13 tháng 6, 2013

May chỉ mới là nói cho có nói !!!!



Cho đến sáng ngày 13/06/2013 chẳng mấy người ở Ý biết Dolores Valandro là ai, ngoài nước Ý thì chị này chắc chắn là một người “vô danh tiểu tốt”. Có thể trong những phường hội địa phương của cái đảng Lega Nord ở vùng Padova thì người ta biết Dolores Valandro là ai.

Nhưng kể từ trưa hôm nay các mạng truyền thông và dân cư mạng không ngớt bàn tán nói về Dolores Valandro. Bản tin của các đài vô tuyến chiều này đã đưa tin về chị này lên hàng “tít lớn. Và chắc chắn là tên tuổi của chị này cũng đã vượt qua khỏi biên giới nước Ý.

Nguyên nhân rất “đơn giản”, đơn giản đến độ không thể nào nghĩ rằng có thể xẩy ra chuyện như thế: Dolores Valandro, xuyên qua trang Face Book của mình, đã viết như thế này:  “Ma mai nessuno che se la stupri. Così tanto per capire cosa può provare la vittima di questo efferato reato ???? Vergona !!!” (Sao chẳng ai hãm con mẹ ấy đi. Để thử xem con mẹ ấy cảm nhận như thế nào về cái tội ác ghê tởm này ???? Đáng nhục !!!).


Trang Face Book của chị Dolores Valandro với lời khích động hãm hếp Bà Bộ trưởng Cecile Kyenge


“Con mẹ” trong câu nói ấy chính là Bà Bộ Trưởng chuyên trách vấn đề hội nhập, Cecile Kyenge, Bộ trưởng da màu đầu tiên trong lịch sử nước Ý. Và Dolores Valandro, đảng viên của đảng Lega Nord, một đảng kỳ thị bài ngoại,  là thành viên của ban quản trị phường khóm Nord Arcella thuộc  thành phố Padova, một khu phố có mật độ người nhập cư rất cao.

Dĩ nhiên là một tuyên bố ghê tởm như thế đã gặp phải một luồn sóng phản đối mạnh mẽ từ các phong trào dân sự, các tổ chức văn hóa, các lực lượng chính trị, kể luôn cả đảng Lega Nord: thậm chí lãnh đạo đảng Lega Nord đã quyết định trục xuất chị Dolores Valandro ra khỏi đảng.

 Báo chí nước ngoài hôm nay cũng đăng tải tin về chuyện Dolores Valandro

Về mặt chính trị mà nói, một tuyên bố như thế chắc chắn chỉ gây thêm khó khăn cho đảng Lega Nord, vốn đang trong cảnh thoái trào hơn cả năm nay kể từ khi nổ ra chuyện “ăn cắp công quỹ” của gia đình và phe nhóm của “lãnh tụ” Umberto Bossi nổ ra hồi tháng tư năm ngoái.... Do đó, quyết định lấy khoảng cách với chị Dolores Valandro, và thậm chí trục xuất, là điều mà đảng Lega Nord bắt buộc phải làm.

Nhưng đó là mặt chính trị. Còn về mặt tư tưởng và đường lối văn hóa của đảng Lega Nord thì .... thấy vậy mà ... chưa chắc là vậy. Bởi vì thật ra cung cách hành xử của chị Dolores Valandro, nói theo cách nói của nhà Phật, không phải là cái nhân, mà nó là cái quả. Cái quả của một tư duy kỳ thị bài ngoại xuyên suốt cả đảng Lega Nord từ trên xuống dưới.

Thông thường thiên hạ hay nói .... dân Ý hiền lành tốt bụng (Italiani, brava gente). Người ta hay kháo nhau rằng trong chiến tranh lính Ý (dưới thời phát xít) so với lính Đức ... thì nhân đạo hơn nhiều. Người ta cũng hay kháo nhao rằng ... người Ý xề xòa, dĩ hòa di quý, không kỳ thị .... như dân .... Thụy Sĩ ...

Những “truyền thuyết” vừa kể ... phần nào cũng có thể phản ảnh một vài sự thật trong một vài tình huống nào đó .... Nhưng phải thành tâm mà nói, dân Ý “hiền lành tốt bụng” ... cũng chẳng qua là vì lịch sử Ý trong những thập niên vừa qua ... không có điều kiện để “thử lửa” dân Ý: cho mãi đến những thập niên 70 của thế kỷ vừa qua, người Ý còn phải “xuất khẩu lao động”, dân Ý chỉ cứ phải lo đi sang các nước khác để mưu sinh ... chứ mấy ai đến nước Ý để tìm sống. Cứ coi các quy luật và chế độ hành chánh của nhà nước Ý đối với vấn đề nhập cư thì rõ: trong khi vào những thập niên 60, các quốc gia Tây Âu khác như Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Hòa Lan, Thụy Điển, Phần Lan .... đã có những chính sách để đối phó với vấn đề nhập cư, và nhất là biết tận dụng các nguồn lực nhân sự mới đến từ cộng đồng nhập cư để đóng góp vào guồng máy kinh tế và đời sống văn hóa chính trị của các quốc gia Tây Âu. Đó là chưa kể đến các nước Bắc Mỹ như Mỹ hay Canada ... Trong khi đó, mãi cho đến đầu những thập niên 70, chính sách quản trị vấn đề nhập cư của nước Ý còn rất mơ hồ và gần như .... không có một chiến lược nào cả. Kể cũng dễ hiểu, vì cho đến đầu những thập niên 70, mấy ai nghĩ đến chuyện đi sang Ý để “tha phương cầu thực” ?

Mãi cho đến giữa thập niên 80 trở đi, con số người nhập cư vào Ý bắt đầu tăng nhanh, nhất là con đường nhập cư từ Bắc Phi qua đường biển Địa Trung Hải: một phần do làn sống di dân thời “hậu hiện đại” ngày một tăng, một phần các biên giới cũng bắt đầu mở rộng, một phần chiến tranh và đói kém ở những vùng Phi Châu và Á Châu hay ở Trung Đông vẫn tiếp diễn ... do đó làm tăng con số người “tị nạn”. Các chính sách “tự do đi lại” trong một số khu vực Châu Âu (hiệp ước Schengen) đã khách quan biến nước Ý thành như  một “đầu cầu” để làn sóng nhập cư (nhất là làn sống nhập cư bất hợp pháp) tìm cách thâm nhập vào các quốc gia Châu Âu khác. Kể từ đó người dân Ý mới “ngộ” ra được .... sự hiện diện của người nước ngoài .... và chính đấy là lúc người dân Ý bắt đầu được “thử lửa”.

Nếu ngồi nghe các tin thời sự từ hành hung đến đâm chém, từ bóc lột lao động nhập cư bất hợp pháp (lao động đen) đến các tuyến đường mãi dâm, từ các phát ngôn hùng hổ của các lãnh đạo kỳ thị bài ngoại ở các khu vực Bắc Ý ... thì khó mà có thể nói rằng “Italiani, brava gente”. Nhất là thêm hiện nay, tình cảnh kinh tế suy thoái, công ăn việc làm giảm sút, phúc lợi xã hội bị cắt xén ... thì .... người Ý lại càng khó mà có thể “tốt bụng”.

Và những lực lượng chính trị mị dân đều tận dụng chiêu bài kỳ thị bài ngoại .... để hút cử tri, nhất là những cử tri kém văn hóa ... nhưng lại khá giả (tiêu biểu tầng lớp doanh nhân của các cơ sở sản xuất nhỏ ở các khu vực Đông Bắc nước Ý (vùng Veneto, vùng Friulli Venezia Giulia, vùng Trentino Alto Agide, vùng Lombardia). Bằng chứng là mức độ phát triển “siêu tốc” trong hai thập niên vừa qua của cái đảng Lega Nord ở vùng Padania.

Nhưng cái bất cập của người Ý trong vấn đề nhập cư là: nếu người Ý đi ra nước ngoài sinh sống ... thì họ rất tán dương những chính sách tạo thuận lợi cho người nhập cư, thậm chí nếu có một nhân vật gốc Ý trở nên nổi tiếng ở một nước nào đó ... thì cả dân Ý lấy làm hãnh diện. Nhưng quên rằng đó cũng nhờ có những thuận lợi mà các quốc gia sở tại dành cho người nhập cư. Đến khi có người nước ngoài nhập cư vào Ý ... thì đại đa số dân Ý (xuyên qua các chính sách nhà nước) đều chỉ muốn “đàn áp” và “cản trở” các bước hội nhập. Một đứa trẻ cha mẹ người Ý, sinh ra ở Bắc Mỹ chẳng hạn ... thì được quyền có quốc tịch nước sở tại .... và người Ý rất tự hào con của mình có hai quốc tịch. Nhưng nhà nước Ý đến nay vẫn còn áp dụng chính sách “huyết thống” để ngăn cấm các trẻ em có cha mẹ người nước ngoài nhưng sinh ra ở Ý. (*)

Trở lại câu chuyện thời sự hôm nay của chị Dolores Valandro: “hãm hiếp phụ nữ” vốn là một vấn nạn tồi tệ nhất của nhân loại. Lịch sử của nhân loại trong mấy chục thế kỷ vừa qua đã để xẩy ra không biết bao nhiêu vụ “hãm hiếp tập thể phụ nữ” trong những hoàn cảnh bất ổn như chiến tranh, diệt chủng. Hãm hiếp là điều mà một người bình thường, có lý trí, không thể nào chấp nhận ... nói chi đến việc “khích động” người khác đi hãm hiếp. Sự việc lại càng trở nên tồi tệ hơn nếu người đi khích động lại chính là một phụ nữ.

Trên giấy trắng mực đen thì chị Dolores Valandro bị lãnh đạo đảng lấy khoảng cách và bị trục xuất. Nhưng biết đâu chính các lãnh đạo đảng Lega Nord vẫn có thể “bên dưới” an ủi ngầm, ủng hộ ngầm, động viên ngầm ... chị ta ....  vì nói cho cùng  - bỏ qua một bên vấn đề ngôn từ của lời viết của chị Dolores Valandro trên Face Book – nội dung của hành động của chị ta vẫn phù hạp với chính sách kỳ thị bài ngoại xưa nay của đảng Lega Nord.

Sau khi bị làn sóng phản đối làm dữ, chị Dolores Valandro đã tuyên bố xin lỗi bà Bộ trưởng “da màu”, và chị biện minh rằng .... đó chỉ là – nói theo cách nói của người Ý “una battuta !!!” – tức là như kiểu nói của người Việt ta: “thì nói cho có nói” ....

May là chỉ mới là “una battuta” ....

Roma, 13/06/2013
 



Chú thích:
(*) Về điểm này thì ... nhà nước Ý và nhà nước Việt Nam rất gần nhau !!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét