2 tháng 8, 2013

Tòa Án Tối Cao chữa cháy ...



Thế là sau hơn 2 tháng “trăn trở”, ngày 01/08 Tòa Án Tối Cao đã quyết định y án tội trạng “gian lận thuế má” Silvio Berlusconi (*). Như thế là coi như Silvio Berlusconi đã bị kết án vĩnh viễn, bởi vì quyết định của Tòa Án Tối Cao là tuyên án “bậc thứ ba”, và cũng là bậc kháng án cuối cùng theo luật pháp của nước Ý.

Như ta đã biết là hồi tháng 10/2012 Tòa án Thành phố Milano đã tuyên án kết tội “bậc một” Silvio Berlusconi với 4 năm tù và 5 năm nghiêm cấm giữ các chức vụ nhà nước (trong đó có chức vụ đại biểu Quốc hội). Lần đó, Silvio Berlusconi đã quyết định kháng án.

Đến ngày mùng 8 tháng 5 vừa qua, Tòa án Kháng cáo thành phố Milano đã quyết định y án Silvio Berlusconi, tức là ông ta đã bị kết tội “bậc hai”. Và cũng lần này Silvio Berlusconi đã quyết định kháng án lên Tòa án Tối cao.

Chiếu theo bản án trước đây của Tòa án Kháng cáo thì Tòa án Tối cao, dù vẫn công nhận tội trạng “gian lận thuế má” của Silvio Berlusconi và cũng đã y án kết tội 4 năm tù, tuy nhiên về phần “5 năm nghiêm cấm giữ các chức vụ nhà nước” thì Tòa Án Tối cao đã quyết định đáo hồi phần kết tội này lại cho Tòa án Kháng cáo để “đánh giá lại mức độ kết án”, có nghĩa là thay vì 5 năm thì sắc lệnh nghiêm cấm có thể có giảm.



Có thể hiểu quyết định của Tòa án Tối cao như thế nào ?

Về mặt pháp luật mà nói thì coi như tất cả tội trạng của Berlusconi trong vụ án “gian lận thuế má” đều bị Tòa Án Tối cao công nhận. Điều này có nghĩa là Silvio Berlusconi vĩnh viễn là một tội phạm. 

Nhưng 4 năm tù trên thực tế chỉ còn có 1 năm, vì 3 năm kia đã được “ân xá” bởi những sắc luật do chính Quốc hội dưới áp lực của phe đảng của Berlusconi đã “phù phép” để che chắn cho hắn. Mà 1 năm còn lại cũng không có nghĩa là Berlusconi sẽ bước qua song sắt: với 77 tuổi đời,  theo luật pháp hiện hành ở Ý thì ông ta sẽ không phải đi tù, mà 1 năm tù đó sẽ được “cải biến” thành “lao động xã hội”, tức là Berlusconi sẽ phải làm những công tác từ thiện xã hội trong 1 năm !!!

Còn phần “5 năm nghiêm cấm” thì sẽ được “xét lại” ...


Về mặt chính trị mà nói, với tất cả các “âm binh” dấy lên trong Quốc hội trong gần hai thập niên vừa qua để nặn ra những điều luật đặc biệt nhằm che chắn nợ nần công lý cho Berlusconi, với một đạo quân luật sư hùng hậu nhằm tìm đủ mọi ngõ ngách lắt léo của công lý để tìm cách chạy tội cho Berlusconi, với những hăm dọa của các tay chính khách “bầy tôi” đòi xuống đường biểu tình lật đổ chính phủ ... để bảo vệ Berlusconi ... để rồi cuối cùng Berlusconi vẫn bị kết tội vĩnh viễn. Đấy là nội dung chính của quyết định của Tòa Án Tối cao.

Nhưng cũng về mặt chính trị mà nói thì chính cái phần kết tội “5 năm nghiêm cấm” là cốt lõi của vấn đề đối với Berlusconi. Nếu Tòa án Tối cao y án luôn cả “5 năm” thì có nghĩa là sự nghiệp chính trị của Berlusconi kết thúc vĩnh viễn. Và nếu không còn giữ được ghế đại biểu Quốc hội thì coi như lá chắn công lý cuối cùng của Berlusconi cũng bị quét đi. Về mặt chính trị mà nói, trong hoàn cảnh khó khăn kinh tế và bất ổn chính trị hiện nay ở Ý, một quyết định đóng cửa vĩnh viễn sự nghiệp chính trị của Berlusconi có thể sẽ tạo ra những hệ lụy khó lường trước cho chính phủ “đại đoàn kết” hôm nay của Ý, bởi vì khi mà Berlusconi cứ ra rã mỗi ngày rằng ông ta sẽ không lật đỗ chính phủ dù bị kết tội ... thì cũng phải hiểu rằng đâu đó cũng đã có những “âm binh” sẳn sàng cho ngã chính phủ .... chỉ còn chờ hiệu lệnh của chính Berlusconi. Có lẽ cũng chính vì để tránh những hệ lụy không lường trước, và cũng có thể là do những tính toán trong thâm cung của chính cái chính phủ “đại đoàn kết” này, nên Tòa Án Tối cao đã tạm thời “chữa cháy” trước khi có “hỏa hoạn”. Từ đây cho đến khi Tòa Án Kháng cáo Milano xét lại “5 năm nghiêm cấm”, rồi nếu sau đó có ra quyết định như thế nào đi nữa, thì Berlusconi lại vẫn có thể kháng cáo lên Tòa Án Tối cao lần nữa ... và như thế thì mọi chuyện cho dù diễn ra nhanh cách mấy ... cũng phải trên dưới hơn một năm. Và từ đây đến đó, có thể nước Ý sẽ phải đi bầu lại Quốc Hội ... và ... trong khi chờ đợi Tòa án xét lại cái khoảng kết tội “nghiêm cấm” .... thì Berlusconi vẫn có thể ra ứng cử đại biểu Quốc hội.
 
Dĩ nhiên là đám "âm binh" của Berlusconi đã lập tức "sủa" liên hồi: nào là "một bản án khủng khiếp vô trách nhiệm", một thứ "luật pháp vô dân chủ", một "bản án chính trị" ...  Nhưng đó là màn "sủa" mà ở Ý không ai còn xa lạ. Bởi vì cũng phải thông cảm rằng nếu Berlusconi có mệnh hệ nào, thì chính cái đám "âm binh" mới thực sự bị đóng cửa vĩnh viễn sự nghiệp chính trị. Khóc cha một .... đám "âm binh" khóc mười cho chính mình.

Trước mắt như thế là Tòa Án Tối cao đã chữa cháy trước khi căn nhà của chính phủ hóa ra tro.

Roma, 02/08/2013






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét