8 tháng 4, 2012

La caduta degli Dei - Khi các thiên thần sụp đổ (*)


4 tháng sau khi “đại đế” Silvio Berlusconi phải “đi lùi một bước” thì bây giờ đến phiên “thủ lĩnh tối cao” (leader maximo) Umberto Bossi phải từ chức. Các con cờ lần lượt gục ngã giống như một dãi quân cờ Domino.

Các "thiên thần" của cánh hữu ở Ý, những nhân vật mà mới ngày hôm qua còn chễm chệ trên ngai vị của cơ chế nhà nước, không phải để quản lý một nhà nước pháp quyền, mà để ra tay bòn rút một đất nước, hôm nay rơi rụng như lá mùa thu.

Nếu 4 tháng trước, trong cảnh dầu sôi lửa bỏng của nguy cơ vỡ nợ nhà nước Ý và khả năng phá sản cả hệ thống đồng tiền Euro của cả Châu Âu, sự bất tài và thái độ thụ động của Berlusconi đã khiến Châu Âu phải áp lực lên nước Ý và sau cùng Berlusconi phải chấp nhận từ chức ... “như là một hành động lấy trách nhiệm đối với đất nước”, thể theo tuyên bố vớt vác của chính Berlusconi trước báo chí. Thì hôm nay những phanh phui về vụ xì-căn-đan lạm dụng công quỹ để tiêu xài riêng tư cho gia đình và bè phái đã nhận chìm “thủ lĩnh” Umberto Bossi, và lần này, cũng y hệt như kịch bản của Berlusconi, Bossi cũng từ chức vì ... “có trách nhiệm phải gìn giữ đoàn kết cho Lega Nord”.

Chỉ trong vòng hơn 4 tháng cả cái nền Đệ II Cộng Hòa đã trên đường ra nghĩa địa.

Với cảnh hạ bệ của B&B (Berlusconi và Bossi) công luận sẽ không còn phải tiếp tục chứng kiến cái mô hình chính trị hữu khuynh “hiện thực” và cực đoan trong những màn “khua chiên múa trống” như hai thập niên qua.

Trong thời Đệ II Cộng Hòa Ý thì Lega Nord là đảng chính trị “lâu đời” nhất, được sinh ra trong khi nền Đệ I Cộng Hòa đang cáo chung, đã “vượt cạn” và lớn lên trong cơn bão táp của chiến dịch chống tham nhũng “bàn tay sạch”, một chiến dịch đã thay hình đổi dạng cả nền địa chính của Ý. Ngay sau khi bão tố vừa ngưng, Lega đã nhanh chóng liên minh với Berlusconi, tuy là một nhân vật tuy vốn là con đẻ hợp pháp của nền Đệ I Cộng Hòa và đã từng núp dưới ô dù của các triều đại thời ấy, nhưng cũng đã nhanh chóng “thay cờ đổi mão” để nhảy qua xác chết của Đệ I Cộng Hòa và chiếm ngôi kế vị với lá bài “bình mới ... rượu cũ”.

Trừ khoảng gián đoạn ngắn năm 1994 khi Bossi “hờn dỗi” chửi bới “tay Berlusconi là Mafia” với “bầy heo phát-xít” (ý nói đến “tàn dư” phát xít của Fini, lúc ấy đang là một trong những đồng minh của Berlusconi), liên minh cộng sinh (symbiosis) giữa Berlusconi và Bossi ngày qua ngày tháng qua tháng đã “keo sơn bền chặt” trên nền tảng của “đôi bên cùng có lợi” và dựa trên một thứ bản năng ý thức hệ thực dụng, và đã nặn ra một “cánh hữu hiện thực”. Một mô hình chính trị hữu khuynh phi-chính trị (antipolitica) trước đó chưa từng thấy trong các tảng văn hóa nhà nước Tây phương: một mớ xào trộn thập cẩm của chủ nghĩa mị dân của thế lực kinh tế tài chánh (Berlusconi) cộng với khái niệm “liên bang” kịch cởm kiểu “thùng rổng kêu to” (Bossi) , pha thêm món “tôn sùng lãnh tụ” kiểu Bắc Hàn, rồi đem lên sân khấu với những màn “tung hô vạn tuế” trên bệ xe (predellino) (Berlusconi) hoặc trong đám khăn cờ màu xanh lá cây phất phới trên những đồng ruộng của vùng đồng bằng sông Po (Bossi), với đám quần chúng bị kích thích cực điểm với những món từ “miễn thuế” đến “liên bang tự trị”, từ “đánh đổ nền công lý của các tên thẩm phán cộng sản”  đến “ly khai”, thậm chí đến cả tư duy “bài ngoại”.

Cộng sinh


Nếu Berlusconi đã trực tiếp nhảy ra làm chính trị ... chỉ vì ô dù chính trị trước đây của hắn cũng đã tan theo mây khói trên đóng tro tàn của nền Đệ I Cộng Hòa, thì Bossi đã nhanh chóng lợi dụng thời buổi nhiểu nhương với cảnh “về chiều” của một đẳng cấp chính trị trong bối cảnh của nước Ý lúc đó, Bossi tự coi mình như là một “quan toàn quyền” của một nước thực dân coi nước Ý như là một “thuộc địa” cần phải ra sức bóc lột: y chửi bới nhà nước Ý trong khi đang chễm chệ trên những chiếc xe sang trọng mang biển số nhà nước Ý, y thẳng tay xúc phạm đến lá cờ của nước Ý trong khi y đang ăn lương Bộ trưởng của nước Ý, y chẳng ngần ngại lăng mạ hiến pháp Ý ngay sau khi y đã tuyên thệ trung thành với hiến pháp Ý để ngồi vào ghế Bộ trưởng. Nếu đối đa số công luận, nhất là công luận quốc tế, tất cả lời ăn tiếng nói của Bossi đều là kỳ quái và không có một lô-gích nào cả. Nhưng thực ra cung cách hành xử của Bossi đều tuân theo một lô-gích rất hiện thực: vì không đẻ ra nổi một đường lối chính trị, không có nổi trong đầu một tư duy, không có khả năng bàn thảo nghiêm chỉnh .... nên Bossi chỉ còn lại lá bài “ăn tục nói tỉu” chửi bới từ trên xuống dưới để kích động cử tri và gây mầm sống cho Lega Nord. Cứ tưởng tượng một Bossi không chửi thề, không văng tục, không múa tay múa chân .... thì chỉ còn là một ... “tượng đá trăm năm”. Tượng đá trăm năm thì làm sao mà câu phiếu được ?

Umberto Bossi với một trong những cách diễn đạt tiêu biểu của hắn


Lịch sử lúc nào cũng có những trớ triêu.  Một Berlusconi với đầy nợ nần công lý và suốt hai thập niên đã không làm gì khác hơn là mở một cuộc thánh chiến một mất một còn với ngành tư pháp ... thế mà nguyên nhân khiến y bị hạ bệ không phải đến từ công lý mà lại là do “khủng hoảng kinh tế”.

Một Bossi, cùng với câu thần chú “chống hủ hóa sa đọa”, trong mấy chục năm đã chửi bới cái “Roma đầu trộm đuôi cướp” (Roma ladrona) và cái “nhà nước chỉ biết vơ vét”, để rồi hôm nay chính Bossi bị  hạ bệ vì chính đảng Lega Nord đã ngộ ra rằng dân “đầu trộm đuôi cướp” lại hiện hữu ngay trong nhà, thậm chí lại là nhà của Bossi. Và “vơ vét” lại chính là vơ vét ngay trong cơ sở của Lega, vơ vét đồng tiền do chính người dân đóng góp.

Dù là hai nhân vật khác biệt nhau về đẳng cấp xã hội cũng như về cung cách hành xử, nhưng cả Berlusconi và Bossi lại có những điểm tương đồng đên độ gây ngạc nhiên: cả hai đều áp dụng lá bài mị dân để cai trị, cả hai đều chọn lựa cận thần không phải dựa trên khả năng chuyên môn hay kinh nghiệm, mà tất cả chỉ dựa trên quan hệ “chúa-tôi”, bè phái và gia đình hoặc tin tưởng lẫn nhau. Trong suốt mấy chục năm hoạt động, cả hai đảng của Berlusconi và Bossi đều không hề có những tổ chức đại hội bầu bán lãnh đạo một cách minh bạch, mà tất cả các nhân vật lãnh đạo trong hai đảng đều do “bề trên” chỉ định. Có lẽ đây là nguyên nhân của sự sụp đổ mô hình “cánh hữu hiện thực”: vì không có khả năng đào tạo lãnh đạo, nên trong suốt hai thập niên qua, cả Berlusconi lẫn Bossi đều không đủ sức đương đầu với quá trình “kế vị” lãnh đạo. Kết quả là sau hai thập niên cầm quyền, cả hai đảng đều đang phải đối đầu một cách vất vả vấn đề “kế vị”. Thậm chí có khả năng là cả hai đảng của Berlusconi và Bossi sẽ bị chia rẽ sâu sắc vì những đấu đá nội bộ.

Điều đáng nực cười là chỉ trong vòng mấy tháng, kể từ khi bắt đầu nổ ra vụ biển thủ công quỹ hàng mấy chục triệu của Luigi Lusi (tháng 2/2012), thủ quỹ của cái đảng (không còn hiện hữu) Hoa Cúc, rồi đến biển thủ công quỷ của Francesco Belsito, thủ quỹ của Lega Nord, bổng dưng cả Quốc Hội Ý “phát giác” ra rằng cái luật “hoàn trả chi phí tranh cử” (rimborso elettorale) không ổn. Bổng dưng toàn bộ đẳng cấp chính trị ngộ ra rằng với cái luật này thì khả năng biển thủ rất cao.

Theo thống kê thì thì từ năm 1994 đến cuộc bầu cử Quốc hội lần chót năm 2008, nhà nước đã phải trao 2,5 tỉ Euro cho các đảng dưới danh nghĩa “hoàn trả chi phí tranh cử”, trong khi các kê khai chi phí tranh của các đảng chỉ lên đến 579 triệu Euro. Phần khác biệt giữa 2,5 tỉ và 579 triệu ... được các đảng coi như là “tiền riêng” của đảng, các đảng có toàn quyền xử dụng ... dù rằng tiền đó là tiền do người dân đóng góp. 

Roma, 07/04/2012
Huê Đăng

(*) "La caduta degli Dei" (1969) là tựa đề của một cuốn phim nỗi tiếng của Luchino Visconti.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét