6 tháng 11, 2014

Thay đổi gì khi Quốc Hội nằm trong tay của Đảng Cộng hòa ?


Những tác động nào sẽ có thể xẩy ra đối với các cuộc đàm phán về các hiệp định kinh tế đối với chính sách đối ngoại của Mỹ?

 


Sau tám năm, đảng Cộng hòa đã chiếm lại được đa số ở Quốc hội, giành Thượng viện từ tay của đảng Dân chủ và xác định lại đa số Hạ viện. Trong quốc hội khóa mới này đảng Cộng hòa trong tay ít nhất 52 thượng nghị sĩ trên tổng số 100 ghế thượng viện, và 249 đại biểu ở Hạ viện so với 186 ghế của đảng Dân chủ.

Thắng cử của đảng Cộng hòa thực ra cũng đã được tiên đoán trước xuyên qua kết quả của các cuộc thăm dò ý kiến, nhưng không ai ngờ là kết quả thắng cử đã vượt xa dự đoán. khoảng cách giữa hai đảng ở Thượng viện cũng có khả năng sẽ tăng thêm sau đợt bầu cử vòng hai Louisiana sẽ được tổ chức vào ngày 06 tháng 12 sắp tới.

Cuộc bầu cử
“giữa nhiệm kỳ”, (midterm – gọi là midterm, term (nhiệm kỳ) ở đây là nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, bởi vì các cuộc bầu cử Quốc hội này xẩy ra hai năm sau kỳ bầu cử Tổng thống lần cuối, và vì nhiệm kỳ Tổng thống là 4 năm, do đó tức là bầu cử này cũng xẩy ra hai năm trước khi có bầu cử Tổng thống mới), vốn thường được coi như là một kiểu trưng cầu dân ý về các chính sách của Tổng thống đương nhiệm, và đối với Obama thì kỳ bầu cử hôm thứ ba 04/11 đã cho thấy là Tổng thống “hoàn toàn bị phá sản”. Và như thế là Tổng thống bắt đầu bước vào hai năm cực kỳ vất vã vì Tổng thống, theo ngôn từ truyền thông Mỹ, đã trở thành … vịt què (lame duck) và phải tiếp tục nắm quyền trong một vị thế suy yếu trước một Quốc hội hoàn toàn nằm trong tay của đảng “đối lập”, và trong khi đó thì đảng Dân Chủ cũng sẽ phải nhanh chóng tìm cách xây dựng một chiến lược tranh cử để có thể có đủ sức đối đầu với cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.



Thắng cử của đảng Cộng hòa sẽ có những tác động gì ?

Với kết quả bầu cử hôm thứ ba vừa rồi thì rất có khả năng là ghế Chủ tịch của nhiều ủy ban quan trọng trong Thượng viện sẽ vào tay đảng Cộng hòa, và điều này có nghĩa là đảng Cộng hòa sẽ có khả năng chi phối chính sách đường lối chính trị của các đề luật của Quốc hội. đây sẽ là một vũ khí lợi hại đảng Cộng hòa sẽ có thể sử dụng để gây lợi thế cho họ trong chiến dịch tranh cử năm 2016 vốn đã bắt đầu trong thực tế.

Theo một số nhận xét thì cuộc thắng cử của đảng Cộng hòa có thể sẽ có một tác động tích cực đối với các cuộc đàm phán thương mại đa phương đang được thảo luận, trong đó có cả hiệp định T-TIP với Châu Âu (T-TIP - Transatlantic Trade and Investment Partnerhsip – Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương) và hiệp định TPP với các quốc gia Châu Á Thái Bình Dương (TPP - Trans-Pacific Partnership – Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương)

Mặc dù rằng nếu các hiệp định đối tác kể trên được ký kết thì điều này sẽ được coi như là những thành công của chính quyền Obama, nhưng trên thực tế hiện nay thì phần lớn các ý kiến kìm hãm việc tiến đến các hiệp định nói trên đều đến từ phía đảng Dân chủ, lý do là những tác động tiêu cực có thể xẩy ra đối với vấn đề công ăn việc làm ở Mỹ. Đảng Cộng hòa thì ngược lại dường như sẵn sàng đẩy mạnh các hiệp định này vì nó mang khái niệm “free trade” vốn xưa nay vẫn được xem như là “mũi nhọn tiến công” của đảng Cộng hòa trong các cuộc đấu tranh chính trị. Và nhất là nếu các hiệp định thương mãi nói trên sẽ được sớm ký kết thì cũng là một món quà tranh cử cho đảng Cộng hòa, bởi vì đảng Cộng hòa có thể tránh không bị mang tiếng là đã “kỳ đà cản mũi” các đề án của Tỏng thống Obama.

Nhưng về mặt chính sách đối ngoại thì một Thượng viện nằm trong tay của đảng Cộng hòa có thể sẽ có những tác động tiêu cực đối với những hồ sơ gai góc: Iran, Nga và Syria.

Rất có thể là trước đây Obama hy vọng sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình với một thành công về đối ngoại, như một thỏa thuận với Iran chẳng hạn, nhưng bây giờ (với kết quả bầu cử vừa rồi) Obama sẽ bị buộc phải xét lại chiến lược của mình. Bởi vì nếu muốn có được một thỏa thuận với Iran thì cần phải có 2/3 phiếu thuận của Thượng viện, và với tình hình như bây giờ thì xem ra khó mà Obama có thể đạt được. Obama có thể sẽ nghĩ đến việc tạm đình chỉ các chính sách trừng phạt cấm vận đối với Iran, đổi lại là Iran sẽ phải chấp nhận một số yêu sách của Mỹ. Một khi Iran chứng tỏ được thiện ý của mình, thì có thể đối với Obama sẽ dễ dàng hơn để thuyết phục đảng Cộng hòa tiến đến phê chuẩn một thỏa thuận tòan vẹn, sau đó sẽ trở thành một thỏa thuận chính thức.

Về “lịch sử” mà nói thì Đảng Cộng hòa thường cứng rắn với Nga nhiều hơn so với đảng Dân chủ. Chính đảng Cộng hòa hồi tháng tư đã áp lực để gia tăng mức độ trừng phạt cấm vận đối với Nga, và bây giờ đảng Cộng hòa đủ các điều kiện để làm thêm một vòng thứ tư tăng trừng phạt cấm vận. Nhưng cũng phải nói là hiện nay quan hệ với Nga cực kỳ xấu, xấu đến độ mà ngay cả nhiều dân biểu của chính đảng Dân chủ cũng đã rục rịch chủ động đòi tăng các biện pháp trừng phạt cấm vận trong trường hợp Obama không quyết định lấy một chính sách cứng rắn hơn với Nga. “Thuốc thử” đầu tiên của một Thượng viện nằm trong tay đảng Cộng hòa có thể hai dự luật có tính đồng thuận lưỡng đảng (bipartisan) hiện đang được thảo luận ở Thượng viện về quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Trong
cuộc tranh cử vừa rồi đảng Cộng hòa luôn mạnh miệng chỉ trích Obama về thái độ thụ động trước vấn đề Syria đối với làn sóng khủng bố thánh chiến Hồi giáo cực đoan (jihadista). Do đó rất có thể là một Thượng viện trong tay đảng Cộng hòa sẽ có những bước đột phá phô trương cơ bắp đối với “Nhà nước Hồi giáo” (IS), tuy nhiên cũng khó mà có thể tưởng tượng được đảng Cộng hòa dám đi đến một quyết định “tham chiến trực tiếp bằng bộ binh”, vốn cũng là điều “cấm kỵ” đối với đảng Cộng hòa




Một chiến thắng … như dao hai lưỡi

Việc chiếm được đa số ở Thượng viện cũng có thể là con dao hai lưỡi cho đảng Cộng hòa. Hiện tượng chung sống” giữa Tổng thống và Quốc hội khác màu sắc chính trị với nhau thực ra cũng chẳng phải là điều mới lạ Washington, nhưng chính những khoảng cách giữa những yêu sách triệt để (những yêu sách mà chính các ngài Nghị sĩ của đảng Cộng hòa đã giương lên như ngọn cờ tranh cử của mình) sự cần thiết phải đi đến thỏa hiệp mà các cuộc “chung sống” đòi hỏi, sẽ có thể là vấn đề đối với đảng Cộng hòa.

Theo nhận xét của tờ Washington Post, nếu một tình trạng tê liệt quốc hội xẩy ra và kéo dài thì chính đảng Cộng hòa sẽ bị thiệt: Obama vẫn có quyền phủ quyết đối với nhiều đề luật của lập pháp hoặc trong những vấn đề nội dung quốc tế quan trọng, đến năm 2016 chính đảng Dân chủ sẽ khéo léo đổ thừa cho đảng Cộng hòa trách nhiệm của hai năm tê liệt của Quốc hội. Ngoài ra cũng cần nên nhớ là đến năm 2016, ngoài việc bầu lại Tổng thống, cử tri Mỹ sẽ bầu lại 1/3 ghế ở Thượng viện, đến lúc đó (2016) thì có thể chính các ghế thượng viện của đảng Cộng hòa là các ghế dễ bị lung lay hơn hết.

Ngoài ra, theo như nhận xét của tờ “Foreign Affaire”, GOP (Grand Old Party – đảng Cộng hòa) đã phải chịu những thay đổi sâu sắc trong gần sáu năm của chính quyền Obama lý do của ba xu hướng chính trị-xã hội chủ yếu, tất cả các xu hướng này đều kết nối với nhau phụ thuộc lẫn nhau: sự lão hóa của giới cử tri bảo thủ tiêu biểu, kế đến là mức độ cực đoan hóa tư tưởng ngày càng tăng của giới tài phiệt, và sau cùng là mức độ ngày càng sơ cứng của các quá trình hoạt động chính trị trong nội bộ đảng: tất cả các yếu tố này tiếp tục ngăn chận đảng có những đổi mới để thích ứng với những thay đổi trong xã hội và từ đó sẽ gây khó khăn cho đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Nguyên tác bài này có tên “Cosa cambia con un Congresso a guida repubblicana”  đăng trên trạm ISPI  http://www.ispionline.it/articoli/articolo/usa-americhe/cosa-cambia-con-un-congresso-guida-repubblicana-11542

Roma, 05/11/2014
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét