27 tháng 10, 2013

Finish Italy !!!



Không phải nước Ý đang rơi xuống vực thẩm. Đơn thuần là nước Ý đang tục hậu. Đang lần lần tan biến ra tro bụi. Còn cách nói nào khác để thể hiện tình trạng bi đát hôm nay của nước Ý ? Nhất là nhìn các giải pháp mà nước Ý đang tìm cách khắc phục tình trạng khó khăn hôm nay ... thì chỉ thấy đó là những biện pháp ngày ngày đưa nước Ý vào con đường vô vọng.

Sau gần hai thập niên chót gần như hôn mê tê liệt (trong khi trong hai thập niên đó toàn cầu đang đối đầu với những thay đổi biến chuyển sâu sắc trong mọi lãnh vực), nước Ý lại bị bồi thêm một cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh lớn nhất kể từ thời hậu chiến của thể kỷ trước ... Một cuộc khủng hoảng có thể được xem như là hệ lụy không tránh được bởi những lỗi lầm trong quá khứ cũng như những nhược điểm và thiếu kém năng lực trong hiện tại.

Dân Ý vẫn còn lầm lẫn rằng nguyên nhân của những khốn đốn hiện nay là cuộc đại khủng hoảng kinh tế tài chính có tính khu vực ở các quốc gia Tây Âu. Trên thực tế “chuyện nước Ý” không phải chỉ đơn thuần là khủng hoảng kinh tế tài chính. Lầm lẫn bởi vì những khó khăn kinh tế tài chính chỉ là “bề nổi” của câu chuyện ... và cũng bởi vì những hệ lụy của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thường là những thông số dễ so sánh và ... “dễ đọc” ... Nhất là những hệ lụy đó có “vòng quay” rất nhanh lên đời sống hằng ngày của hàng triệu gia đình Ý.

“Chuyện nước Ý” hôm nay thật  ra là một cuộc khủng hoảng sâu rộng, có thể nói là toàn diện ở mọi lãnh vực nhà nước cũng như trong các sinh hoạt của xã hội: từ cơ chế nhà nước ở khắp “ba miền”: hành pháp, tư pháp, lập pháp đến khu vực kinh tế sản xuất, đến  hệ thống tài chính ngân hàng, từ lãnh vực giao thông, y tế cho đến giáo dục văn hóa. Khủng hoảng trong các lực lượng chính trị đảng phái (tả cũng như hữu) đến các tổ chức công đoàn hay đoàn thể ban bệ. Tất cả các tổ chức từ trung ương đến địa phương hình như chỉ vận hành theo một “kim chỉ nam” duy nhất là phục vụ quyền lợi ngắn hạn trước mắt của phe nhóm hay phường hội ... bỏ qua tất cả những ích lợi chung của đất nước. Tất cả những quy luật rườm rà và quan liêu ở mọi ngỏ ngách được áp dụng hầu như chỉ để “đề kháng” từ bên trong cơ chế và chống lại tất cả những “vật thể ngoại vi” đang muốn hội nhập ... Và đấy là vùng đất mầu mỡ cho phép sản sinh hàng loạt các hô hào mị dân (italianità, orgolio nazionale, libertà ...) trên thực tế chỉ là những chiêu bài nhằm che dấu những tính toán riêng tư bè đảng.

Chỉ cần để ý ghé mắt đến cơ chế vận hành nhà nước là thấy nhan nhản những bất cập. Toàn bộ hạ tầng cơ sở hiện có của đất nước từ nhiều năm đã trở nên cũ kỹ hao mòn và không được bảo quản đúng yêu cầu, thí dụ như hệ thống đường xá cầu cống, truyền thông, thậm chí đến các mạng phân phối nước, trường học, bệnh viện. Đôi khi nguyên nhân rất đơn giản .. là vì thiếu ngân quỹ. Trong khi đó báo chí ngày ngày cứ đăng những xì-căng-đan về những công trình xây dựng hoành tráng hàng tỉ Euro ... để rồi bỏ xó nửa chừng ... vì thiếu khả thi áp dụng ... hoặc chỉ đơn giản là những công trình “ma” nhằm để bòn rút công quỹ.

Thậm chí đến các khu di tích cổ thời trước Công nguyên, vốn xưa nay vẫn được xem là “nồi cơm câu khách du lịch” ... cũng chịu số phận hẩm hiu kiểu “nhan tàn khói lạnh” khiến bị hư hỏng sụp đỗ đến độ không còn có khả năng tái thiết vì thiếu bảo quản như đã xẩy ra trong khu di tích ở Pompei hay ở ngay chính Giác đấu trường (Colosseum) nằm sừng sững ở thủ đô Roma.

Về bậc thang “âm tính” mà nói ... thì nước Ý chiếm gần hết các giải “quán quân” về những tệ nạn ở Châu Âu: từ trốn thuế đến tỉ lệ bỏ học, từ áp lực nợ nhà nước đến các bậc lương “khủng” của các đại biểu Quốc hội, từ con số tù nhân quá tải trong các trại giam đến thời gian xét xử của các vụ án kéo dài lê thê từ đời cha xuyên qua đời ... cháu, từ tệ nạn tham nhũng hối lộ và lạm quyền lạm chức  đến hiện tượng băng đảng Mafia thâm nhập vào cơ chế nhà nước và lũng đoạn nền kinh tế sản xuất,  từ các chính sách hành chánh quan liêu với hàng chục chữ ký và dấu mộc trên mỗi thứ giấy tờ chỉ đến xin phép mở cơ sở kinh tế sản xuất .... đến việc các phường hội (lobby) khống chế tất cả các sinh hoạt tự do của mỗi công dân (chỉ cần đi xin giấy phép lái taxi ... thì đã thấy đỗ mồ hôi hột ... chứ không bắt buộc phải ngó lên các nghề chuyên môn cao cấp như bác sĩ, kỹ sư, luật sư, công chứng ...). Các tệ nạn quan liêu và bất cập ăn sâu vào tâm thức của người dân đến độ gần như người ta coi như đó là ... “chuyện thường ngày ở huyện” ... và chẳng ai còn có ý chí muốn phản kháng.

Thậm chí đến hình ảnh thống nhất của một quốc gia cũng đang lần lần bị sói mòn theo năm tháng bởi các tranh giành ảnh hưởng quyền lực và kinh tế giữa các địa phương với nhau hoặc giữa địa phương với trung ương. Các đảng phái chính trị chỉ biết co cụm khăng khăng bảo vệ địa phương của mình để tiếp tục nắm giữ cử tri ... mà không cần biết đến những hệ lụy lâu dài lên toàn bộ đất nước.

Một đất nước mà hiện nay thành phần “bô lão” trong xã hội đang lần lần qua mặt thế hệ trẻ trong tuổi lao động ... khiến cho gánh nặng phúc lợi hưu trí ngày càng đè nặng lên cán cân chi tiêu nhà nước .. trong khi giới trẻ trong tuổi lao động đã ít ... mà lại không tìm ra công ăn việc làm nên lại càng không có khả năng đóng góp vào ngân sách phúc lợi xã hội.

Trách nhiệm phần lớn chắc chắn là thuộc về giai cấp lãnh đạo chính trị của các đảng phái. Trong suốt giai đoạn từ thời hậu chiến (giữa thập niên 40) cho đến đầu những thập niên 90, suốt gần nữa thế kỷ, nước Ý đã có được một ổn định chính trị nhất định và một quá trình phát triển kinh tế không kém các quốc gia Tây Âu khác ... Nhưng nhìn kỹ lại thì đấy không phải là do tài cán của giai cấp lãnh đạo chính trị đang cầm quyền lúc đó ... mà chỉ vì “thời thế” của cuộc chiến tranh lạnh, mà trong bối cảnh đó, do vị trí địa chính của mình ở vùng Địa Trung Hải, Ý đã là một “đồng minh chiến lược quan trọng” của khối NATO, khiến Mỹ đã phải “gồng mình” đổ tiền viện trợ để giữ “ổn định” chính trị ở Ý ... dù rằng Mỹ cũng thừa biết những giới hạn của giai cấp lãnh đạo chính trị Ý, nhất là của đảng cầm quyền lúc đó là đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo. Cũng phải nói thêm rằng tình trạng bị “nghiện viện trợ” không phải chỉ xẩy ra trong các đảng phái chính trị “hữu khuynh” thân Mỹ, mà chính các lực lượng chính trị đảng phái cánh tả, đứng đầu là Đảng Cộng Sản Ý, cũng đã từng được “đàn anh” Liên Xô “mớm cơm” từng ngày. Tất cả các “viện trợ”, dưới hình thức này hay hình thức khác, đã không được giai cấp lãnh đạo chính trị Ý đánh giá như một đòn bẩy để nâng cao khả năng vận hành đất nước ... mà ngược lại chính các nguồn viện trợ dồi dào, và dễ dãi (một thứ viện trợ vô điều kiện),  đó đã làm tha hóa giai cấp lãnh đạo chính trị ... làm triệt tiêu tất cả các khả năng đề kháng ... để rồi khi chiến tranh lạnh chấm dứt ... nước Ý ngày một ngày hai mất hẳn vị thế chiến lược trên sân khấu chính trị quốc tế .... và do đó các nguồn viện trợ bị cắt đứt một cách thảm hại .... như một đứa trẻ ngày một ngày hai bị cắt dòng sửa mẹ trong khi chưa hề biết học nhai học nuốt ... Thảm họa bắt đầu từ đó.


Nhưng thảm họa của Ý không phải chỉ do giai cấp lãnh đạo chính trị gây ra. Cũng cần phải thấy rõ vai trò vị trí và trách nhiệm của giai cấp tư sản Ý trong suốt giai đoạn tái thiết thời hậu chiến. Những “đại gia” đã từng nắm giữ vận mạng công nghệ sản xuất và hệ thống tài chính của đất nước. Họ đã đóng góp như thế nào trong quá trình phát triển kinh tế thời hậu chiến ? Họ đã chứng minh cho thấy khả năng và can đảm đối đầu với những thách thức kinh tế thương mãi, nhất là trong những giai đoạn bắt đầu thời kỳ kinh tế toàn cầu ? Họ đã dám “cả gan” đầu tư chính tiền bạc vốn liếng của họ vào các công trình nhầm nâng cao công nghệ tiên tiến và mở rộng khả năng cạnh tranh thương mãi ? Hay họ chỉ biết loay hoay chạy theo nắm vạt áo của giai cấp lãnh đạo chính trị để đi tìm ô dù ... và trợ cấp bù lỗ của nhà nước (điển hình nhất là ... cơ sở hàng không dân dụng Alitalia ... cứ mỗi năm ba năm ... là lại bị đe dọa phá sản ... nếu nhà nước không tìm ra phương án ... bù lỗ) ? Câu trả lời rất đơn giản: chỉ cần nhìn sự hiện diện khiêm nhường của nền công nghệ sản xuất Ý trên thị trường thương mãi toàn cầu ... giới hạn ở các mặt hàng “thời trang” hay “xa xỉ” ... trong khi các mặt hàng công nghệ cao cấp hay sản xuất đại trà ... thì đều bị các giới tư sản của các quốc gia khác đè bẹp. Hay chỉ cần đọc báo để thấy ngày nào cũng có hảng xưởng của Ý đang bị thua lỗ tục hậu vì bị cạnh tranh ... hoặc nếu còn có khả năng sản xuất ... thì lập tức bị các giới tư sản của các nước khác “thu mua” (trường hợp chót là Telecom Italia đang bị Telefonica của Tây Ban Nha thu mua).

Nhìn sang lãnh vực ngân hàng tài chính ... thì tình trạng cũng chẳng khá hơn. Trên lý thuyết thì vai trò của các ngân hàng là hổ trợ tài chính để các cơ sở sản xuất đẩy mạnh quá trình phát triển công nghệ quốc gia. Nhưng trên thực tế ở Ý thì các tập đoàn ngân hàng tài chính lại là những gánh nặng làm trì trệ phát triển lành mạnh của nền kinh tế đất nước. Phần lớn các ngân hàng thực ra chỉ là những tổ chức kinh tài của các nhóm “đại gia” với sự thông đồng của giai cấp lãnh đạo chính trị. Thông thường việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các tổ chức ngân hàng tài chính không dựa trên khả năng thực sự của ứng viên ... mà chỉ là kết quả của những thỏa thuận về xếp đặt nhân sự giữa các quyền lực kinh tế và chính trị với nhau. Từ đó các quyết định vận hành của ngân hàng đều hoàn toàn tùy thuộc vào các ích lợi cục bộ của các tổ chức quyền lực kinh tế và chính trị, bỏ ra ngoài tất cả những ích lợi chung cho đất nước. Thậm chí, ở các tầng lớp thấp, các tổ chức ngân hàng tài chánh thường là những nơi để giai cấp lãnh đạo chính trị thu xếp “nơi ăn chốn ở” cho con cái, gia đình, dòng họ, bà con hay bè bạn ... thậm chí cho bồ nhí ... với chế độ lương bổng vừa “khủng” và công ăn việc làm vừa “bền”.

Hình tượng “văn minh” tiêu biểu của đất nước Ý hôm nay là một xã hội tiêu thụ “hậu hiện đại” với con số thống kê “khủng” 160 điện thoại di động cho mỗi 100 cư dân ... nhưng đồng thời cũng là một đất nước mà thống kê cho thấy là trên mỗi hai cư dân ... thì mỗi năm chưa đến có được một người đọc được một quyển sách. Một đất nước nắm giải vô địch Châu Âu với con số 4 giờ mỗi ngày mỗi người ngồi thụ động trước ti-vi để “nuốt” hết các chương trình lãm nhãm từ fiction kiểu “Hàn Quốc” cho đến các show “tài năng mới” hoặc các “talk-show” văn hóa trá hình trong đó đến người chưa hề tốt nghiệp đại học cũng có thể đàm luận về các phương pháp trị liệu khoa học hiện đại.


Toàn bộ nước Ý như đang chìm đắm trong một cơn mê muội nghiện ngập để cố tình không nhìn thấy căn nguyên bệnh trạng của đất nước ... Mê muội đến độ các chính khách mị dân liên tục thay nhau lên sân khấu mà không một khán giả nào có đủ khả năng đứng lên phản đối và rời bỏ rạp hát ....

Nếu nói rằng ... lịch sử vẫn thường hay lặp lại ... thì rõ ràng nước Ý là một bằng chứng hùng hồn nhất.

Người ta còn nhớ hai thập niên về trước cả một nền Đệ I Cộng hòa Ý hóa ra tro bụi dưới chiến dịch “bàn tay sạch” của Tòa án Milano trong các vụ án tố cáo các lãnh đạo chính trị của các đảng phái nắm quyền lúc đó về tội tham nhũng hối lộ ... để rồi hai thập niên sau nền Đệ II Cộng Hòa cũng đang đi trên con đường phá sản ... vẫn với ngòi nổ hối lộ tham nhũng. Ít ra thì ở thời Đệ I Cộng hòa ... chính khách tham nhũng còn biết cúi đầu hổ thẹn và từ bỏ quyền chức chạy tháo thân ra nước ngoài ... Còn ở thời Đệ II Cộng hòa, người bị kết án tham nhũng không những không “thèm” hổ thẹn ... mà còn dấy âm binh tố ngược lại các tòa án về các “vụ án chính trị” .... Không biết rồi mai đây, sau khi nền Đệ II Cộng hòa ra tro bụi (nếu một mai có ngày ra tro bụi) thì nền Đệ III Cộng hòa sẽ còn được “phát triển” đến đâu. Có lẽ chính sự nghi ngờ này (và kinh nghiệm của hai thập niên vừa qua) đã khiến xã hội Ý cũng không còn mấy “hồ hởi” trước những viễn ảnh “đổi mới” ... Vì cũng như tựa của một vở kịch nghệ nỗi tiếng ở Ý: “Ai bỏ cái cũ để chọn cái mới thì biết chắc cái mình bỏ ... nhưng không biết cái mình sẽ có” (*).

Thực ra thì cũng chẳng ai biết là ... ngoài việc tranh giải vô địch bóng tròn thế giới và tổ chức các màn trình diễn thời trang ... và còng lưng ra trả nợ nhà nước ..... nước Ý có thực sự là còn cần thiết trên sân khấu quốc tế nữa hay không ? Kết thúc cuộc chiến tranh lạnh đã làm nước Ý mất đi cái vị thế địa chính chiến lược quan trọng trên ván bài quốc tế ... và do đó đã làm mất “nồi cơm” của Ý. Rồi kế đến thời kinh tế thương mãi toàn cầu đã đẩy nước Ý vào thế co cụm trong cạnh tranh thương mãi ... gần như một anh bán hàng rong tỉnh lẻ.

Nhìn sân khấu chính trị của Ý trong những năm gần đây mà thấy ngao ngán. Cả một đất nước suốt gần hai thập niên ... chỉ biết chạy quanh một đại gia ... vốn có nhiều điều còn u tối trong quá trình gầy dựng sản nghiệp to tát hiện nay.

Điều đáng ngại nhất là hình như con đường sự nghiệp chính trị của đại gia cũng đang bắt đầu bước vào giai đoạn cáo chung .... nhưng các đảng phái chính trị, ngay đến cả các lực lượng chính trị đối thủ, cứ như đang bị mất phương hướng .... vì không còn cái cối xây gió để mà vung kiếm.

Hết Ý. Theo nghĩa “Finish Italy”.

Roma, 27/10/2013




(*) “Chi lascia la via vecchia per la nuova, sa quel che lascia, e non sa quel che trova” là một kịch bản sân khấu 3 màn của Giuseppe Giocosa viết năm 1870.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét