31 tháng 1, 2012

Giàu nghèo .... và phát triển kinh tế ....


Theo các số liệu của Ngân hàng trung ương Ý, của Viện thống kê Ý, trong khoảng 10 thập niên trở lại đây khoảng cách lợi tức của giới giàu có và giới bậc trung ngày càng gia tăng. Tôi cố tình dùng chữ “bậc trung” để nói đến đại đa số những người lao động sống bằng đồng lương ba cọc ba đồng, chứ còn nếu phải so sánh giữa “giàu” và “nghèo” thì không phải chỉ là vấn đề khoảng cách ... mà phải nói là hai thế giới hoàn toàn cách ly với nhau: người nghèo chẳng có lợi tức để mà so sánh.

Ở Ý khoảng cách giàu nghèo gia tăng (Italia, si allarga il divario tra ricchi e poveri - http://www.repubblica.it/economia/2011/12/05/news/italia_si_allarga_il_divario_tra_ricchi_e_poveri-26111328/ )

Chỉ  tính đến năm 2008, thu nhập bình quân của 10% giới giàu có trong xã hội là 49.300 Euro, trong cùng năm thu nhập bình quân của 10% người nghèo nhất trong xã hội Ý là 4.877 Euro. Có nghĩa là khoảng cách giàu nghèo là 10 chọi 1. Trong khi đó vào khoảng giữa thập niên 90 thì khoảng cách ấy là 8 trên 1.

Khoảng cách giàu nghèo đã đưa đến tình trạng là hiện nay ở Ý chỉ khoảng 10% gia đình giàu có nắm trong tay khoảng 45,9% của cải của toàn xã hội, trong khi 90% số gia đình còn lại phải chia với nhau khoảng 54,1% của cải còn lại.

(Il 10% dei nuclei più agiati detiene il 45,9% della ricchezza -

Một trong những nguyên nhân tạo ra khoảng cách giàu nghèo to như thế là bởi vì thành phần giàu có thu nhập lợi tức không phải bằng đồng lương cố định mà bằng các hoạt động tài chánh và mua bán tự do (người có cơ sở sản xuất hay thương mãi) hay lao động tự do (bác sĩ, kỹ sư, dược sĩ ...), và trong những khu vực này, họ có thể “tự điều chỉnh” lợi tức theo thời giá gia tăng: giá cả leo thang thì họ cũng tự do tăng giá hàng hóa sản phẩm hay dịch vụ của họ ... Trong khi người dân lao động sống bằng đồng lương cố định ... và trong khoảng hai thập niên trở lại đây, đồng lương tăng không kịp thep mức độ gia tăng vật giá .... Và từ đó, khoảng cách giàu nghèo cứ ngày gia tăng.

Tạm thời ở đây không bàn đến phạm trù đạo đức hay công lý xã hội. Chỉ cần biết rằng với khoảng cách giàu nghèo to như thế có nghĩa là khoảng trên dưới 10% có dư thừa khả năng mua sắm, nhưng dù giàu đến đâu ... thì người giàu cũng chỉ có một bao tử để ăn nhậu, một tấm thân để mua sắm áo quần ... Và dù ăn chơi trác tán đến đâu ..., họ vẫn còn dư thừa tài chánh .... Và dư thừa đó ... rốt cuộc rồi cũng phải chạy vô các hoạt động đầu cơ tài chánh (mà ngôn từ thời thượng gọi là “đầu tư tài chánh”) có nghĩa là những đồng tiền đó không chạy vào luồn huyết mạch của nền kinh tế hàng hóa, không thức đẩy được sức mua của xã hội vốn là tiền đề cho những chiến lược phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế thị trường.

Trong khi đó, 90% còn lại không có đủ khả năng để thoả mãn hết những nhu cầu thiết yếu hằng ngày (ăn mặc, giáo dục, y tế ...). Và do đó, chỉ cần có một chính sách điều chỉnh lại sự phân chia lợi tức trong xã hội: thêm một vài phần trăm của cải vào tay của giới nghèo khó  ... thì những phần trăm đó sẽ được dốc hết toàn bộ vào nguồn huyết mạch của kinh tế hàng hóa (người nghèo bắt buộc phải tiêu xài vì họ có yêu cầu, và do đó thúc đẩy nền kinh tế sản xuất gia tăng) và tránh được những hoạt động đầu cơ tài chánh ... chẳng lợi ích gì cho nền kinh tế đang trì trệ như hôm nay.

Mấu chốt cơ bản của các chính sách nhằm tìm cách giải cứu nến kinh tế trì trệ của Ý nói riêng, của Châu Âu nói chung ... là phát triển ... Và chỉ khi nào đại bộ phận xã hội (90%) có thêm điều kiện để mua sắm ... thì nền kinh tế mới phát triển. Chứ còn nếu cất để phần lớn của cải vào ngân hàng để “đầu tư tài chánh” ... thì chừng nào kinh tế mới phát triển ?

Đây chẳng phải là lý thuyết kinh tế tài chánh cao siêu chi cả. Chỉ đơn thuần là định lý cơ học: muốn tăng một đầu ... thì phải có một lực đẩy từ đầu bên kia ...

Roma, 31/01/2012
Huê Đăng

24 tháng 1, 2012

Tư bản thời hậu hiện đại.


Những đại gia có tiền có của đầu tư vào các lãnh vực tài chánh thì trồi sụt của thị trường chứng khoán có khi đưa các ngài “lên voi” cao ngùn ngụt, nhưng cũng có lúc cho các ngài “xuống chó” thiếu điều tán gia bại sản.



Nhưng đó là những nỗi “thăng trầm” của người có của. Còn hạng người cả đời đi làm thuê làm mướn lương ba cọc ba đồng, cả năm làm quần quật, dư giả lắm thì mỗi năm cũng tổ chức đưa được gia đình đi chơi đây đó, gia sản lớn nhất là một căn hộ, còn lại là dành dụm chắc chiu để lo giúp con cái khi chúng nó sắp sửa rời bỏ mái ấm gia đình. Cả đời nếu không phải nợ nần là coi như may mắn lớn ... Đối với hạng ba cọc ba đồng thì, trên lý thuyết mà nói, giá thị trường chứng khoán quốc tế hay quốc nội có trồi sụt lên xuống cũng chẳng  ăn nhậu gì đến họ. Chứng khoán lên ? Nhưng họ có cắc nào để đầu tư vào chứng khoán nên cũng chẳng hưởng được tí “ơn mua móc” nào cả. Chứng khoán xuống ? Thì cũng có mất cắc nào đâu mà sợ vì đâu có đầu tư xu nào đâu.


Ấy vậy mà trong vòng hai ba năm nay, “trồi sụt” của thị trường chứng khoáng lại đang trở thành mối lo hàng đầu cho chính giới ba cọc ba đồng. Sáng sớm ra, mở radio nghe nói ... “Đau-giôn” (Dow Jones) “ấp” (up) ... là thở phào nhẹ nhỏm, nhưng nếu rủi “Đau-giôn” mà “đau” (down) thì cũng thấy “ê ẩm cả mình”.

“Đau-giôn” có “đau” thì đại gia mất trắng vài ba triệu đô-la. Nhưng vài ba triệu đó nhầm nhò gì đối với tiền tỉ trong trương mục ? Nhưng khổ nổi là nếu cứ mất trắng thế này hoài ... thì đại gia nổi khùng đóng cửa hảng xưởng ... về quê ngồi hóng mát ... cho hạ cơn giận .... còn cái hạng lương ba cọc ba đồng thì .... mất trắng .... việc làm .... về quê đi .... ăn xin.

“Đau-giôn” mà "ấp", thì đại gia bỏ vài triệu vô túi tối lấy máy bay riêng đi du hí đốt tiền... chứ còn dân ba cọc ba đồng thì vẫn nai lưng đi làm thuê ... nhưng được cái vui là .... hảng xưởng không có nguy cơ đóng cửa ... và công ăn việc làm ... ổn định ....

Đối với dân ba cọc ba đồng có việc làm ổn định thời này tính ra còn hạnh phúc gấp trăm lần so với cái sướng của đại gia được lãi vài triệu chứng khoán mỗi “phiên chợ”.

Thành ra đêm ngày dân ba cộc ba đồng cứ vừa nai lưng ra mà lao động vừa cầu mong cho “Đau-giôn” cứ "ấp" ... Ngày nào “Đau-giôn” "ấp" là coi như là “còn thấy mặt trời”.

Ông tổ Các-Mác hồi xưa đã không đự đoán bối cảnh hậu hiện đại của nền kinh tế tư bản: chính người bị bốc lột lại “trăn trở” với thị trường tài chánh còn hơn là  người đi bốc lột.



Đúng là vật đổi sao vời.

Roma, 24/01/2012.
Huê Đăng

23 tháng 1, 2012

Thá gì hai chữ “kỹ trị”


Chưa ai dám quả quyết rằng giải pháp “chính phủ kỹ trị” của ông Mario Monti rồi sẽ cứu được nước Ý hay không. Ngay đến cả những chính sách của tân chính phủ kỷ trị cũng còn đang gặp nhiều phê phán chống đối đến từ công luận .... Tuy nhiên có một điều mà không ai có thể chối cãi được: với cung cách hành xử nghiêm túc khoa học và ngôn từ chửng chạc đứng đắn, Mario Monti, trong cương vị Thủ tướng nhà nước, trước mắt đã phục hồi lại được danh dự quốc gia cho nước Ý.

Sau gần 2 thập niên phải chứng kiến một thằng hề múa may quay cuồng và hò hét khẩu hiệu rẽ tiền kiểu “mì ăn liền” .... trên sân khấu chính trị, thậm chí trên diễn đàn quốc tế ... bây giờ ngồi nghe Mario Monti nói chuyện, dù rằng có thể chưa hoàn toàn nhất trí hết những gì ông ta nói, nhưng ít ra cũng thấy có cảm giác như vừa trúc bỏ được một gánh nặng trên vai.
Báo chí vẫn hay dùng chữ kỷ trị (tecnocrate) để nói đến nét đặc thù của chính phủ hiện nay, và vẫn hay gán cho Mario Monti cùng với các bộ trưởng là những “nhà kỷ thuật” (tecnici). Thực ra, thì chính phủ nào cũng vẫn là chính phủ chính trị, bởi vì theo hiến pháp hiện hành thì bất cứ chính phủ nào cũng cần phải có được tín nhiệm của Quốc hội, mà Quốc hội chính là đại diện chính trị tiêu biểu của nhà nước (tạm thời bỏ qua một bên “phẩm chất” của tầng lớp dân biểu, đó là chuyện khác !!!). Do đó chính phủ kỷ trị thực ra phải hiểu là một chính phủ chính trị nhưng không do người của các đảng phái chính trị “trực tiếp” điều phối.

Và qua những buổi nói chuyện công luận đã khám phá ra rằng Mario Monti chẳng những không phải chỉ là một “nhà kỷ thuật”, mà lại còn là một nhà chính trị cực kỳ thâm thúy: khi có ai nói đến những lời bình luận phê phán chính phủ, Mario Monti không phản bác trực diện những phê phán đó mà ông ta hay dùng binh pháp ... “trói” đối phương (chữ “trói” là dịch nghĩa bóng từ chữ “blindare” của tiếng Ý).

Thí dụ như khi người ta hỏi Mario Monti nghĩ sao khi Berlusconi phê phán rằng “các chính sách của chính phủ đến nay vẫn chưa cho ra được một kết quả nào cả” ... Thì Mario Monti đã không đá động đến câu phê phán đó, mà ông ta “thông báo” rằng chính ông ta đã liên tục nghe ý kiến quý báu của Berlusconi .... Sự thật Mario Monti có “nghe” Berlusconi hay không thì có Trời mới biết (rất có thể là không), nhưng bố Berlusconi cũng chẳng dám “đính chánh” Mario Monti, vì nếu không thì hóa ra Berlusconi chẳng có ký lô gì cả hay sao ? Và như thế thì Mario Monti đã “trói” Berlusconi rồi: tất cả các chính sách của chính phủ đều đã có thăm dò ý kiến trước với Berlusconi rồi, như thế thì y cũng chẳng nên phê phán chính phủ làm gì.
(xem Lilli Gruber phỏng vấn Mario Monti trong chương trình  Otto e Mezzo của đài La7


Thí dụ khác: khi Lega Nord phê phán các chính sách về tự do hóa một số nghành nghề (liberalizzazione) của Mario Monti, thì Mario Monti đã “trói” Lega Nord như thế này: tất cả những chính sách về tự do hóa đều nhằm để đơn giản guồng máy hành chánh cồng kềnh mà chính một Lega Nord ngay từ thuở “hàn vi” đã từng xem như là mục tiêu đấu tranh ... thì nếu Lega Nord bây giờ không đi ngược lại các mục tiêu trước đây của mình ... Nói thế là coi như đã “trói” Bossi như người ta trói gà đem ra chợ bán.
(xem Lilli Gruber phỏng vấn Mario Monti trong chương trình  Otto e Mezzo của đài La7


Ăn nói như thế này ... thì đến cả các chính trị gia chuyên nghiệp cũng phải cúi đầu bái phục !!!

Thá gì hai chữ “kỹ trị”.

Roma, 23/01/2012
Huê Đăng

21 tháng 1, 2012

Hải Phòng có Tiên Lãng, Paris vang vảng Quán Cụ Hồ.


Hải Phòng có Tiên Lãng,
Paris vang vảng Quán Cụ Hồ.


Sự kiện Tiên Lãng và "giọt nước tràn ly"

Ai gửi côn đồ tới cướp phá "Quán Cụ Hồ" ?

Tiên Lãng và Quận 5 phố Paris cách nhau nửa quả địa cầu, nhưng hai câu chuyện Tiên Lãng và Quán Cụ Hồ lại có những mẫu số chung bất ngờ một cách thê thảm: vẫn là chuyện cưỡng bức thu hồi: một bên là thu hồi đất, bên kia là thu hồi mặt bằng cơ sở kinh doanh. Chủ mưu vẫn là những quan chức của nhà nước. Và những lý do đưa ra thì mù mờ bất cập .... và quan trọng nhất vẫn là những cái lý do rất vô hồn bất nhân bất nghĩa để che đậy một thèm khát không thể nói ra được: đầu cơ. Đầu cơ bất động sản hay đầu cơ mặt bằng ... thì vẫn là đầu cơ.

Thấy thiên hạ làm ăn ra nên ... thì nhẩy vô chiếm đoạt ... Chuyện cực kỳ đơn giản. Trong như chuyện ngụ ngôn “gà đẻ trứng vàng”: thấy con gà mổi ngày đẻ ra trứng vàng ... thì thay vì cứ đợi mỗi ngày có một quả trứng vàng ... thì người ta ngu xuẩn đè  con gà ra mổ bụng với tham vọng là lấy ... cả chục trứng vàng cùng một lúc ....

Lịch sử cuộc Nam tiến của cha ông ta từ thời Lý (thế kỷ 11) cho đến triều Nguyễn (thế kỷ 19) là cả một chuổi dài đi khai khẩn đất hoang lấn rừng lấn biển .... Nếu như thời đó mà cứ mỗi mươi năm vua chúa triều đình phong kiến cứ đi cưỡng bức thu hồi đất đai .... thì chắc giờ này nước Việt Nam không phải có hình chữ S ... và con cháu Lạc Hồng chắc cũng vẫn còn lẩn quẩn khu Nam Định hay vùng Thái Bình ....

Xem ra quan chức thời phong kiến hơi “bị” sáng suốt hơn quan chức thời này hỉ ?

Roma, 21/01/2012
Huê Đăng

19 tháng 1, 2012

Châm biếm thời sự: Đéo mẹ ... Trở lại tàu đi ...

Châm biếm thời sự:

14/01/2012 : Du thuyền viễn dương Costa Concordia bị lật. Thuyền trưởng bỏ trốn lên đất liền trong khi hành khách còn ngổn ngang trên tàu. Sĩ quan phụ trách kiểm soát hàng hải trên đất liền, qua điện thoại, đã lớn tiếng ra lệnh cho viên thuyền trưởng phải lập tức quay trở lại với con tàu: "Torna a bordo, cazzo" 

16/01/2012 : Theo tờ Financial Time trong cuộc phỏng vấn Mario Monti: Thủ tướng Ý đã yêu cầu Đức và các nước chủ nợ khác cần phải tích cực hơn để giúp Ý trong quá trình giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước.

17/01/2012 : Phản ứng của Đức, qua tuyên bố của Wolfgang Franz, cố vấn kinh tế của Angela Merkel, là từ chối yêu cầu giúp đở của Ý: "Ý có thể tự lo một mình được.



- Monti kêu cứu với Merkel.
- Đéo mẹ ... Trở lại tàu đi ...

(tranh biếm họa Ellekappa trên "la Repubblica")



18 tháng 1, 2012

Du thuyền Costa Concordia và nước Ý.



Mấy hôm nay thiên hạ bàn tán quá xá cở về vụ lật du thuyền viễn dương Costa Concordia. Hổng phải chỉ có mình nước Ý “sùi bọt mép” ... mà đến cả toàn cầu cũng “tán ra tán vô” không ngớt.
Lỗi phải, trách nhiệm về sự cố lật tàu này ... thì các cơ quan thẩm quyền của Ý đang điều tra. Mình hổng phải là dân chuyên nghiệp, chẳng biết ghe thuyền phải bơi lội ra sao, đến nổi mỗi khi về chơi miệt vườn sông Hậu mà đến lái chiếc “tác rán” cũng hổng xong. Thôi thì “dựa cột mà nghe”.
Nhưng chắc một điều là nguyên nhân vụ lật tàu này là hoàn toàn thuộc về lỗi của con người chứ hổng phải tại thời tiết, bảo bùng mưa to sóng lớn, cũng hổng phải tại trang thiết bị hiện đại hư hỏng ... và cũng càng chắc là hổng phải khủng bố quốc tế hay quốc gia chi cả .... Cụ thể là trách nhiệm thuộc về tay thuyền trưởng của chiếc Costa Concordia. Và hiện nay tòa án đang điều tra để lập hồ sơ cáo trạng y.
Đọc báo thì biết rằng tay thuyền trưởng này đã nhanh chân bỏ tàu đang chìm theo sóng nước với cả ngàn du khách kẹt trên tàu ... Khi hành khách lớp nhảy xuống biển lạnh cóng, lớp đang lò mò nhảy theo xuồng cấp cứu, lớp thì đang mắc kẹt trong khoang tàu ... thì vị thuyền trưởng (cùng với phó thuyền trưởng) đã “chỉnh tề” áo quần không ướt nước đứng trên đất liền ... ngó du thuyền đang lật úp ...
Theo luật hàng hải quốc tế thì khi có tai nạn hàng hải thì thuyền trưởng phải là người cuối cùng rời bỏ tàu: tức là chỉ sau khi đã di tản hết toàn bộ những người khác trên tàu thì thuyền trưởng mới được “nhảy”.
Thế mà khi sĩ quan hàng hải trên đất liền của bộ phận kiểm soát đường biển hỏi y đang làm gì trên đất liền trong khi hàng ngàn người còn đang bị kẹt trên du thuyền thì tay thuyền trưởng bảo rằng y đang .... “điều phối di tản ... từ xa ...(!)”.
Lại còn nghe các phương tiện truyền thông đại chúng khen quá xá cở vị sĩ quan hàng hải trên đất liền đã lớn tiếng ra lệnh viên thuyền trưởng phải trở lại con tàu để trực tiếp lo di tản các hành khách (“Le ordino di ritornare alla nave, cazzo” – Xin dịch nguyên văn là “Đéo mẹ,  anh phải trở lại tàu ngay”). Thậm chí báo chí còn phong “hàm” anh hùng quốc gia cho tay này.
Trong khi chờ đợi kết quả điều tra của các cơ quan thẩm quyền, chỉ cần dựa vào những điều tai nghe mắt thấy thì có thể nói rằng chiếc du thuyền Costa Concordia cùng với cung cách hành xử của những người có trách nhiệm lèo lái chiếc du thuyền .... là hình tượng tiêu biểu của nước Ý hôm nay:

  1. Khi có chuyện ... thì mạnh ai nấy chạy. Bất cần luật lệ. Và chính những người có trách nhiệm thì là những người đầu tiên đào tẩu.
  2. Viên thuyền trưởng cùng với một số bộ phận chỉ huy chiếc du thuyền là hiện thân của một tầng lớp lãnh đạo chính trị ở Ý: khi phải đối phó với nguy cơ thì họ vẫn cứ ù lì che dấu sự thật (viên thuyền trưởng suốt hơn 60 phút kể từ khi con tàu lâm nạn vẫn tiếp tục từ chối chấp nhận là tàu đang chìm) ... và đến khi không che dấu được nửa ... thì họ bỏ chạy để mặt dân tình chết chịu trận.
  3. Một số các chuyên gia hàng hải thì đưa ra nghi ngờ về khả năng nghề nghiệp của riêng viên thuyền trưởng và nghi ngờ về quá trình duyệt xét khả năng chuyên môn của nhân viên của tập đoàn Costa khi quyết định phong tay này lên chức vụ thuyền trưởng của một du thuyền đồ sộ như chiếc Costa Concordia. Điều này nếu là mới lạ với nghành hàng hải thì lại là chuyện “thường ngày ở .... Quốc hội Ý”: cứ nhìn khả năng chuyên môn của các dân biểu Ý ..  và cứ xem luật bầu cử để thấy vì sao mà họ được tuyển chọn làm dân biểu ... Tính ra còn tệ hơn tập đoàn Costa chọn thuyền trưởng.
  4. Ở Ý này khi nhà nước chỉ toàn đầy bọn ăn hại đái nát và tham những tràn lan ... thì khi một ai đó chỉ đơn thuần làm đúng bổn phận và trách nhiệm được giao phó ... là tự dưng biến thành anh hùng. Viên sĩ quan hàng hải trên đất liền khi lớn tiếng ra lệnh cho tên thuyền trưởng phải quay trở lại con tàu ... thì y cũng chỉ làm đúng bổn phận của mình. Chẳng phải y làm chuyện “thần thánh” chi .... Thế mà hôm sau báo chí đã không ngớt lời ca ngợi “anh hùng đất nước” .... Cứ y như các nữ dân quân miền Bắc Việt Nam dùng súng trường mà bắn hạ được máy bay không kích Mỹ thời chiến tranh ... Ghê thật. Té ra khi xã hội quá cực kỳ thối nát ... thì chỉ cần mình làm đúng bổn phận và tôn trọng luật lệ ... là biến thành anh hùng.
Roma, 18/01/2012
Huê Đăng