11 tháng 3, 2013

Đâu riêng gì nước Ý ...


Chuyển ngữ từ bài  “MA L'ITALIA NON FA ECCEZIONE” của Marc Lazar đăng tên nhật báo “la Repubblica” ngày 03/08/2013




Ở Ý kết quả bầu cử hôm 24-25 tháng hai vừa rồi thường được đánh giá dựa theo bối cảnh trong nước. Phần lớn ai cũng ráng tìm cách để phân tích ngọn nguồn của sự kiện “đại thắng” của Beppe Grillo, sự kiện trung-tả bị “hớt tay trên” trong kết quả bầu cử, sự kiện quái kiệt Silvio Berlusconi “đội mồ sống dậy”, sự kiện thất cử thê thảm gần như tự sát của chuyên gia kỹ trị Mario Monti. Và trong khi đó thì kết quả bầu cử “bất phân thắng bại” đã đưa nước Ý vào một tình trạng xem ra càng thêm bế tắc với hệ lụy bất ổn chính trị và kinh tế càng thêm suy thoái.

Hề lên sân khấu

Nhưng cũng phải thấy là cuộc bầu cử ở Ý vừa rồi đã thu hút sự chú ý đặc biệt của toàn bộ Châu Âu, không phải chỉ vì có hơi hướm khác đời của hai “danh hề”, nói theo kiểu nhạo báng của một số mạng truyền thông và đã gây ra lắm màn đấu khẩu tranh luận phản bác vừa ở trong nước vừa trên sân khấu quốc tế, mà bởi vì những gì đang xẩy ra ở Ý cũng đã và đang xẩy ra ở nhiều nước khác ở Châu Âu, có thể là dưới những hình thức khác ... không đến nổi “khác đời” như ở Ý.

Có thể nói là cuộc bầu cử ở Ý vừa rồi diễn ra trong bối cảnh của 3 cơn khủng hoảng kết nối với nhau một cách chặt chẽ và diễn biến đồng lúc: khủng hoảng xã hội, khủng hoảng chính trị, và  khủng hoảng cơ chếChâu Âu. Và hiện tượng kết hợp của “ba dòng thác” nói trên chắc chắn không phải chỉ là “đặc sản” của riêng nước Ý.

Trong khối đồng Euro, trừ Đức, Áo và Phần Lan ra, các chính sách thắt lưng buộc bụng và yêu cầu chấn chỉnh nghiêm khắc ngân sách nhà nước đang khiến nền kinh tế của các nước, kẻ ít người nhiều, rơi vào tình trạng suy thoái khiến hiện tượng thất nghiệp (hiện nay tỉ số thất nghiệp trong khối Euro đã hơn 11%) và mức độ nghèo khó gia tăng, và từ đó hiện tượng bất bình đẳng ngày càng thêm nghiêm trọng giữa các thành phần xã hội, giữa các khu vực giàu nghèo, giữa các thế hệ già trẻ, giữa dân bản xứ với các cộng đồng nhập cư. Trong bối cảnh khó khăn như thế thì cũng khó mà có thể thuyết phục được người dân Châu Âu rằng các chính sách khắt khổ và cắt xén để chấn chỉnh ngân sách sẽ tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế và nâng cao mức sống của người dân. Ngược lại người dân ngày càng thêm bức xúc và thể hiện sự giận dữ của họ trên các quảng trường đường phố, như đã xẩy ra ở Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý. Đến đây thì các cuộc bàn cãi tranh luận ở các hội nghị bàn vuông bàn tròn  không còn là “đặc sản” chỉ dành riêng cho các chuyên gia kinh tế vốn được chia ra làm hai phe: bên thì đòi cắt xén chấn chỉnh nghiêm khắc ngân sách, bên thì muốn ưu tiên kích cầu phát triển kinh tế, mà đã mở rộng ra thành một cuộc tranh cãi cho toàn thể quần chúng trong xã hội. Về mặt chính trị mà nói có thể áp đặt các chính sách thắt lưng buộc bụng để giảm nợ nhà nước và giảm chi ngân sách mà không dẫn đến hiểm họa gây bất ổn trong xã hội ? Chính đây là mấu chốt của vấn đề, và đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bất ổn định chính trị nghiêm trọng, vốn đang là hiện tượng “thời sự” nhất ở Ý, những cũng đang lần lần trở thành đại trà ở các quốc gia khác. Bất ổn định chính trị được thể hiện xuyên qua hiện tượng mất tin tưởng của người dân vào cơ chế nhà nước và giai cấp lãnh đạo của các đảng phái, xuyên qua các cao trào tẩy chai chính trị, thậm chí đến các biểu lộ thù ghét không chỉ các tầng lớp lãnh đạo chính trị, mà đến cả các tầng lớp hàn lâm ưu tú trong giới kinh tế, tài chánh, truyền thông và văn hóa. Các hiện tượng tiêu cực nói trên đã “trải rộng” lên toàn bộ các đảng phái chính trị, tả cũng như hữu, trung dung cũng như quá khích, đã liên tục thay phiên nhau lên cầm quyền ... và đảng nào cũng thừa biết trước rằng bất cứ chính phủ nào lên cấm quyền rồi lần lần cũng hứng chịu cảnh “mất lòng dân”.

Và kết quả là các “phong trào” dân túy phản đối (populista protestatario) được đẻ ra như nấm. Dĩ nhiên là giữa các quốc gia khác nhau các “phong trào” nói trên cũng có nhiều khác biệt, chẳng hạn như Phong trào 5 sao ở Ý không phải là Mặt trận quốc gia của Marine Le Pen ở Pháp, nhưng cũng có những nét đặc thù chung: thí dụ như dùng ngôn từ phỉ báng để công kích và lên án các thói quen và phương thức hành xử của giới thượng đẳng hàn lâm ưu tú, đề cao các khái niệm “quần chúng”, “công xã”, “tự phát”, đưa ra những biện pháp cực kỳ đơn giản đến độ không khả thi trước những vấn đề cực kỳ phức tạp, nhồi nhét hổ lốn thập cẩm các vấn đề hoàn toàn khác biệt nhau, tư duy “xét lại” khái niệm Châu Âu. Và đặc biệt là các “phong trào” dân túy này luôn luôn có khuynh hướng tôn sùng lãnh tụ trong đó không thể nào có những tiếng nói đi ngược lại “lời phán” của lãnh tụ .... dù rằng lúc nào khái niệm “dân chủ quần chúng” cũng được ra rã ca ngợi.

Sự lớn mạnh của các “phong trào” đã làm suy yếu toàn bộ hệ thống đảng phái của các lực lượng chính trị “truyền thống”. Và trước sự tấn công vũ bão của các “phong trào”, các đảng phái tìm cách chống đỡ bằng những “ngón nghề thông dụng” như đưa ra các biện pháp liên minh với các “phong trào” với hy vọng lần lần sẽ “bóp cổ” được chính các “phong trào” đó, hoặc đi thế cờ “bảo hoàng hơn vua” hớt tay trên nội dung của các mục tiêu phản kháng của “phong trào”: chẳng hạn như Thủ tướng Anh David Cameron, dưới áp lực tấn công của đảng “Độc lập cho Vương Quốc Anh” (UKIP – United Kingdom Independence Party – hữu khuynh), đã “đề nghị” một cuộc trưng cầu dân ý về Châu Âu. Có những đảng phái khác thì chọn chiến thuật “đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết” để rồi cuối cùng lại phải bắt tay với chính các lực lượng đảng phái đối thủ trước kia, tạo thêm lổ hổng để các “phong trào” có cớ lên tiếng tố cáo âm mưu “thông đồng để bảo vệ đặc quyền đặc lợi”

Châu Âu vốn trước đây được xem như một cánh cửa mở ra nhiều cơ hội thuận lợi .... thì nay lần lần đang trở thành một vấn đề cần giải quyết. Ngày xưa Châu Âu cũng có nghĩa là hội nhập phát triển và thịnh vượng .... thì ngày nay Châu Âu lại đồng nghĩa với khắt khổ và cắt xén. Dù rằng Châu Âu cũng đã có những nổ lực và gặt hái những thành công không thể phủ nhận ... nhưng chính Châu Âu hôm nay như một cái cũi gò bó với đủ thứ luật lệ hà khắt. Và nhất là Châu Âu chưa đề ra được một “mô hình” hội nhập toàn diện ... trong khi người Châu Âu ít nhiều cũng đã cảm nhận được rằng cái khái niệm “nhà nước của từng quốc gia” hình như không còn hợp thời nữa ... Và do đó người Châu Âu đang trong quá trình đi mò mẫm tìm những “khuông thước” mới.

Nhưng điều tệ hại nhất là hiện nay Châu Âu đang bị chia rẽ giữa hai “trường phái”: trường phái của những quốc gia “giàu và mạnh” lấy Đức làm khuông phép phát triển, và trường phái của các quốc gia khu vực “phía Nam” xem mô hình của Đức chính là nguồn gốc của mọi suy thoái ... và nhất là từ đó đã tạo ra những tư duy bài Đức.



Trong bối cảnh chính trị kinh tế toàn cầu hôm nay thì rõ ràng là Châu Âu đang “thoái trào”, dù rằng dưới con mắt của đại đa số cư dân Châu Âu thì Châu Âu vẫn còn mang những giá trị không thể từ bỏ được. Nhưng liệu người Châu Âu còn giữ được những giá trị thiết yếu ấy trong bao lâu nữa ? Trường hợp của Ý thực ra không phải là một “ca” dị thường, mà là dấu hiệu để phát hiện bi kịch hiện nay của Châu Âu với những thực tế kiểu “tiến thoái lưỡng nan” mà người Châu Âu đang phải đối đầu. Chỉ còn biết tuyệt vọng và đem so sánh tình hình hôm nay với cuộc khủng hoảng năm 1930 để rồi ngồi xoa đầu bức tóc lo cho các giá trị dân chủ sẽ bị cơn khủng hoảng kinh tế chôn vùi một cách thê thảm ? Không ai biết trước được màn cuối sẽ ra sao. Một cuộc so sánh với những biến cố lịch sử trước đây cũng không cho phép người hôm nay đưa ra một kết luận chắc chắn nào cả. Chỉ biết là sau kinh nghiệm đau thương tàn phá của Đệ II thế chiến, từ năm 1945 đến nay các giá trị dân chủ vẫn chận đứng được các cơn thác phản dân chủ. Nhưng có lẽ cũng đã đến lúc nên lắng nghe cẩn thận hồi chuông báo động đến từ Ý, quốc gia thành viên sáng lập của Liên hiệp Châu Âu, quốc gia đứng hàng thứ ba trong Châu Âu về tiềm lực kinh tế, và từ tiếng chuông báo động đó mở ra một cuộc thảo luận nghiêm chỉnh và sâu rộng về các đường lối chính trị, kinh tế và xã hội ở mức độ Châu Âu với hy vọng sẽ tìm ra phương hướng để Châu Âu trở lại con đường phát triển: đổi mới các cơ chế hoạt động dân chủ trong mỗi quốc gia thành viên, tái lập lại Liên Hiệp Châu Âu để phù hợp với nhng yêu cầu mới trong thế giới toàn cầu hôm nay .. và nhất là phải làm sao cho Châu Âu có được những phương tiện hoạt động đúng với tầm vóc của một Liên hiệp – điều mà cho đến nay các lãnh đạo chính trị của nhiều nước thành viên vẫn từ chối viện cớ để gìn giữ và tôn trọng “độc lập tự chủ” của mỗi quốc gia. Nếu từ chối bịt tai không chịu nghe hồi chuông báo động nói trên ... thì cũng có nghĩa là đưa cổ vào tròng của một anh hề .... Một anh hề hôm nay chỉ diễn ở trên sân khấu nước Ý ... nhưng có thể là nay mai sẽ lưu diễn sang toàn bộ sân khấu Châu Âu.

Roma, 11/03/2013




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét