19 tháng 10, 2012

Phế thải ở Ý !!!


Rottamare, rottamare, rottamare ......

Ở Ý khoảng non tháng nay ... từ vựng này đang trở thành thời thượng, đi đâu cũng nghe nói, cứ như thuốc tiên trị bách bệnh, cứ như thần chú để trừ ma tránh quỷ ...

Hỏi cụ Gú-gờ thì cụ bảo “rottamare” là “bỏ”: “bỏ” như “vứt bỏ”, như “bỏ đi” ... như vứt bỏ đi những “phế liệu”, những thứ không còn hữu dụng (thí dụ như một cái ti-vi đã hỏng mất màn hình, cái tủ lạnh không còn hoạt động, hay cái xe chẳng còn nhúc nhích ...), hay thậm chí còn gây thêm “rắc rối” (như gỡ bỏ những tấm tôn cũ đầy chất amiăng (amianto – chất hóa học có đặc tính cách nhiệt được xử dụng đại trà trong vật liệu xây dựng cho đến đầu thập niên 90, khi khoa học chứng minh được rằng chất amiăng gây ra ung thư)).

Hóa ra đó là câu thần chú của các lực lượng chính trị đảng phái trong mùa tranh cử cho kỳ bỏ phiếu Quốc hội mới vào khoảng cuối tháng tư năm tới,

Ở Ý hiện nay giai cấp lãnh đạo chính trị đang phải đối đầu với một cuộc khủng hoảng gần như phá sản: khủng hoảng vì đã không có khả năng, thậm chí không có thiện chí, đứng ra nhận lãnh trách nhiệm đối đầu với những khó khăn đủ mọi mặt của đất nước (bằng chứng là sự ra đời của chính phủ kỹ trị Mario Monti), và nhất là khủng hoảng về phương diện đạo đức với tệ nạn tham nhũng hối lộ và bòn rút của công lan tràn ở khắp mọi nơi, từ trung ương đến địa phương, từ các lực lương hữu khuynh đến các đảng phái cánh tả, hầu như không đảng chính trị nào có được niềm tự hào là trong sạch.

Trước cuộc khủng hoảng đó, thay vì phải có can đảm nhận lấy trách nhiệm và cố gắng tìm cách thay đổi tư duy và phương cách hoạt động ... thì giai cấp lãnh đạo chỉ biết đẻ ra mỗi một câu thần chú: “phế thải” (rottamare) với nội dung hứa hẹn sẽ cho về vườn tất cả phần lớn toàn bộ các “con khủng long chính trị” đã liên tục “ăn dầm nằm về” trong Quốc hội cũng như trong cơ chế lãnh đạo của các đảng phái trong suốt hơn ¼ thế kỷ.

Người “có công” đẻ ra câu thần chú “phế thải” này là đương kim Thị trưởng của thành phố Firenze, ông Matteo Renzi, người của đảng Dân Chủ (đảng lớn nhất trong khối trung tả hiện nay, và theo các cuộc thăm dò ý kiến thì nếu đi bầu trong lúc này thì sẽ được khoảng 28% số phiếu - http://www.termometropolitico.it/23662_analisi-sondaggio-ipsos-021012.html ).
Matteo Renzi thuộc vào thế hệ trẻ, năng động, xuất thân từ hàng ngũ của Đảng Hoa Cúc... và khi đảng này giải thể thì Renzi “di tản” sang hàng ngủ của Đảng Dân Chủ hiện nay (thành quả của cuộc “hôn nhân” giữa cựu Đảng Cộng Sản và các nhóm “tả khuynh” của cựu Đảng DCTCG).

Matteo Renzi lúc nào cũng có thái độ phê phán đối với đại bộ phận hàng ngũ lãnh đạo của Đảng Dân Chủ, vốn bị Renzi coi như là một thứ “khủng long” đã bị “sơ cứng” đến độ không còn có khả năng đóng góp sinh lực cho Đảng, thậm chí còn là nguồn gốc của những trì trệ lạc hậu trong đời sống chính trị của Đảng vì chỉ biết chăm bón cho quyền lợi cá nhân, phe nhóm.

Từ những ý niệm đó, Matteo Renzi đã nêu cao khẩu hiệu “phế thải”, tức là thay đổi toàn bộ nhân sự trong hàng ngũ lãnh đạo của Đảng, coi như là chìa khóa cơ bản để đổi mới đời sống chính trị của Đảng, từ đó đem đến một luồng gió mới cho toàn bộ liên minh cánh tả ... và thay đổi đời sống chính trị xã hội của nước Ý. Đó là “chiến lược” cơ bản của Matteo Renzi.

Dĩ nhiên khái niệm “phế thải” của Matteo Renzi đã bị các “khủng long” phê phán triệt để, thậm chí có “khủng long” (Massimo D’Alemma) còn hăm he rằng nếu Matteo Renzi thắng trong kỳ bỏ phiếu sơ bộ (primarie) của liên minh trung tả ... thì Đảng Dân Chủ sẽ có nguy cơ “tan hàng rã ngũ”.

Câu thần chú “phế thải” không biết rồi sẽ có “linh” hay không ? Có giải cứu được Đảng Dân Chủ trước những bế tắc khủng hoảng hay không ? Chỉ biết trước mắt là cả toàn bộ Đảng Dân Chủ, trong mùa tranh cử sơ bộ lần này, chẳng ai còn thiết tha đi tìm hiểu nội dung chính trị của các đề án hay giải pháp của mỗi ứng cử viên, chẳng ai màng đến đường lối kinh tế tài chánh xã hội mà mỗi ứng cử viên phải trình làng trước các đảng viên .... Cả đảng chỉ biết nhôn nhao lên tiếng đồng ý hay phản bác chủ trương “phế thải”, chỉ biết lo đi tìm danh sách để xem ai sẽ “được” phế thải, ai đáng phế thải ...

Thực ra thì “phế thải”, nếu hiểu theo nghĩa tích cực thì đó là yêu cầu đổi mới: với thời gian, với những thay đổi của môi trường xã hội, với những biến hóa của kinh tế, và nhất là với “tuổi già”, thì dĩ nhiên yêu cầu đổi mới là yêu cầu sống còn của mỗi lực lượng chính trị. Do đó dứt khoát rằng tự bản thân nó, khái niệm “phế thải” chằng có gì đáng phải tranh cải.

Nhưng thế nào là “phế thải” ? Có phải chăng chỉ cần gạt bỏ những con “khủng long” và thay vào đó những “mầm mới” là tự nhiên Đảng sẽ đổi mới, sẽ có sinh lực mới ? Giống như “thần dược” ? Ngủ một đêm sáng ra là thấy đổi mới hoàn toàn ?

Bản chất của mọi vật thể đều có những trải nghiệm quá khứ, có những vấn đề hiện tại, và những mong muốn cho tương lai. Quá khứ, hiện tại và tương lai là một chuổi liên tục của những diễn biến hằng ngày hằng giờ, không thể nào “cách ly” quá khứ với hiện tại, và lại càng không thể có tương lai nếu chẳng biết hiện tại ra sao. Chẳng một cây cổ thụ nào có thể có được những mầm non xanh tươi trên các nhánh vươn lên trời cao... nếu tự dưng người ta đi cắt hết rễ. Mất rễ thì mầm non cũng chết theo cây. Đánh mất quá khứ thì người ta cũng chẳng biết hiện tại là gì ? Nói chi đến tương lai.

Vấn đề thực ra không phải là đi bỏ phiếu để đồng thuận hay phản bác ý niệm “phế thải”. Vấn đề là cần có một chiến lược đổi mới. Đổi mới, dù là đổi mới nhân sự của một Đảng, cũng không phải chỉ đơn thuần đổi người, mà nó phải là thành quả của một quá trình “chuyển giao thế hệ” để những con “khủng long” có điều kiện chuyền giao những kinh nghiệm và những giá trị lịch sử cho thế hệ mới trước khi “khăn gói về vườn”. Và chính bản thân của thế hệ mới cũng không thể nào một sớm một chiều là có thể thay thế một cách trọn vẹn kinh nghiệm lịch sử của những con “khủng long”.

Kinh nghiệm của hai thập niên chót cho thấy là trong quá trình cao trào chống tham nhũng thời Đệ I Cộng Hòa Ý đã “phế thải” đồng loạt toàn bộ các đảng phái chính trị thời đó ... để thay vào đấy là những gương mặt mới (Silvio Berlusconi, Umberto Bossi ...) để rồi hai thập niên trôi qua công luận mới ngộ ra rằng những gương mặt mới này còn tệ gắp mấy lần so với những con “khủng long” của nền Đệ I Cộng hòa.

Một chiến dịch “phế thải” ồ ạt và đại trà .... mà không chú ý đến những chính sách “chuyển giao thế hệ” .... chỉ tổ tạo ra thời cơ kiểu “nước đục thả câu” cho những chính sách mị dân ngu xuẩn.

Thế mà lạ một điều là cả Đảng Dân Chủ đang “cực hot” về câu thần chú “phế thải”, nhưng chẳng thấy ai nói đến chính sách “chuyền giao thế hệ”.
Tuy nhiên, dù sao đi nữa cũng phải công nhận “công trạng” của Matteo Renzi: nhờ câu thần chú “phế thải” mà mấy hôm nay trong Đảng Dân Chủ đã có những con “khủng long” đang chậm chạp ì ạch rời bỏ cánh đồng để về miền núi xa xôi yên nghĩ.

Điều cũng đáng nực cười là câu thần chú “phế thải” đẻ ra trong phe trung-tả ... cũng đang lây sang phía bên kia chiến tuyến: mấy hôm nay đảng của Berlusconi, vốn đang bị khủng hoảng trầm trọng vì những vụ tham nhũng hối lộ bị phanh phui mỗi ngày ... nhiều như tin xe cán chó .... khiến độc giả báo chí đọc mệt nghĩ, cũng đang nói đến “phế thải”. Thậm chí có cái ông Thống đốc của vùng Lombardia, Ngài Thánh Nhân (Celeste) Roberto Formigoni, dù bị chính đảng của ông ta (PDL) bỏ rơi, vì những nghi phạm tham nhũng hối lộ khiến toàn bộ Chính phủ vùng và Hội đồng vùng cũng đã phải giải tán, cũng phải gào thét rằng “chẳng ai có thể phế thải được ta ....”.

Roma, 19/10/2012


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét