25 tháng 10, 2012

Never say never ...



26/01/1994, trên đống tro tàn của nền Đệ I Cộng Hòa Ý, Silvio Berlusconi tuyên bố “lâm trận” vì “lòng yêu tổ quốc Ý”. Thực chất là quyết định tự tay xây dựng ô dù cho chính mình sau khi ô dù Craxi tiêu tan thành tro bụi.

24/10/2012, cũng trên đống tro tàn, nhưng lần này là của nền Đệ II Cộng Hòa Ý, Silvio Berlusconi tuyên bố “giã từ vũ khí” ... cũng vẫn vì “lòng yêu tổ quốc Ý”. Thực chất là một cuộc “tháo chạy” trước viễn ảnh thất cử thảm bại vào mùa xuân 2013. (Các cuộc thăm dò ý kiến cho đến nay đánh giá rằng cái Đảng Tự Do của Berlusconi chỉ còn được khoảng 14-16%, so với “đại thắng mùa xuân năm 2008 là 37,4%). Vốn là con người tiểu nhân và hèn hạ, Berlusconi chỉ chường mặt ra khi y nắm chắc phần thắng trong tay, còn khi biết chắc rằng sẽ thất bại, y vội vã tháo chạy để lại cho đám quần thần đầu trâu mặt ngựa đứng ra “lãnh đạn”.




18 năm làm mưa làm gió, đưa cả vận mạng của một đất nước vào một cuộc thánh chiến với ngành tư pháp để tránh những tội phạm như hối lộ, trốn thuế, giả mạo sổ sách, quan hệ với băng đảng Mafia, thậm chí đến “mua dâm trẻ vị thành niên”.

Ở Ý người ta hay nói “ventennio” để ám chỉ 2 thập niên dưới chế độ phát xít của Mussolini (30/10/1922 – ngày Mussolini lên nắm chính quyền, 15/07/1943, ngày chế độ phát xít Ý sụp đổ). Cho tới bây giờ, nhìn lại lịch sử người ta vẫn còn ngao ngán trước những đổ nát bi thảm và những hệ lụy về chính trị, xã hội và kinh tế do 2 thập niên phát-xít gây ra.

Chắc trong tương lai, các nhà sử học lại sẽ viết về những điêu tàn đổ nát và những hệ lụy lên đất nước Ý do chính “ventennio hậu hiện đại” của Berlusconi để lại.

Trong kho tàng cổ tích phương tây có chuyện ông Vua Mida (Re Mida), người được thánh nhân ban cho phép mầu là ... hể đụng tới vật gì thì vật đó biến thành vàng. Tính ra thì Berlusconi cũng có một phép mầu là ... hể đụng tới đâu ... thì có tham nhũng hối hộ tới đó. 

Nền Đệ I Cộng hòa Ý tiêu tan ra tro bụi cũng bởi vấn nạn tham nhũng hối lộ. Gần hai thập niên sau đó, dưới bàn tay của Berlusconi thì tệ nạn tham nhũng hối lộ lại càng "trăm hoa đua nở". Ngày trước thì người ta tham nhũng hối lộ để có được quyền lực, còn dưới thời Berlusconi người ta dùng quyền lực để tham nhũng hối lộ.

Sân khấu chính trị Ý đang chuẩn bị bước vào mùa tranh cử, và quyết định “giã từ vũ khí” của Berlusconi “nổ” ra đang làm chấn động hàng loạt các lực lượng chính trị, làm đảo lộn các “quân cờ thế trận” của các đảng phái. Và nhất là đã bắt đầu mở màn cho một cuộc đấu đá tranh giành quyền lực nội bộ trong đảng Tự Do của Berlusconi để giành lấy “gia tài” do chính Berlusconi để lại.

Nhưng cũng cần phải nói cho rõ: Berlusconi “giã từ vũ khí” có nghĩa là hắn sẽ không đứng ra trực tiếp lãnh đạo liên minh trung-hữu trong mùa bầu cử sắp tới, tức là sẽ không gián tiếp tranh cử ghế Thủ Tướng .... nhưng hắn vẫn sẽ tham gia tranh cử để tiếp tục ngồi trong Quốc hội. Lý do rất đơn giản: các Hội đồng chính phủ đến rồi đi, các đảng phái có đó mất đó ... nhưng các “nợ nần công lý” vẫn còn đó ... và Berlusconi vẫn còn cần phải có quyền “miễn tố dành cho dân biểu” (immunità parlamentare) để tự cứu mình. Vã lại, với gần 2 thập niên khuynh đảo chính trường, Berlusconi cũng đã dàn dựng “âm binh” khắp nơi để tiếp tục khuynh đảo nước Ý. Chẳng có ai ngây thơ nghĩ rằng “giã từ vũ khí” có nghĩa là Berlusconi sẽ không còn tác hại đến đất nước này.

Vã lại, nói gì thì nói chứ còn đối với Berlusconi thì không ai có thể yên tâm tin những gì hắn nói, thói ăn gian lật lọng, trắng nói thành đen, đen biến thành trắng ... vốn là những phần tử tế bào di truyền (DNA) của con người Berlusconi. Biết đâu chừng một vài tuần nữa, y ra lệnh cho vài ba trăm "âm binh" đứng ra viết “tâm thư” yêu cầu Berlusconi “xét lại” và tiếp tục “cứu nước Ý” trước cảnh "dầu sôi lửa bỏng".... Lúc đó thì biết đâu Berlusconi lại phải “lâm trận” lần nữa.

Dù không biết Berlusconi là ai, nhưng tay gián điệp lừng danh 007 cũng đã phải nói “Never say never”.

Roma, 25/10/2012

19 tháng 10, 2012

Phế thải ở Ý !!!


Rottamare, rottamare, rottamare ......

Ở Ý khoảng non tháng nay ... từ vựng này đang trở thành thời thượng, đi đâu cũng nghe nói, cứ như thuốc tiên trị bách bệnh, cứ như thần chú để trừ ma tránh quỷ ...

Hỏi cụ Gú-gờ thì cụ bảo “rottamare” là “bỏ”: “bỏ” như “vứt bỏ”, như “bỏ đi” ... như vứt bỏ đi những “phế liệu”, những thứ không còn hữu dụng (thí dụ như một cái ti-vi đã hỏng mất màn hình, cái tủ lạnh không còn hoạt động, hay cái xe chẳng còn nhúc nhích ...), hay thậm chí còn gây thêm “rắc rối” (như gỡ bỏ những tấm tôn cũ đầy chất amiăng (amianto – chất hóa học có đặc tính cách nhiệt được xử dụng đại trà trong vật liệu xây dựng cho đến đầu thập niên 90, khi khoa học chứng minh được rằng chất amiăng gây ra ung thư)).

Hóa ra đó là câu thần chú của các lực lượng chính trị đảng phái trong mùa tranh cử cho kỳ bỏ phiếu Quốc hội mới vào khoảng cuối tháng tư năm tới,

Ở Ý hiện nay giai cấp lãnh đạo chính trị đang phải đối đầu với một cuộc khủng hoảng gần như phá sản: khủng hoảng vì đã không có khả năng, thậm chí không có thiện chí, đứng ra nhận lãnh trách nhiệm đối đầu với những khó khăn đủ mọi mặt của đất nước (bằng chứng là sự ra đời của chính phủ kỹ trị Mario Monti), và nhất là khủng hoảng về phương diện đạo đức với tệ nạn tham nhũng hối lộ và bòn rút của công lan tràn ở khắp mọi nơi, từ trung ương đến địa phương, từ các lực lương hữu khuynh đến các đảng phái cánh tả, hầu như không đảng chính trị nào có được niềm tự hào là trong sạch.

Trước cuộc khủng hoảng đó, thay vì phải có can đảm nhận lấy trách nhiệm và cố gắng tìm cách thay đổi tư duy và phương cách hoạt động ... thì giai cấp lãnh đạo chỉ biết đẻ ra mỗi một câu thần chú: “phế thải” (rottamare) với nội dung hứa hẹn sẽ cho về vườn tất cả phần lớn toàn bộ các “con khủng long chính trị” đã liên tục “ăn dầm nằm về” trong Quốc hội cũng như trong cơ chế lãnh đạo của các đảng phái trong suốt hơn ¼ thế kỷ.

Người “có công” đẻ ra câu thần chú “phế thải” này là đương kim Thị trưởng của thành phố Firenze, ông Matteo Renzi, người của đảng Dân Chủ (đảng lớn nhất trong khối trung tả hiện nay, và theo các cuộc thăm dò ý kiến thì nếu đi bầu trong lúc này thì sẽ được khoảng 28% số phiếu - http://www.termometropolitico.it/23662_analisi-sondaggio-ipsos-021012.html ).
Matteo Renzi thuộc vào thế hệ trẻ, năng động, xuất thân từ hàng ngũ của Đảng Hoa Cúc... và khi đảng này giải thể thì Renzi “di tản” sang hàng ngủ của Đảng Dân Chủ hiện nay (thành quả của cuộc “hôn nhân” giữa cựu Đảng Cộng Sản và các nhóm “tả khuynh” của cựu Đảng DCTCG).

Matteo Renzi lúc nào cũng có thái độ phê phán đối với đại bộ phận hàng ngũ lãnh đạo của Đảng Dân Chủ, vốn bị Renzi coi như là một thứ “khủng long” đã bị “sơ cứng” đến độ không còn có khả năng đóng góp sinh lực cho Đảng, thậm chí còn là nguồn gốc của những trì trệ lạc hậu trong đời sống chính trị của Đảng vì chỉ biết chăm bón cho quyền lợi cá nhân, phe nhóm.

Từ những ý niệm đó, Matteo Renzi đã nêu cao khẩu hiệu “phế thải”, tức là thay đổi toàn bộ nhân sự trong hàng ngũ lãnh đạo của Đảng, coi như là chìa khóa cơ bản để đổi mới đời sống chính trị của Đảng, từ đó đem đến một luồng gió mới cho toàn bộ liên minh cánh tả ... và thay đổi đời sống chính trị xã hội của nước Ý. Đó là “chiến lược” cơ bản của Matteo Renzi.

Dĩ nhiên khái niệm “phế thải” của Matteo Renzi đã bị các “khủng long” phê phán triệt để, thậm chí có “khủng long” (Massimo D’Alemma) còn hăm he rằng nếu Matteo Renzi thắng trong kỳ bỏ phiếu sơ bộ (primarie) của liên minh trung tả ... thì Đảng Dân Chủ sẽ có nguy cơ “tan hàng rã ngũ”.

Câu thần chú “phế thải” không biết rồi sẽ có “linh” hay không ? Có giải cứu được Đảng Dân Chủ trước những bế tắc khủng hoảng hay không ? Chỉ biết trước mắt là cả toàn bộ Đảng Dân Chủ, trong mùa tranh cử sơ bộ lần này, chẳng ai còn thiết tha đi tìm hiểu nội dung chính trị của các đề án hay giải pháp của mỗi ứng cử viên, chẳng ai màng đến đường lối kinh tế tài chánh xã hội mà mỗi ứng cử viên phải trình làng trước các đảng viên .... Cả đảng chỉ biết nhôn nhao lên tiếng đồng ý hay phản bác chủ trương “phế thải”, chỉ biết lo đi tìm danh sách để xem ai sẽ “được” phế thải, ai đáng phế thải ...

Thực ra thì “phế thải”, nếu hiểu theo nghĩa tích cực thì đó là yêu cầu đổi mới: với thời gian, với những thay đổi của môi trường xã hội, với những biến hóa của kinh tế, và nhất là với “tuổi già”, thì dĩ nhiên yêu cầu đổi mới là yêu cầu sống còn của mỗi lực lượng chính trị. Do đó dứt khoát rằng tự bản thân nó, khái niệm “phế thải” chằng có gì đáng phải tranh cải.

Nhưng thế nào là “phế thải” ? Có phải chăng chỉ cần gạt bỏ những con “khủng long” và thay vào đó những “mầm mới” là tự nhiên Đảng sẽ đổi mới, sẽ có sinh lực mới ? Giống như “thần dược” ? Ngủ một đêm sáng ra là thấy đổi mới hoàn toàn ?

Bản chất của mọi vật thể đều có những trải nghiệm quá khứ, có những vấn đề hiện tại, và những mong muốn cho tương lai. Quá khứ, hiện tại và tương lai là một chuổi liên tục của những diễn biến hằng ngày hằng giờ, không thể nào “cách ly” quá khứ với hiện tại, và lại càng không thể có tương lai nếu chẳng biết hiện tại ra sao. Chẳng một cây cổ thụ nào có thể có được những mầm non xanh tươi trên các nhánh vươn lên trời cao... nếu tự dưng người ta đi cắt hết rễ. Mất rễ thì mầm non cũng chết theo cây. Đánh mất quá khứ thì người ta cũng chẳng biết hiện tại là gì ? Nói chi đến tương lai.

Vấn đề thực ra không phải là đi bỏ phiếu để đồng thuận hay phản bác ý niệm “phế thải”. Vấn đề là cần có một chiến lược đổi mới. Đổi mới, dù là đổi mới nhân sự của một Đảng, cũng không phải chỉ đơn thuần đổi người, mà nó phải là thành quả của một quá trình “chuyển giao thế hệ” để những con “khủng long” có điều kiện chuyền giao những kinh nghiệm và những giá trị lịch sử cho thế hệ mới trước khi “khăn gói về vườn”. Và chính bản thân của thế hệ mới cũng không thể nào một sớm một chiều là có thể thay thế một cách trọn vẹn kinh nghiệm lịch sử của những con “khủng long”.

Kinh nghiệm của hai thập niên chót cho thấy là trong quá trình cao trào chống tham nhũng thời Đệ I Cộng Hòa Ý đã “phế thải” đồng loạt toàn bộ các đảng phái chính trị thời đó ... để thay vào đấy là những gương mặt mới (Silvio Berlusconi, Umberto Bossi ...) để rồi hai thập niên trôi qua công luận mới ngộ ra rằng những gương mặt mới này còn tệ gắp mấy lần so với những con “khủng long” của nền Đệ I Cộng hòa.

Một chiến dịch “phế thải” ồ ạt và đại trà .... mà không chú ý đến những chính sách “chuyển giao thế hệ” .... chỉ tổ tạo ra thời cơ kiểu “nước đục thả câu” cho những chính sách mị dân ngu xuẩn.

Thế mà lạ một điều là cả Đảng Dân Chủ đang “cực hot” về câu thần chú “phế thải”, nhưng chẳng thấy ai nói đến chính sách “chuyền giao thế hệ”.
Tuy nhiên, dù sao đi nữa cũng phải công nhận “công trạng” của Matteo Renzi: nhờ câu thần chú “phế thải” mà mấy hôm nay trong Đảng Dân Chủ đã có những con “khủng long” đang chậm chạp ì ạch rời bỏ cánh đồng để về miền núi xa xôi yên nghĩ.

Điều cũng đáng nực cười là câu thần chú “phế thải” đẻ ra trong phe trung-tả ... cũng đang lây sang phía bên kia chiến tuyến: mấy hôm nay đảng của Berlusconi, vốn đang bị khủng hoảng trầm trọng vì những vụ tham nhũng hối lộ bị phanh phui mỗi ngày ... nhiều như tin xe cán chó .... khiến độc giả báo chí đọc mệt nghĩ, cũng đang nói đến “phế thải”. Thậm chí có cái ông Thống đốc của vùng Lombardia, Ngài Thánh Nhân (Celeste) Roberto Formigoni, dù bị chính đảng của ông ta (PDL) bỏ rơi, vì những nghi phạm tham nhũng hối lộ khiến toàn bộ Chính phủ vùng và Hội đồng vùng cũng đã phải giải tán, cũng phải gào thét rằng “chẳng ai có thể phế thải được ta ....”.

Roma, 19/10/2012


14 tháng 10, 2012

Châu Âu và giải Nobel về Hòa bình 2012



Thế là năm nay Giải Nobel về Hòa Bình sẽ được trao cho Cộng Đồng Châu Âu, một thực thể bao gồm 27 quốc gia với những quá khứ lịch sử khác biệt nhau, thậm chí cho đến cách nay khoảng hai thập niên về trước, có những quốc gia nằm trên những “trận tuyến đối đầu với nhau” (thời chiến tranh lạnh).


Ngay khi các phương tiện truyền thông đăng tải quyết định của “Ủy Ban Giải Nobel Na Uy”, lập tức một số người “xấu mồm” đã cho rằng Cộng Đồng Châu Âu được chọn vì ... hiện nay trên chính trường thế giới hầu như vắng bóng hoàn toàn những nhân vật xứng đáng. Một số khác thì cho rằng đây là một quyết định chính trị nhằm “động viên” Cộng Đồng Châu Âu trong quá trình tìm cách giải quyết những khó khăn về tiền tệ, ngân sách, kinh tế tài chánh.

Bỏ qua một bên những “tin hành lang” như đã nói trên, vấn đề chánh là kể từ khi Đệ II Thế chiến chấm dứt, hơn 6 thập niên trôi qua Châu Âu đã có một nền hòa bình lâu dài như chưa từng có trước đây. 

Thực ra mà nói, có sống trên đất Châu Âu này mới thấy là quyết định trao tặng giải Nobel Hòa bình cho Châu Âu ... cũng hơi bất ngờ đối với công luận Châu Âu. Một phần có lẽ những người đã tận mắt chứng kiến và phải chịu đựng những tang tóc đổ vỡ của chiến tranh cuối cùng trên đất Châu Âu ... phần lớn nay cũng đã ra người thiên cổ, hay nếu còn sống thì chỉ là một số hiếm hoi các cụ trường thọ ... do đó chỉ là một bộ phận cư dân cực kỳ nhỏ so với con dân số trên dưới 730 triệu người. Những người trên dưới lục tuần trở lại thì cũng chỉ biết chiến tranh qua những lời kể của gia đình hay qua sách vở nhà trường. Còn lại những cư dân trẻ thì may mắn là họ sinh ra và lớn lên trên một vùng đất không có một tiếng súng, không có cảnh sơ tán, máu đổ thịt rơi. (Thực ra thì hồi những năm 1991-1995, sau khi Nam Tư tan rã, các căng thẳng về chủng tộc và biên giới cũng đã gây ra một cuộc chiến tranh, người ta gọi là Chiến tranh vùng Balkan, thậm chí cả khối Nato cũng phải can thiệp quân sự, nhưng có lẽ đối với phần lớn người Châu Âu, đó là kiểu chiến tranh “cục bộ”, không trực tiếp gây tác hại đến bản thân Châu Âu – hiểu theo nghĩa Châu Âu của các nước giàu có). 

Hòa bình đối với người Châu Âu, nhất là đối với những người trẻ, gần như là một thứ quyền tự nhiên “trên trời rơi xuống”, như không khí để thở, như ánh mặt trời, như nước để uống. Do đó khi đọc quyết định trao giải Nobel Hòa bình cho Châu Âu, phần lớn người dân Châu Âu mới “ngộ” ra được rằng họ đã sống trong hòa bình hơn 6 thập niên qua.

Điều trớ triêu là “chiến tranh là gì ?” và “hòa bình có giá trị như thế nào ?” thì đa số người Châu Âu không mấy ai tự vấn .... nhưng người Châu Âu lại phải vật vã mỗi ngày với những khó khăn kinh tế tài chánh, với những bức xúc xã hội: từ thất nghiệp đến vật giá leo thang, từ khó khăn về các nguồn tiếp liệu nhiên liệu (xăng dầu, khí đốt ...) và nguyên liệu đến các hệ lụy môi trường, từ vấn đề an ninh xã hội đến nhập cư bất hợp pháp. Bên cạnh đó là những khủng hoảng của các mô hình chính trị xã hội: từ mô hình “dân chủ xã hội” (socialdemocratico) đến các phong trào “cộng sản”, từ những phong trào dân sự “tiến bộ” như tranh đấu “nam nữ bình đẳng” hay “tự do nhân quyền” đến các hoạt động “ủng hộ  các cuộc đấu tranh giải phóng quốc tế”. Các mâu thuẩn xung khắc giữa các thành phần xã hội giàu nghèo, và nhất là những căng thẳng với những cộng đồng nhập cư ngày càng gia tăng. Rồi thậm chí trong những năm gần đây, đến ngay cả cái gốc rễ của Cộng Đồng Châu Âu cũng bị “nghi ngờ”, đến đồng tiền chung Euro cũng bị đe dọa “diệt vong”, các xung khắc vì quyền lợi cá biệt của các quốc gia thành viên đã làm suy yếu vị trí của Châu Âu trên sân khấu quốc tế.

Ây thế mà tự dưng Châu Âu lại được “vinh danh” với giải thưởng Nobel Hòa bình sao ?

Có lẽ cần phải nhìn Châu Âu bằng cặp mắt của người đứng ngoài Châu Âu.

Dầu muốn dầu không, dầu với những tệ nạn hay mâu thuẩn nội bộ như thế nào đi nữa, thì hiện nay Châu Âu vẫn còn là “đất hứa” của hàng tỉ người. Hàng năm có cả triệu người dám liều với chính tánh mạng của mình vượt biển hay vượt biên để tìm cách nhập cư vào Châu Âu. Họ đến từ những vùng đất nghèo đói, cực kỳ nghèo đói, nơi mà bình quân thâu nhập đầu người mỗi ngày không đến một đô-la, nơi mà ngay đến những căn bệnh cực kỳ dễ trị như suy dinh dưỡng hay ho lao cũng trở thành nan y (giống như Châu Âu của đầu thế kỹ 19). Điều kỳ quái là phần đông các vùng đất này đều được thiên nhiên ưu đãi với những nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú (quặng mõ, dầu khí, cây rừng) ... những thứ mà Châu Âu ngày đêm liếm mép rõ rãi. Thế mà ...

Tệ hại hơn nữa là đa số những vùng đất nghèo đói này lại bị chìm ngập trong chiến tranh: chiến tranh giữa các quốc gia, chiến tranh diệt chủng, chiến tranh giữa các bộ lạc, giữa các nhóm đạo giáo ...hay đôi khi chỉ đơn thuần là vì nằm trong sách lược quân sự của các nước lớn, và nạn nhân vẫn là những người dân nghèo nàn vô tội.

Có sống trong những trại tị nạn của các nạn nhân chiến tranh ở Châu Phi, ở Châu Á, ở các vùng Trung Đông: thiếu thốn trăm bề, điều kiện vệ sinh hoàn toàn không có, an toàn tánh mạng thì cứ tùy vào "buồn vui" của các quan chức hay chính phủ của quốc gia cho họ tạm trú tị nạn ... thì mới hiểu vì sao, với những khó khăn hiện nay, Châu Âu vẫn là đất hứa của hàng tỉ con người đang quằn quại trong nghèo đói và chiến tranh.

Nếu phải so sánh Châu Âu với những vùng đất nói trên ... thì rõ ràng là Châu Âu hoàn toàn xứng đáng được vinh danh và nhận giải Nobel Hòa bình. 

Nhưng có một điều nghịch lý trong nền hòa bình lâu dài và ổn định của hơn 6 thập niên vừa qua ở Châu Âu. 

Trước những tang thương đổ vỡ ngay trên mãnh đất của mình sau Đệ II Thế chiến, những người Châu Âu đã nhanh chóng nhận thức rằng cần phải tránh tối đa chiến tranh, với bất cứ giá nào. Và Châu Âu đã làm được điều đó bằng cách ... di dời tất cả những mâu thuẩn xã hội, những khó khăn kinh tế, những bức bách môi trường ... sang những vùng đất nghèo nàn lạc hậu. 

6 thập niên hòa bình và thịnh vượng đã được trả giá không phải do chính người Châu Âu ... mà là chính những người dân của các nước nghèo nàn lạc hậu. 

Nếu không có sự bất bình đẳng trong quan hệ giữa Châu Âu và các nước nghèo nàn lạc hậu ... thì Châu Âu không thể nào phát triển kinh tế và để ổn định hòa bình trong hơn 6 thập niên qua: lấy đâu ra nhiên liệu và nguyên liệu thiên nhiên với giá rẽ mạt để phát triển kinh tế ? Rồi khi mà vấn đề môi trường trở nên bức bách ... thì Châu Âu cứ thản nhiên “chuyển nhượng công nghệ” sang các nước nghèo nạn lạc hậu, vừa bán được các cổ máy mà ở Châu Âu đã bị nghiêm cấm vì ô nhiểm, lại được mang tiếng là “hợp tác phát triển” với các nước nghèo nàn lạc hậu. Một công hai ba cái lợi. 

Mua một bán mười là tâm điểm của quan hệ kinh tế thương mãi giữa Châu Âu và các nước nghèo nàn lạc hậu: một trái chuối, một trái thơm, vốn là nông sản đại trà ở Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ La tinh, bán qua Châu Âu với giá chỉ vài xu một trái, cho phép người dân Châu Âu thoải mái đem lên bàn ăn những “trái cây miền nhiệt đới” mà không phảo so đo đồng lương thu nhập. Nhưng một trái táo, một trái nho, vốn là đặc sản đại trà của Châu Âu nếu đem bán qua các xứ nghèo nàn lạc hậu ....thì giá có khi còn hơn nữa tháng lương của một người lao động ở các xứ đó. Trái cây của Châu Âu mắc mỏ đến độ ... chỉ khi nào người bệnh thập tử nhất sinh thì gia đình mới dám chắt chiu hy sinh mua cho một trái táo hay một ký nho ... gọi là để tận hưởng trước khi nhắm mắt.

Giả sử như nếu trong 6 thập niên vừa qua Châu Âu phải đối đầu với các nước nghèo đói và lạc hậu trên một quan hệ bình đẳng và sòng phẳng thì thử hỏi Châu Âu có khả năng phát triển hòa bình ổn định lâu dài được hay không ? 

Cuộc đời trước sau gì thì cũng vẫn không qua được định lý cơ bản của “các bình thông nhau” trong vật lý: muốn mực nước bên này dâng cao thì mực nước bên kia phải xuống thấp, nếu mực nước bên kia không chịu thấp nữa .... thì bắt buộc mực nước bên này cũng phải “bớt cao” mà thôi. Và điều này đã xẩy ra trong khoảng trên dưới một thập niên trở lại đây: xuyên qua quá trình kinh tế hóa toàn cầu, một số nước “thứ ba” đã bắt đầu hội nhập vào thế giới tiêu dùng, mấy tỉ người mà trước đây không biết thế nào là điện lực, thế nào là xe ô-tô, thế nào là ăn diện ... thì bây giờ họ cũng biết xài ti-vi tủ lạnh, cũng sắm xe ô-tô, cũng biết ăn mặc sang trọng ... và điều này có nghĩa là một số nguồn nguyên liệu và nhiên liệu thiên nhiên đã không chảy ồ-ạt (và với giá rẽ như bèo) vào Châu Âu nữa, mà phải dừng lại để thỏa mãn yêu cầu tiêu thụ của vài tỉ người trong các nước thứ ba. Và điều này đã khiến Châu Âu đang ngày đêm lâm vào cảnh khó khăn kinh tế tài chánh, những phúc lợi xã hội bị cắt xén và bị khủng hoảng đe dọa triền miên .... và ổn định cũng bắt đầu có vấn đề.

Nếu chỉ ngồi đếm niên đại ... thì rõ ràng Châu Âu đáng được nhận giải Nobel Hòa bình với thành tích ổn định hòa bình trong hơn 6 thập niên.

Nhưng nếu phải ngồi xem lại cái “nhân” của nền Hòa bình đó, và cái “quả” của nó trên những vùng đất nghèo nàn lạc hậu thì chưa biết Nobel Hòa bình sẽ rơi vào tay ai ?

Roma, 14/10/2012