11 tháng 5, 2014

Biển Đông dậy sóng.

Việc Trung Quốc quyết định đem giàn khoan Hải Dương-981 ngang nhiên vào vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong những ngày qua đã đang làm cho tình hình ở Biển Đông trở nên cực kỳ căng thẳng.

Giàn khoang Hải Dương-981


Trung Quốc đã đưa giàn khoang HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế củaViệt Nam 


Một số các chuyên gia phân tích chính trị quốc tế đã đưa ra hàng loạt giả thuyết để giải thích quyết định sai trái nói trên của Trung Quốc.

Đa số đều cho rằng đây là một quyết định hoàn toàn có nội dung chính trị, bởi vì cho đến nay, theo các số liệu khảo sát thì dự trữ năng lượng trong vùng biển mà Trung Quốc đã ngang nhiên đem giàn khoan đến không bảo đảm sẽ có kết quả kinh tế  tương xứng với giá trị thiết lập giàn khoang khổng lồ (gần 1 tỉ đô la)  và chi phí to lớn để vận hành giàn khoan nói trên.

Do đó các giả thuyết được đưa ra đều nhìn theo góc độ chính trị. Giả thuyết đầu tiên cho rằng Trung Quốc đang muốn “thử lửa” Việt Nam, đang muốn dùng vụ việc giàn khoang để đo phản ứng của công luận, của nhân dân Việt Nam ... trước khi có những động thái khác trên biển Đông.

Một số ý kiến thì cho rằng Trung Quốc đang muốn “đo lường” tình đoàn kết của các quốc gia trong khối ASEAN, đang muốn “điểm danh” xem ai là “bè bạn” của Việt Nam, đang muốn “cân đo” trọng lượng ngoại giao của Việt Nam trong khu vực.

Có ý kiến thì cho rằng đây là một trong những màn kinh điển của các nhà cầm quyền: hiện nay tình hình nội bộ Trung Quốc đang có nhiều căng thẳng về chính trị và xã hội, chính quyền Bắc Kinh cũng đang lo lắng về việc một số tổ chức dân sự đang có những hoạt động chuẩn bị để làm lễ tưởng niệm vụ Thiên An Môn hồi năm 1989, rồi đến các mối đe dọa khủng bố của sắc tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương, rồi đến những đấu đá phe phái trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây .... Do đó, để “hạ hỏa”, Trung Quốc đã cố tình gây ra vụ giàn khoan HD-981 để hướng dư luận nội bộ của Trung Quốc ra phía ngoài ... và cũng với hy vọng dùng “tinh thần ái quốc cực đoan” trong vấn đề “lãnh thổ biên giới”để kích cầu tình đoàn kết nội bộ Trung Quốc.

Một số ý kiến mang tính thời sự thì cho rằng đây là “phản ứng” của Trung Quốc về chuyến đi vừa rồi của Tổng thống Mỹ Obama ở Châu Á (hạ tuần tháng 4 vừa qua): tức là Nhật, Nam Hàn, Phi và Mã Lai .... toàn là những quốc gia đều có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, nhất là trong thời gian qua căng thẳng với Nhật trên vùng quần đảo Điếu Ngư. Trung Quốc cũng hy vọng là Mỹ đang phải vất vã đối phó với tình hình căng thẳng ở Ukraine và quan hệ khó khăn với Nga ....do đó có thể Mỹ bị "phân tâm" và từ đó Trung Quốc sẽ tận dụng thời cơ để tìm cách lấn lướt Mỹ trên vùng Thái Bình Dương.

Nhưng dù với lý do nào đi na, thì quyết định ngang nhiên đem giàn khoang HD-981 vào vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của VN là một quyết định sai trái từ phía nhà cầm quyền Bắc Kinh. Nhưng càng tệ hơn nữa đây là một quyết định có tính chất “leo thang chiến lược” trong chính sách bành trướng của Trung Quốc: vì đây là lần đầu tiên Trung Quốc trắng trợn xâm phạm lãnh hải thuộc đặc quyền kinh tế của VN. Theo công pháp quốc tế thì khi có tranh chấp chưa được giải quyết thì không một quốc gia nào có quyền có hoạt động khai thác kinh tế trong vùng ... thế mà Trung Quốc đã ngang nhiên lên chương trình khoan thăm dò vùng biển nơi đang có tranh chấp với Việt Nam.

Ý đồ bành trướng của Trung Quốc đến nay là rất rõ ràng, và ai cũng biết là vùng Biển Đông là tuyến đường hàng hải huyết mạch của Trung Quốc để vận chuyển năng lượng, vật liệu, hàng hóa để nuôi sống nền kinh tế Trung Quốc, do đó, dù với bất cứ giá nào Trung Quốc cũng muốn có điều kiện để kiểm soát được Biển Đông.

So với Việt Nam thì Trung Quốc là nước lớn, lớn về dân số cũng như về trọng lượng kinh tế và sức mạnh quân sự. Và do đó, khi “thằng lớn” đã leo thang rồi .... thì khó mà nó có thể leo xuống .... cho dù là nó muốn ... Do đó, sự kiện giàn khoan HD-981 là một sự kiện mang tính chất “chiến lược”: nó ghi nhận một bước ngoặc lớn trong chính sách bành trướng của Trung Quốc. Và do đó, lần này phía chính quyền Việt Nam bắt buộc phải có một thái độ rõ ràng, dứt khoát đối với Trung Quốc, vì nếu sự kiện này bị “bỏ qua” thì coi như là Trung Quốc đã thi hành xong bước đầu cơ bản quá trình chiếm cứ Biển Đông.

Do đó, Việt Nam phải có phản ứng ra sao ?

Trước khi nói đến phản ứng thì cũng nên nhắc lại là Việt Nam luôn luôn chủ trương rằng tất cả mọi tranh chấp lãnh thổ đều phải được giải quyết một cách hòa bình xuyên qua đàm phán ngoại giao trên cở sở công pháp quốc tế. Nhưng đồng thời Việt Nam cũng luôn luôn khẳng định sự độc lập toàn vẹn lãnh thổ và quyết tâm bảo vệ lãnh thổ với bất cứ giá nào.

Phía nhà nước Việt Nam cũng nên tránh đặt quá cao vào ảo tưởng là các cường quốc lớn như Mỹ hay Nga có thể “can thiệp” để đở đòn cho Việt Nam. Ở đời không có quốc gia nào khơi khơi đổ tiền bạc thậm chí đến xương máu chỉ để “bảo vệ Việt Nam”.

Chỉ cần nhớ là năm 1974, chỉ vì lợi ích riêng tư với Trung Quốc mà Mỹ đã nhắm mắt làm ngơ để Trung Quốc tấn công hải quân của Nam Việt Nam chiếm lấy Hoàng Sa.

Năm 1978 Việt Nam và Liên Xô thời đó đã ký kết Hiệp định Hữu Nghị và Hợp tác Xô-Việt, trong đó có điều 6 ghi rằng trong trường hợp một trong hai nước bị đe dọa thì nước kia sẽ áp dụng các biện pháp thích nghi để đối phó. Chỉ một năm sau, năm 1979, Trung Quốc đổ quân tràn sang đánh Việt Nam ... Liên Xô đã hoàn toàn không có một phản ứng thích nghi nào cả  ....

Cụ thể thì trước mắt nhà nước Việt Nam có thể chủ động làm được những điều sau đây:

1)     Phía nhà nước Việt Nam có thể xem đây như là cơ hội để phát huy tối đa lực nội tại của toàn dân để giữ nước. Lúc này là lúc mà phía Quốc Hội và Chính phủ phải cùng sát cánh với nhân dân để nghiêm túc cải thiện guồng máy cơ chế nhà nước, một mặt dẹp bỏ các tệ nạn xã hội từ lâu đang làm suy yếu ngay chính guồng máy nhà nước, mặt khác để phát huy tối đa nội lực của chính nhân dân.

2)     Xây dựng một thể chế vận hành kinh tế minh bạch, đứng đắn để những người thực sự có khả năng làm kinh tế phát huy được hết vai trò của mình. Đó là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có được một nền kinh tế vững mạnh, bởi vì trong thời đại kinh tế toàn cầu hóa hiện nay, không thể nào nghĩ rằng có thể giữ vững độc lập đất nước và toàn vẹn lãnh thổ ... nếu nền kinh tế èo uột và dễ bị điều kiện hóa bởi các nước khác có nền kinh tế thượng phong áp đảo được ta. Xin đơn cử một vài thí dụ đã xẩy ra: không thể nào chúng ta có nền kinh tế mạnh nếu từ phía Việt Nam vẫn để các bọn con buôn đầu cơ tích trữ từ Trung Quốc sang quấy phá nền kinh tế của ta bằng cách tuồn hàng buôn lậu qua biên giới phá nền sản xuất của ta, hay lừa gạt nhà nông Việt Nam chặt đốn cây nông nghiệp để làm triệt tiêu nông sản Việt Nam. Không thể nào cứ vin vào cái cớ là vì Trung Quốc là nước lớn, là đông dân hơn ta ... Vì chỉ cần nhớ là Israel chỉ có trên dưới khoảng 7 triệu dân nằm lọt giữa thế giới Ả Rập với hàng trăm triệu dân ... vậy mà Israel vẫn đứng vững và thậm chí ngày càng phát triển về kinh tế và khoa học kỹ thuật dù rằng lúc nào cũng phải đối phó với các đe dọa đến từ khối Ả Rập.

3)   Mặt trận ngoại giao phải là tiêu điểm cơ bản của các chiến lược của Việt Nam. Cần phải ra sức tìm cách xây dựng hậu thuẩn ngoại giao với các nước trên thế giới, và đặt biệt và với các nước trong vùng, trong khối ASEAN, vì tất cả các nước trong vùng đều có một mẫu số chung với Việt Nam là đều có tranh chấp lãnh hãi với Trung Quốc và đều bị chính sách bành trướng của Trung Quốc đe dọa. Ông bà có câu: một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Việt Nam phải luôn luôn cảnh giác về các đường lối đàm phán song phương với Trung Quốc, vì đấy là chính sách “chia để chặt” của Trung Quốc đối với các quốc gia trong vùng. Việt Nam phải tập trung đem tất cả vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ra các tòa án công pháp quốc tế ... bởi vì ai cũng nhận thấy là đứng về mặt công pháp quốc tế các lý luận hay yêu sách của Trung Quốc đưa ra từ trước đến nay trên Biển Đông là hoàn toàn phi lý, vi phạm tất cả các luật lệ hàng hải quốc tế, cụ thể là chuyện “lưỡi bò” của Trung Quốc.

4)   Cuối cùng là dù với bất cứ biện pháp nào, nhà nước Việt Nam cũng phải lấy dân làm gốc. Vì chỉ lấy dân làm gốc thì nhà nước mới có sức mạnh kiên cường trước bất cứ một hiểm họa xâm lăng bất cứ từ đâu đến, thậm chí cho dù đó là những thế lực trăm ngàn lần lớn mạnh hơn ta. Không cần phải nói dong dài: cuộc chiến chống Mỹ vừa qua đã là một minh chứng hùng hồn giá trị của chính sách lấy dân làm gốc. Ông bà ta ngày xưa đã mở Hội nghị Diên Hồng trước khi quyết định đánh đuổi quân Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi. Ngày nay, với kỹ thuật hiện đại, chỉ cần chú ý nghe ý kiến của người dân trong xã hội mạng .... là có thể thấy hàng trăm Hội nghị Diên Hồng đang ngày ngày diễn ra trên Internet.


Roma, 11/05/2014


3 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Đồng chí Thủ tướng nhà nước Phạm văn Đồng gửi công hàm ngọai giao cho đồng chí Chu Ân Lai công nhận hải phận 12 hải lý từ đất liền, kể cả các đảo ngoài khơi Hoàng Sa-Trường Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc. Do đó trên phương diện công pháp quốc tế, giàn khoan HD981 của Trung quốc không sai trái.

    http://baotoquoc.com/2014/01/07/hoa-giai-cong-ham-pham-van-dong-1958/

    Trả lờiXóa
  3. Công thư 1958 không công nhận chủ quyền Hoàng Sa cho Trung Quốc
    Công thư mà Việt Nam gửi Trung Quốc năm 1958 không hề đề cập đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; trên thực tế chúng nằm dưới vĩ tuyến 17, thuộc quản lý của Việt Nam Cộng hòa khi đó, vì thế công thư không thể là sự công nhận chủ quyền của Trung Quốc với hai quần đảo như Bắc Kinh viện cớ vin vào

    http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/cong-thu-1958-khong-cong-nhan-chu-quyen-hoang-sa-cho-trung-quoc-2994595.html




    ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia của Bộ Ngọai giao VN tuyên bố về công hàm ngọai giao của đồngí Thủ tướng Phạm văn Đồng gửi đồng chí Chu Ân Lai công nhận chủ quyền Trung quốc trên lãnh hải Việt Nam là vô hiệu lực vì :
    1) Thứ nhất, ông Hải xác nhận hai quần đảo Trường sa Hòang Sa nằm dưới vĩ tuyến 17 và thuộc quyền quản lý của nước Việt Nam Cộng hòa.
    2) Thứ hai là theo ông Hải vì năm 1958, Miền Bắc chưa chiến thắng Miền Nam còn là 2 nước độc lập. Miền Bắc là Việt nam dân chủ cộng hòa, Miền nam là Việt nam cộng hòa. Cho nên đồng chí Thủ tướng Phạm văn Đồng không thể cho Trung quốc cái chưa có.

    Theo lời ông Hải "Bạn không thể cho người khác cái bạn chưa có. Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị gì với việc công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa hay Nam Sa theo cách gọi của Trung Quốc".

    Đồng chí Trần Duy Hải quên rằng năm 1946, trước khi thống nhất 2 miền, Bác Hồ đã tuyên bố:

    "Nước Việt Nam ta là một
    Dân tộc Việt Nam ta là một
    Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

    Tức là Bác Hồ và đồng chí Thủ tướng Phạm văn Đồng luôn luôn công nhận Miền Nam Việt nam kể cả vùng biển Hòang sa Truong sa là của MỘT nuớc VN . Do đó công hàm ngọai giao của Thủ tướng Phạm Văn Đồng có hiệu lực về mặt công pháp quốc tế. Đó là lý do tại sao cho đến bây giờ VN không kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế như Phi luật tân đã làm vì Trung quốc có giấy chủ quyền.

    Trả lờiXóa