7 tháng 3, 2012

"Marò" Ý như là vật tế thần.


Vụ việc hai người lính “marò” (phát âm là ma-rố) của hải quân Ý bị Tòa án Kerala (Ấn Độ) ra lệnh tống giam trong khi chờ đợi cứu xét về nghi án đã bắn chết hai ngư dân Ấn Độ hôm 15/02 vừa qua.

“Marò” là một lực lượng đặc chủng của Hải quân Ý được huấn luyện để đổ bộ từ mặt biển lên chiến đấu trên đất liền, na ná có thể nói như kiểu lực lượng Thủy quân lục chiến của Mỹ.

Các chi tiết của vụ nổ súng làm thiệt mạng hai ngư dân Ấn Độ vẫn còn đang trong vòng cứu xét. Theo phiên bản của phía bên Ý thì hai quân nhân Ý có mặt trên tàu chở dầu Ý Enrica Lexie với nhiệm vụ bảo vệ thương thuyền phòng chống hải tặc đã bắn vào một chiếc thuyền đánh cá Ấn Độ bị tình nghi là thuyền của hải tặc đang tìm cách tiếp cận thương thuyền và đã làm thiệt mạng hai ngư dân Ấn Độ.Nhưng có một điểm đặc biệt là đối với chính phủ Ý thì vụ việc diễn ra trên hải phận quốc tế và tàu chở dầu mang quốc tịch Ý, và do đó hai quân nhân Ý phải chịu sự xét xử của tòa án Ý. Trong khi đó, đối với chính phủ Ấn Độ thì vụ việc xẩy ra trong hải phận của Ấn Độ, do đó Tòa án Ấn Độ có trách nhiệm xét xử hai quân nhân Ý.

Tàu chở dầu Enrica Lexie

Có thể nói rằng vụ “lính marò” là cú vấp đầu tiên của Chính phủ Mario Monti kể từ khi nhậm chức hơn 3 tháng qua. Cho đến nay, các cuộc thương thuyết của phía Bộ Ngoại giao Ý với chính phủ Ấn Độ đã không mang lại một kết quả nào cho nước Ý. Bộ ngoại giao Ý, với thái độ mềm mỏng, đến giờ phút này đã đi từ thất bại này đến thất bại khác: từ sáng kiến gặp gỡ gia đình của hai ngư dân đã bị phía lực lượng công an Ấn Độ “phá đám”, đến đề nghị “bồi thường” cũng bị từ khước. Và thậm chí đến hôm qua thì hai quân nhân của Ý đã bị tòa án Kerala hạ lệnh tống giam. Một cách mai mỉa mà nói thì thành công duy nhất của phía bộ ngoại giao Ý là ... trong chế độ tù hai quân nhân Ý được hưởng quy chế ẩm thực Ý thay vì phải ăn cơm cà-ry.

Chính phủ Ý đang bị các lực lượng chính trị hữu khuynh lên án là đã không dồn hết nổ lực tranh đấu để hai quân nhân Ý được “tại ngoại hầu tra”. Thậm chí chính phủ Ý bị kết án là đã sai lầm khi chấp nhận trao hai quân nhân Ý cho nhà cầm quyền Ân Độ trước đây.

Trong nội bộ hội đồng chính phủ, Thủ tướng Mario Monti cũng đã cảm thấy là vụ việc đang bắt đầu trở thành "rối rắm", và chính Thủ tướng cũng đã bày tỏ lo âu với Ngoại trưởng Ý, ông Giulio Maria Terzi di Sant'Agata, vốn vừa mới kết thúc một chuyến công du sang các nước Á Châu, trong đó có Ấn Độ (Ngoại trưởng Ý cũng vừa mới sang Việt Nam nhân dịp khánh thành mở rộng cơ sở sản xuất Piaggio ở gần Hà Nội).

Hai marò Ý, Massimiliano Latorre và Salvatore Girone, đang bị giải vào khám 

Câu hỏi được đặt ra là thái độ cứng rắn của Ấn Độ trong vụ tranh chấp này mang một nội dung gì ? Những nguyên nhân “hậu trường” nào đã khiến tòa án Kerela đã vội vã hạ lệnh tống giam hai quân nhân Ý trong khi chờ đợi xét xử đã khiến vụ việc đã “nóng” lại càng gây thêm căng thẳng trong quan hệ ngoại giao hai nước ? (Bộ ngoại giao đã triệu tập đại sứ Ấn Độ tại Roma để bày tỏ sự phản kháng).

Chủ tịch Đảng Congress, bà Sonia Gandhi, gốc Ý (Torino)
  1. Trước hết phải nói rằng quan hệ giữa Ấn Độ và Ý xưa nay không hề có “nợ nần lịch sử”  (khác với trường hợp của Ý với Lybia – vốn là thuộc địa của Ý vào những thập niên hai mươi của thế kỷ trước). So với trên dưới khoảng 60 triệu người Ý thì Ấn Độ là một anh khổng lồ với 1 tỉ 200 triệu dân và hiện nay là một trong những quốc gia “đang vươn lên”. Ấn Độ lại đang là một nước “đối trọng” với Trung Quốc về mô hình phát triển kinh tế xã hội và chính trị. Trung Quốc phát triển theo mô hình “tăng tốc vũ bão” với những hệ lụy xã hội và chính trị không dễ giải quyết  trong khi mô hình chọn lựa của Ấn Độ là “từng bước chậm nhưng chắc” với hy vọng giảm tối thiểu những hệ lụy xã hội chính trị. Có người ví von rằng Trung Quốc hùng hổ như cọp và Ấn Độ thì khỏe như voi. Trong một cuộc tranh hùng chưa ai biết voi và cọp ai thắng ai. Trở lại quan hệ với Ý: anh chàng khổng lồ Ấn Độ chằng có gì để đòi hỏi anh chàng tí hon Ý, và anh chàng tí hon Ý cũng chẳng có gì nợ nần với anh chàng khổng lồ Ấn Độ.
  2. Nhưng trong vụ sát hại ngư dân Ấn Độ này, cả hai nước Ấn Độ và Ý đều đang bị áp lực căng thẳng chính trị nội bộ của mỗi nước. Trong khi chính phủ Mario Monti đang bị các lực lượng chính trị, nhất là các lực lượng hữu khuynh và ái quốc cực đoan, chê trách, thì Ấn Độ cũng đang hành xử vụ việc trong bối cảnh chia rẽ nội bộ. Ấn Độ là một quốc gia trong đó các quyền lực quốc gia được phân chia giữa “Nhà nước trung ương” và các “tiểu bang”. Trong vụ việc này, quyền lực trung ương nhà nước gần như là bất lực trước quyền lực của tiểu bang. Tệ hơn nữa là quyền lực trung ương nhà nước hiện nay lại thuộc vào tay của một người phụ nữ .... Ý: bà quả phụ Sonia Gandhi (người Torino, đã trở thành vợ của cố Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi – là con của cố Thủ tướng Indira Gandhi. Cả Indira và Rajiv đều bị ám sát khi làm Thủ tướng). Sau khi chồng bị ám sát, bà Sonia Gnadhi đã thay chồng đứng vào vị trí Chủ tịch của đảng Congress, đảng cầm quyền hiện nay ở New Delhi. Và vị trí thân thế chính trị ngày một rộng lớn của Sonia Gandhi trong những năm gần đây đã bắt đầu tạo “khó chịu” cho một số lực lượng chính trị ở Ấn Độ, thậm chí cũng gây “khó chịu” ngay trong hàng ngũ lãnh đạo đảng Congress. Và từ đó, nguồn gốc Ý của bà Sonia Gandhi đã trở thành một thứ “khuyết điểm” để các đối thủ chính trị Ấn Độ tấn công. Na ná như một hình thức tấn công của các tế bào đề kháng chống lại một bộ phận ngoại nhập được ghép vào cơ thể của một bệnh nhân. Do đó, trong vụ hai quân nhân Ý thì chính vì cái quốc tịch gốc Ý của bà Sonia Gandhi đã không cho phép nhà nước trung ương có can can đảm can thiệp vào vấn đề ... nếu không muốn đẻ ra một “hội chứng chủng tộc”.
  3. Nhưng điều mà công luận nghi ngờ là một số lực lượng chính trị Ấn Độ đang cố tình lợi dụng vụ sát hại hai ngư dân để tạo ra một bầu không khí “anti-Italy”, và coi đó như là một “công cụ” để gián tiếp áp lực lên bà  Sonia Gandhi và gây khó khăn cho đảng Congress. Do đó, trớ trêu sự đời là thay vì là một khả năng để tạo dễ dàng trong việc xử lý vấn đề giữa hai nước Ấn Độ và Ý, bà Sonia Gandhi lại đang trở thành vật cản cho câu chuyện.
  4. Thêm vào đó, cũng cần nên biết là ở tiểu bang Kerala ngày 14/03 sẽ có một cuộc bầu cử “giữa nhiệm kỳ” của Hội đồng tiểu bang nơi mà hiện nay Thống đốc tiểu bang, ông Oommen Chandy đang nắm quyền chỉ với 71 phiếu thuận trong khi có đến 68 phiếu đối lập. Trước tình hình bấp bênh như thế, Thống đốc tiểu bang Kerela không thể nào lấy một thái độ “mềm mỏng” nếu không muốn làm mất lòng cử tri mà đa số là ngư dân và trong thời gian gần đây chính nền kinh tế hải sản  của tiểu bang đang bị khủng hoảng và chính Hội đồng tiểu bang đã bị phê phán là không có một chính sách kinh tế phù hợp để khôi phục ngành hải sản. Do đó, dù muốn dù không, ngày bầu cử gần kề, Thống đốc Chandy phải chứng tỏ khả năng “bảo vệ đất nước” trước một “hiểm họa xâm lăng” .... Và hai quân nhân Ý bị coi như là hai con vật tế thần cho mùa bầu cử tháng ba năm nay.
Roma, 06/03/2012
Huê Đăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét