18 tháng 2, 2013

Những tình tiết phía sau quyết định từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI.



 Sáng ngày 11/02/2013 trước mặt các Hồng y trong một buổi lễ Công nghị, Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố quyết định từ nhiệm: “Sau nhiều lần tự vấn mình trước Chúa, tôi đã cảm nhận được rằng do tuổi cao nên sức khỏe của tôi không còn thích hợp để hoàn thành sứ vụ mà Chúa đã ủy thác .... Thế giới hôm nay cực kỳ năng động và bị xáo động bởi nhiều vấn đề, do đó sứ vụ Giáo chủ cũng đòi hỏi người mang trọng trách phải có đầy đủ năng lực vừa của cơ thể vừa của linh hồn …”. Benedetto XVI đã tuyên bố như thế.

Chính bản thân của các chức sắc trong hàng giáo phẩm đều tuyên bố rằng quyết định từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng là hoàn toàn bất ngờ và gây sửng sốt cho Giáo hội. Tòa thánh ngay sau đó cũng đã chính thức nhìn nhận rằng Benedetto XVI đã tự mình lấy quyết định từ nhiệm một cách hoàn toàn tự do. Diễn nôm ra là Đức Giáo Hoàng không bị một áp lực nào dưới một hình thức nào.

Một “cơ chế” đồ sộ và phức tạp như Tòa thánh ... mà một quyết định có tính “cách mạng” như quyết định từ nhiệm của Giáo chủ ... chỉ là một "quyết định đơn phương" ??? Lại thêm “bất ngờ” ???

Sau khi Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI tuyên bố từ nhiệm sáng 11/02/2013, ngay chiều hôm đó một trận mưa giông lớn xẩy tại thành phố Roma, và một ánh sét đã nổ ngay trên tòa tháp của Thánh đường Vatican đã gây ấn tượng lớn trong công luận. - Ảnh của ANSA/Alessandro Di Meo



Theo một số “tin đồn” của giới am tường về thế giới Vatican thì quyết định từ nhiệm của Benedetto XVI không hẳn đơn giản chỉ vì lý do sức khỏe. Rất có thể vấn đề tuổi tác và sức khỏe chỉ là “bề nổi” của vụ việc.

Thực ra thì trên dưới khoảng một vài năm trở lại đây thỉnh thoảng cũng có nhiều “tin đồn” đưa ra giả thuyết về khả năng từ chức của Benedetto XVI.

Người ta còn nhớ là trước đây vào năm 2010, trong một cuộc phỏng vấn của ký giả Đức, ông Peter Seewald, người được ủy thác viết tiểu sử Đức Giáo Hoàng, không biết vô tình hay hữu ý thế nào mà ký giả hỏi Benedetto XVI có bao giờ nghĩ đến một quyết định từ nhiệm hay không .... Và lần đó chính Benedetto XVI đã trả lời rằng “... khi một Giáo Hoàng đi tới ý thức rõ ràng mình không thể chu toàn về thể lý, tâm trí và tinh thần, để nhận lãnh trách vụ được ủy thác, thì Ngài có quyền, và trong một số hoàn cảnh Ngài có nghĩa vụ phải từ nhiệm”. Nội dung của câu trả lời “y hệt” như những gì mà Benedetto XVI đã đọc trước Công nghị Hồng y hôm 11/02 vừa qua.

Từ trước tới nay các giả thuyết về một khả năng từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng thường dựa trên sự kiện là kể từ khi lên nắm ghế Giáo chủ, trong Giáo triều của Benedetto XVI đã xẩy ra quá nhiều và thường trực những xung khắc chia rẽ giữa các phe nhóm trong hàng giáo phẩm và do đó Benedetto XVI thường xuyên bị căng thẳng tinh thần và nhất là có vẻ như không có đủ bản lĩnh và uy tín cần thiết để dàn xếp êm thấm những đấu đá nội bộ trong Tòa thánh.

Chính bản thân của Benedetto XVI, sau khi tuyên bố từ nhiệm, trong buổi lễ tro (rito delle ceneri) ngày 13/02 vừa qua, trước mặt đông đủ chức sắc của hàng giáo phẩm, đã  công khai nhìn nhận rằng “những chia rẽ đã tàn phá gương mặt của Giáo hội”. (Il volto della Chiesa è deturpato dalle divisioni")


Hồng y Joseph Aloisius Ratzinger trở thành vị Đức Giáo Hoàng thứ 265 vào ngày 19/04/2005, và cũng cần phải nói là trong vòng gần 8 năm dưới Giáo triều của Benedetto XVI đã xẩy ra hàng loạt sự kiện “nhức nhối” cho Tòa thánh.

Đầu tiên là năm 2006, trong lần giảng thuyết về Đức tin tại đại học Regensburg (Đức), Benedetto XVI đã trích dẫn một vài tuyên bố của Manuel II Palaiologos, Đại đế của triều đại Byzantine vào cuối thế kỷ XIV, trong đó có câu “Hãy minh chứng cho tôi những gì mới mẻ mà Đấng Muhammad mang lại  và ở đó các ngươi sẽ chỉ thấy những điều xấu xa và vô nhân đạo, chẳng hạn như thói rao giảng đức tin bằng gươm giáo." (*). Trích dẫn nói trên đã gây ra một làn sóng phẩn nộ rầm rộ trong giới Hồi giáo đến độ sau đó chính Đức Giáo Hoàng đã phải chính thức “xin lỗi”.

Đến năm 2008 nổ ra xì-căn-đan về xâm phạm nhi dục (pedophilia) trong đó có dính líu đến nhiều chức sắc cao cấp trong hàng giáo phẩm ở Châu Âu và ở Bắc Mỹ ... đến độ chính Benedetto XVI, trong buổi đọc diễn văn nhân ngày “Thanh nhiên Quốc tế” ở Sydney, đã phải nhìn nhận là có vấn nạn xâm phạm nhi dục và Ngài đã cảm thấy xấu hổ vì những xì-căn-đan như thế. Thậm chí mấy hôm nay báo chí đăng tải việc các chức sắc trong hàng giáo phẩm ở Mỹ đã ký kiến nghị lên Tòa thánh để loại bỏ Hồng y Roger Mahony ra khỏi danh sách các Hồng y cử tri được triệu tập tham dự Mật nghị Hồng y (conclave) để bầu Đức Giáo Hoàng mới. Lý do là vì Hồng y Roger Mahony khi còn giữa chức vụ Tổng giám mục giáo phận Los Angeles đã có những hành động nhằm “ô dù” cho các giáo sĩ dính líu đến các xì-căn-đan xâm phạm nhi dục nói trên.

Sang năm 2009, Benedetto XVI đã quyết định rút lại lệnh rút phép thông công cho 4 giám mục bảo thủ cực đoan do Giám mục ly khai tòa thánh Marcel Lefebre tấn phong trước đó. Quyết định trên được Tòa thánh xem như là một cử chỉ nhằm biểu hiện sự ân xá cho nhóm của giám mục Lefebre ... nhưng sau đó thì chính những giám mục bảo thủ cực đoan này lại có những tuyên bố “xét lại” về nạn diệt chủng Do Thái của Đức Quốc Xã ... Và điều này cũng lại làm giảm phần nào uy tín của Đức Giáo Hoàng.

Nhưng có lẽ phải đợi đến năm 2012 thì thực sự những đấu đá trong nội bộ Tòa thánh mới trở thành gần như lộ liễu.

Đầu tiên là những vụ việc về các hoạt động tài chánh không mấy minh bạch của “Cơ quan chuyên trách về các hoạt động tôn giáo” của Tòa thánh (nguyên văn tên của cơ quan này là “IOR – Istituto per le Opere di Religione”), và trên thc tế là ngân hàng của Tòa thánh. Trên danh nghĩa thì IOR chỉ hoạt động tài chánh để hổ trợ các hoạt động về tôn giáo của Giáo hội, thí dụ như quản lý tài khoảng cho các giáo xứ hay các cơ quan hoạt động trong nội thành của Vatican. Trên lý thuyết thì chỉ có những tu sĩ hoặc nhân viên làm việc cho Tòa thánh Vatican mới có quyền mở tài khoảng ở IOR, nhưng trên thực tế thì có rất nhiều tài khoảng “ẩn danh” mà Ngân hàng trung ương Ý vẫn chưa có điều kiện để biết rõ nguồn gốc. Và nhất là IOR đã có những dịch vụ chuyển khoảng tài chánh với những số lượng tiền to lớn mà không cung cấp cho ngân hàng Trung ương Ý biết rõ xuất xứ thể theo luật pháp tài chánh của nhà nước Ý áp dụng cho tất cả các ngân hàng. Bằng cớ là năm 2010, Ngân hàng trung ương Ý đã ra lệnh phong tỏa 23 triệu Euro nằm trong một số tài khoảng của IOR mà không có nguồn gốc chính xác. Trong những năm gần đây, chính Châu Âu đã đưa ra một số tiêu chuẩn hoạt động cho các ngân hàng có mặt trên Châu Âu với mục tiêu là phòng chống các hoạt động rửa tiền, và cũng trong chiều hướng đó, phía Ngân hàng trung ương Ý cũng nhiều lần yêu cầu IOR phải có những biện pháp tuân thủ các tiêu chuẩn nói trên. Điều này có nghĩa là IOR sẽ bị bắt buộc phải làm minh bạch một số lượng lớn chuyển khoảng để được xác nhận đủ tiêu chuẩn. Và chính đây là một trong những điểm “đau đầu” của ông Ettore Gotti Tedeschi vốn là Chủ tịch của IOR. Tedeschi là một chuyên gia kinh tế tài chánh có tầm cở quốc tế, và được chính Quốc vụ khanh của Tòa thánh là Hồng y Tarcisio Bertone đề bạt vào Tòa thánh để chuyên trách về các vấn đề tài chánh, và đến năm 2009 thì trở thành Giám đốc của IOR. Khi Ngân hàng Trung ương Ý bắt đầu có những động thái khuyến cáo IOR phải minh bạch các hoạt động tài chánh ... thì trong nội bộ hàng giáo phẩm cũng đã nổ ra căng thẳng giữa các Hồng y. Có người thì muốn Tòa thánh phải làm gương minh bạch tài chánh và xem như đó là sứ vụ của hàng giáo phẩm trước con chiên. Có người thì xem như đây là thời cơ để có thể làm giảm uy lực của một số Hồng y xưa nay vẫn thường có nhiều quyền lực trong lãnh vực tài chánh của Tòa thánh và khuynh đảo các hoạt động của IOR. Ettore Gotti Tedeschi, rất có thể là với tư duy chuyên nghiệp của người làm tài chánh, bắt đầu gây áp lực lên hàng giáo phẩm để lấy quyết định làm minh bạc các hoạt động của IOR ... Nhưng cũng chính từ đó, quan hệ giữa Ettore Gotti Tedeschi và Quốc Vụ Khanh Hồng y Tarcisio Bertone ngày càng trở nên tồi tệ ... đến độ ngày 24/05/2012 toàn bộ Viện kiểm soát tài chánh của Tòa thánh tuyên bố bất tín nhiệm Ettore Gotti Tedeschi và ông ta bị cách chức giám đốc IOR với nguyên nhân “không thực hiện được các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và có những hành vi thất thường và sai trái”. Chính trong lần đó, khi được báo chí phỏng vấn, Ettore Gotti Tedeschi đã “hâm dọa” rằng: “Đừng bắt tôi phải nói những điều tôi không muốn nói”. Có thể nói là trong vụ việc của IOR, Benedetto XVI gần như bất lực trước những đấu đá trong hàng giáo phẩm. Thậm chí trước đó có một vài Hồng y cũng đã viết thư thằng lên Đức giáo hoàng để tố cáo những hoạt động tài chánh không mấy minh bạch của một vài nhân vật trong hàng giáo phẩm ... nhưng Benedetto XVI đã không hề lấy phản ứng. Và cho đến cách đây một tuần, ngân hàng của Tòa thánh cũng vẫn chưa có Chủ tịch mới bởi vì những đấu đá trong nội bộ hàng giáo phẩm đã ngăn cản quá trình đề bạc người thay thế ông Ettore Gotti Tedeschi.

Nhưng phải đợi cho đến tháng 05/2012, khi nổ ra vụ “ăn cắp tư liệu mật” của Tòa thánh, mà báo chí đã nhanh chóng đặt tên là “Vatileaks”: ông Paolo Gabriele, vốn là quản gia hầu cận của chính Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI bị bắt giam về tội làm “nội gián” để tuồn ra ngoài văn thư riêng của Đức Giáo Hoàng với những nội dung “bí mật nhà nước”. Đặc biệt là trước đó một ký giả Ý, ông Gianluigi Nuzzi, đã co ra quyển sách mang tựa đề “Sua Santità” (Đức Cha) với phụ chú “Những tư liệu mật của Benedetto XVI”, trong đó quyển sách đã sao chụp lại rất nhiều tư liệu đã bí mật được tuồn từ Tòa thánh ra ngoài. Do đó, người ta tình nghi chính người quản gia hầu cận của Đức Giáo Hoàng là người bí mật đã cung cấp tài liệu cho tác giả của quyển sách nói trên.

Chẳng ai tin rằng người quản gia đã tự quyết định hành động một cách đơn độc. Chắc chắn có một nhóm người trong hàng giáo phẩm đứng sau lưng ông quản gia. Bằng chứng là khi bị bắt giam, ông quản gia đã thú rằng tất cả những hành động “nội gián” nói trên là vì ông ta muốn “bảo vệ” Đức Giáo Hoàng. Câu hỏi được đặt ra là: “Bảo vệ Đức Giáo Hoàng để chống lại những ai ?”. Câu hỏi mà cho đến ngày hôm nay cũng chẳng ai có câu trả lời. Chỉ biết rằng vụ án người quản gia hầu cận đã được Tòa án của Vatican kết thúc nhanh chóng và ông Paolo Gabriele bị tuyên án 18 tháng tù, để rồi lập tức Đức Giáo Hoàng ban lệnh “ân xá” cho ông Paolo Gabriele và do đó ông ta đã được trả tự do. Như thế là coi như vụ xì-căn-đan “Vatileaks” được kết thúc “siêu tốc” nhưng với nhiều câu hỏi vẫn còn tồn đọng.

Nhưng tạm thời bỏ ra một bên những “tin đồn” về đấu đá nội bộ trong Tòa thánh mà báo chí vẫn hay nói đến. Chỉ cần so sánh với trường hợp của Đức Giáo Hoàng Giovanni Paolo II ... là thấy có cái gì đó “không ổn” trong quyết định từ nhiệm của Benedetto XVI.

Mọi người vẫn còn nhớ rằng Giovanni Paolo II mất năm 2005, lúc đó là 85 tuổi. Nhưng từ những đầu thập niên 90, tức là khoảng 15 năm trước đó, Giovanni Paolo II đã bắt đầu có vấn đề sức khỏe, do hệ lụy của cuộc ám sát hụt ngày 13/05/1981. Và nhất là những năm sau cùng của cuộc đời, Giovanni Paolo II lại mắc thêm chứng bệnh Parkinson ngày càng trầm trọng và do đó Ngài đã bị hạn chế rất nhiều trong những hoạt động điều hành Giáo hội. Tuy nhiên, dù rằng sức khỏe của Wojtyla có nhiều vấn đề như thế, đã không xẩy ra chuyện từ nhiệm, và tất cả hàng lãnh đạo Giáo hội đã đứng ra cáng đáng Giáo triều một cách êm thấm cho đến khi Đức Giáo Hoàng từ trần.

Benedetto XVI năm nay 86 tuổi, so với Giovanni Paolo II ngày trước thì tính ra sức khỏe của Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI rõ ràng chẳng có gì là trầm trọng, và chính Tòa thánh cũng đã phủ nhận mọi tin đồn về việc Benedetto XVI mắc một chứng bệnh hiểm nghèo nào đó . Thế mà trong một tình huống sức khỏe hoàn toàn trong khả năng kiểm soát được so với trường hợp của Giovanni Paolo II, Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI đã phải đi đến quyết định từ nhiệm vì sức khỏe. Và điều này tự nó cũng dễ làm cho người ta “tưởng tượng” ra được những lý do khác bên trong hậu trường.

Một số “tin đồn” cho rằng Benedetto XVI, với quyết định từ nhiệm một cách “bất ngờ”, đã gây “khủng hoảng” cho những phe nhóm chống lại Ngài. Giống như người ta đang ra sức đẩy một cánh cửa … để rồi bất ngờ cánh cử tự dưng mở ra … khiến những người đang ra sức đẩy nó bị tè nhào ra phía trước theo cánh cửa. Chắc chỉ là tin đồn. Nhưng có điều trùng hợp kỳ lạ là Benedetto XVI tuyên bố từ nhiệm mới có 5 ngày thì hôm 15/02 Tòa thánh đã “nhanh chóng” tuyên bố bổ nhiệm Chủ tịch mới cho ngân hàng của Tòa thánh (IOR), đó là ông Ernest Von Freyberg, người Đức, thay cho ông Ettore Gotti Tedeschi bị cách chức hòi tháng 5 năm ngoái. Như công luận biết là Tòa thánh đi đến quyết định cách chức ông Tedeschi sau một thời gian phải đối đầu với những căng thẳng bên trong nội bộ hàng giáo phẩm, và đến cả quyết định bổ nhiệm Chủ tịch mới cũng phải chịu trì trệ mãi ... cho đến sau khi Benedetto XVI từ nhiệm.

Có một sự trùng hợp khá lý thú giữa phim ảnh và chuyện thật ngoài đời. Năm 2011 đạo diễn Ý Nanni Moretti đã cho ra một cuốn phim mang tựa đề “Habemus Papam” (tiếng latin, có nghĩa là “Chúng ta có Đức Cha”, thông thường đây là câu văn được dùng để tuyên bố mỗi khi Mật nghị Hồng y (conclave) hoàn thành việc bầu cử Đức Giáo Hoàng mới), trong phim vị Đức Giáo Hoàng, do tài tử Michel Piccoli thủ vai, xin từ nhiệm vì cảm thấy mình không đủ năng lực để lãnh đạo Giáo hội. Chuyện phim hoàn toàn giả tưởng ... nhưng trước quyết định từ nhiệm hôm nay của Benedito XVI ... truyện phim trở thành như một lời tiên tri lạ lùng hiếm thấy.

Tòa thánh dự kiến sẽ tổ chức Mật nghị Hồng y (conclave) để các Hồng y cử tri bỏ phiếu bầu ra Đức Giáo Hoàng mới vào khoảng thời gian hạ tuần tháng 3 sắp tới, và trong giai đoạn ngôi vị Giáo chủ bị bỏ trống, Quốc Vụ Khanh Hồng y Tarcisio Bertone sẽ giữ vai trò Hồng y nhiếp chính cai quản giáo triều cho đến khi có Đức Giáo Hoàng mới.



Với quyết định từ nhiệm, Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI đã đặt Tòa thánh Vatican vào một trường hợp hy hữu xưa nay chưa từng có trong lịch sử Giáo hội: bầu cử ra Đức Giáo Hoàng mới trong khu Đức Giáo Hoàng cũ ... vẫn chưa về với Chúa.

Thật thế, dù rằng bộ luật giáo hội cũng có những điều khoảng nói về từ nhiệm, nhưng xưa nay tất cả những Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm của Benedetto XVI đều nắm quyền Giáo chủ cho đến hơi thở cuối cùng. Các Hồng y cử tri được Mật nghị Hồng y triệu tập ... đều phải chịu tang vị Đức Giáo Hoàng quá cố cả tuần trước đó ... trước khi bắt đầu tiến hành việc bầu cử Đức Giáo Hoàng mới.

Năm 2013 này thì các Hồng y cử tri sẽ không phải chịu tang ai cả.

Đó là sự khác biệt thứ nhất so với những lần bầu cử của Mật nghị Hồng y trước đây.

Theo nhận xét của các chuyên gia về Vatican thì 117 Hồng y cử tri được Mật nghị Hồng y triệu tập lần này sẽ phải đối đầu với việc chọn lựa Đức Giáo Hoàng trong điều kiện không đơn giản như 8 năm về trước khi chỉ tới vòng bầu cử lần thứ tư là Mật nghị Hồng y đã bầu ra Hồng y Joseph Ratzinger lên ngôi vị Giáo chủ. Một trong những cuộc bầu cử ngắn nhất trong lịch sử Giáo hội.

Nhưng lần bầu cử năm nay thì mọi chuyện khác hẳn.

Nếu 8 năm về trước tình hình sức khỏe và bệnh tật kéo dài nhiều năm của Đức Giáo Hoàng Giovanni Paolo II đã cho phép hàng giáo phẩm của Tòa thánh có đủ thì giờ để đưa các cuộc “thương lượng” giữa các phe phái đến giai đoạn “chín muồi” trước khi Mật nghị Hồng y khai mạc. Thậm chí báo chí thời đó còn “đồn” rằng tên của Hồng y Ratzinger đã bắt đầu được “rỉ tai” từ khoảng 2 năm trước đó, thì lần này quyết định từ nhiệm của Benedetto XVI đã thật sự gây “bất ngờ” cho hàng giáo phẩm. Bất ngờ trong nghĩa là các cuộc “thương lượng” chưa “kịp chín”, và do đó chưa ai có kịp “rỉ tai” tên tuổi của một vài Hồng y nào đó. Tính bất ngờ lại càng tăng thêm nếu người ta biết rằng trong những năm sau cùng của Giáo triều Benedetto XVI đã liên tục xẩy ra những đấu đá nội bộ trong hàng giáo phẩm .... đến độ người quản gia hầu cận của Đức Giáo Hoàng bị tố cáo làm nội gián trong vụ xì-căn-đan Vatileaks như đã nói. Trong một bối cảnh căng thẳng và chia rẽ như thế ... thì rõ ràng là Mật nghị Hồng y sẽ phải đối đầu với nhiều phức tạp trước khi ống khói của nhà nguyện Sistina (nơi Mật nghị Hồng y họp) nhả ra khói trắng.

So với những lần trước, một trong những nét đặc biệt khác của lần bầu cử Đức Giáo Hoàng năm nay là Mật nghị Hồng y nhóm họp trong khi bên ngoài vẫn còn có sự có mặt của (cựu) Giáo chủ (Benedetto XVI năm nay là 86 tuổi, do đó sẽ không còn quyền làm Hồng y cử tri) ... và chắc chắn dầu muốn dầu không điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến quyết định bỏ phiếu của các Hồng y cử tri. Tưởng tượng đơn giản là đối với một Đức Giáo Hoàng đã về với Chúa ... thì tất cả những “vướng mắc” nào đó, nếu có, của Hồng y cử tri nào đó đối với người quá cố cũng trở thành “tro bụi”. Trong khi đối với một (cựu) Đức Giáo Hoàng vẫn còn hiện hữu trên cỏi trần ... thì những “vướng mắc” đó vẫn còn tồn đọng ...

Theo nhận xét của các quan sát viên chuyên về Tòa thánh thì lần Mật nghị Hồng y năm nay có rất nhiều Hồng y cử tri thuộc vào các dòng tu hay giáo đoàn khác nhau nhưng không có dòng tu hoặc giáo đoàn nào chiếm ưu thế trong Mật nghị, do đó quá trình bầu bán sẽ càng thêm phức tạp. 

Không phải chỉ riêng cộng đồng giáo dân, mà toàn thế giới, thậm chí đến luôn cả các cơ quan quyền lực nhà nước của các siêu cường đang “nín thở” hồi hộp theo dõi những “động thái” bên trong hậu trường của hàng giáo phẩm để rồi “đoán già đoán non” xem ai sẽ là người lên ngồi trên ghế Giáo chủ do Benedetto XVI để trống.

Nói chung thì có nhiều yếu tố mà Mật nghị Hồng y phải “cân đo” để tìm ra một gương mặt Đức Giáo Hoàng vừa có đủ “năng lực của thể xác lẫn linh hồn” như Benedetto XVI đã nêu ra, vừa có đủ bản lỉnh và uy tín để gây được sự đoàn kết thống nhất trong giáo hội, vừa cũng phải là đại diện cho “cái mới” đủ khả năng vực dậy đời sống công giáo trong một thế giới đang quằn quại trước những tha hóa về nhân bản cũng như về nghèo nàn về đời sống tâm linh.

Và trong khi chờ đợi Mật nghị Hồng y khai mạc, các “kingmaker”, tức là các Hồng y  trưởng lão hoặc có nhiều quyền thế có khả năng gây áp lực lên các Hồng y cử tri để ủng hộ hay tẩy chai ứng cử viên nào đó, đang bắt đầu chuẩn bị “dàn quân”. Theo một số báo chí thì trong danh sách các “kingmaker” có Quốc Vụ Khanh Hồng y Tarcisio Bertone lẫn Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý Hồng y Angelo Bagnasco .... vốn xưa nay vẫn là “kỳ phùng địch thủ” của nhau trong các quyết định tranh giành ảnh hưởng trong Giáo hội.

Roma, 18/02/2013
 



(*) The controversial comment originally appeared in the 7th of the 26 Dialogues Held With A Certain Persian, the Worthy Mouterizes, in Anakara of Galatia, written in 1391 as an expression of the views of the Byzantine emperor Manuel II Palaiologos, one of the last Christian rulers before the Fall of Constantinople to the Muslim Ottoman Empire, on such issues as forced conversion, holy war, and the relationship between faith and reason. The passage, in the English translation published by the Vatican, is as follows:
"Show me just what Muhammad brought that was new and there you will find things only bad and inhuman, such as his command to spread by the sword the faith he preached."




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét