4 tháng 11, 2014

25 năm sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ (09/11/1989 – 09/11/2014) nước Đức đã thực sự “thống nhất” ?




Đối với phần lớn du khách có dịp ghé thăm Bá Linh ngày nay không dễ gì hình dung ra được bức tường một thời chia cắt nước Đức trong thời chiến tranh lạnh: Đông Đức thuộc về phe “xã hội chủ nghĩa hiện thực”; Tây Đức đồng minh tuyến đầu của Mỹ. 

Ngày nay người Đức ở Bá Linh chạy ngược chạy xuôi tất tả lấy những chuyến xe điện ngầm ở những nhà ga mà một thời xe điện không chạy qua trong suốt gần bốn thập kỷ. Ngày nay người ta bày bán la liệt xúc-xích nấu với cà-ry (currywurst) và tổ chức đình đám lễ lộc “chui” (không có giấy phép chính thức -  nhưng cũng rất phổ biến) ở những khu nhà kho bỏ trống, nơi mà cách đó vài thước một thời có những cảnh sát công an Đức sả súng vào những người dân Đông Đức khi những người này tìm cách vượt qua bức tường để sang Tây Đức.


Vào cuối tuần này, đúng ngày 9 tháng 11, nước Đức sẽ làm lễ kỷ niệm 25 năm bức tường Bá Linh bị đánh đổ. Và nếu nhìn thoáng qua bề ngoài thì nước Đức hiện nay là quốc gia “thống nhất” nhiều hơn cả những quốc gia chưa bao giờ bị chia cắt. Nhưng những con số (thống kê) và một số hình ảnh lại cho thấy vẫn còn có những khác biệt trong sinh hoạt đời sống hằng ngày giữa người Đức ở phía Đông và người Đức ở phía Tây, và những khác biệt về những vấn đề của hai vùng cho thấy là nước Đức không hẳn “thống nhất” (hoàn toàn) như người ta tưởng.



Kết quả của một cuộc thăm do ý kiến gần đây cho thấy là có đến 75% người Đức sống ở phía Đông quan niệm rằng thống nhất đất nước là một thành quả mong muốn, trong khi chỉ có khoảng 50% người phía Tây Đức có cùng quan niệm như trên. Và đấy cũng không phải là sự khác biệt duy nhất để cho thấy là sự phân chia Đông-Tây trong quá khứ vẫn … còn tồn tại cho đến hôm nay.



Bên dưới đây là không ảnh của thành phố Bá Linh về đêm được chụp từ trạm không gian vũ trụ quốc tế ISS (International Space Station) hồi năm 2012 và được đưa lên trang web của tờ báo Đức Zeit Online. Bức ảnh cho thấy thành phố Bá Linh bị chia làm đôi: những ánh đèn màu vàng chủ yếu tập trung ở phía Đông Bá Linh, trong khi những ánh đèn có màu sắc hơi xanh (lá cây) nằm ở vùng Tây Bá Linh.



 Daniela Augenstein, phát ngôn viên của văn phòng phụ trách về phát triển đô thị của thành phố Bá Linh, đã lý giải rằng xưa nay hai khu vực Đông và Tây của Bá Linh vẫn có hai hệ thống đèn đường khác nhau. Và ánh đèn ban đêm thể hiện sự khác nhau đó: hệ thống đèn đường ở phía Tây Đức có tiêu chuẩn sinh thái cao hơn và đấy là thành quả tiến bộ của các phong trào bảo vệ môi trường ở phía Tây Bá Linh vào những thập niên 70 và 80. Trong khi vào thời điểm đó thì các hạ tầng cơ sở ở phía Đông Đức có mức độ ô nhiểm cao và phần lớn nguồn năng lượng đều chủ yếu là dùng than đá. Đúng là hiện nay thì Đông Đức là tâm điểm của quá trình phát triển năng lượng tái tạo, tuy nhiên những khác biệt “lịch sử” vẫn còn tồn đọng xuyên qua hình ảnh Bá Linh về đêm.




Tiếp theo là các con số thống kê.




Lợi tức thu nhập

 Sau khi bức tường sụp đổ, nhiều cơ sở sản xuất và nhà máy ở Đông Bá Linh bất ngờ phải chấp nhận cạnh tranh với những cơ sở nhà máy ở Tây Bá Linh vốn có mức độ hoạt động hiệu quả hơn rất cao. Chủ nghĩa tư bản đổ ập đến như nước lũ tràn về. Kết quả là rất nhiều cơ sở sản xuất và nhà máy của Đông Đức bị phá sản và có một số vùng (ở phía Đông Đức) đã không bao giờ khôi phục lại được nền kinh tế sản xuất. Bởi thế mà ngày nay mức độ lợi tức thu nhập trung bình ở Đông Đức vẫn thấp hơn so với phía Tây Đức.





Thất nghiệp

 
Đúng là chỉ số thất nghiệp ở Đức hiện nay là thấp nhất trong vòng hai thập niên cuối trở lại. Tuy nhiên chỉ số thất nghiệp này lại không đồng đều nhau: ở phía Tây Đức chỉ số có công ăn việc làm cao hơn so với phía Đông. Một phần cũng bởi vì rất nhiều thanh niên rời bỏ các vùng quê ở phía Đông để chạy sang phía Tây, do đó con số người có công ăn việc làm ở phía Đông bị giảm.





Người già và thanh niên

 
 
Và hiện tượng thanh niên từ những vùng quê phía Đông bỏ sang phía Tây đã đưa đến một tình trạng khá nghịch lý: nhiều thanh niên ở vùng quê Đông Đức nói là họ bắt buộc phải chạy sang phía Tây bởi vì ở phía Đông không có nhiều cơ hội tìm ra việc làm và đồng lương không hấp dẫn như ở phía Tây Đức. Kết quả là nhiều cơ sở sản xuất ở Đông Đức không tìm ra đủ thanh niên lao động trẻ tuổi để có thể huấn luyện tay nghề và đưa họ lên các chức vụ cao trong nhà máy …. Và do đó hiện nay ở Đông Đức các nhà máy phải chạy vạy thu nhận tay nghề đến từ Ba Lan hay Cộng hòa Sét.







Nhập cư




Mà không phải chỉ vì vấn đề tìm công ăn việc làm và đồng lương như kể ở trên. Phần lớn người nước ngoài nhập cư vào Đức chọn sống ở phía Tây và sự hiện diện của cộng đồng người nước ngoài nhập cư đã làm giảm tuổi trung bình dân số ở các vùng phía Tây. Có rất nhiều lý do để giải thích vì sao mà đa số người nhập cư không sinh sống ở các vùng phía Đông. Cũng cần nói thêm là trước khi bức tường bị đánh đổ Tây Đức lúc đó cũng có chính sách khuyến khích người Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư sang Đức như những người lao động và do đó hiện nay con số người nước ngoài nhập cư vào phía Tây Đức rất cao.






Tỉ lệ bỏ phiếu cho các lực lượng cực hữu




Cũng phải nói thêm là thái độ của các vùng Đông Đức đối với người nước ngoài nhập cư ít cởi mở và thân thiện hơn so với các vùng Tây Đức. Kết quả của một công trình nghiên cứu của đại học Leipzig dựa trên các cuộc phỏng vấn của 16 ngàn người Đức trong mười năm cho thấy là ở Đông Đức – dù là một (cựu) quốc gia cộng sản hơn hai thập niên về trước – có sự hiện diện khá lớn của những người “thân hữu” và “tân-nazist” (neo-xít – neonazisti). Đảng hữu khuynh NDP  (Nationaldemokratische Partei Deutschland), trong đó rất nhiều đảng viên vẫn còn xem Adolf Hitler như là thần tượng, có được nhiều sự đồng thuận ở các vùng Đông Đức, dù rằng đảng này cho đến nay vẫn không có được nhiều phiếu trên toàn quốc trong các kỳ bầu cử.



Câu hỏi được đặt ra là: vì sao mà các lực lượng cực hữu có nhiều hậu thuẩn ở Đông Đức cựu cộng sản ? Có rất nhiều lý do phức tạp, và một số nhà nghiên cứu thì cho rằng đấy là kết của của một mớ “thập cẩm” trong đó có sự “tẩy chay” cánh tả sau biến cố sụp đổ bức tường và tình trạng kinh tế (bi đát) của phía Đông Đức: rất đông người Đông Đức thất vọng về “chủ nghĩa tư bản” của phía Tây … nhưng đồng thời cũng chẳng ai muốn trở lại với chế độ cộng sản, thế là các “ý thức hệ” cực hữu đã nhanh chóng lấp được “khoảng trống”.






Rác




Nhìn con số thống kê về rác … thì người ta có thể cho rằng trong một số lãnh vực các vùng Đông Đức có vẻ tiến bộ hơn Tây Đức. Một trong các lãnh vực này là số lượng rác: rác ở các vùng phía Đông ít hơn rác ở các vùng phía Tây. Giải thích như thế nào ? Một trong những lý giải là cho đến năm 1989 (năm bức tường bị đánh đổ) người dân ở Đông Đức vẫn phải thường xuyên đối phó với nạn thiếu thực phẩm, do đó chuyện tiết kiệm thực phẩm và chỉ mua những gì tối cần đã trở thành thói quen của người sống ở phía Đông. Và thói quen này đến nay vẫn còn.






Nhà trẻ




Những người cầm quyền cộng sản trước kia ở Đông Đức rất chú ý đến các chương trình hổ trợ trẻ con. Trong khi các bà mẹ ở Đông Đức đều phải lao động thì các bà mẹ ở Tây Đức có thể ở nhà trực tiếp chăm sóc con cái. Kết quả là chính phủ phía Đông Đức đầu tư lớn vào các hạ tầng cơ sở để chăm lo trẻ con … và “gia tài” này vẫn còn cho đến hôm nay.





Đồng ruộng cò bay thẳng cánh




Nhìn theo bản đồ thì người ta lại thấy thêm một “di sản” khác của Đông Đức cộng sản: các nông trường ở Đông Đức có “mặt bằng” lớn hơn so với các nông trường ở phía Tây, lý do là vì trước đó các nông trường không thuộc quyền tư hữu cá nhân mà là của các hợp tác xã. Sau khi thống nhất, các diện tích của các nông trại vẫn hầu như giữ y nguyên.







Tiêm chủng




Ở Đông Đức việc tiêm chủng phong chống dịch cúm rất phổ biến. Và ngày nay người dân Đức sống ở phía Đông vẫn còn giữ thói quen tiêm chủng.






Và … du lịch bằng chính phương tiện của mình




Cuối cùng là .. khía cạnh du lịch. Nếu có dịp đi du lịch ở Châu Âu người ta vẫn thường bắt gặp hai dạng người Đức (Đông và Tây) ở trong một khu cắm trại du lịch, và cũng dễ nhận ra ai bên Đông và ai bên Tây. Dân Đông Đức thường ngủ trong lều, còn dân Tây Đức thì vẫn dùng xe roulotte . Chẳng có một lý giải khoa học nào cả, có thể đấy chỉ là thói quen kinh nghiệm của dân Tây Đức vốn có máu du lịch. Một lý do khác là thời cộng sản hiện thực thì đa số thanh niên Đông Đức không có cả khả năng để mua một cái “xế hộp” … nói chi đến chuyện mua một cái xế …. roulotte. Thêm một lý do khác mang màu sắc chính trị: trong khi dân Tây Đức có toàn quyền tự do đi khám phá thế giới ngoài biên giới của đất nước … thì dân Đông Đức hầu như bị nhà nước “nhốt” trong suốt 4 thập niên …. cho đến 25 năm trước.


Chuyển ngữ từ bài "La Germania è ancora divisa?" 

Roma, 04/11/2014







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét