30 tháng 11, 2015

Bộ tam Obama, Tập và Modi: vận mạng của quả địa cầu nằm trong tay của những tay gây ô nhiễm nhiều nhất trên thế giới.



Nguyên tác bài này có tên là “Obama, Xi e Modi: le sorti del pianeta nelle mani dei grandi inquinatori” của đặc phái viên Federico Rampini ở New York của nhật báo la Repubblica đăng ngày 30/11/2015.


Coi chừng ba tay đó. Hôm nay trong ngày khai mạc thượng đỉnh quốc tế về khí hậu COP21, ba “diễn viên” chính trên sân khấu là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ với hai cuộc “gặp gỡ song phương”: cái thứ nhất là giữa Barack Obama với Tập Cận Bình, cái thứ hai là giữa Obama với Narendra Modi. Đó là những thành viên của một câu lạc bộ mới: “Câu lạc bộ của những tay gây ô nhiễm nhiều nhất trên địa cầu”. Tất cả những gì mà các tay này “nói chuyện” với nhau trong các cuộc gặp gỡ song phương sẽ là “cốt lõi” của cuộc họp thượng đỉnh lần này. Cuộc họp thượng đỉnh lần này coi như đã “xếp xó” các hiệp ước trước đây – vốn không mấy thành công – đã được ký ở Kyoto (1997) và ở Copenaghen (2009) theo đó thì các quốc gia chỉ bị ràng buộc về mặt “pháp lý” trong việc thải quá độ liều lượng thán khí CO2 so với các tiêu chuẩn mà cộng đồng quốc tế đã đặt ra. Quá khứ đã cho thấy là mục tiêu “pháp lý” nói trên đã không có tính khả thi. Chính vì thế mà bây giờ người ta đặt trọng tâm vào “quyết tâm chính trị”, xem đó như là phương hướng có tính chiến lược mà mỗi siêu cường sẽ phải quyết định áp dụng.


Barack Obama: Mỹ gây ô nhiễm ít hơn Trung Quốc, nhưng bình quân đầu người thì dân Mỹ vẫn còn là vô địch gây ô nhiễm.

Tập Cận Bình: chuyển đổi nền kinh tế là vấn đề hàng đầu và Tập không cần phải đợi sự đồng thuận của xã hội Trung Quốc.

Nerandra Modi: rất nhiều nhà ở Ấn Độ vẫn chưa có điện, và năng lượng rẽ nhất đối với Ấn Độ vẫn là nhiệt điện than đá.


Tương lai của nhân loại, của sự sống còn của quả địa cầu, tất cả đều đang nằm trong tay của bộ tam Obama-Tập-Modi. Trung Quốc hiện đang bị xem như là “vô địch” trong việc thải thán khí, thậm chí qua mặt cả Mỹ kể từ năm 2008 lúc Mỹ đang bị “thoái trào” vì cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính khổng lồ lúc ấy. Ấn Độ thì “bám sát” Trung Quốc: theo các thống kê thì năm nay Ấn Độ đã qua mặt Trung Quốc về vận tốc tăng trưởng của GDP (tức là tỉ số phần trăm tăng GDP so với năm trước), và do đó mức độ tiêu thụ năng lượng của Ấn Độ cũng tăng theo. Trên thế giới, nếu không xếp toàn bộ Châu Âu như là một thực thể duy nhất thì Ấn Độ được xếp vào hàng thứ ba vô địch thải thán khí. Tuy nhiên, nói gì thì nói, Mỹ vẫn còn cầm cờ quán quân về tỉ số thán khí thải ra bình quân trên đầu người: một anh Mỹ mỗi năm thải ra lượng thán khí gấp ba lần so với một anh Trung Quốc và mười lần so với một anh Ấn Độ. Nhưng ở đây, cái lối tính toán đo lường như kể trên xem ra cũng đã quá … “lỗi thời”. Và do đó các đường lối chính trị dựa theo các tính toán ấy … cũng chẳng có một … hiệu quả nào cả. Vấn đề môi trường ô nhiễm là vấn đề chung của toàn quả địa cầu, của toàn nhân loại, nó ảnh hưởng đến các đại dương cũng như các vùng băng hà trên thế giới, nó tác động lên vấn đề nhiệt độ và bầu khí quyển, tức là toàn là những thứ … vượt ra ngoài khuông khổ biên giới quốc gia. Trong khi đó “người ta” vẫn cứ ngồi đo lường đong đếm CO2 dựa trên … địa bàn của từng nước. Chính đây là điểm bất cập làm cho mọi so sánh trở nên khập khiễng: 315 triệu dân Mỹ đòi “so bì” với 2 tỉ rưỡi người Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại …

Và trong bối cảnh “so bì” kể trên thì Châu Âu … bị hất ra bên lề. Cái lục địa già nua cằn cỗi này “chỉ” thải ra có 9%  thán khí. Con số phần trăm này cũng có thể làm cho người Châu Âu có một cảm giác “bất lực”, không có “trọng lượng” … trên ván bài quốc tế. Nhưng thực ra cái phần trăm “khiêm tốn” nói trên của Châu cũng chỉ là thành quả một “nhận thức sai lệch” do những ảo ảnh của các lăng kính tạo ra. Bởi vì cái con số 9% “khiêm tốn” lượng thán khí thải ra … là do nền kinh tế của Châu Âu đang trong giai đoạn trì trệ khủng hoảng, tương tự cũng như chuyện số lượng thải thán khí của Trung Quốc “qua mặt” Mỹ … chỉ vì nền kinh tế Mỹ đang hồi gặp “nạn”. Một ngày nào đó khi nền kinh tế sản xuất của Châu Âu vượt qua được cơn khủng hoảng – điều mà các thanh niên trẻ đang thất nghiệp ở Châu Âu mong đợi – thì chắc con số phần trăm thán khí của Châu Âu thải ra sẽ không “khiêm nhường” như hiện nay. Một yếu tố khác cũng gây “ngộ nhận” về con số thải thán khí “khiêm tốn” của Châu Âu là quá trình “phi công nghiệp hoá” (deindustrializzazione). Từ lâu Châu Âu đã bắt đầu di dời một số dây chuyền sản xuất hàng hoá công nghiệp vốn “ngốn” nhiều năng lượng và do đó cũng thải ra nhiều thán khí làm ô nhiễm môi trường Châu Âu. Nhưng chỉ có điều là mỗi khi người tiêu dùng Châu Âu mua một món hàng “made in China” (hoặc của Nam Hàn, của Bangladesh, của Việt Nam) là chính Châu Âu đang “đóng góp” thải thán khí gây ô nhiễm môi trường. Nói cách khác là Châu Âu giàu có và văn minh, và có ý thức về bảo vệ môi trường, đã “uỷ nhiệm” cho các nền kinh tế đang vươn lên tiếp tục thải thán khí và gây ô nhiễm.

Trở lại bộ tam Obama-Tập-Modi. Đây là một “tập thể” tích tụ tất cả cốt lõi thực sự của vấn đề, và cũng cho người ta thấy những khác biệt chia rẽ của các siêu cường trong vấn đề kiểm soát thán khí. Cái cung cách hành xử kiểu thù hằn ái quốc của Ngài Thủ tướng Ấn Độ Modi có thể làm cho người ta bực, nhưng chính nhờ đó mà Modi đang trở thành một thứ lãnh đạo của phía “Nam bán cầu”. Có thể người ta không ưa cái lối giải quyết chuyện ô nhiễm môi trường của Modi bằng những tính toán lời lãi kiểu kế toán: đưa cho ta bao nhiêu thì ta sẽ cho mi biết là ta có thể làm tới đâu. Vì đấy là vấn đề “chuyển dịch” từ Bắc bán cầu xuống Nam bán cầu 100 tỉ đô-la hứa hẹn cho các quốc gia đang vươn lên để tài trợ cho các dự án chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững (sviluppo sostenibile); đó là những quỹ tài trợ khiêm tốn, và cũng chỉ tài trợ một phần nhỏ nào đó thôi. Nhưng thực ra trên ván cờ Bắc-Nam này cũng đầy những ngờ vực đố kỵ lẫn nhau. Bao nhiêu phần tiền tài trợ sẽ được dùng để “xuất khẩu” các kỹ thuật công nghệ tiên tiến “made in USA”, “made in China” hoặc “made in Germany” ? Và rồi bao nhiêu phần tài trợ này sẽ rơi vào các túi tham nhũng hối lộ của tầng lớp lãnh đạo địa phương tham ăn háo uống ?

Nhưng ngoài những nghi ngờ đố kỵ nói trên, trong câu chuyện Bắc-Nam này có một điều mà không ai có thể phủ nhận được: đó là những tấm không ảnh chụp quả địa cầu về đêm từ các vệ tinh, trong đó cường độ của các ánh sáng đèn nhân tạo phản ảnh sự giàu có thịnh vượng. Chỗ nào thiên hạ sống sung túc thì ở đó ban đêm ánh đèn sáng hơn. Bên cạnh đó là những vùng đất rộng lớn hầu như chìm ngập trong bóng tối: đó là những vùng đất phần lớn nằm ở Phi Châu, và một phần khá lớn của tiểu lục địa Ấn Độ. Và chính những tấm không ảnh đó biện minh cho những đòi hỏi ái quốc cằn cộc của Modi. Về đêm có một ngọn đèn điện trong nhà là một quyền lợi bức thiết của tất cả nhân loại: một ngọn đèn để sinh hoạt, để trẻ con có thể học hành. Chỉ một ngọn đèn điện. Nhưng vấn đề là khi “một ngọn đèn điện” ấy trở thành yêu cầu của 1,2 tỉ con người. Và với con số đông như thế thì năng lượng rẽ nhất vẫn là than đá. Cái thứ năng lượng tồi tệ ô nhiễm nhất. (Và cũng là thứ năng lượng mà Trung Quốc đang báo tháo bán đổ các nhà máy nhiệt điện chạy than cho Việt Nam – chú thích thêm của người chuyển ngữ)

Trung Quốc thì cũng đã có được một bước tiến tới. Ngọn đèn điện thì hầu như ai cũng có, thậm chí cả tủ lạnh, tivi, máy giặt … và cả xe xe ô-tô. Nhưng cái giá phải trả là bầu không khí ô nhiễm đến độ không hít thở được, đến độ mà giới thượng tầng giàu có trong xã hội Trung Quốc đang tranh nhau mua nhà ở California, không phải chỉ để biểu lộ đẳng cấp của mình, mà đấy cũng là một thứ “bảo hiểm sức khoẻ” (ngoài việc “bảo hiểm của chìm của nổi” do tham nhũng mà có – chú thích thêm của người chuyển ngữ). Tất cả những yếu tố đó đã khiến Tập Cận Bình phải quyết định đưa vấn đề chuyển đổi mô hình kinh tế sản xuất thành vấn đề ưu tiên hàng đầu, chứ không phải là một sự nhượng bộ trước áp lực của các nước Tây phương. Nhưng so với Obama thì cái khác là Tập Cận Bình có thể đưa ra hàng loạt chính sách để chuyển đổi mô hình mà không cần phải có sự đồng thuận của xã hội hay của guồng máy nhà nước (Quốc hội chẳng hạn). Trong khi đó hiện nay trên thế giới không có nơi nào đang xẩy ra một chiến dịch hung hăng nhằm phủ nhận (negazione) vấn đề thay đổi khí hậu như của đảng Cộng Hoà ở Mỹ. Các tay tài trợ của đảng Cộng Hoà và các nhóm lợi ích của “năng lượng hoá thạch” (than đá, dầu hoả)  không chùng chân trước một trở lực nào cả. Trong nhiều thập niên qua tập đoàn dầu khí Exxon đã giả mạo tất cả những con số đánh giá khoa học của chính các nghiên cứu gia của tập đoàn, vốn trùng với các đánh giá của các nhà nghiên cứu trong các giới khoa học trên thế giới. Dĩ nhiên cũng có một “nền tư bản khác”, do Bill Gates cầm đầu, đang đưa nhiều nguồn lực để tài trợ cho các công trình nghiên cứu các dự án công trình chuyển đổi bền vững. Đấy là một khúc xích quan trọng, và vấn đề hiện nay của các công trình dự án về năng lượng tái tạo là các tài trợ nhà nước, dù rằng rất quan trọng, đang làm cho mức độ tiến bộ cần thiết của khoa học kỹ thuật chậm lại … chỉ để đợi cho đến khi các năng lượng tái tạo đó … có khả năng cạnh tranh kinh tế, và nhất là để đợi phải giải quyết vấn đề tich luỹ các năng lượng tái tạo không ô nhiễm này.

Liên Hiệp Quốc thì đánh giá rằng cuộc họp thượng đỉnh COP21 này ở Paris là … “hy vọng cuối cùng của nhân loại”. Điều chắc chắn đây là cơ hội để các lãnh đạo thế giới cho thấy đây là một cuộc thử thách chung của cả nhân loại, và ai vẫn còn nghĩ là có thể dồn đẩy những khó khăn cho người khác có nghĩa là đã không biết đầu tư lâu dài … thậm chí cũng không nghĩ đến ích lợi riêng tư của chính đất nước mình. 

Roma, 30/11/2015

chuyển ngữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét