27 tháng 7, 2014

Bi kịch Alitalia .... hay là bi kịch của nước Ý.



Giống như một cái đầm lầy hay bãi cát lún, sân khấu bi hài chính trị của Ý lại có khả năng nhấn chìm lần thứ hai cái hảng hàng không dân dụng Ý là Alitalia.

Mọi chuyện đang xẩy ra quanh Alitalia lần này tái diễn y hệt lại cái màn kịch đã xẩy ra hồi năm 2008: có một nhân vật đứng ra xin “cầu hôn” – năm 2008 là Air France, và bây giờ là Etihad –, sẳn sàng “ẳm về nhà” Alitalia dù rằng “em” là một cỗ máy ngốn tiền khổng lồ. Cũng như mấy anh Pháp thời 2008, bây giờ mấy anh Ả Rập của cái Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cũng sẳn sàng mở hầu bao, triển khai rộng các tuyền đường hàng không và các em tiếp viên hàng không vẫn tiếp tục mặc đồng phục tam tài của màu cờ nước Ý.

Chỉ có điều là cả anh Pháp lẫn anh Ả Rập đã mắc cái lỗi cơ bản: ngồi tính tiền mà không hỏi chủ quán đã bán cái gì ? Tức là ngồi làm các con tính mà không tính đến nước Ý. Hay nói đúng hơn là không tính đến cái mớ hổ lốn trong đó vừa có sự can thiệp chính trị của các đảng phái cộng với các lợi ích riêng tư của các phường hội (corporazioni), một giới tư bản nghèo tiền nhưng cực giàu về quan hệ chính trị bên cạnh các công đoàn chỉ biết các nghi thức tế lễ với những khẩu hiệu rất kêu nhưng nội dung thì rỗng tuếch, chỉ quen các thủ tục hành chính hơn là tranh đấu, và nhất là có khả năng tự hũy diệt rất cao ... trong đó Alitalia là một biểu tượng hùng hồn nhất. Tất cả mớ hổ lốn nói trên như một thứ độc dược đã đưa nước Ý xuống đến hàng thứ 65 trong bản xếp hạng “Doing Business” của Ngân hàng Thế giới: còn sau cả Botwana, Bulgaria và Tonga.

Sáu năm trước, sau những tháng ngày đàm phán mệt mỏi với những màn thay đổi liên tục kịch bản bất ngờ, Paris đã quyết định cuốn gói và để lại 4 tỉ nợ của Alitalia cho .... dân Ý. Bây giờ cũng y hệt như 6 năm về trước. Cái đầm lầy hay bãi cát lún của xứ Ý, vốn vẫn luôn luôn xuất hiện mỗi khi có người xin “cầu hôn” cô bé lọ lem Alitalia: sau bao nhiêu tuyên bố kiểu “cơ bản coi như đã xong” của các bá quan văn võ nước Ý, từ ông chủ tịch Alitalia đến ngài Bộ trưởng Giao thông Maurizo Lupi, từ các phường hội đến các công đoàn .... xem ra mấy anh Ả Rập bắt đầu hơi ... mệt mỏi. Và kịch bản tồi tệ nhất (và nếu trong nội weekend này không có gì thay đổi thì là kịch bản khả thi nhất) là đóng cửa Alitalia. Và đấy đúng là một lần nữa Ý lại có khả năng tạo ra “phép lạ” ... như đã từng làm trong quá khứ.



Tư sản không có tư bản trong tay.

Nếu Alitalia trở lại y nguyên tình trạng của 6 năm về trước, có nghĩa là cháy túi và sắp phá sản, thì nguyên nhân, ngoài chuyện khủng hoảng thế giới hiện nay, là những mầm bệnh di truyền của giới tư sản doanh nhân nước Ý vốn giàu quan hệ với giới chính trị bè phái nhưng nghèo tư bản và nhất là cực kỳ nghèo về khả năng doanh nghiệp. Năm 2008, trước một cuộc tranh cử đang diễn ra, Silvio Berlusconi, với mục tiêu tranh cử và nhân danh “bảo vệ màu sắc Ý”  đã cố tình nặn ra cái gọi là “nhóm doanh nhân yêu nước” (cordata di patrioti - trong đó có Roberto Colaninno, chủ tịch của tập đoàn Piaggio hiện đang có cơ xưởng lắp ráp xe Vespa ở Vĩnh Phúc gần Hà Nội) cùng với tập đoàn ngân hàng Intesa San Paolo (cũng vừa mới mở văn phòng hoạt động tài chính ở Hà Nội cách đây hơn hai năm) ... để rồi 6 năm sau ... cái nhóm doanh nhân yêu nước ấy .... đã ra tro bụi .... và Alitalia vẫn ... tiền mất ... tật ... càng thêm nặng. Hiện nay Alitalia còn rất ít tiền trong két sắt ... và mỗi ngày ngốn trên dưới 25 triệu .... lỗ vốn. Người ta nói ... hợp quần gây sức mạnh ... thế nhưng cái nhóm doanh nhân yêu nước đầy đủ mặt gian hồ hảo hớn trong 6 năm qua chẳng làm gì khác hơn cải vã với nhau để tranh giành quyền lực phe nhóm .. giữa những doanh nhân ... mà đóng góp cỗ phần chưa được đến hai con số phần trăm (tức là tiền bỏ vào thì ít mà ghế thì đòi nhiều !!!). Chỉ trong vòng 5 năm mà Alitalia đã phải thay đổi đến 3 giám đốc quản trị mà chẳng có vị nào có khả năng đem về cho Italia một Euro tiền lời (và mỗi lần ông giám đốc cũ ra đi ... là lại một mớ tiền triệu  .... gọi là ... “đền bù thiệt hại” (buona uscita)).

Để rồi bây giờ .... nếu muốn tránh khai tử Alitalia ... thì chỉ còn có mỗi cách là .... đi tìm “người nước ngoài” đến “cầu hôn”.


Nhà nước chống nhà nước

Mà nào chỉ có mớ hổ lốn bòng bong như kể trên, nào phải chỉ có những căn bệnh duy truyền của tư sản nước Ý .... Lần này trong bi kịch Alitalia lại có thêm một lớp tuồng mới khiến mấy anh Ả Rập chỉ biết nhìn nhau lắc đầu ngao ngán. Nếu hồi năm 2008, trước một cuộc tranh cử đang diễn ra, câu chuyện Alitalia đã gây chia rẽ làm đôi giới chính trị: một bên là Berlusconi nhất quyết phá đám Air France (với danh từ mỹ miều là bảo vệ sắc cờ nước Ý) chống lại Prodi trong cương vị chính phủ Ý vốn đang đàm phán với Air France. Sự rút lui của Air France đã được các phường hội lái máy bay và tiếp viên phi hành xem như thắng lợi lớn ... và lần đó Berlusconi cũng vớ được một mớ phiếu (năm 2008 Berlusconi thắng cử vẻ vang ở Thượng viện lẫn Hạ viện) ... Nhưng phường lái máy bay và tiếp viên phi hành có biết đâu là 6 năm sau .... họ lại trở lại y nguyên tình trạng của 6 năm về trước ... và lần này thì đến ông tổ của Berlusconi có đội mồ sống dậy cũng không cứu họ được.

Đúng là lần này thì trong như giới chính trị không bị chia rẽ như năm 2008. Hồi tháng mười năm ngoái, Enrico Letta, lúc đó là Thủ tướng Ý, đã đi sang Ả Rập và đã bắt đầu có “quan hệ” để giải quyết chuyện “cầu hôn” với Alitalia. Lúc đó chính Enrico Letta cũng đã thuyết phục được tập đoàn Bưu điện Ý (Poste Italiane), vốn là một tập đoàn do chính nhà nước nắm (100% vốn là do Ngân khố giữ) đồng ý sẽ “cúng” 75 triệu Euro vào cỗ máy ngốn tiền của Alitalia. Việc cầu hôn của Abu Dhabi, sau những tháng ròng rã đàm phán, xem ra cũng chỉ còn quyết định ....ngày cưới .... Thì bổng nhiên xẩy ra sự cố “nhà nước chống nhà nước”: Mr. Francesco Caio, tân giám đốc điều hành của Bưu điện vừa mới được Renzi tấn phong ... bổng đứng lên tuyên bố bất ngờ rằng .... trong điều kiện như hiện nay .... Bưu điện không thể nào đồng ý tham gia cứu Alitalia (chi tiết: Caio không muốn gánh nợ cũ của Alitalia, do đó, theo ý đồ của Caio là cần phải phá sản Alitalia, đem giấy nợ cũ ra trước tòa án, cho đẻ ra một “new-co” không có vướng mắc nợ cũ, và Bưu điện sẽ tham gia thoải mái với 75 triệu Euro và vốn đầu tư cho “new-co”). Mấy anh Ả Rập trớ mặt miệng ấp úng: “thế là nghĩa gì ? Nhà nước chống nhà nước sao ?”. Ấy ... không phải thế đâu. Đấy là biểu tượng của sự “trưởng thành” của giới “management” nước Ý đấy. Mấy anh Ý đã vội vã trấn an mấy anh Ả Rập. Nhưng xem ra mấy anh Ả Rập cũng không mấy được đã thông: chẳng khác gì tự dưng đem bàn tay mình ra tự chặt !!!! Nhưng đối với Ý, một quốc gia công nghệ tiên tiến nằm trong danh sách G7 mà các tuyến đường xe lửa cao tốc vẫn không có đường rầy chạy đến các phi trường quốc tế ... thì ... phép lạ nào cũng có thể xẩy ra được ở cái xứ của Dante.



Công đoàn manh mún

Bên cạnh những bi hài kịch của giới tư sản Ý, những động thái bất nhất của nhà nước Ý, mấy anh Ả Rập lại phải chứng kiến cảnh “nồi da xáo thịt” của mấy anh công đoàn. Lúc bắt đầu đàm phán với Etihad thì con số biên chế quá tải là 2500, rồi từ từ xuống còn 2250, rồi xuống nữa còn 1600 trong đó 600 sẽ được tái nhập trở lại ... (dù rằng không ai biết sẽ bằng cách nào !!!!) qua các cơ sở “ăn theo” ... và 900 sẽ bị ngồi ăn lương thất nghiệp đợi công việc mới. Nhưng rồi thì lời qua tiếng lại không biết thế nào ... mà công đoàn CGIL không chấp nhận con số biên chế quá tải đề ra. La UIL thì phản đối kết quả bỏ phiếu do hai công đoàn CGIL và CISL tổ chức. Lãnh đạo Alitalia thì vẫn cứ tiếp tục trấn an mấy anh Ả Rập trong khi phường lái máy bay và tiếp viên phi hành lấy giấy bút viết thư thẳng cho Giám đốc Etihad (lại không phải là một anh Ả Rập mà là James Hogan, một tay cựu cầu thủ rugby người Úc) để phản đối về cách thức “đại diện” trong “new-co”. Các anh Ả Rập nhận thư ... nhưng chẳng biết phải xử lý như thế nào. Có thể là trong thâm tâm ... mấy anh Ả Rập cũng hy vọng ... rồi mọi chyện sẽ xẩy ra như năm 2008: tức là vẫn là dân Ý phải nai lưng ra gánh hết nợ nần lỗ lã trước đây của Alitalia .... và cái khác biệt là lần này Alitalia sẽ không để Etihad cuốn gói như thời của Air France.

Thế còn 2500 biên chế quá tải ?
Salam (bình an, tiếng Ả Rập)



Kiện cáo đầy trời.

Chưa hết. Bên cạnh những vấn đề vừa kể trên, tình hình Alitalia lại càng thêm bi đát bởi một căn bệnh mãn tính đặc biệt của Ý: đó là hằng hà sa số những vụ kiện tụng có liên quan đến Alitalia, và như ta đã biết, thời gian kiện tụng ở Ý là thuộc bậc siêu, nhất là những vụ kiện dân sự.

Và đây chính là tâm diểm của việc Bưu Điện phản đối như đã kể ở trên. Hiện nay Alitalia có hơn 2700 vụ kiện tụng với khả năng sẽ bị phạt khoảng 470 triệu Euro, trong đó có những vụ kiên tụng tranh cãi với Windjet, GEC, và với cục thu thuế. Ở Pháp chẳng hạn, những cuộc kiện tụng như thế này mất khoảng 330 ngày, ở Tây Ban Nha là 18 tháng. Còn riêng ở Ý …. Trung bình là 1210 ngày … tức là trên dưới … 4 năm. Và Francesco Caio của Bưu điện không muốn phải trả tiền bồi thường cho những vụ kiện tụng từ năm 2011.

Mà biết làm sao hơn …. Cái nước Ý nó thế (cũng như ở Việt Nam người ta hay nói, cái nước mình nó thế !!!).

Chắc rồi thì Alitalia và Etihad cũng sẽ cử hành “hôn lễ” mà thôi … và hai bên sẽ sánh đôi cất cánh ….

Chỉ tội cho chính người dân Ý …. Lại sẽ vẫn tiếp tục vùng vẫy trong đám sình lầy hay quằn quại trong mớ cát lún …

(Nguyên tác "Il vizio italiano delle sabbie mobili" của Ettore Livini đăng trên nhật báo "la Repubblica số ra ngày 26/07/2014)

Roma, 26/07/2014
 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét