14 tháng 12, 2012

SIDA, nếu biết rõ căn bệnh ... thì sẽ tránh bị bệnh !!!



Liên Hiệp Châu Âu tính ra cũng đã có hơn ½ thế kỷ tuổi đời (55 năm, từ năm 1957), và từ trước đến nay chưa bao giờ một cuộc bầu cử Quốc hội của một nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu lại được “toàn ban toàn nghành” chú tâm như cuộc bầu của Quốc hội của Ý vào mùa xuân sắp tới 2013. 

Thậm chí có thể nói là từ trước đến nay chưa từng xẩy ra chuyện các “tay tổ” (big) của Châu Âu lại đứng ra làm “cổ động viên” cho một nhân vật trên chính trường của một nước thành viên, thiếu điều như muốn “can thiệp vào nội bộ chính trị” của nước đó. Thử tưởng tượng trước một cuộc bầu cử Tổng Thống của Pháp, hay một cuộc bầu cử Thủ tướng của Đức, hay một cuộc bầu cử Quốc Hội của Tây Ban Nha …. các “big” của Châu Âu đứng ra “vẽ vời” đủ thứ kịch bản ? Chắc chắn là công luận Pháp, hay Đức, hay Tây Ban Nha sẽ không chấp nhận một sự “can thiệp” trắng trợn như thế. 

Ngay đến cả Hy Lạp trong thời gian qua đã bị vỡ nợ nhà nước đến độ nhóm “tam tài” (trio gồm 3 tổ chức là Liên Hiệp Châu Âu, Ngân hàng trung ương Châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế),  đã phải xách vali đến thủ đô Atene để hạch sách kiểm điểm từng li từng tí trước khi quyết định “cứu hộ” Hy Lạp … thế mà khi Quốc hội Hy Lạp phải đi bầu lại … các “big” Châu Âu cũng không “dám” nghĩ đến chuyện trực tiếp đứng ra làm “fan” cho nhân vật này hay nhân vật nọ trên chính trường Hy Lạp.

Ấy vậy mà khi đến phiên nước Ý chuẩn bị vô mùa tranh cử … là cả Châu Âu cứ như là … sắp cháy nhà !!!

Theo thông lệ từ trước đến nay mỗi khi Châu Âu sắp có họp thượng đỉnh thì các nhân vật chính phủ nhà nước thuộc lực lượng chính trị nằm trong khối PPE (Partito Popolare Europeo – lực lượng nhân dân Châu Âu – viết theo tiếng Anh là EPP) đều nhóm họp trước một ngày để vạch ra đường lối chiến lược hoặc thế đứng chung trong kỳ họp thượng đỉnh. PPE là tổ chức tập hợp các lực lượng chính trị “công giáo trung hữu” và các “cha già” của tổ chức này đều là những nhân vật lịch sử của các lực lượng “trung hữu công giáo” của Châu Âu từ trước đến nay: chẳng hạn như Leo Tindemans (Bỉ), Konrad Adenauer (Đức), Helmut Kohl (Đức), Alcide De Gasperi (Ý), Aldo Moro (Ý). Thời Đệ I Cộng Hòa của Ý thì đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo của Ý là thành viên của khối PPE. Sang đến nền Đệ II Cộng hòa, khi các đảng phái bị tan rã manh mún, thì đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo cũng bị “xẻ” ra nhiều mãnh, trong đó có Đảng Nhân Dân Tự Do của Berlusconi, đảng UDC của Casini cũng đã được “kết nạp” vào khối PPE.

Và cũng như mọi lần trước, trước khi bước vào họp thượng đỉnh Châu Âu, hôm qua 13/12/2012 PPE cũng đã tổ chức một cuộc gặp gỡ “tiền thưng đỉnh” ở Bruxelles. Và dù rằng Berlusconi không còn nắm quyền, nhưng trước những cuộc “đấu khẩu” từ xa của mấy hôm trước đó giữa hắn với một vài nhân vật của Châu Âu, trong đó có Chủ tịch của PPE Wilfred Marten và bà Thủ tướng Đức Angela Merkel ... khi các vị này đã không dấu diếm sự phản đối – và báo động – trước việc Đảng của Berlusconi đã tuyên bố “chấm dứt quá trình ủng hộ Chính phủ của Mario Monti” khiến Monti đã phải lấy quyết định sẽ từ chức (ngay sau khi đề luật về ngấn sách tài chánh sẽ được Quốc Hội thông qua trong vài ngày sắp tới) ... và nhất là quyết định “đi đồng” của Berlusconi, Berlusconi vẫn cứ khăng khăng đòi có mặt trong cuộc họp hôm qua của PPE, và theo hắn là để “lý giải” những “hiểu lầm” giữa hắn với các “tay tổ” của PPE.

Ý đồ của Berlusconi là sẽ “rao bán” trên bàn PPE những luận điệu dối trá để đổ vấy tất cả những trách nhiệm khó khăn của nước Ý lên đầu chính phủ Mario Monti, những “hăm dọa” là nhân dân Ý (sic !!!) sẽ đứng sau lưng hắn, rằng là “làn sóng cộng sản” sẽ thôn tính nước Ý nếu không có một Berlusconi .... và nhất là để cho cử tri Ý thấy rằng Berlusconi vẫn còn có đủ khả năng “bảo vệ danh dự của nước Ý”.

Nhưng có lẽ Berlusconi quên mất rằng phòng họp của PPE không phải là một sân khấu “talkshow” vô tuyến truyền hình của Mediaset, trong phòng họp PPE không có một Bruno Vespa lúc nào cũng một vâng hai dạ liên tục nâng bi. Berlusconi cũng quên khuấy đi mất rằng không phải chỉ ngồi trước ống kính vô tuyến truyền hình nói một cách hời hợt câu thần chú “moderati” (ôn hòa) hay đng trước đám quần thần nô dịch dỏng dạc tuyên bố “Europista” là có thể được coi như là có “hộ khẩu” PPE.

Đúng như nhà ký giả lão thành Indro Montanelli (1880-1972) đã nói: “Berlusconi giống như bệnh SIDA, nếu biết rõ căn bệnh thì sẽ tránh bị bệnh”. Sau gần hai thập niên thao túng nước Ý với những chiêu bài mị dân, với những quyền hành độc đoán trong tay, với một “triều đình” bất tài vô tướng chỉ biết luồn cúi vâng dạ để hưởng bổng lộc, Châu Âu đã biết quá rõ con người của Berlusconi, và xem hắn như là một “vật thể ngoại chủng” (corpo estraneo) trong hàng ngũ lãnh đạo Châu Âu. Khi Berlusconi bước vô phòng họp, mấy chục nguyên thủ quốc gia chẳng một ai đến bắt tay chào hỏi, người ta chỉ lịch sử tối thiểu gật đầu chào hắn từ xa.

Nhưng có lẽ điều đáng chú ý của buổi họp của PPE hôm qua không phải là việc Berlusconi bị tẩy chay, mà chính là sự hiện diện của một “vật thể ngoại chủng” khác, cũng đến từ nước Ý: Mario Monti. Đây là lần đầu tiên một nhân vật đang cầm quyền không thuộc đảng phái chính trị nào trong khối PPE, thậm chí chỉ là một Thủ Tướng “kỹ trị”, lại được mời đến tham dự buổi họp “tiền thượng đỉnh” của khối “công giáo trung hữu” Châu Âu. Lý do chính thức là “các nguyên thủ Châu Âu muốn được trực tiếp nghe Mario Monti diễn giải tình hình chính trị hiện nay của Ý”. Nhưng trên thực tế, PPE muốn minh chứng cho Berlusconi thấy rõ ràng rằng hắn không phải là “đối tác” chính trị ... Và, điều quan trọng hơn nữa, là PPE muốn bày tỏ sự ủng hộ của các lãnh đạo “trung hữu công giáo” Châu Âu trước một khả năng trực tiếp tham gia ứng cử vào chức vị Thủ tướng của Mario Monti. Thậm chí một vài nhân vật “cao cấp” của PPE còn có thái độ như “thúc giục” Mario Monti nên “lâm trận”.

Trước mặt “bá quan văn võ” của PPE, Mario Monti đã tỉ mỉ kể nguyên nhân vì sao mà ông ta đã phải đi đến quyết định sẽ từ chức Thủ Tướng, thậm chí Mario Monti còn đọc lại nguyên văn tuyên bố của “thái tử” Angelino Alfano trước Quốc hội khi đảng của Berlusconi quyết định “rút dù”, trước bộ mặt đờ đẩn của một Berlusconi không biết tìm đâu ra đường tháo chạy.

 
- Monti đã diễn giải trước PPE về những lý do khiến chính phủ bị khủng hoảng. 
- Và để mọi diễn giải thêm rõ ràng .... Monti mang theo cả Berlusconi.



Sau hai thập niên ngụp lặn trong ê chề nhục nhã trên sân khấu chính trị ngoại giao bởi những trò hề của Berlusconi, chắc chắn đại đa số cử tri cũng ít nhiều hả hê khi thấy một Thủ tướng Ý được tôn vinh trước ánh đèn quốc tế.

Nhưng chắc cử tri cũng sẽ cảm nhận vị đắng khi một khối chính trị Châu Âu đang trắng trợn can thiệp vào tình hình nội bộ chính trị của Ý. Mario Monti chắc cũng cảm nhận được điều đó, nên ông ta cũng đã phải “vớt vát” rằng .... “trong tình hình hội nhập toàn cầu hiện nay ... thì tất cả những quyết định của từng quốc gia đều có những tác động lên các nước khác ...”.

Nhưng nếu cử tri Ý có “phiền lòng” vì những “thúc hối” của PPE như muốn trực tiếp can thiệp vào đời sống chính trị của nước Ý .... thì cử tri Ý cũng nên chịu khó nhớ lại rằng trong hai thập niên qua Berlusconi nắm quyền hành pháp và khống chế được Quốc hội không phải bằng một cuộc đảo chánh võ trang .... mà đường đường chánh chánh bằng lá phiếu ... Và lá phiếu ấy cũng do chính một bộ phận lớn của cử tri Ý dâng hiến cho Berlusconi.

Tuy nhiên dù muộn còn hơn không. Hy vọng lần này cử tri Ý sẽ hành xử như Montanelli đã nhắn nhủ: SIDA, nếu biết rõ căn bệnh ... thì sẽ tránh bị bệnh.

Roma, 14/12/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét