17 tháng 6, 2016

Châu Âu sống trong sợ hãi (*) và những tay chính khách bị bệnh mộng du.




(Nguyên tác bài này có tên “L’Europa della paura e i politici sonnambuli” của Lucio Caracciolo, chủ biên tập của đặc san chuyên đề địa chính trị Limes, được đăng trên nhật báo “la Repubblica” ngày 17/06/2016).



Tính ra đến nay cũng đã hơn 6 thập kỷ kể từ khi Vương quốc Anh, trong vai trò lãnh đạo liên minh “hỗn tạp” (bao gồm nhiều quốc gia không đồng nhất với nhau về mặt ý thức hệ chính trị) chống phát-xít, đã mở ra cánh cửa dân chủ và tự do của Châu Âu. Trong khi hiện nay, một tuần lễ trước khi bắt đầu cuộc trưng cầu dân ý để cử tri của Vương quốc Anh quyết định “đi” hay “ở” lại trong Liên Hiệp Châu Âu – và một cách gián tiếp sẽ “định hình lại” cái gọi là “tương lai” của những gì còn sót lại trong cái “ngôi nhà cộng đồng” đó – có lẽ cũng nên đặt câu hỏi là hiện nay bao nhiêu trong những thành quả của nền dân chủ và tự do ấy còn tồn tại. Hay là các ngọn hải đăng chính trị đang lần lần tắt lịm ở Châu Âu, và không phải chỉ riêng Châu Âu, để đưa đẩy tất cả vào những đường lối đấu tranh tàn bạo người chống người không nhân nhượng, bằng bất cứ giá nào.

Việc ám sát một đại biểu quốc hội kiên cường đấu tranh của đảng Labour, nữ dân biểu Jo Cox, ngay trên địa bàn hoạt động chính trị của bà ta là Birstall – một trong những thị trấn tiêu biểu của những nét truyền thống của Anh quốc, gần Leeds, vốn nỗi tiếng vì được xem như là sinh quán của nhân vật được cho là người đã khám phá ra oxy – là một tội ác vô tiền khoáng hậu trong lịch sử hiện đại của Anh. 

Và cũng còn quá sớm để có thể xác định một cách rõ ràng minh bạch lý do của việc ám sát nói trên. Theo diễn tả của một nhân chứng thì tay sát nhân đã hô lớn khẩu hiệu “Britain First” – “Trước nhất phải là Vương quốc Anh” – trong khi hắn đang hạ sát nữ dân biểu, một đại biểu quốc hội đang tích cực đấu tranh để “ở lại” trong Liên Hiệp Châu Âu.

Nhưng điều mà trước mắt ai cũng thấy một cách rõ ràng là cái âm vang của cuộc ám sát nói trên đang tạo ra một cú sốc, một chấn động lớn ngay trong lòng của nơi sản sinh ra nền dân chủ đúng ở thời điểm mà cử tri đang chuẩn bị thực hiện nền dân chủ ấy xuyên qua hình thực tối cao của nó: trực tiếp trưng cầu dân ý. Việc cả hai lực lượng chính trị đối đầu trong cuộc trưng cầu dân ý này – bên “đi” cũng như bên “ở” –  lấy quyết định ngưng tất cả các hoạt động tranh cử tuyên truyền, “một mất một còn” cả mấy tháng nay, cho thấy trong cái xứ nơi thể chế dân chủ nghị viện có nhiều kinh nghiệm nhất trên trái đất này cũng đã phải giật mình để nhận thức kịp rằng: trong một đất nước văn minh không có một lý lẻ tranh đấu nào biện hộ được cho sự đỗ máu của một người vô tội. (Không biết mấy xứ rồng rắn chừng nào mới có được … phân nửa nhận thức nói trên ?)

Người ta có thể tạm thời bỏ qua một bên những phân tích và đánh giá về những chỉ số “thăm dò ý kiến” được thu thập từ trước đến nay  – những chỉ số mới nhất cho rằng phe “đi” lên đến 53%. Bởi vì kể từ chiều hôm qua cuộc trưng cầu dân ý nói trên không thể còn “nguyên vẹn” như từ trước đến nay. Giọng điệu và cung cách hành xử của cả hai phe bắt buột sẽ phải thay đổi phù hợp với sự việc tang thương đã xẩy ra hôm qua.

Nhưng chính con đường rầy của các cuộc đụng độ giữa hai phe vẫn chạy dọc theo một hành lang đầy những kỳ thị phân biệt phi lý. Phe “ở” thì dùng lá bài “lo âu, sợ hãi”, như một lời phán xét của một gia trưởng về những thảm họa sẽ lập tức xảy ra trong trường hợp “đi”. Còn phe “đi”, với câu thần chú “chủ quyền Vương quốc”, thì lại thổi lên ngọn lửa “bài xích” chống lại các “thế lực”, chủ yếu được thể hiện qua cái cơ chế “quan liêu hành chánh nằm ở Bruxells, vốn chỉ muốn giao mấy quần đảo Anh quốc cho đám khủng bố Hồi giáo trá hình dân nhập cư chạy trốn chiến tranh nghèo đói.

Trong một cuộc đọ sức chính trị bình thường thì đúng ra phe “thân Châu Âu” phải lớn tiếng ca ngợi và nhấn mạnh những thành quả tích cực của Liên Hiệp Châu Âu — nhưng trên thực tế phe này đã hết sức tránh né chuyện đó, lý do đơn giản là vì phe “ở” cũng cảm nhận ra được cái “nồng độ mất lòng cử tri” của những hành động ca ngợi Châu Âu. Và đúng ra thì phe “bài Châu Âu” phải vẽ ra viển ảnh khác, sau khi Vương quốc Anh hoàn tất quá trình trưởng thành, để thay thế cho các ràng buộc xiềng xích của Bruxells — và cũng tiếc thay là phe “đi” cũng chẳng hề bao giờ suy nghĩ được đến như thế.

Nói chung là ở Anh người ta đang đối đầu với một cuộc chơi âm u tăm tối, tràn đầy ẩn số. Cho dù kết quả của cuộc trưng cầu dân ý như thế nào đi nữa, thì chẳng một ai, nếu là người có ý thức, ở Anh có khả năng tiên đoán trước những gì sẽ xẩy ra sau đó. Và chính đây là nguyên nhân chính đưa đẩy cả hai phe chạy theo các ngôn từ và ứng xử đậm màu cường điệu quá khích, vốn thường chỉ đối thoại được với “cái bụng của cử tri” và làm nhạt nhòa tất cả những gì lý trí có thể nhận thức được. Một thứ sân khấu lý tưởng dành cho những tay phù thủy (hay học đòi làm phù thủy).

Nhưng điều càng đáng tiếc hơn nữa là những gì vừa kể trên cũng chẳng phải là “đặc sản” riêng tư gì của Anh quốc. Cứ xem những gì đang diễn ra trong các hoạt động tranh cử Tổng thống ở Mỹ thì người ta cũng dễ nhận ra … bài bản tương tự như ở Anh.

Đó là chưa kể đến cái “chất lượng” của đời sống dân chủ của cái lục địa già nua, đặc biệt là ở những đất nước vừa mới thoát ra khỏi sự kìm kẹp của Liên Xô (các quốc gia Đông Âu) đang có khuynh hướng đi lùi trở lại với các giá trị dân tộc chủ nghĩa quá khích phi dân chủ. Có lẽ ở những khu vực này chất lượng của đời sống dân chủ chưa bao giờ nghèo nàn đến như thế.

Còn ở Ý ? Ở Ý thì một “tác phẩm” như Mein Kampf (cương lĩnh chính trị của Hitler) đang được cho tái bản và được các nhân vật chủ xướng khoe là trở thành best seller của tuần sách.

Tất cả những tin tức tồi tệ đến từ quần đảo Anh, nơi duy nhất đã có khả năng kháng cự lại được chính sách xâm lấn Châu Âu của Hitler, rồi sẽ làm cho người ta sáng mắt ra ? Bốn năm về trước một nhà sử học người Úc, Christopher Munro Clark, vốn là giáo sư ở đại học Cambridge, nơi nữ dân biểu Jo Cox tốt nghiệp đại học, đã cho ra đời một tài liệu nghiên cứu vĩ đại về cuộc Đại chiến thứ I mang tựa đề: “Những kẻ mộng du”, cho thấy là Châu Âu đã cho nổ ra cuộc đại chiến 1914 trong các điều kiện như thế nào.

Hy vọng là hôm nay nhân loại còn đủ thì giờ để tránh phải cập nhật tác phẩm “Những kẻ mộng du” cho hợp với thời sự của thế kỷ hiện nay.

Trừ phi các chính khách (thực cũng như giả) vẫn tiếp tục vùi đầu xuống cát như mấy con đà điểu, trong khi ruộng đồng chính trị ngày càng thêm vàng vọt và ở các bãi cỏ bài xích chính trị ngày ngày ngọn lửa mị dân vẫn tiếp tục cháy phừng phừng.

Roma, 17/06/2017
chuyển ngữ
 


(*) Tựa phim “Sống trong sợ hãi” (2005) của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét