31 tháng 1, 2012

Giàu nghèo .... và phát triển kinh tế ....


Theo các số liệu của Ngân hàng trung ương Ý, của Viện thống kê Ý, trong khoảng 10 thập niên trở lại đây khoảng cách lợi tức của giới giàu có và giới bậc trung ngày càng gia tăng. Tôi cố tình dùng chữ “bậc trung” để nói đến đại đa số những người lao động sống bằng đồng lương ba cọc ba đồng, chứ còn nếu phải so sánh giữa “giàu” và “nghèo” thì không phải chỉ là vấn đề khoảng cách ... mà phải nói là hai thế giới hoàn toàn cách ly với nhau: người nghèo chẳng có lợi tức để mà so sánh.

Ở Ý khoảng cách giàu nghèo gia tăng (Italia, si allarga il divario tra ricchi e poveri - http://www.repubblica.it/economia/2011/12/05/news/italia_si_allarga_il_divario_tra_ricchi_e_poveri-26111328/ )

Chỉ  tính đến năm 2008, thu nhập bình quân của 10% giới giàu có trong xã hội là 49.300 Euro, trong cùng năm thu nhập bình quân của 10% người nghèo nhất trong xã hội Ý là 4.877 Euro. Có nghĩa là khoảng cách giàu nghèo là 10 chọi 1. Trong khi đó vào khoảng giữa thập niên 90 thì khoảng cách ấy là 8 trên 1.

Khoảng cách giàu nghèo đã đưa đến tình trạng là hiện nay ở Ý chỉ khoảng 10% gia đình giàu có nắm trong tay khoảng 45,9% của cải của toàn xã hội, trong khi 90% số gia đình còn lại phải chia với nhau khoảng 54,1% của cải còn lại.

(Il 10% dei nuclei più agiati detiene il 45,9% della ricchezza -

Một trong những nguyên nhân tạo ra khoảng cách giàu nghèo to như thế là bởi vì thành phần giàu có thu nhập lợi tức không phải bằng đồng lương cố định mà bằng các hoạt động tài chánh và mua bán tự do (người có cơ sở sản xuất hay thương mãi) hay lao động tự do (bác sĩ, kỹ sư, dược sĩ ...), và trong những khu vực này, họ có thể “tự điều chỉnh” lợi tức theo thời giá gia tăng: giá cả leo thang thì họ cũng tự do tăng giá hàng hóa sản phẩm hay dịch vụ của họ ... Trong khi người dân lao động sống bằng đồng lương cố định ... và trong khoảng hai thập niên trở lại đây, đồng lương tăng không kịp thep mức độ gia tăng vật giá .... Và từ đó, khoảng cách giàu nghèo cứ ngày gia tăng.

Tạm thời ở đây không bàn đến phạm trù đạo đức hay công lý xã hội. Chỉ cần biết rằng với khoảng cách giàu nghèo to như thế có nghĩa là khoảng trên dưới 10% có dư thừa khả năng mua sắm, nhưng dù giàu đến đâu ... thì người giàu cũng chỉ có một bao tử để ăn nhậu, một tấm thân để mua sắm áo quần ... Và dù ăn chơi trác tán đến đâu ..., họ vẫn còn dư thừa tài chánh .... Và dư thừa đó ... rốt cuộc rồi cũng phải chạy vô các hoạt động đầu cơ tài chánh (mà ngôn từ thời thượng gọi là “đầu tư tài chánh”) có nghĩa là những đồng tiền đó không chạy vào luồn huyết mạch của nền kinh tế hàng hóa, không thức đẩy được sức mua của xã hội vốn là tiền đề cho những chiến lược phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế thị trường.

Trong khi đó, 90% còn lại không có đủ khả năng để thoả mãn hết những nhu cầu thiết yếu hằng ngày (ăn mặc, giáo dục, y tế ...). Và do đó, chỉ cần có một chính sách điều chỉnh lại sự phân chia lợi tức trong xã hội: thêm một vài phần trăm của cải vào tay của giới nghèo khó  ... thì những phần trăm đó sẽ được dốc hết toàn bộ vào nguồn huyết mạch của kinh tế hàng hóa (người nghèo bắt buộc phải tiêu xài vì họ có yêu cầu, và do đó thúc đẩy nền kinh tế sản xuất gia tăng) và tránh được những hoạt động đầu cơ tài chánh ... chẳng lợi ích gì cho nền kinh tế đang trì trệ như hôm nay.

Mấu chốt cơ bản của các chính sách nhằm tìm cách giải cứu nến kinh tế trì trệ của Ý nói riêng, của Châu Âu nói chung ... là phát triển ... Và chỉ khi nào đại bộ phận xã hội (90%) có thêm điều kiện để mua sắm ... thì nền kinh tế mới phát triển. Chứ còn nếu cất để phần lớn của cải vào ngân hàng để “đầu tư tài chánh” ... thì chừng nào kinh tế mới phát triển ?

Đây chẳng phải là lý thuyết kinh tế tài chánh cao siêu chi cả. Chỉ đơn thuần là định lý cơ học: muốn tăng một đầu ... thì phải có một lực đẩy từ đầu bên kia ...

Roma, 31/01/2012
Huê Đăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét