23 tháng 6, 2012

Đồng Euro tái sinh ?


Số phận của đồng Euro chắc chắn sẽ được quyết định trong kỳ họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu vào hai ngày 28 và 29 sắp tới tại Bruxells, và trong thời gian chờ đợi ... thì hôm qua 22 tháng 6 tương lai của đồng Euro cũng đã được “cân đo kỹ lưỡng” trong cuộc gặp gỡ “tứ chiếng”  do chính Thủ tướng Ý Mario Monti tổ chức tại Roma với sự hiện diện của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy.

"Tứ chiếng" ở Roma

Kể từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chánh hồi 2008, tiếp theo đó là nguy cơ vỡ nợ nhà nước của một số nước Châu Âu (Hy Lạp, Ý), đến nay các chính phủ Châu Âu liên miên  “thượng đỉnh” trên dưới khoảng 30 lần với hy vọng tìm ra phương án giải cứu đồng Euro. Và cho đến nay kết quả của các buổi họp thượng đỉnh vẫn là “tay trắng vẫn hoàn trắng tay”. Sau 4 năm “phù phép” và đổ ra gần 500 tỉ Euro như những cái phao cấp cứu, đồng tiền Euro vẫn cứ như trên bờ vực thẳm.

Sau buổi gặp gỡ bộ tứ hôm qua ở Roma, có thể nói rằng với cuộc họp thượng đỉnh trong tuần tới Châu Âu sẽ “sang trang”, nghĩa là đây sẽ là lần đầu tiên mà giới lãnh đạo Châu Âu phải chấp nhận bỏ rơi tất cả những hy vọng để cứu vãn đồng Euro hiện nay và sẽ tìm cách “khai sáng” một đồng Euro mới trong đó những “khiếm khuyết di truyền” của đồng Euro cũ sẽ (phải) được khắc phục. Và cũng thông qua các tuyên bố sau buổi họp hôm qua, người ta cũng hiểu rằng quá trình “hồi sinh” lại đồng Euro cũng không phải là chuyện dễ.

Trước nhất là khó khăn về yếu tố thời gian: sau 4 năm “phung phí” với ảo tưởng cứu đồng Euro1, Châu Âu hiện nay còn rất ít thời gian để đẻ ra đồng Euro2. Theo tuyên bố của bà Christine Lagarde, Chủ tịch Quỹ tiền tệ thế giới, thì Châu Âu chỉ còn “tối đa” 3 tháng để “đổi đời” đồng Euro. Điều đáng mừng là hầu như toàn bộ giới lãnh đạo Châu Âu đều thống nhất là cần phải “nhanh chóng ra tay”. Nhưng có điều là các quan chức lại không thống nhất với nhau về các “phương cách ra tay”.



Thực tế trong mấy năm nay, kể từ khi đồng Euro ra đời và được áp dụng ở 17 quốc gia Châu Âu, cho thấy là không thể nào tiếp tục duy trì một “Liên hiệp tiền tệ” mà không có một “Liên hiệp về ngân sách”. Mà nếu muốn có một “Liên hiệp về ngân sách” thì cần phải có một chính sách toàn bộ hợp nhất Châu Âu về mặt chính trị kinh tế và thuế khóa. Tóm lại, nói ngắn gọn để dễ hiểu là đồng Euro đang được lưu hành hiện nay không thể tiếp tục nếu Châu Âu không có một mô hình chính trị kinh tế hợp nhất cho các nước thành viên.

Điều này có nghĩa là đồng Euro “tái sinh” sẽ (phải) “cứng cựa” hơn đồng Euro hiện nay, bởi vì trong đó Châu Âu đã phải “hợp nhất” một số lượng đáng kể nợ nhà nước của các nước thành viên, đã phải nặn ra một “Liên hiệp ngân hàng” trong đó mỗi chính phủ sẽ phải “nhượng” vào tay của cơ chế kiểm soát ngân hàng ở Bruxelles một ít “chủ quyền quốc gia” của chính hệ thống ngân hàng của mỗi nước. Nói chung là trong bối cảnh mới, cơ chế ở Bruxelles sẽ được ủy nhiệm để kiểm soát chặt chẻ hơn các “món” như quản lý ngân sách nhà nước, hệ thống ngân hàng, quy chế thuế má ....

Về mặt lý thuyết thì toàn bộ lãnh đạo của các nước thành viên Châu Âu đều đồng ý về  những yêu cầu “hợp nhất” vừa kể trên.

Vấn đề là làm sao “dung hòa” được cán cân mà một bên là “chủ quyền” và bên kia là “giải cứu”.

Và hôm qua, ở Roma, khó khăn về vấn đề “dung hòa” cán cân nói trên đã được thể hiện một cách cực kỳ rõ nét trong quan hệ “lưỡng cực” giữa Pháp và Đức.

Bà Merkel thì bảo: “Không bàn đến việc nhượng chủ quyền thì không thể nào nói đến giải cứu !!! Làm sao Đức có thể đồng ý cho phát hành công trái Châu Âu (Euro-bond, tức là gánh một phần nợ của những nước khác) nếu Đức không có khả năng kiểm soát được cán cân nhà nước của các nước khác ? Và Đức làm sao có thể bom tiền thẳng vào các ngân hàng của Tây Ban Nha (hay của Ý trong một tương lai nào đó) nếu Đức không có bất kỳ một ảnh hưởng nào trong quá trình quản trị của các ngân hàng đó, bởi vì chính phủ của mỗi nước vẫn cứ khư khư coi như việc quản trị ngân hàng của nước mình như là “chủ quyền tối cao không nhân nhượng” của một quốc gia ?

Bên kia cán cân là tiếng nói của ông Hollande: “Không thể nào nói đến khả năng nhượng chủ quyền nếu không có một chính sách giải cứu khả thi. Pháp (thời Sarkozy) đã chấp nhận đề nghị về “bộ luật thuế khóa hợp nhất” (Fiscal Compact) do chính Đức đề xướng với mục tiêu là chấn chỉnh ngân sách nhà nước của mỗi nước thành viên, nhưng đổi lại Pháp vẫn chưa nhận thấy có một chính sách giải cứu nào rõ nét cả, và Pháp không thể nào nhượng bộ trong các mục tiêu tăng trưởng (tăng trưởng là một trong những tiền đề của Hollande trong suốt mùa tranh cử vừa qua) nếu Đức không cam kết một cách cụ thể đồng ý chia xẻ những hệ lụy suy thoái kinh tế mà chiến lược “khắt khổ” của Đức có thể gây ra cho Châu Âu.”. Sau đó chính Hollande lại “bồi” thêm một câu: “Pháp không thể nào ngồi đợi 10 năm để thấy Euro-bond ra đời”.

Tóm lại, chỉ khi nào giữa yêu cầu “nhân nhượng chủ quyền” của Đức và yêu cầu “giải cứu” của Pháp có được một “điểm hội tụ” ... thì lúc đó mới có hy vọng tái sinh được đồng Euro.
10 năm thì thường cũng là “tuổi thọ” của các công trái nợ nhà nước. Trong thời gian chờ đợi đồng Euro tái sinh thì thị trường tài chánh cứ vẫn tiếp tục đi thu mua công trái của Đức, làm giảm mức độ lãi của nợ nhà nước của Đức ... và làm tăng “spread” (mức chênh lệch) về giá trị của công trái của các nước Châu Âu khác so với công trái của Đức. Sức mạnh kinh tế của Đức hiện nay khiến thị trường tài chánh đều đổ tiền vào nền kinh tế Đức. Nhưng cũng chính đây là mối “nghi ngờ” của Châu Âu trước những lời hò hét cổ võ chiến lược khắc khổ của Merkel: công luận sẽ tin vào lời cổ vũ của Merkel nhiều hơn nếu người ta không biết rằng chính nước Đức đang “hưởng lợi” nhiều nhất trong tình trạng suy yếu của đồng Euro hiện nay: bỏ qua một bên hiện tượng xuất khẩu Đức gia tăng vì đồng Euro giảm giá, nhưng chính đồng tiền Euro yếu kém và suy thoái kinh tế tài chánh của các nước Châu Âu khác đang “ép” thị trường tài chánh vồn hết vốn liếng vào thị trường chứng khoáng của Đức.

Châu Âu chỉ có thể có hy vọng thấy được ánh sáng của đường hầm nếu đồng Euro có khả năng “tái sinh”. Và cuộc họp thượng đỉnh Châu Âu sắp tới có thể là chuyến tàu cuối cùng của đồng tiền Euro.

Roma, 23/06/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét