12 tháng 2, 2013

Tòa Thánh Vatican và bầu cử ở Ý.



Ý là một quốc gia theo thể chế Cộng hòa và nhà nước Ý là một nhà nước thế tục (laico – tức là hiến pháp Ý không phải dựa theo một giáo điều tôn giáo nào cả). Tuy nhiên trên thực tế ở Ý đời sống chính trị xã hội, và cả kinh tế tài chánh, của nước Ý lúc nào cũng phải chịu ảnh hưởng (hoặc gián tiếp hoặc đôi khi trực tiếp) của Tòa thánh Vatican.

Kể từ sau Đệ II thế chiến, ảnh hưởng của Tòa thánh đã liên tục kéo dài gần ½ thế kỷ thông qua quá trình liên tục cầm quyền của Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo trước đây (Partito Democrazia Cristiana – nay đã giải thể từ năm 1994, trùng với thời kỳ  cáo chung của nền Đệ I Cộng hòa Ý trước những xì-căn-đan về tham nhũng hối lộ của giới cầm quyền lúc đó).

Nhưng đó chỉ là “bề nổi” của ảnh hưởng của Tòa thánh. Trên thực tế, Tòa thánh Vatican tác động lên đời sống chính trị xã hội và kinh tế của nước Ý thông qua một tầng lớp xã hội trải đều hàng ngang xuyên suốt qua tất cả các cơ cấu tổ chức chính trị xã hội kinh tế của nước Ý: từ đảng phái chính trị đến các phong trào dân sự, từ các nhóm trí thức đến các hội đoàn chuyên ngành, từ các bộ phận nhà nước đến các cơ sở tư nhân, từ lãnh vực giáo dục đến các cơ sở y tế ... Đó là tầng lớp “công giáo”: họ là những người sống và hoạt động trong đủ ngành nghề, trong mọi lãnh vực, ở mọi cấp bậc cao thấp trong xã hội ... như bất cứ một công dân Ý khác, nhưng những tư duy của họ, những quan điểm về văn hóa xã hội và chính trị ... đều chịu ảnh hưởng giáo lý của nhà thờ Công giáo.

Đó là những “thành phần công giáo” trong các đảng phái, kể luôn cả các đảng tả như Đảng Cộng sản trước đây, đó là những “nhóm công giáo” trong giới trí thức hàn lâm, đó là những “phong trào công giáo” thường xuyên có mặt trong đời sống hằng ngày của xã hội, đó là những “tổ chức công giáo” có thành viên hiện diện ở trong giới lãnh đạo của mọi cơ chế nhà nước hay kinh tế tài chánh.

Một trong những “phong trào” nổi tiếng và có ảnh hưởng kinh tế chính trị xã hội sâu rộng ở Ý là nhóm “Thông công và Giải phóng” (Comunione e Liberazione, thường gọi tắt ở Ý là CL – thành lập từ năm 1954): rất đông người trong hàng ngũ lãnh đạo ở mọi cấp bậc và ở nhiều lãnh vực (đảng phái chính trị, cơ sở kinh tế tài chánh, cơ cấu nhà nước ...) là thành viên của nhóm “Thông công và Giải phóng”. Một vài thí dụ như ông cựu Thống đốc vùng Lombardia Roberto Formigoni, thuộc đảng Nhân dân tự do của Berlusconi. Như ông Corrado Passera, cựu giám đốc quản trị ngân hàng Intesa Sanpaolo (ngân hàng lớn hàng thứ hai ở Ý, có mở chi nhánh ở Việt Nam), và giữ chức vụ Bộ Trưởng Phát triển kinh tế trong nội các của Mario Monti. Như ông Mario Mauro, cựu dân biểu của Quốc hội Châu Âu và giữa vai trò Chủ tịch của nhóm dân biểu của Đảng Nhân Dân tự do của Berlusconi ở Quốc hội Châu Âu, và mới đây đã “ly khai” với đảng của Berlusconi để nhảy vào danh sách ứng cử của Mario Monti.

Hàng năm, nhóm “Thông công và Giải phóng” đều tổ chức tuần lễ hội thảo chính trị kinh tế xã hội vào mùa hè (khoảng tháng 8) mang tên “Meeting per l’amicizia fra i popoli” (thường được gọi tắt là Meeting) ở Rimini... với sự tham gia của nhiều nhân vật quan trọng của nước Ý, kể luôn cả Thủ tướng hay vài Bộ trưởng nhà nước Ý, lãnh đảo cao cấp của các đảng phái chính trị (tả lẫn hữu).

Và dĩ nhiên là mỗi mùa bầu cử ở Ý .... Tòa thánh đều biểu hiện “trọng lượng” của mình xuyên qua các động thái như tuyên bố “đồng thuận” với “chương trình hoạt động” phe phái này hay phê phán chỉ trích “lịch trình” của phe phái kia ... Đồng tình với một nhân vật chính trị này hay bất đồng thuận với một nhân vật chính trị khác ...

Và mùa bầu cử Quốc hội 2013 ở Ý lần này .... Tòa thánh cũng không đi ra khỏi “thông lệ” từ trước đến nay.

Có điều là lần này thì trong nội bộ Tòa thánh có sự chia rẽ trầm trọng giữa hai phe đối nghịch, cầm đầu bởi hai “kỳ phùng địch thủ” xưa nay đứng đầu trong hàng giáo phẩm, nằm ở hai chuyến tuyến đối đầu nhau trên sân khấu tranh cử của Ý, với những màn đấu đá khốc liệt không kém cỏi thế tục.

Một bên là phe của Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh của Tòa thánh, ủng hộ “ứng cử viên” Berlusconi và hy vọng vào một phép nhiệm mầu nào đó có thể lật được thế cờ để cứu vãn tình hình bi đát của phe “trung-hữu” của Berlusconi.

Bên kia là phe của Hồng y Angelo Bagnasco, Chủ tịch Hội đồng giám mục Ý (CEI - Conferenza Episcopale Italiana), cùng với sự “thông đồng” của Giám mục George Ganswein, thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI, ủng hộ danh sách ứng cử của Mario Monti với 3 mục tiêu chánh: đặt “viên đá đầu tiên” để xây căn nhà của những lực lượng “tân bảo thủ” (neocon - hữu khuynh) nhưng không đậm màu mị dân và bài xích Châu Âu như phe “trung-hữu” của Berlusconi; thứ hai là tiến đến việc xây dựng một đảng hữu mới; và sau cùng là triệt hạ các đối thủ bên trong bức tường của Tòa thánh.

Lúc đầu, khi chiến dịch tranh cử bắt đầu “khai pháo” thì đa số các chuyên gia phân tích tình hình chinh trị Ý đều đánh giá rằng Mario Monti có nhiều lợi thế hơn Berlusconi (điều này tương đối cũng dễ hiểu khi một bên là giáo sư hàn lâm, chuyên gia kinh tế tài chánh nổi tiếng thế giới, từng là Ủy viên của Hội Đồng Châu Âu và “hội nhập” rất sâu sắc vào môi trường kinh tế tài chánh thế giới ... lại thêm cung cách hành xử và ăn nói (lúc đó) chửng chạc và cẩn trọng, tránh những tuyên bố phỉ báng đối thủ và không biết làm trò hề rẽ tiền... Còn bên kia là một đại gia chỉ biết vung tiền ra mua quyền lực, ăn nói hạ đẳng, nổi tiếng với những màn ăn chơi trác tán, chạy theo các “gái gọi”, giao du với đủ thứ “Gian hồ hảo hớn", trong đó có cả những nhân vật có quan hệ với băng đảng Mafia ...). Do đó phe của Hồng y Angelo Bagnasco ngay lúc đầu đã vội vàng ca bài ca chiến thắng và ngồi đợi xem ngày “cáo chung” của Berlusconi. Nhưng sau hơn một tháng tranh cử, một phần nhờ vào khả năng “dương đông kích tây” của Berlusconi trên các mạng truyền thông với những tuyên bố “sốc” và hứa hẹn “cực sốc” (hoàn trả thuế, bãi thuế ...) nên phe của Berlusconi lên phiếu (dựa theo kết quả của các cuộc thăm dò ý kiến từ giữa tháng giêng cho đến đầu tuần tháng 2 thì Berlusconi lên được 2 điểm). Một phần Mario Monti phạm phải một vài sai lầm chiến thuật trong quan hệ với hàng giáo phẩm ... do đó phe của Bagnasco đang dần dần “mất đất” và mất đi những uy thế có được lúc ban đầu.

Tuy nhiên ngoài việc đấu đá nội bộ của Tòa thánh như vừa mới nói trên, để có thể hiểu “vị thế” của Vatican trên sân khấu chính trị Ý hôm nay thì cần phải có một phân tích dựa trên hai yếu tố cơ bản: Thứ nhất là ngày nay, so với thời “vàng son” của nền Đệ I Cộng Hòa khi Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo “một mình một ngựa” ngang nhiên bờ cõi, tầng lớp công giáo Ý không còn “nhắm mắt cúi đầu vâng dạ” theo mệnh lệnh của nhà thờ. Thứ hai là Tòa thánh ngày đêm bị ám ảnh trước một viễn ảnh “Đại thắng mùa xuân” của Đảng Dân Chủ cùng với đồng minh Nichi Vendola (Đảng Cánh tả Sinh Thái và Tự do – SEL – Sinistra Ecologia e Libertà, xuất thân từ Đảng Cộng sản Ý ngày xưa).

Và Tòa thánh đang ra sức tìm đủ mọi cách để ngăn chận cái viễn ảnh đó.


Phe ủng hộ Mario Monti

Khi các đảng phái của Ý đang rục rịch chuẩn bị dàn quân để bước vào chiến dịch thì chính Hồng y Angelo Bagnasco và Giám mục George Ganswein là những nhân vật đầu tiên trong hàng giáo phẩm quyết định “bỏ rơi” Berlusconi và đặt hết canh bạc lên Mario Monti. Mục tiêu cuối cùng của sự chọn lựa này là dần dần biến cái danh sách ứng cử “Scelta Civica” (Chọn lựa dân sự) của Mario Monti thành một Đảng Dân Chủ Thiên chúa giáo tái lập. Phải công nhận đây là một tham vọng lớn. 

Hồng y Angelo Bagnasco


Trên chiến lược đó, Angelo Bagnasco đã nhanh chóng tìm thấy ở Mario Monti lá bài thích hợp: nghiêm túc, tài trí, có khả năng, thanh liêm (ít ra là cho đến lúc này), công giáo sùng đạo ... Thêm vào đó là giữa Bagnasco và Monti có những điểm tương đồng về cá tính: thượng lưu trí thức, không sôi nổi, lãnh đạm, lạnh lùng .... Dù đã quen biết nhau từ nhiều năm và có quan hệ thân thiết với nhau, hai bên vẫn thích dùng  đại danh từ mang tính nghi lễ “Ngài” để xưng hô nhau ... và mỗi khi có dịp trò chuyện với nhau ...cả hai bên đều thích trích dẫn điển tích để “hù dọa” nhau.

Cha George Ganswein


Năm 2011, khi Berlusconi còn tại chức Thủ Tướng, chính Hồng y Bagnasco đã “tài trợ tinh thần” cho các hội đoàn Công giáo, vốn không mấy thuận thảo với Chính phủ Berlusconi, đứng ra tổ chức buổi Hội thảo ở Todi (1), và như thế trên thực tế Bagnasco đã đi bước đầu trong quá trình giảm quan hệ với phe đảng của Berlusconi. Hội thảo ở Todi do chính Cố đạo Vincenzo Paglia, cố vấn tinh thần của “Cộng đồng công giáo Sant’Egidio” (Cộng đồng này hoạt động từ thiện và rất nổi tiếng ở nước Ý cũng như trên thế giới) và cũng là người có quan hệ rất tốt với Chủ tịch của Hội đồng giám mục Ý (CEI), và do Andrea Riccardi, Chủ tịch của “Cộng đồng công giáo Sant’Egidio”, đứng ra tổ chức. Và như ta biết là sau đó chính Andrea Riccardi đã trở thành Bộ trưởng Bộ Hợp tác quốc tế trong chính phủ của Mario Monti.

Hồi đầu tháng 12 năm ngoái, khi các lực lượng chính trị đang bắt đầu tổ chức lại “hàng ngủ” để chuẩn bị bước vào mùa tranh cử, thì chính Hội đồng Giám mục Ý (CEI) đã liên tục “áp lực” với Mario Monti để đi đến quyết định trc tiếp đứng ra tranh cử (đi ngược lại đề nghị của Tổng Thống Ý, Giorgio Napolitano, là muốn Mario Monti đứng bên ngoài của cuộc tranh cử và chờ đợi sau khi có Quốc hội mới sẽ tham gia vào tân nội các để  tiếp tục đóng góp giải cứu nước Ý). Và như mọi người đã thấy là sau cùng, và sau khi kết quả của các cuộc thăm dò ý kiến lúc đó cho Mario Monti được khoảng trên dưới 18% số phiếu, Mario Monti đã chính thức đứng ra trực tiếp tranh cử trong liên minh “trung dung” (Monti-Casini-Fini). Cuối tháng 12 cơ quan ngôn luận của các Giám mục là tờ tập san “Tương Lai” (Avvenire) đã tuyên bố một cách rầm rộ quyết định ủng hộ danh sách ứng cử của Mario Monti. Quyết định ủng hộ nói trên ít nhiều đã gây bàng hoàng cho Hồng y Tarcisio Bertone e Camillo Ruini (Cựu chủ tịch CEI), thuộc phe xưa nay ủng hộ Berlusconi.

Thực ra thì quyết định ủng hộ Mario Monti của Bagnasco là thành quả của một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng với Giám mục George Ganswein, người mà liên tục trong nhiều tháng trước đó đã có quan hệ làm việc với Federico Toniato, Phó Chủ tịch văn phòng chính phủ của nội các Mario Monti, và được coi như là cánh tay mặt của Monti ở Vatican, và cũng có quan hệ mật thiết với vị Thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng Ratzinger. Giữa Giám mục George và Toniato đã có nhiều buổi làm việc tay đôi .... và cũng nhân dịp này phía Vatican cũng đã ít nhiều áp lực lên Mario Monti để chính phủ Ý dành ngân sách tài trợ cho các tổ chức giáo dục và y tế của nhà thờ. Kết quả là cuối năm 2012 bệnh viện nhi đồng Bambino Gesù được 12,5 triệu Euro tài trợ, 5 triệu Euro khác được dùng để tài trợ cho bệnh viện nhi đồng Gaslini ở Genova. Trong đạo luật tài chánh được chính phủ đề nghị và Quốc hội thông qua hồi tháng 12 năm ngoái trước khi chính phủ Mario Monti từ chức có 223 triệu Euro được dành để tài trợ cho các cơ sở giáo dục do nhà thờ chủ quản (gọi nôm na là các trường bà Sơ). Và đặc biệt là ý định áp dụng thuế IMU (thuế bất động sản) đối với các bất động sản thuộc sở hữu của Tòa thánh ... đã kết thúc với sự nhượng bộ toàn bộ của chính phủ Monti theo những đòi hỏi của Vatican: nhờ vào những quan hệ tốt mà Mario Monti có trong giới lãnh đạo của Hội Đồng Châu Âu ở Bruxelles ... nên các cơ sở bất động sản của nhà thờ được dùng kinh doanh (như trường học, khách sạn, cửa hàng bán quà lưu niệm ....)  sẽ chỉ bắt đầu đóng thuế IMU từ năm 2013 (trong khi chính phủ Monti đã áp dụng thuế IMU lên bất động sản của dân Ý từ năm 2012). Và đặc biệt là những khoảng tiền thuế bất động sản mà các chính phủ trước đây đã miễn trừ cho Vatican, và bị Hội đồng Châu Âu như là những khoảng tiền “trốn thuế”, thì được “xù” vĩnh viễn (2).

Đó là thời “vàng son” trong quan hệ giữa phe của Hồng y Angelo Bagnasco với Mario Monti.

Nhưng những tháng sau đó, khi Mario Monti bắt đầu triển khai các hoạt động tranh cử ... thì quan hệ đôi bên cũng bắt đầu có những rạn nứt.

Đầu tiên là vào khoảng đầu tháng giêng, Hồng y Angelo Bagnasco đã nhờ Cố đạo Vincenzo Paglia gởi cho Mario Monti một danh sách liệt kê “những giá trị bất thương lượng” (non negoziabili – thực tế đó là những giáo điều cơ bản mà Tòa thánh muốn áp đặt lên đời sống chính trị xã hội của Ý, chẳng hạn như chống phá thai, trợ tử, thụ tinh nhân tạo, hôn nhân đồng tính ....) với mong muốn là Mario Monti sẽ đưa những giá trị này vào “Chương trình hoạt động” của chính phủ. Nhưng khi nhận được danh sách, Mario Monti đã có thái độ ... lưỡng lự ... để rồi sau cùng  trong “Chương trình” của chính phủ không có một câu đề cập đến những vấn đề như “phá thai”, “trợ tử”, “tâm điểm gia đình”. Đó là nét rạn nứt thứ nhất.

Sau đó thì người ta lại thấy trong danh sách ứng cử viên vào hạ viện của Mario Monti (Scelta Civica), về phía người của Vatican chỉ có mỗi ông Cựu chủ tịch của tổ chức ACLI – Associazioni Cristiane Lavoratori Italia (Các Tổ Chức Công giáo của những người lao động Ý) Andrea Oliviero cùng một vài người của “Cộng đồng Sant’Egidio” có tên. Trong khi danh sách của UDC của Casini được “bó chặt” để Casini rộng tay đem vào hàng dẫy tên của những người phe phái của Casini.

Rồi đến danh sách ứng cử ở Thượng viện (ở Thượng viện, khác với ở Hạ viện, chỉ có mỗi một danh sách chung “Scelta Civica per Monti” cho cả liên minh “trung dung” (Monti-Casini-Fini) thì đúng là cả một xì-căn-đan: trong danh sách có tên của Alessio De Giorgi, Chủ tịch của nhóm “Gay.it” (sau đó thì Alessio De Giorgi đã rút tên ra khỏi danh sách sau khi nhật báo “Libero” – báo của phe hữu – đã tố cáo “Gay.it” có những hoạt động nhằm cung cấp dịch vụ mãi dâm đồng tính). Đến đây thì Hồng y Angelo Bagnasco bắt đầu có “tư tưởng xét lại” đối với con bài Mario Monti.

Và quan hệ càng trở nên tồi tệ hơn khi nổ ra trận chiến (không phải lần đầu) giữa Toà thánh Vatican và Ngân hàng trung ương Ý (Banca d’Italia) vào đầu năm 2013. Vào những ngày đầu tháng giêng Ngân hàng trung ương Ý đã quyết định không gia hạn cho bất cứ ngân hàng nào có cơ sở trên đất Ý giấy phép hoạt động trên lãnh địa Vatican, lý do là Tòa thánh, vốn được xem như là một quốc gia ngoài Châu Âu (extracomunitario), bị Ngân hàng trung ương Ý đánh giá là chưa có đủ các tiêu chuẩn phòng chống tệ nạn rửa tiền. Ngân hàng Deutsche Bank Italia vốn xưa nay được Tòa thánh ủy thác quản lý tất cả các hoạt động mua bán bằng thẻ ATM hay thẻ tín dụng (còn gọi là POS – Point Of Sale) ... bổng nhiên từ hôm trước qua hôm sau không còn có phép hoạt động cho Tòa thánh, thế là nổ ra xì-căn-đan là hàng hàng lớp lớp du khách đứng xếp hàng trước các quầy vé để vào xem bảo tàng viện của Tòa thánh hay để lấy thang máy lên tận chòm tháp của S.Pietro ... không mua được vé ... vì không có chuẩn bị tiền mặt. Toàn bộ văn phòng kế toán của Tòa thánh rơi vào khủng hoảng ... và cho đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Và từ phía chính phủ Mario Monti Toà thánh vẫn không/chưa thấy có một động thái nào có chủ đích giải quyết êm thấm vụ việc.

Quan hệ giữa Mario Monti và Hồng y Angelo Bagnasco trở nên xấu đến độ Andrea Riccardo đã không quyết định tham gia tranh cử trong danh sách của Monti.

Và sau cùng là quyết định của nhóm công giáo không tổ chức Hội thảo năm nay ở Todi. Lý do là những căng thẳng giữa chính phủ Mario Monti và các tổ chức công giáo có thể biến Hội thảo trở thành một thứ “vành móng ngựa” để chỉ trích chính phủ Monti.

Theo Hồng y Bagnasco thì quan hệ với Mario Monti đã thay đổi ... cho nên cần phải giới hạn các hoạt động công khai ủng hộ Monti.

 
Phe ủng hộ Berlusconi

Phe của Quốc vụ khanh, Hồng y Tarcisio Bertone, thì vẫn quan niệm rằng Silvio Berlusconi, dù rằng quanh nhân vật này cũng có nhiều xì-căn-đan, vẫn là đối tác có thể tin tưởng được. Hay nói nôm na là: dẫu sau Silvio Berlusconi vẫn là kịch bản ít tồi tệ nhất !!!

Thiên hạ đồn rằng Hồng y Bertone có thiện cảm vô điều kiện đối với Berlusconi. Quan hệ hai bên rất mật thiết ... và có mối đồng cảm đặc biệt giữa những người từng đã học trường dòng Salesiano. Mỗi khi gặp nhau hai bên cười đùa thoải mái, kể chuyện tiếu lâm và bóng đá.

Hồng y Tarcisio Bertone


Trong phe của Bertone còn có Hồng y Camillo Ruini, người có quan hệ cực kỳ mật thiết với Gianni Letta (cánh tay mặt của Berlusconi và là “đạo diễn trong bóng tối” của toàn bộ đường lối chính trị của Berlusconi).

Hồng y Camillo Ruini


Thực ra thì, giữa Berlusconi và Monti, Hồng y Bertone thà chọn “con chiên đầy tội lỗi” hơn là một nhà “mô phạm đạo đức”.

Vấn đề không phải là “đồng cảm”. Vấn đề là “con chiên tội lỗi” cũng là con chiên đầy mặc cảm, do đó hàng giáo phẩm dễ gây áp lực hơn là đối với một người có “đạo đức”. Nói trắng ra là Tòa thánh dễ khuynh đảo một con người như Berlusconi hơn là một nhân vật như Monti.

Bertone và Ruini không thể nào không nhớ rằng Chính phủ Berlusconi là chính phủ luôn luôn có những sắc luật để thỏa mản những đòi hỏi của Tòa thánh: từ sắc lệnh cấm các hoạt động “trợ tử” trong vụ việc của cô Eluana Enlargo (3) đến các luật hổ trợ tài chánh cho các cơ sở giáo dục của nhà thờ, cản trở tất cả các sáng kiến nhằm hợp thức hóa các cặp đồng tính hay các cặp sống chung với nhau mà không thành hôn.

Trước hàng loạt xì-căn-đan về tham nhũng hối lộ và lạm quỹ của công, trong đó có nhiều nhân vật chính trị hàng đầu của đảng của Berlusconi bị dính líu, điển hình là cựu Thống đốc vùng Lombardia, Roberto Formigoni, chắc chắn là một bộ phận của tổ chức “Thông công và Giải phóng” (CL – Comunione e Liberazione) cũng đã bắt đầu chán nản với các nhân vật chính trị của phe nhóm của Berlusconi. Và rất có thể là họ sẽ bỏ phiếu cho liên danh của Mario Monti. Tuy nhiên cũng còn có rất nhiều nhân vật chính trị gần gủi với Berlusconi vẫn còn có thanh thế trong tổ chức CL, thí dụ như Maurizio Lupi (Phó chủ tịch Hạ viện) hay Renato Farina (Dân biểu của đảng PDL, đã từng hoạt động trong cơ chế tình báo và đã có lần cố tình tung ra những hồ sơ giả để hạ uy tín của các đối thủ chính trị cánh trung-tả (như Romano Prodi) và bị tố cáo dính líu đến vụ Abu Omar (4)). Đặc biệt là đối với dòng xứ ở Milano, với cha xứ là Tổng giám mục Angelo Scola, thì đảng đối tác vẫn là Đảng của Berlusconi.

Ngoài ra, trong danh sách tranh cử của Đảng Nhân dân tự do của Berlusconi đều có đủ tên “bá quan văn võ” của nhóm “teocon” mà Tòa thánh đã đưa ra: Maurizio Sacconi (cựu Bộ trưởng bộ lao động, người “năng nổ” nhất trong viêc ngăn cấm “trợ tử” cho cô Eluana), Gaetano Quagliariello, Eugenia Roccella ... Tuy nhiên Bertone cũng thừa sáng suốt để biết rằng Berlusconi sẽ không thắng cử .... Do đó Quốc vụ khanh đã “hạ lệnh” ủng hộ ứng cử viên hạ viện Renato Balduzzi trong danh sách của Mario Monti.

Renato Balduzzi là Bộ trưởng Bộ y tế trong chính phủ Mario Monti. Và sự kiện Balduzzi có nét tiêu biểu đáng chú ý. Trước đây Balduzzi vốn có vị trí khá gần với Đảng Dân Chủ (PD) và có những quan hệ với cánh Rosy Bindi (Chủ tịch Đảng Dân Chủ). Sau khi Chính phủ Mario Monti bãi nhiệm thì Balduzzi có ý định ra tranh cử trong hàng ngủ của PD, nhưng bị Đảng này từ chối. Thế là Balduzzi đã quay sang cầu cứu với người bạn thân là Hồng y Giuseppe Versaldi ... và Hồng y đã tìm được chổ cho Balduzzi trong danh sách ứng cử của Mario Monti. Hồng y Giuseppe Versaldi là một trong những “chức sắc” có nhiều quyền thế trong hàng giáo phẩm: người của phe Bertone, giữ vai trò tương đương với “Bộ trưởng kinh tế tài chánh” của Tòa thánh. Với vị trí trong danh sách ứng cử của Mario Monti, Balduzzi có thể được cho vào Hội đồng chính phủ mới trong trường hợp Mario Monti và Bersani bắt buộc phải liên minh với nhau trong Quốc hội mới ....

 

Mối đe dọa cộng sản

Bỏ qua một bên những “nhóm” như Phong trào 5 sao (Movimento di 5 Stelle) của Beppe Grillo  hay “Cách mạng dân sự” (Rivoluzione Civica – cực tả) của Antonio Ingroia, mà một số cha cố bảo thủ trong hàng giáo phẩm có thể bị dị ứng ... Quan hệ giữa Tòa thánh và Đảng Dân Chủ (PD) vẫn còn nhiều khó khăn. Đảng Dân Chủ vẫn còn bị xem như là một Đảng Cộng Sản đối đầu của thời chiến tranh lạnh ... và nhất là trong mùa tranh cử lần này, Đảng Dân Chủ đã liên minh với Đảng Cánh tả Sinh thái và Tự do (SEL – Sinistra Ecologia e Libertà)  của Vendola vốn đang bị các lực lượng bảo thủ thổi phồng lên như một mối đe dọa, thậm chí như yếu tố ngăn chận bất cứ một cuộc đối thoại xây dựng với phe trung tả: cũng bởi Vendola, đương kim Thống đốc của vùng Puglia, vẫn còn tiếp tục tuyên bố sẽ cắt xén ngân sách tài trợ cho các cơ sở giáo dục của nhà thờ, sẽ cho ra các đề luật cho phép hôn nhân giữa các người đồng tính, và cho phép các cặp đồng tính có quyền xin con nuôi. Đó là những “điều cấm kỵ” xưa nay của Tòa thánh.

Thậm chí đến những lãnh đạo “công giáo” trong hàng ngũ Đảng Dân Chủ như Rosy Bindi hay Franco Marini vẫn ít nhiều còn bị một số người trong hàng giáo phẩm “phân biệt đối xử”. Nhưng điều trớ trêu là chính Đảng Dân Chủ là đảng mà trong danh sách ứng cử năm nay có số phần trăm ứng cử viên công giáo cao nhất so với các đảng phái khác. Và cũng toàn là dân công giáo có “tầm cở”: thí dụ như Edo Patriarca vốn là một trong những thành viên đã từng tổ chức “Family Day” (đề cao các giá trị công giáo trong hôn nhân và gia đình); như Ernesto Preziosi (đệ tử của Giorgio La Pira, công giáo, Thị trưởng thành phố Firrenze vào những thập niên 60, người mà năm 1965 đã đến Hà Nội gặp Hồ Chí Minh để đề nghị một giải pháp thương thuyết hòa bình cho chiến tranh Việt Nam), phụ trách đối ngoại của Viện Toniolo (là viện kiểm soát Đại học Cattolica và nhà thương Gemelli trực thuộc Đại học Cattolica); Giorgio Santini, người của Công đoàn Công giáo CISL.

Ngoại trừ trường hợp của Opus Dei, vốn theo truyền thống không bao giờ tuyên bố ủng hộ phe nào. (Opus Dei có “biệt tài” là chỉ ủng hộ phe thắng cử), bên cạnh Tòa Thánh, các tổ chức công giáo cũng có những động thái trong mùa tranh cử.

Các tổ chức thiện nguyện không lợi nhuận (NGO) hầu như phần lón đều ủng hộ đảng Dân Chủ, lý do là bởi Đảng Dân Chủ chọn chiến lược kinh tế ít “cắt xén và khắc khổ” hơn so với chính sách của Monti. Bersani hứa hẹn sẽ có nổ lực để tìm ngân sách tài trợ cho các hoạt động thiện nguyện không lợi nhuận ... và lập tức Đảng Dân Chủ đã có được sự ủng hộ của các tạp chí “công giáo tiến bộ” như tờ “Vita” (Đời sống), tờ “Familia Cristiana” (Gia đình Thiên chúa giáo) ... và đặc biệt là của một bộ phận của tổ chức “Azione Cattolica” (Hành động Công giáo), dù rằng phe bảo thủ của nhóm này, đứng đầu là Dino Boffo, vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ Đảng của Berlusconi.

Tuy nhiên trước mắt người ta có thể dự đoán như thế này: trong mớ bòng bong của thế giới công giáo trong mùa bầu cử năm nay, nếu phe trung tả thắng cử với một đa số khá “dày” và đa dạng trong quốc hội ... thì chắc chắn là cán cân quyền lực trong nội bộ Tòa thánh cũng sẽ chịu nhiều thay đổi. Và trong trường hợp đó chắc chắn là phe ủng hộ Berlusconi sẽ mất thế thống trị đã có trong hơn một thập niên vừa qua.

Roma, 11/02/2013




Chú thích:

(1) Hàng năm tại thành phố Todi (vùng Umbria) các nhóm trí thức công giáo, với sự “hổ trợ tinh thần” của Tòa thánh, vẫn hay tổ chức một cuộc hội thảo về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội với sự tham gia của nhiều nhân vật cao cấp trong giới lãnh đạo chính trị kinh tế Ý. Có thể coi như đây là một kiểu “Đại hội hàng năm” của giới trí thức công giáo.

(2) Chính Ủy Ban Châu Âu từ năm 2006 đã cho rằng quyết đinh miễn thuế bất động sản cho Tòa thánh là một hình thức “ưu đãi bất hợp pháp” mà chính phủ Ý đã dành cho Vatican và đã gây ra hiện tượng cạnh tranh thương mãi bất bình đẳng giữa các cơ sở kinh doanh của nhà thờ với các cơ sở kinh doanh dân sự bình thường khác ... Do đó Ủy Ban Châu Âu cho rằng đó là những khoảng tiền “trốn thuế” và Ủy Ban đã hăm dọa là sẽ phạt nhà nước Ý nếu không có biện pháp giải quyết tình trạng cạnh tranh thương mãi bất bình đẳng kể trên.

(3) Cô Eluana Enlargo (Lecco, 25/11/1970 – Udine, 09/02/2009) là một công dân Ý. Sau một tai nạn xe hơi cô rơi vào tình trạng hôn mê lâm sàng trong suốt 17 năm cho đến khi mất. Trong suốt thời gian ấy, cô “được” nuôi sống một cách nhân tạo bằng chế độ dinh dưỡng lâm sàng. Gia đình của cô trong suốt 17 năm đó đã nhiều lần viết đơn lên Tòa án, lên các cơ quan quyền lực nhà nước để xin phép “trợ tử” (eutanasia) ... nhưng Tòa thánh Vatican đã áp lực nặng nề để ngăn cấm nhà nước cho ra luật trợ tử.

(4) Abu Omar là một giáo sĩ Hồi giáo Ai Cập sống ở Milano và bị tình nghi có nhng hoạt động dính líu đến khủng bố Hồi giáo. Ngày 17/02/2003 Abu Omar bị một nhóm nhân viên CIA, với sự đồng lỏa của Cảnh binh Ý, bắt cóc và bị đưa thẳng về Ai Cập. Vụ bắt cóc nói trên sau đó bị báo chí quốc tế phanh phui và tiếp theo là bị tòa án Ý xem như là một hoạt động bất hợp pháp của CIA trên lãnh thổ Ý, nhưng vụ án bị xếp lại vì chính phủ Ý viện lý do có những “bí mật quốc gia” không được tiết lộ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét