22 tháng 2, 2014

Một ngày thứ bảy 222 với 2 sự kiện tích cực.

Hôm nay thứ bảy 22/02/2014 có một sự trùng hợp tích cực của hai sự kiện, dù rằng giữa hai câu chuyện không có một tương quan trực tiếp nào cả (nhưng có những ảnh hưởng hệ lụy gián tiếp trên sân khấu chính trị ngoại giao).

Trong khi các mạng truyền thông đang trực tuyến buổi lễ tuyên thệ của Chính phủ mới của Ý, chính phủ của Matteo Renzi, một chính phủ mang nhiều sắc thái đổi mới: từ “ngoại hình” (trẻ, người mới, 50% bộ trưởng gái ...) đến nội dung với những hứa hẹn về cải tổ cơ chế, luật pháp, hiến pháp .... song song cách đó mấy ngàn cây số Quốc hội của Ukcraine đã hạ bệ Tổng thống “thân Nga” Yanukovich, tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử lại ... và lãnh tụ đối lập của phòng trào cam Yulia Tymoshenko đã được trả tự do.

Trước mắt (hy vọng) là nước Ý đang sắp sửa sang trang. Người ta đã bàn cãi nhiều về “hiện tượng Renzi” với những nghi vấn ít nhiều cũng có cơ sở. Người ta cũng đã “phê phán” về “quá trình chiếm lãnh hành pháp mà không thông qua bầu cử Quốc hội” (như chính Renzi đã hứa trong quá khứ !!!). Thậm chí ngay trong nội bộ đảng Dân Chủ (PD), là đảng của Renzi, thậm chí là đảng mà Renzi là Tổng bí thư, cũng có những tiếng nói “xét lại” .... kiểu “thế nào là cánh tả ????”

Ở một xã hội có đời sống dân chủ biện chứng thì tất cả những nghi vấn, những ý tưởng xét lại, những trăn trở, những mối bất đồng thuận ... là điều tự nhiên, thậm chí cũng có thể nói đó chính là máu huyết nuôi dưỡng đời sống dân chủ. Vì nếu không có sự cọ xát của những ý tưởng trái nghịch nhau ... thì sớm muộn gì đời sống dân chủ cũng sẽ bị khô cạn chết dần chết mòn ... như một cơ thể không còn máu huyết.

Nhưng cũng có lúc phải có đủ nhận thức biết đất nước đứng trước nguy cơ vực thẩm, chỉ một bước nữa thôi là tiêu tan hết mọi việc không gì cứu vãn được, và cũng phải có đủ can đảm chấp nhận đối đầu với những “cái mới”, dù rằng những “cái mới” ấy nó không theo “bài bảng lớp lang” như người ta đã quen thấy, thậm chí chính vì những “bài bảng lớp lang” đã bị rơi vào tình trạng sơ cứng không còn đủ khả năng đối phó với những biến đổi môi trường chung quanh ... mà những “cái mới” đã được đẻ ra.

Lịch sử nhân loại đã nhiều lần chứng minh cho thấy những “cái mới” thực ra không phải từ trên trời rơi xuống mà nó là con đẻ tự nhiên của những “cái cũ” đã bị sói mòn ...

Chính phủ của Matteo Renzi được các mạng truyền thông ca tụng về những cái mới: một Thủ tướng chưa đến tứ tuần, tuổi trung bình của Hội đồng chính phủ là 46 tuổi (lên đến 46 cũng vì có “bố già” Pier Carlo Padoan, Bộ trưởng kinh tế 63 tuổi), phân nữa Hội đồng bộ trưởng mặc váy, Hội đồng bộ trưởng “thon thả” (snello) với 16 Bộ trưởng, 12 trên 16 Bộ trưởng ... lần đầu trực tiếp nắm quyền hành pháp ...


Chính phủ Matteo Renzi

Nhưng đó chỉ là những “cái mới” mang tính “ngoại hình”. Chắc chắn “ngoại hình” cũng có chứa đựng thông điệp, nhất là ở thời buổi hậu hiện đại đa truyền thông và tất cả mọi chuyện đều bị marketing-hóa ... thì cũng không ái dám lơ là “ngoại hình”. Nhưng “ngoại hình” cũng chỉ có “ép-phê” được năm bữa nữa tháng ....

Về lâu về dài là cái “nội dung” của chính phủ mới của Renzi: những hứa hẹn cải tổ luật pháp, cơ chế, hiến pháp, những thay đổi đơn giản hóa bộ máy hành chánh nhà nước, những hoạt động “kích cầu” để tạo công ăn việc làm, để vực dậy nền kinh tế trì trệ của Ý (cái “Job Act” mà Reni vẫn hay đem ra úm bà la như một kiểu thần chú xua ma đuổi quỷ) .... Đó chính là những cái thật sẽ quyết định vận mạng, không phải là vận mạng của chỉ mỗi một Renzi, mà vận mạng của một chính phủ, vận mạng của lực lượng trung tả, vận mạng của cả nước Ý.

Chưa bao giờ mà vận mạng của nước Ý gắn liền với vận mạng chính trị của các lực lượng trung-tả như hiện nay. Câu nói nghe qua như có hơi hướm tuyên truyền cực đoan. Nhưng sự thật là như thế. Không phải vì chỉ có “trung-tả” mới gắn liền với đất nước. Mà chỉ vì trong hơn nữa thế kỷ vừa qua, và nhất là trong hai thập niên chót, tất cả các lực lượng hữu khuynh đã thay phiên nhau lên cầm quyền nước Ý ... và đã chứng minh cho thấy là các lực lượng hữu khuynh ở Ý đã không có đủ khả năng để hóa thân thành bướm ... mà chỉ loay hoay ở trạng thái sâu bọ đục khoét.

Chắc chắn là chính phủ của Renzi sẽ gặp nhiều trở ngại: trở ngại đầu tiên, và lớn nhất, là các cam kết với Châu Âu về bội chi ngân sách, về nợ nhà nước (tối đa 3% trên GDP), về thuế khóa, về cải tổ cơ chế nhà nước. Sau hơn nữa thế kỷ tự do mượn nợ mà ăn, tự do phung phí ngân sách để mua chuộc sự đồng thuận của cử tri, tự do bòn rút công quỹ, tự do phung phí vào các công trình xây dựng vô ích nữa vời “nhiều khói ít thịt”, nước Ý đã phải đối đầu với sự thật phủ phàng là không thể nào tiếp tục vung vãi trong khi nợ như chúa chổm, phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt xén phúc lợi xã hội ... và điều này đã tạo ra những căng thẳng trong xã hội. Đúng là vấn nạn tham nhũng lạm quyền của giai cấp lãnh đạo chính trị đã làm cho đa số cử tri không còn tin tưởng vào chính trị. Hàng loạt hiện tượng tẩy chai chính trị nổi lên như nấm. Nhưng thực ra không phải chỉ có tệ nạn tham nhũng hối lộ là nguyên nhân chính. Hay ít nhất đó không phải là nguyên nhân duy nhất. Cử tri Ý vốn xưa nay được “vỗ béo” bằng những “phúc lợi” do các đảng cầm quyền thay nhau phân phát vô tội vạ (tiền nhà nước, lại là tiền vay nợ, kiểu mượn đầu heo nấu cháo) ... Nay bổng dưng thấy “phúc lợi” bị cắt xén, hàng loạt đặc quyền đặc lợi từ những vùng hẻo lánh đồng quê đến thành thị náo nhiệt, từ những người nông dân dốt nát đến những bác sĩ kỹ sư trí thức đầy mình ... bổng thấy quyền lợi hằng ngày của mình bị va chạm. Đơn giản một ví dụ: chỉ cần ngân quỹ cắt xén là các nông dân tỉnh lẽ mất “trợ cấp bù lỗ nông nghiệp”, hay bác sĩ luật sư mất hàng loạt hợp đồng béo bở với chính quyền địa phương. Thế là “mất lòng tin” vào cơ chế chính trị. Người ta bảo có thực mới vực được đạo là thế. Không có “thực” thì đào đâu ra “niềm tin” vào đảng phái chính trị ?

Chính phủ Renzi hứa hẹn nhiều, trước mắt thì chỉ biết là Renzi đã thành công trong việc “đột phá” vào thành lũy của một cơ chế chính trị ù lì sơ cứng, chỉ mượn danh nghĩa “lớp lang bài bảng” để ngăn chận mọi đổi mới với mục tiêu là tiếp tục gìn giữ những đặc quyền đặc lợi của giai cấp lãnh đạo chính trị. Trước mắt là Renzi đã làm được những bước mà gần hai thập niên vừa qua các đảng phái, tả cũng như hữu, đã tuyên bố là có “thiện chí” nhưng rồi ... vẫn hoàn “chí thiện” (cho xuất phát dự luật cải tổ luật bầu cử Quốc hội, bãi bỏ Thượng viện, thay đổi điều V của hiến pháp).

Nếu là người có công tâm thì cũng phải chấp nhận đợi thời gian: ít ra cũng phải đến hè này người ta mới có thể kiểm chứng được là chính phủ của Renzi có thực đưa nước Ý sang trang hay không.

Cũng phải nhìn nhận là trong tình hình dầu sôi lửa bỏng như hiện nay, một bên là chính sách thắt lưng buộc bụng mà Châu Âu đang áp đặt, một bên là kinh tế sản xuất trì trệ, sức mua giảm hẳn, công ăn việc làm không có ...Tình hình như đi giữa hai lằn đạn, chỉ cần một chút sơ sẩy thì cũng đến toi mạng .... do đó cũng không dễ gì nhanh chóng có những giải pháp có hiệu lực một sớm một chiều.

Nhưng vấn đề là chính phủ Renzi cũng khó mà có thể yên tâm hoạt động: các “thế lực thù địch” rồi sẽ “diễn biến hòa bình” tạo khó khăn cho chính phủ, và nhất là cố tình sói mòn uy tín chính trị của Renzi. Mà nào chỉ có phải là “các thế lực thù địch” không đâu. Ngay chính trong nội bộ đảng PD, đảng mà chính Renzi là Tổng bí thư, cũng đã có những “luồn tư tưởng” đang tìm cách xét lại đủ thứ. Thậm chí còn có người trong đảng đề nghị “xét lại ... thế nào là một đảng tả ???”.

Súng bắn phía trước, súng nổ phía sau, hai bên tả hữu ầm ầm bom đạn ... thế mà cả cánh quân phải ngồi đó mà xét lại .... “thế nào là chiến tranh” ... thì đúng là ... đảng này sinh ra không phải để thắng cử chính trị ... mà để thua ... để rồi vỗ ngực tự xưng là ... ta thua một cách hào hùng (sic !!!).

Trong buổi ra mắt danh sách Hội đồng chính phủ với báo chí, Matteo Renzi đã tuyên bố: “Chính phủ này là do tôi quyết định. Toàn bộ Hội đồng chính phủ phải làm việc dưới quyền của tôi. Tất cả trách nhiệm đều thuộc về tôi. Bất cứ một rủi ro nào ... thì trách nhiệm là hoàn toàn của tôi”. Hay nói theo ngôn ngữ “renziano”: “Mi giocco la faccia” (Chơi luôn cả thanh danh).

Đến đây là bắt đầu màn xiếc ly kỳ nhất: người đu xiếc một mình lơ lững trên dây, phía dưới không có lưới an toàn. Chỉ cần một chút sơ sẩy ... là tiêu mạng. Chỉ biết cầu chúc cho người đu xiếc đi hết đoạn dây oan nghiệt một cách an toàn. Không phải chỉ vì tánh mạng của người đu xiếc mà thôi. Mà bởi vì nếu người đu xiếc có mệnh hệ nào ... thì chỉ còn lại những thằng hề trơ trẻn với những màn hề rẽ rún mị dân.

Cũng trong ngày hôm nay, cách Roma mấy ngàn cây số, người dân Ukcraine sau cùng cũng đã hạ bệ được một Tổng thống độc tài thân Nga, đã đàn áp tất cả các lực lượng đối lập, đã chấp nhận làm tôi mọi cho Nga bất chấp lại những ý kiến phản đối của quần chúng. May mắn nhất là dưới áp lực của ngoại giao quốc tế (Châu Âu) Ukcraine đã đi đến một giải pháp chính trị: hạ bệ Tổng thống Yanukovich, trao trả tự do cho “nữ tướng phong trào cam” Yulia Tymoshenko, tổ chức bầu cử lại Tổng thống.


Những cuộc bạo loạn trong những ngày qua ở Kiev

Tình hình ở Ukraine cũng không đơn giản. Một quốc gia lớn gấp hai lần nước Ý, với khoảng 50 triệu dân chia làm 3 “sắc tộc”: sắc tộc nói tiếng Nga, sắc tộc nói tiếng Ukcraine, sắc tộc nằm giữa. Nếu không có một giải pháp chính trị nhanh chóng, thì Ukraine có thể biến thành một trường hợp nội chiến như của Jugoslavia vào những thâp niên 80. Một cuộc nội chiến nếu xẩy ra ở Ukcraine có “triển vọng” là đẻ ra hàng loạt “quốc gia tự trị” như những mãnh mìn bay lạc tứ tán ở ven vùng biên giới giữa Nga và Châu Âu. Và có điều là Ukraine là địa bàn mà phần lớn khí đốt của Nga phải chạy qua đây trước khi đến những vùng đất giàu có của Châu Âu.

Trong một ngày thứ bảy, đã cùng lúc xẩy ra hai sự kiện tích cực. Hy vọng cả hai sự kiện sẽ có “hậu”.

Một là cho vận mạng nước Ý.

Một là cho vận mạng Châu Âu.


Roma, 22/02/2014