26 tháng 6, 2012

Những cái "nicht" của Merkel.


Thứ sáu tuần rồi (22/06/2012) “bộ tứ” Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha đã họp với nhau để tiên đoán “vận mạng tương lai” của đồng Euro cũng tương lai của Châu Âu.

Nhưng chắc không mấy người biết rằng trước đó mấy ngày ở thành phố tiêu biểu của “giai cấp tư bản” Geneve (Thụy Sĩ) đã có một họp giữa một số tài phiệt và doanh nhân Châu Âu, cũng để bàn về “vận mạng tương lai” của đồng Euro cũng như tương lai của Châu Âu. Có điều những người có mặt hôm đó không phải chỉ là “bộ tứ” như ở Roma, mà đúng là “tứ chiếng” của nền kinh tế tài chánh và kinh tế sản xuất của Châu Âu: có Đức, có Ý, có Hòa Lan, có Tây Ban Nha, có Anh, có Pháp ....

Giữa hai cuộc họp Roma và Geneve khác biệt ở chổ nào ? Nếu “tứ chiếng” ở Roma chỉ là tiếng nói chính thức của các cơ chế nhà nước (chính phủ) ... thì “tứ chiếng” ở Geneve là đại diện trung thực nhất cho các giới “làm ăn”, tiếng nói thực sự của những dân “có tiền có của”, có cơ ngơi, nói chung là của giai cấp “tư sản kinh tế”.

Theo “tin đồn” thì ở Geneve giới “làm ăn” Đức suy diễn những sự kiện kinh tế tài chánh hiện nay của Châu Âu một cách hoàn toàn khác hẳn với lối suy diễn của dân “làm ăn” thuộc các quốc tịch khác: giới “làm ăn” Đức hầu như không một mãi mai lo âu về những gì đang xẩy ra ở Châu Âu cũng như trên thế giới. Lý lẽ “bình an” của Đức có thể tóm gọn vào những điểm sau đây:

  1. Trong mấy năm nay (kể từ sau khi thống nhất đất nước) Đức đã hoàn thành toàn bộ những công trình cải cách cần thiết để trang bị cho nền kinh tế của mình có đủ khả năng đối phó với mô hình kinh tế toàn cầu hóa.
  2. Đặc biệt là Đức đã cải tổ hệ thống phúc lợi xã hội và thị trường lao động: nâng cao khả năng cạnh tranh của các cơ sở sản xuất của Đức, gia tăng mức độ thâm nhập của hàng Đức, của doanh nghiệp Đức, của đầu tư Đức vào thị trường ở khắp nơi trên thế giới chứ không chỉ giới hạn ở thị trường Châu Âu.
  3. Cho đến nay, không có mấy quốc gia thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, hay nói trắng ra là chẳng có nước nào ở Châu Âu đã theo con đường của Đức. Và thậm chí bây giờ khi “nước đã đến chân” mà các nước nầy vẫn còn cứ “ ỡm a ỡm ờ” không chịu nhanh chóng làm những gì cần phải làm.
  4. Tuy nhiên trước thái độ “ỡm a ỡm ờ” và trước những bất cập vô trật tự của nền kinh tế của các nước khác, Đức cũng vẫn đã quyết định từ bỏ đồng Đức mã để “khai sáng” đồng Euro của chung Châu Âu. Đối với Đức, đấy là một quyết định thể hiện tình đoàn kết và chứa đựng niềm tin của Đức vào tương lai Châu Âu, nhưng cho đến nay niềm tin đó, tình đoàn kết đó đã không được các “partner” ứng trả một cách nghiêm túc.
  5. Nếu những quốc gia đang “mắc nợ như Chúa Chổm”, trong đó hệ thống ngân hàng tài chánh rối ben, thị trường lao động không năng động, hành chánh nhà nước vừa quan liêu vừa không hiệu quả, bắt đầu có can đảm áp dụng các chính sách “khắc khổ” ... thì có thể Châu Âu có khả năng vượt qua cơn khủng hoảng. Nói như thế có nghĩa là ngay từ bây giờ cũng cần phải bắt đầu chuẩn bị các bước đi để tiến đến mô hình “liên bang” trong đó cần phải chấp nhận “chuyển nhượng (một phần) chủ quyền” trong một số lãnh vực như: chính sách thuế khóa, chính sách tín dụng ngân hàng, chiến lược phát triển kinh tế, giảm nợ nhà nước (theo các điều khoảng ký kết trước đây giữa các nước trong Liên Hiệp Châu Âu thì nợ nhà nước không được hơn quá 60% trên tổng sản lượng nhà nước (GDP), trong khi Ý đã lên đến 160%).
  6. Cho dù trong trường hợp chỉ còn “đơn thân độc mã”, Đức vẫn tiếp tục giữ đồng Euro và vẫn có đủ khả năng để đối đầu với những thử thách mới trong thời đại kinh tế toàn cầu hóa.
Bà Thủ tướng Angela Merkel chắc chắn là không thể nào dám “lơ là” với những “tư duy” nói trên của giới “làm ăn” Đức. Dù muốn dù không, cũng như bất kỳ một chính phủ nào, Bà Merkel phải “đánh hơi” cử tri chứ.

Hiện nay thì hầu như toàn bộ các nước Châu Âu (trừ Anh) đều ít nhiều có “ác cảm” với Bà Merkel vì những cái “nicht” liên hồi: nicht giải cứu, nicht Eurobond, nicht tăng trưởng ... trong khi Đức lại là nước “nắm hầu bao”.

Thực ra thì nói đi cũng phải nói lại. Lấy riêng trường hợp của Ý làm thí dụ: một quốc gia nổi tiếng tham nhũng hối lộ (cả một nền Đệ I Cộng Hòa ra tro bụi cũng vì tham nhũng hối lộ. Đến Đệ II Cộng Hòa thì vấn nạn tham nhũng càng tệ hơn trước), trốn thuế là hiện tượng “đại trà”, bất tuân luật lệ (thậm chí đã có lần người vi phạm luật lệ trước nhất chính là ... Thủ Tướng), vấn nạn Mafia (không phải chỉ là buôn lậu, ma túy, trấn lột ... mà còn lũng đoạn cả cơ chế nhà nước) .... liên tục 4-5 thập niên chỉ biết ký nợ mà ăn (phát hàng công trái nhà nước thay vì sản xuất) ... bây giờ nợ như Chúa Chổm ... thì thử hỏi làm sao bắt bà Merkel phải chấp nhận “cùng gánh nợ” với Ý (Eurobond). Bà Merkel làm sao có thể thuyết phục được cử tri Đức ... giải cứu dân Ý trong khi cử tri Ý chỉ biết đi bầu cho một thằng ma-cô lên lãnh đạo nhà nước đem theo cả một bầy lâu la và đĩ điếm vào hội đồng chính phủ để tối ngày chỉ biết chơi bời trác tán trong khi dân Đức cắm cúi lo làm ăn ?

Hy vọng duy nhất cho dân Ý là nếu Đức có đồng ý những biện pháp giải cứu ... cũng vì dân “làm ăn” Đức không muốn mất trắng hết những gì mà họ đã đầu tư của ở Ý (xí nghiệp, ngân hàng, dịch vụ ...). 

Nếu không ....

Roma 26/06/2012



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét