có những tuyên bố về một thị trường lao động phải uyển chuyển thay đổi để đương đầu với những thách thức mới trong thời buổi kinh tế toàn cầu hóa – chú thích của người dịch) ... và bà Camusso đã có phản ứng bực bội. Cũng cần nhắc lại quan điểm và vị trí thời đó của Luciano Lama, cũng như của Carniti, của Benvenuto, của Trentin. Đấy là những lãnh đạo lịch sử của phong trào công đoàn ở Ý, sau thế hệ của Bruno Buozzi và Di Vittorio (thế hệ đầu của công đoàn Ý). Mục tiêu lớn của những lãnh đạo lịch sử này không phải chỉ là tranh đấu quyền lợi cho giới lao động ... mà chủ yếu là phải nâng giai cấp thợ thuyền lao động trở thành giai cấp toàn bộ của xã hội. Và để đoạt được mục tiêu nói trên chỉ có con đường duy nhất là biến giai cấp lao động trở thành giai cấp đầu tàu gồng gánh trên vai tất cả những tranh đấu vì quyền lợi chung cho cả đất nước và để lùi lại một bước tất cả những quyền lợi cục bộ riêng của giới lao động thợ thuyền.

Tất cả các lãnh đạo lịch sử công đoàn nói trên đã xứng đáng lưu danh hậu thế. Nhưng còn những lãnh đạo công đoàn hôm nay cứ khăng khăng ôm lấy điều luật 18 ... thì e rằng khó mà lưu danh cho hậu thế.

Nếu như theo thống kê đã kể ở trên, các trường hợp kiện tụng về lao động dựa theo điều luật 18 chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì thống kê này có giá trị cho cả chính phủ lẫn công đoàn, giá trị cho bà Bộ trưởng lao động Elsa Fornero cũng như cho bà Tổng thư ký công đoàn CGIL. Cả hai nhân vật chánh trong cuộc tranh hùng về cải tổ thị trường lao động đều đang sai lầm và sẽ phải gánh chịu những trách nhiệm nặng nề. Đề nghị hai bà chịu khó đắn đo suy nghĩ lại trước khi quá trễ. Đề nghị cả Thủ tướng và các Bộ trưởng trong Hội đồng chánh phủ cũng nên có những đắn đo suy xét. Một vài bộ trưởng cũng đã bắt đầu có những “ý tưởng” trong kỳ họp chính phủ hôm thứ sáu vừa qua. Điều này cũng đã là những hồi chuông cảnh báo đáng giá.

Yêu cầu những Di Pietro, những Vendola, những Diliberto suy nghĩ .... chỉ là chuyện công cóc. Mấy chính khách đó không thấy gì quá khỏi “lũy tre làng”. Nhưng còn đối với các lực lượng chính trị nằm trong phe đa số “lập dị” người ta cũng có quyền yêu cầu suy xét một cách cẩn trọng những gì sẽ xẩy ra trong Quốc hội nay mai.

Pier Luigi Bersani, Tổng thư ký đảng Dân Chủ, sẽ đề nghị mô hình của Đức áp dụng quyền sa thải lao động vì lý do kinh tế. Theo mô hình Đức thì trước hết giữa phía chủ nhân và công đoàn sẽ có những đề nghị hiệp thương để giải quyết vấn đề. Trong trường hợp hiệp thương thất bại (theo thống kê thì những hiệp thương thất bại chiếm khoảng 11% trong các vụ sa thải) thì vụ việc sẽ được đưa ra tòa án lao động, ở đó tòa án hoặc quyết định hủy bỏ lệnh sa thải (nhân công được thu hồi lại) hoặc quyết định áp dụng sa thải có đền bù xứng đáng.

Về mô hình Đức thì đảng Dân Chủ khá nhất trí. Thậm chí đến Squinzi, tân Chủ tịch của Hiệp hội doanh nhân Ý (Confindustria), cũng có vẻ đồng thuận với mô hình này.

Ẩn số còn lại là đảng Tự Do (Partito della Libertà của Berlusconi) hay ít nhất cũng là một bộ phận dân biểu Quốc hội thuộc đảng này. Chưa biết đảng Tự Do sẽ có quyết định ra sao ở Quốc Hội. 

Điều tiên quyết là chính phủ nên tránh giải pháp “bỏ phiếu tín nhiệm” (voto di fiducia – trong trường hợp này chính phủ gián tiếp áp lực tất cả các dân biểu Quốc hội của phe đa số phải bỏ phiếu cho chính phủ, vì nếu không đủ phiếu thông qua thì chính phủ sẽ bị giải tán).

“Canh bạc” trong ván này là sự gắn kết chung sống hòa bình trong xã hội. Những trường phái cải cách thì đang ra sức bảo vệ canh bạc. Cầu mong trường phái này sẽ thắng, rằng những đề luật cải tổ thị trường lao động sẽ được thông qua, một cải tổ mà chính phủ cho rằng là tiền đề để phát triển kinh tế và tăng công ăn việc làm, đấy cũng là mơ ước chung của tất cả mọi người.

Eugenio Scalfari
(la Repubblica 25/03/2012)



Bình loạn của người dịch: Nước lên thì thuyền mới chạy, nước ròng mà cứ nằng nặc đòi lên thuyền thì cũng chẳng đi đến đâu. Kinh tế có phát triển thì bảo vệ hay không bảo vệ lao động công ăn việc làm vẫn có. Kinh tế trì trệ thì luật bảo vệ lao động cũng chẳng bảo về được ai, vì có công ăn việc làm đâu mà bảo vệ ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét