23 tháng 11, 2014

Ô dù Trung Quốc.



Nguyên tác bài này có tên “Ombre cinesi” của ký giả Aldo Giannuli được đăng trên tuần san “il Venerdì” của nhật báo “la Repubblica” số ra ngày thứ sáu 21/11/2014



Những gì đang diễn ra trong chiến dịch bài trừ chống tham nhũng được phát động trên dưới hơn một năm nay ở Trung Quốc cũng khiến Tây phương để ý quan tâm, và cũng phải nói là tò mò, bởi vì mức độ to lớn khác thường của hiện tượng: cho đến tháng 9 vừa qua đã có 180 ngàn cán bộ bị truy tố, và từ đó đến nay, con số đã lên đến hơn 200 ngàn cán bộ. 


Tây phương hè nhau đoán già đoán non, kiểu thầy mù sờ voi: có người thì “ôn cố tri tân” ngồi nhắc lại những kiểu “tòa án nhân dân” thời Cách mạng văn hóa của Mao, có người ngược lại đang hình dung ra một quá trình đấu tranh để xây dựng một “nhà nước pháp quyền” để mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, lại có kẻ thì bảo đấy chỉ là các màn đấu đá tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng cộng sản Trung Quốc, lại có ý kiến thì cho rằng đấy chỉ là các thủ thuật chính trị của nhà cầm quyền Bắc Kinh để giải tỏa bớt phần nào những bức xúc căng thẳng trong xã hội. Cũng có thể nói là các luận điệu vừa kể trên, luận điệu nào cũng có phần thuyết phục. Nhưng xem ra hiện tượng bài trừ chống tham nhũng hiện nay đi xa hơn các nhận xét “bình thường” vừa nói.

Carl Minzer, trong số tháng 9 của East Asia Forum, đã nhấn mạnh đến tương quan giữa chiến dịch chống tham nhũng và các quan điểm của Tập Cận Bình về hiện tượng “cách mạng mùa xuân Ả Rập” mà theo Tập chính sự suy yếu của đảng chính trị cầm quyền là yếu tố quyết định làm nổ ra các cuộc cách mạng mùa xuân nói trên. Chả thế mà, trong các tuyên bố hồi năm ngoái, Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc đã nhấn mạnh đến vai trò trọng tâm của đảng trong quá trình lãnh đạo chính sách đường lối của đất nước và là nền tảng của cơ chế. Trong đó hiện tượng tham nhũng hối lộ của quan chức của đảng, của cán bộ nhà nước và của quân đội bị xem như là những con mối đang ngày ngày gậm nhấm tàn phá từ bên trong đảng, biến đảng trở thành một thứ tổ chức đầy rẫy các nhóm lợi ích làm ăn riêng tư, những kiểu lobby của các phe phái, và như thế là tàn phá cả tính hợp pháp của đảng trước mắt người dân. 


Tuyên bố “tố cáo” nói trên của Tập làm người ta liên tưởng đến khái niệm về “đường lối chỉ đạo” một thời của Mao trong đó quan hệ tín cẩn giữa đảng và quần chúng cần phải được xây dựng xuyên qua một quá trình đấu tranh chống tham nhũng một cách quyết liệt không khoang nhượng trước bất cứ một nhân vật cao cấp nào của đảng. Chính vì thế mà hiện nay đã có nhiều nhân vật cao cấp của đảng đã rơi vào lưới của chiến dịch bài trừ tham nhũng ở Trung Quốc: từ Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), vốn đã từng là “Chủ nhiệm Ủy Ban Chính trị - Pháp luật trung ương” của đảng, trên thực tế là người nắm toàn bộ guồng máy an ninh của đảng, đến Từ Tài Hậu (Xu Caihou), cho đến ba tháng trước còn là phó Chủ tịch “Ủy ban Quân ủy Trung ương đảng”, tức là nhân vật số hai trong quân đội.

Tất cả những gì đang xẩy ra ở Trung Quốc làm người ta dễ chạnh nghĩ đến những truyện cổ tích trong đó một vì vua anh minh được người dân thương mến vì đã dám thẳng tay trừng trị đám quan lại hư thối trong triều đình.

Nhìn từ góc cạnh vừa kể trên (tố cáo không khoan nhượng các quan chức cao cấp tham nhũng), câu chuyện chống tham nhũng của Trung Quốc trong như có vẻ đang đặt trọng tâm vào việc thiết lập một nhà nước pháp quyền, nhưng trên thực tế, cái từ vựng yifazhiguo (依法治国) thực ra chưa hẳn tương đương với khái niệm “nhà nước pháp quyền” hiểu theo cách hiểu của Tây phương. 

Đối với Tây phương, “tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” cũng có nghĩa là người dân phải đối diện với một  “vành móng ngựa” duy nhất, đó là tòa án, tòa án của cơ chế tư pháp nhà nước và không có một tòa án đặc biệt nào khác (trừ Tòa Án Tối Cao Tư Pháp - Alta Corte di Giustizia); ngược lại ở Trung Quốc, một đảng viên (trên lý thuyết là đảng viên của bất cứ đảng chính trị nào, nhưng trên thực tế vì đây là trường hợp độc đảng, nên khi nói “đảng viên” người ta “ngầm  hiểu” là đảng viên đảng cộng sản Trung Quốc) chỉ phải ra trước vành móng ngựa sau khi các “ban bệ” chuyên trách về kỷ luật đảng đồng ý cho phép tòa án xử bị cáo (và thường là khi ủy ban kỷ luật của đảng đã đồng ý giao bị cáo cho tòa án … thì coi như 100% là bị cáo sẽ bị kết án – điều này có thể hiểu rằng trên thực tế chính đảng đã quyết định kết tội bị cáo rồi, và tòa án chỉ thi hành các “thủ tục cần thiết”). Na ná giống như những gì đã xẩy ra với “thẩm quyền điều tra của tòa án Giáo hội đối với các giáo sĩ”. 


Nhưng nói gì thì nói, có một điều chắc chắn là Tập Cận Bình chẳng hề tỏ ý muốn phá bỏ cái thẩm quyền điều tra nói trên của đảng, thậm chí, khi ca tụng vai trò trọng tâm của đảng … Tập đã gián tiếp xác định lại thẩm quyền nói trên.

Vấn đề là chiến dịch “xây dựng nhà nước pháp quyền” (tức là bài trừ tham nhũng) ở Trung Quốc hình như chủ yếu là tấn công vào các nhân vật điều hành các tổ chức ngoại vị của đảng  (tức là các ban bệ không nằm ở trung ương) vốn thường dễ bị các quyền lực chính trị địa phương chi phối. Kết quả là chiến dịch nói trên đang có khuynh hướng “tập trung hóa tối đa” mọi quyền lực của đảng vào trung ương.

Trong tình hình hiện nay, Tập Cận Bình đang phải đối đầu với hàng loạt xu hướng xã hội rất khác biệt nhau: từ những đòi hỏi quyền tự trị ở một số vùng như Tân Cương (Xjiniang), Tây Tạng, Hong Kong, và trong chừng mực nào đó, Mãn Châu (Manciuria), đến các sức ép đến từ nông thôn, từ những vấn đề bức xúc xã hội của giới thành thị đến những đòi hỏi lương bổng của giới lao động, bên cạnh đó là khuynh hướng đang biến guồng máy đảng thành ra một thứ phường hội với các lợi ích phe nhóm riêng tư. 

Và trong các vấn đề vừa kể trên thì vấn đề gay cấn nhất hiện nay là hiện tượng bất bình đẳng xã hội vốn đang tiến đến mức độ hầu như không thể chấp nhận được: hiện nay ở Trung Quốc chỉ số Gini (phương pháp để tính mực độ bất bình đẳng trong quá trình phân chia thu nhập và sự giàu có của xã hội) đã vượt hơn cả Mỹ (vốn xưa nay bị chỉ trích là có mực độ bất bình đẳng xã hội cao) và coi như là một trong những quốc gia có sự bất bình đẳng trong phân chia thu nhập của xã hội cao nhất thế giới. 

Hơn ba thập niên phát triển tăng tốc đã làm cho Trung Quốc trở nên cực kỳ giàu mạnh, nhưng thành quả của sự phát triển ấy chỉ ưu đãi riêng cho một thành phần thiểu số siêu giàu, trong khi đa số các thành phần khác trong xã hội chỉ hưởng được “tí cháo”, và đôi khi, có những trường hợp đến “tí cháo” cũng chẳng có. Ngày nay, các thành phần trung và thấp nhất trong xã hội đang đòi hỏi phải được chia chác ngay lập tức những thành quả của phát triển kinh tế. 

Hơn ba thập niên vừa qua, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã chấp nhận những hiện tượng như bóc lột lao động bằng đồng lương chết đói, cá lớn nuốt cá bé, các hoạt động “mờ ám” của băng đảng xã hội đen (mafia) Tam Hoàng, và nhất là hiện tượng tham nhũng hối lộ đại trà trong đảng và trong cơ chế nhà nước. Tất cả những tệ nạn xã hội vừa kể được Bắc Kinh xem như là những điều kiện thiết yếu nhằm tạo ra “tích lũy ban đầu” để nền kinh tế Trung Quốc cất cánh, na ná như “tích lũy nguyên thủy tư bản” (primary accumulation of capital) đã xẩy ra ở các nước Châu Âu và các thế kỷ XVII và XVIII. 

Chắc chắc là Bắc Kinh đã thành công trong quá trình “tích lũy ban đầu” vừa nói: Trung Quốc hiện nay là siêu cường kinh tế thứ hai trên thế giới, sau Mỹ (thậm chí theo cách tính chỉ số quân bình GDP dựa trên sức mua của từng quốc gia … thì hiện nay Trung Quốc đã qua mặt được Mỹ)

Tất cả “thành quả” nói trên đã đẻ ra một giai cấp “tỉ phú hậu hiện đại” đến từ tay trắng: người ta ước đoán hiện nay có khoảng bốn triệu tỉ phú Trung Quốc (gia tài tính bằng đô-la Mỹ), tăng gấp bốn lần trong mười năm cuối cùng. Trong một quốc gia như Trung Quốc vốn không có hiện tượng “gia sản thừa kế” (như phần lớn xẩy ra ở Tây Âu, các gia đình vọng tộc phú quý đã tạo ra của cải để các thế hệ sau thừa kế - lấy thí dụ như gia đình Agnelli (Fiat) ở Ý chẳng hạn), và nhất là đất nông nghiệp và nhà ở (tức là bất động sản) đều bị phân chia manh múng theo chế độ hợp tác xã trước đây, thì cách chắc ăn nhất và nhanh nhất để có thể tích lũy các nguồn tư bản đồ sộ là … (các hoạt động) bất hợp pháp, và chủ yếu là tham nhũng. Trên thực tế chính cái “đảng tích lũy ban đầu” (tức là đảng cộng sản Trung Quốc) là “nguồn lực cơ bản” của quá trình “phát triển hào hùng” của Trung Quốc trong hơn ba thập niên vừa qua. Và hôm nay cũng chính cái “nguồn lực cơ bản” ấy lại đang trở thành “vấn đề”: sự có mặt của giai cấp thiểu số siêu tỉ phú cực mạnh đã làm nổ ra ngay trong nội bộ xã hội một giai cấp khác chống lại giai cấp siêu giàu. Có những bất công mà người ta đã phải cắn răng chấp nhận hàng bao nhiêu năm … xem ra bây giờ không thể nào tiếp tục chấp nhận được nữa. Đơn cử một thí dụ: những doanh nhân Trung Quốc kinh doanh trong lãnh vực xuất khẩu đều phải đổi đô-la ngoại tệ ra nhân dân tệ (yuan) để trang trải chi phí sản xuất và trả lương cho nhân công trong nước, nhưng mỗi khi đổi ngoại tệ thì các doanh nhân này phải đóng 15% “cho nhà nước”, và dĩ nhiên là như thế thì lợi nhuận của doanh nhân bị giảm thấy rõ. Để tránh bị “mất mát” thì … cần phải đổi tiền … chợ đen …. Và chính ngay ở đây là đầu mối của các hoạt động “bất chánh để làm giàu”.
 
Nhưng không phải chỉ có những “chuyện nhỏ” như thế. Đối với giai cấp “siêu giàu hậu hiện đại” hiện nay … chuyện làm giàu không còn đáng kể: giai cấp này muốn ngay chính cơ chế phải có một sự “biến hóa toàn vẹn” theo chiều hướng “tư bản”, vượt qua nền “kinh tế tư bản nhà nước” hiện nay. (nói trắng ra: lá bùa “kinh tế xã hội chủ nghĩa theo định hướng thị trường” không còn “linh”).

Dĩ nhiên là các sự kiện vừa kể đã tạo ra một sự rạn nứt ghê gớm ngay trong giới lãnh đạo đảng, vượt qua những giới hạn đấu đá (truyền thống) tranh giành quyền lực phe phái trong đảng. Trên thực tế đây là một cuộc đấu tranh “giai cấp” (trong đảng) bao phủ lên toàn bộ các cơ cấu tổ chức đảng từ trước đến nay: trong những nhân vật đang bị điều tra về tham nhũng, ngay đến cả những nhân vật cao cấp nhất trong đảng, người ta thấy có người của phe nhóm Thượng Hải (Shanghai – nhóm của Giang Trạch Dân (Jiang Zemin)), rồi có người của phe nhóm tuanpai (nhóm của Hồ Cẩm Đào và Lý Khắc Cường) rồi đến phe nhóm được mệnh danh là “các hồng hoàng tử” (principi rossi,  chính là nhóm của Tập Cận Bình).

Trước các thế tấn công của chiến dịch bài trừ tham nhũng, các “nạn nhân” đã phản ứng lại bằng chính sách “đình công tư bản”, trên thực tế là “tẩu tán gia sản” ra nước ngoài. Theo tin từ Ngân hàng thế giới thì cho đến nay đã có hơn năm triệu “đại gia” Trung Quốc đang tìm cách tẩu tán tiền bạc vào các ngân hàng Tây phương. Và điều nầy chắc chắn sẽ gây “chấn thương” cho nền kinh tế Trung Quốc. Ở Trung Quốc hiện nay có một giới quan chức đảng hay cán bộ nhà nước được mệnh danh là “cán bộ trên răng dưới dế” (naked officer), đó là những cán bộ đã gởi vợ con và tài sản ra nước ngoài để tẩu tán “bằng chứng” với hy vọng là sẽ không bị kết án, và trong trường hợp bị kết án thì những cán bộ này sẽ quyên sinh, bởi vì luật pháp hiện hành Trung Quốc không cho phép truy tố người quá cố: thế là gia đình và gia sản được “bình yên vô sự”.

Và phía chính quyền cũng đang rục rịch tìm cách thay đổi các luật lệ để thu hồi lại gia sản bị tẩu tán. Và không phải chỉ thu hồi qua đường pháp lý danh chánh ngôn thuận: trong thời gian gần đây một số nguồn tin báo chí nói đến khoảng 250 trường hợp tỉ phú Trung Quốc trốn ra nước ngoài bị chính các lực lượng tình báo Trung Quốc “cưỡng bức hồi hương” với những phương pháp không thua vì các hoạt động “extraordinary renditions” (biện pháp mà các cơ quan tình báo phương Tây dùng để bắt cóc bất hợp pháp những  nghi can về tội khủng bố).
   
Roma,  22/11/2014


 chuyển ngữ


PS: Những hàng chữ in nghiêng là chú thích riêng của người dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét