27 tháng 11, 2012

Bóng đè.



Trong khi người dân Ý phải nai lưng ra đóng thuế bất động sản, cho dù là nhà để cư ngụ hay cơ sở kinh doanh sản xuất hoặc đất đai trồng trọt, thì chính phủ kỹ trị của Mario Monti, sau bao nhiêu tháng hứa hẹn “công bằng thuế má”, lại vẫn tiếp tục lưu giữ đặc quyền đặc lợi miễn thuế bất động sản cho Tòa thánh Vatican.

Cái đặc quyền đặc lợi miễn thuế bất động sản cho Vatican có từ năm 1929, là một trong những điều khoảng của “Hiệp ước đồng thuận” (Trattato di Concordato - còn có tên là Patti Lateranensi) được chính quyền phát-xít của Mussolini ký với Tòa Thánh Vatican. Dựa theo điều luật của Hiệp ước thì tất cả các bất động sản thuộc quyền sở hữu của Tòa thánh đều được miễn thuế bất động sản. Các bất động sản này có thể là tu viện, chủng viện, nhà thờ, nhà thương, trung tâm an dưỡng, trường học, đất đai, đồn điền, nhà cửa .... của Vatican.

Vấn đề có lẽ cũng không có gì đáng để bàn cãi nếu quyền miễn thuế được áp dụng lên những bất động sản chỉ thuần dùng để hoạt động tôn giáo (nhà thờ, tu viện, chủng viện, cơ quan truyền giáo ...) hoặc dùng để làm các dịch vụ phúc lợi xã hội như viện mồ côi, các “căn tin” hay những nhà trọ qua đêm cho người vô gia cư.

Nhưng khổ nổi là bên cạnh các hoạt động tôn giáo hay xã hội như đã kể trên, ngay trên bất động sản thuộc quyền sở hữu của Vatican, nhà thờ cũng có những hoạt động không chỉ thuần tôn giáo hay xã hội mà lại mang tính chất thương mãi, nghĩa là có “mua bán”, có “đồng ra đồng vô” ... Đó là những “nhà trọ của các Sơ” (nổi tiếng trong cộng đồng người Việt là nhà trọ “Phát Diệm” ở Roma), những địa điểm bán quà lưu niệm cho du khách nằm trong các khu thánh địa, những trường tư thục do các Sơ điều quản ....  Do được miễn thuế bất động sản, các địa điểm hoạt động thương mãi kể trên của Tòa thánh có được những lợi thế trong cạnh tranh thương mãi với những cơ sở thương mãi “dân sự” bình thường khác. Đơn cử thí dụ như nhờ được miễn thuế bất động sản, các “nhà trọ bà Sơ” có thể áp dụng giá biểu thấp hơn là một nhà trọ bình thường (nơi mà chủ nhà trọ phải đóng thuế bất động sản như bao nhiêu công dân khác).

Tình trạng nói trên gây ra hiện tượng “cạnh tranh thương mãi bất bình đẳng” ... Và chính vì lý do này mà từ năm 2006 Ủy Ban Châu Âu đã bắt đầu mở điều tra về khả năng “vi phạm luật tự do cạnh tranh thương mãi” của chính phủ Ý và sau đó đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo Chính phủ Ý phải sửa đổi lại việc áp dụng miễn thuế bất động sản cho Tòa Thánh Vatican và đe dọa là sẽ trừng phạt Ý nếu không khắc phục tình trạng nói trên.

Ủy Ban Châu Âu ước tính là, trên tất cả các bất động sản của Tòa Thánh (*), chính phủ Ý thất thu thuế khoảng từ 300 đến 500 triệu Euro mỗi năm, và nếu phải xử phạt từ năm 2006 đến nay thì chính phủ Ý sẽ bị phạt khoảng 3,5 tỉ Euro.

Trong tình cảnh thắt lưng buột bụng, cắt giảm ngân sách dành cho phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục, giao thông công cộng, văn hóa, lại tăng áp lực thuế trong khi công ăn việc làm ngày một giảm, thế mà chính phủ kỹ trị lại vẫn tiếp tục duy trì quyền miễn thuế bất động sản cho Tòa thánh vừa gây thất thu cho nhà nước lại thêm khả năng bị Ủy Ban Châu Âu phạt 3,5 tỉ. Và nếu bị phạt ... thì lại chính người dân phải nai lưng ra trả tiền phạt.

Chính phủ kỹ trị (cũng như các chính phủ khác trước đây) đều đưa lý do là các cơ sở “thương mãi” của nhà thờ đều là những đơn vị kinh doanh bất lợi nhuận (no-profit), do đó không thể xem như là một cơ sở kinh doanh bình thường. Thế thì một căn hộ của một gia đình bình thường dùng để cư ngụ .... thì chắc chắn là căn hộ đó không thể đẻ ra lợi nhuận, thế thì tại sau chủ căn hộ lại không được miễn thuế bất động sản như Tòa thánh ? Tệ hơn nữa là trong tình trạng khủng hoảng kinh tế tài chánh như hiện nay, có rất nhiều cơ sở sản xuất đang gặp khó khăn lỗ lã, do đó không đẻ ra “profit”, thế nhưng đối với pháp luật, các cơ sở đó vẫn phải chịu thuế bất động sản ? Cũng cùng “no-profit” như nhau, thế mà chỉ có Tòa thánh là có đặc quyền đặc lợi được miễn thuế ?

Chính phủ cũng đưa ra thêm một lý lẽ khác: những cơ sở của nhà thờ hoạt động phúc lợi xã hội như nhà thương, trường học ... thì không thể đánh giá là hoạt động thương mãi thuần túy. Thế thì các nhà thương tư dân sự ? Các trường tư thục nhưng không do bà Sơ cai quản ? Các cơ sở “dân sự” đó nào có được miễn thuế bất động sản ?

Do đó nói gì thì nói, chuyện tiếp tục duy trì miễn thuế bất động sản cho Toà thánh Vatican là điều không thể chấp nhận được. Và chắc chắn là một nhà “kỹ trị” như Mario Monti biết rõ điều phi lý nói trên.

Chẳng qua là thành phố Roma, có một dòng sông, đó là con sông Tevere. Bên bờ hữu ngạn của con sông, ở khoảng khúc giữa thành phố có cái tháp hùng vĩ to lớn của Tòa thánh Vatican, một kỳ công kiến trúc và điêu khắc của Ý thời thế kỷ 16. Vào những ngày có ánh nắng rực rở cái tòa tháp hùng vĩ này phủ bóng mình lên một vùng rộng lớn của thành phố  ... như muốn nhấn mạnh rằng quyền lực của Tòa thánh lúc nào cũng “phủ” ảnh hưởng của mình lên đời sống chính trị xã hội của nước Ý.

Tòa tháp hùng vĩ to lớn của Vatican

Chả thế mà cái chính phủ kỹ trị của Mario Monti, một chính phủ nổi tiếng là đã có can đảm đưa ra những đề luật cải tổ cực kỳ “gai góc” mà trước đây chẳng có chính phủ nào dám “thử nghiệm” nếu không muốn bị mất phiếu, (thí dụ như luật cải tổ hệ thống hưu trí, luật lao động ....) hoặc đưa ra những chính sách thắt lưng buột bụng vừa cắt giảm ngân sách nhà nước vừa tăng thuế (mục tiêu là để chấn chỉnh lại cán cân chi tiêu nhà nước vốn từ nhiều năm nay bị lạm chi một cách “vô tư”) gây ra phẩn nộ và chỉ trích của công luận .... để rồi cuối cùng, khi đi ngang qua dòng sông Tevere cũng bị “bóng đè”.

Roma, 26/11/2012
 



Chú thích:
(*) Tòa Thánh Vatican hiện nay có 8779 cơ sở giáo dục và văn hóa trong đó có 140 trường hay viện Đại Học, 6228 nhà trẻ, 1280 trường tiểu học, 1136 trường trung học, 2300 viện bảo tàng và trung tâm văn hóa.
Về mặt y tế Tòa thánh có 4712 đơn vị trong đó có 10 nhà thương đa khoa, 111 bệnh viện, 1853 trung tâm điều dưỡng.
Về cơ sở tôn giáo thì Tòa thánh có gần 50 ngàn đơn vị trong đó có 36 ngàn nhà thờ, 12 ngàn nhà nguyện, 504 chủng viện, 1000 tu viện.
(theo nhật báo “la Repubblica” ngày 25/11/2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét