18 tháng 6, 2016

Thử lửa cho đảng PD của Renzi.



Nguyên tác bài này có tên "Un test per il PD di Renzi" của Mario Calabresi, chủ biên tập của nhật báo "la Repubblica" đăng ngày 18/06/2016.
 



Cần phải xem cuộc bỏ phiếu ngày mai không phải là một sự kiện bầu cử địa phương (tỉnh, thành), vì kết quả bầu cử của nó chắc chắn sẽ tạo ra những ảnh hưởng trên sân khấu chính trị toàn nước Ý, nó có thể cho thấy là đa số cử tri muốn “đoạn tuyệt” với quá khứ và có thể dẫn đến một khả năng làm tan rã hệ thống chính trị hiện nay.
Cần phải đánh giá cẩn thận kết quả bầu cử lần này; bởi vì có đến bốn thành phố lớn của nước Ý đi bầu cử, và như thế nó vượt qua giá trị của một cuộc bầu bán địa phương, và thể hiện một cách rõ ràng cái gọi là “tâm tư” của đại bộ phận cử tri.
Trước hết nó là một cuộc thử lửa của quá trình đổi mới hiện nay: Renzi, vốn “xuất thân” là một nhân vật muốn đổi mới sân khấu chính trị xuyên qua quá trình “đổi mới nhân sự trong đảng PD” (tiếng thời thượng ở Ý là “rottamatore”), hiện nay có còn được xem như là một yếu tố đổi mới nữa hay không? Hoặc chính sự mong muốn “đoạn tuyệt” với quá khứ mạnh đến nỗi ngay chính Renzi cũng đã bị đồng hóa thành một bộ phận của giai cấp chính trị cần phải “rottamare” ?
Những chia rẽ trước những đề luật thay đổi hiến pháp (trưng cầu dân ý về những đề luật này sẽ được tổ chức vào tháng 10 sắp tới), và những cải cách về thị trường lao động sẽ khiến cử tri cánh tả “tháo chạy” nhiều hơn là số cử tri trung dung hay bảo thủ xích gần lại đảng PD ?
Rồi ở Milano và Torino số cử tri trung dung sẽ sẳn sàng bỏ phiếu cho đảng PD trong lần này ?
Những đối thủ chính trị nội bộ cũng như từ bên ngoài chống lại Renzi và chống chính phủ sẽ có đủ khả năng ngồi chung với nhau và đủ sức thuyết phục được đại bộ phận cử tri rằng Renzi không còn là “giải pháp” mà đã trở thành “vấn đề” cho nước Ý ?
Dù kết quả bầu cử ngày mai ra sao đi nữa thì đảng PD và Renzi, vừa là thủ tướng vừa là Tổng bí thư đảng PD, cần phải nỗ lực tìm cách, nếu có thể, hàn gắn lại những chia rẽ trong nội bộ đảng và xích gần lại quần chúng (cử tri).
Trong cuộc bầu cử ngày mai, thách thức quan trọng nhất, và dễ nhận thấy nhất, là sự đọ sức với phong trào 5 sao ở Roma và Torino.
Nhưng thực ra chính ở Milano là mới là nơi thử nghiệm cho phép đánh giá được tình trạng “sức khỏe chính trị” của đảng PD, và của phe đa số chính phủ hiện nay (maggioranza), đánh giá được quyết định chính trị của đảng PD nhằm “triệt hạ” những tường thành truyền thống của cánh tả (giới lao động thợ thuyền) để biến thành điểm hội tụ của tất cả cử tri thuộc mọi thành phần trong xã hội. Ở Milano Renzi đã quyết định “đặt cược” vào tầng lớp trung dung, vào giới tư sản và xem đó như là động cơ thúc đẩy “đổi mới” (của đảng PD). Có thể đặt những thành phần xã hội vừa nói ngồi chung với những cử tri truyền thống xưa nay của cánh tả hay không ? Kết quả phiếu dành cho ứng sử viên Beppe Sala sẽ cho ta đáp án vào tối mai.
Nhưng bây giờ thì quay trở lại Roma. Ở thủ đô những bất cập, những sai trái trong đường lối, những thái độ “bỏ thì thương vươn thì tội” của đảng PD trong suốt năm vừa qua đã làm thất vọng (và tháo chạy) một số lượng cử tri khổng lồ. Không ai phủ nhận sự yếu kém của Ignazio Marino, cũng như những xì-căn-đan không đáng có, cũng như sự thiếu kinh nghiệm quản trị thủ đô của Marino, nhưng cả một chiến dịch truyền thông được dấy lên để chống lại Marino và quyết định giải nhiệm hắn một cách “bạo lực”, và như thế đảng PD cũng đã gián tiếp phủ nhận giá trị của những cuộc bầu cử sơ bộ (primarie) của đảng, và nhất là quên rằng dù muốn dù không thì Ignazio Marino cũng đã hiện thân cho một “hiệp sĩ cô độc” chống lại xì-căn-đan Mafia Capitale, đã dấy lên một sự phản kháng từ chối trong cử tri cánh tả đến độ đẩy những cử tri này vào vòng tay của phong trào 5 sao hoặc ít ra khiến họ quyết định không tham gia bầu cử nữa.
Nhưng trong lần bầu cử này còn có một đặc điểm đáng chú ý nữa: nhìn vào ai cũng thấy là chiến dịch tranh cử của ứng cử viên 5 sao ở Roma, Virginia Raggi, rất ... khiêm nhường (thường thì chỉ hô hào chung chung mấy cái khẩu hiệu chống lại giai cấp “ăn trên ngồi trước”, tự sướng với cái “trinh tiết” của phong trào…). Chiến dịch vận động tranh cử đã chấm dứt chiều hôm qua mà cho đến nay cử tri cũng chẳng mấy ai biết rõ về các chương trình, kế hoạch hoạt động, thành phần “nội các” của tân Thị trưởng trong trường hợp Virginia Raggi đắc cử. Điều này rất quan trọng, và cần phải chú ý cho kỹ: bởi vì trong thời buổi mà các ý thức hệ chính trị đã không còn mấy giá trị (tả cũng như hữu …) thì đúng ra cử tri cần phải nhắm đến chương trình, kế hoạch hoạt động, đến tiểu sử và kinh nghiệm làm việc của các ứng cử viên, đến khả năng vận hành của ứng cử viên trong trường hợp đắc cử. Nhưng lại không phải thế: hiện nay cử tri đang xem “mức độ tươi trẻ” và “nồng độ cảm tình” như là những giá trị để đánh giá khả năng của ứng cử viên, và nhất là càng thiếu vắng kinh nghiệm bao nhiêu thì càng được đánh giá cao bấy nhiêu. Bởi vì cái thiếu kinh nghiệm, ngày trước là một khiếm khuyết (giống như một thanh niên đi xin việc làm mà không có kinh nghiệm làm việc là coi như … khó), thì hôm nay lại trở thành một thứ “bảo kê tiết trinh” (vì không có kinh nghiệm quản trị nên chắc chắn là không thể bị hối lộ hay tham nhũng được) và được đồng hóa với “niềm hy vọng” của cử tri có một ban quản trị tốt. Cuộc bầu cử lần này cho thấy là nếu chưa bao giờ tham gia vào việc quản lý việc nhà nước và thiếu vắng hoàn toàn sự hiểu biết về cách vận hành guồng máy quản trị thành phố … không còn là một khiếm khuyết … mà là một ưu điểm, một thứ “nhãn hiệu cầu chứng tại tòa”. Lý do là bởi cử tri đã quá dị ứng với những chính khách quá “sành sỏi” về việc quản lý của công, hiểu biết từng ngỏ ngách của bộ máy vận hành thành phố … Nói chung là dị ứng với các đảng phái chính trị “truyền thống” xưa nay, và với đẳng cấp chính khách hiện nay.
Nhìn cuộc bầu cử lần này ở Roma, người ta dễ liên tưởng đến câu chuyện tiếu lâm sau đây: một hôm ở phi trường nọ hành khách đã quá mệt mõi vì phải chờ đợi máy bay bay trễ giờ, vì những vụ đình công của nhân viên hảng bay, của phi hành đoàn, của phi công, vì những thái độ bất nhã của nhân viên phi trường, dù hành khách đều biết những nhân viên đó lương bổng hậu hĩ, phúc lợi to lớn, giờ làm việc được tôn trọng …. Trong khi hành khách vừa phải trả tiền vé cắt cổ vừa phải chịu đựng những yêu sách hành xử của đám nhân viên hãng bay và phi trường. Thế là cả đám hành khách đùng đùng nỗi giận kéo nhau lên máy bay, vô phòng lái tống cổ hết mấy tay phi công hoa tiêu ra ngoài, đuổi hết đám phi hành đoàn xuống đất, và họ chiếm máy bay. Đến đây thì câu hỏi được đặc ra là: ai sẽ đứng ra lái máy bay ? Một cô gái trẻ đứng lên nói thẳng: “Tôi không có kinh nghiệm lái máy bay, thậm chí cũng chẳng có bằng lái máy bay, nhưng tôi là con người nghiêm túc và đứng đắn, xưa nay tôi vẫn mơ có dịp lái máy bay …”. Cả đám hành khách hò reo, công kênh cô gái đưa vào phòng lái …. Và cũng chẳng mấy khó khăn để biết đoạn cuối của câu chuyện là chiếc máy bay đã không bao giờ bay đến đích.
Hy vọng rằng quản trị một thành phố chắc ít khó khăn hơn là lái một chiếc máy bay… và tất cả các năng lực chính trị “tươi mát mới mẻ” sẽ có đủ khả năng và trí thông minh để đứng ra quản trị thành phố. Bằng không …. thì người dân Roma sẽ phải chịu chung số phận với đám hành khách phi cơ trong câu chuyện tiếu lâm kể trên.
Còn ở Torino thì khác. Ở Torino hội đồng quản trị vừa qua đã làm việc tốt đẹp, thị trưởng Piero Fassino đã cho thấy là một người có khả năng giúp thành phố chống chỏi với những cuộc khủng hoảng kinh tế và nhất là những cắt xén ngân sách. Nhưng sự kiện là Fassino đã phải đương đầu cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc tranh cử gay gắt với ứng cử viên 5 sao Chiara Appendino cho thấy là ở Torino vấn đề không phải là những tệ nạn tham nhũng hối lộ, khả năng yếu kém của hội đồng quản trị (như trong trường hợp của Roma), mà vấn đề là cử tri quá “mỏi mệt” với PD và nhất là với các tay chính khách đầu sỏ địa phương của PD. Một sự “mỏi mệt” thực ra cũng không phải chỉ xảy ra ở Ý, mà cũng đang xảy ra ở Pháp, ở Tây Ban Nha (thậm chí ở đó có đến hai đảng mới nhưng vẫn không đủ sức lập ra chính phủ), ở Mỹ, và đặc biệt ở Anh với cuộc trưng cầu dân ý Brexit. Chính sự thất vọng và giận dữ sẽ là những ngọn đèn dẫn dắt lá phiếu của cử tri lần này.
Đại bộ phận những cử tri xoay lưng lại với đảng PD chính là giới trẻ: họ thấy rằng thế giới đang thay đổi, những mô hình chính trị truyền thống đã không còn hữu hiệu, và nhất là họ không thấy có thể có khả năng xây dựng cuộc đời của mình, nhưng họ vẫn không tìm ra được giải pháp và nhất là họ nhận thức được rằng “chính trị” hoàn toàn bỏ rơi họ.
Nói như thế để cho thấy là cần phải trở lại đi tìm sự đồng điệu với xã hội, đầu tiên là phải xây dựng lại từ đầu nền tảng “chính trị” ngay từ trong lòng xã hội. Chỉ cần nhìn thấy những khó khăn của đảng PD ở Bologna, nơi mà chẳng mấy ai tha thiết với cuộc bầu cử. Ở Milano thì đảng như đang đi trên dây tử thần với nguy cơ là có thể làm tiêu tan ra tro tất cả những thành quả của Pisapia để lại. Nhưng tệ nhất là ở Napoli, nơi mà ngay chính ứng cử viên PD đã bị gạt ra khỏi vòng hai không nhân nhượng.
Cần phải xây dựng lại từ đầu đảng PD, xây dựng từ hạ tầng cơ sở, tránh những màn “đi tắt đón đầu”, với sự nhẫn nhục bền chí và nhất là phải chịu khó lắng nghe tiếng nói của cử tri.

Roma, 18/06/2016

chuyển ngữ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét