4 tháng 11, 2012

Năm Rồng đi bầu Tổng Thống Mỹ ...



 Năm nay là năm Rồng, vốn thường được thế giới Á Đông xem như là một trong những “quý niên” vì Rồng vốn là biểu tượng của quyền lực, của giàu sang, của phú quý (chả thế mà thời phong kiến các “con Trời” ở vùng Á Châu đều chọn Rồng làm biểu tượng của triều đình).

Năm nay lại là năm “nhuận” đối với cả Á lẫn Âu, “nhuận” ở tháng Tư âm lịch (tức là Nhâm Thìn năm nay có đến 2 tháng Tư âm lịch), còn đối với phương Tây thì tháng 2 năm nay có đến 29 ngày. Tức là càng thêm “quý”.

Xem ra cái Nhâm Thìn 2012 này đúng là “niên đại” rồi.

Chả thế mà chính ngay trong năm 2012 này thế giới toàn cầu đã và sẽ chứng kiến hàng loạt các thay đổi chính trị cực kỳ quan trọng với tất cả các “phản ứng dây chuyền” đi theo trên các bình diện kinh tế, tài chánh, xã hội … và các quan hệ tương quan lực lượng.

Tháng 4 vừa rồi thì ở Nga, “Đại đế” Vladimir Putin được “hoàn trả” lại ngôi vị Tổng Thống sau 4 năm “ẩn dật” sau lưng của “đệ tử” Medvedev.

Tháng 5 vừa rồi thì "sao đổi ngôi" ở Pháp: sau 17 năm bị "lưu đày", Đảng Xã Hội của Pháp với Francois Hollande lại thắng cử Tổng Thống: nước Pháp sang trang.

Đến ngày 06/11 này thì lại sẽ có bầu cử Tổng Thống ở Mỹ: một trong những sự kiện tối quan trọng mà cả thế giới đều phải chú ý.

Và cũng trong tháng 11 này, hai ngày sau khi Mỹ có Tổng Thống mới thì Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ họp Đại Hội Đảng để “trình làng” toàn bộ nhân sự mới sẽ lãnh đạo Trung Quốc trong 10 năm sắp tới.

Chắc tại Berlusconi tệ quá nên bị mất ngôi từ năm ngoái (2011), nếu không thì Ý cũng sẽ có sự kiện lớn vào năm Nhâm Thìn rồi. Nhưng trong trường hợp của Berlusconi thì xin phép “miễn lễ”: Berlusconi “thăng” sớm chừng nào thì nước Ý đở tai họa chừng ấy.



Mấy hôm nay theo dõi các diễn biến tranh cử ngày càng thêm “hot” ở Mỹ. Gần đến giờ “X” hai ứng cử viên Barack Obama và Mitt Romney càng “ấu đả” quyết liệt, bất từ các “thủ thuật” (hay thủ đoạn) truyền thông để “bôi” đối thủ. Obama thì dọa rằng với Romney thì nước Mỹ sẽ đi lùi lại ít ra là một thập niên. Romey thì “tố cáo” Obama đã không giữ được các lời hứa trong mùa tranh cử 4 năm về trước …

Thật ra thì cũng “xui” cho Obama: vừa mới lên cầm quyền chưa kịp ngồi nóng đít cái ghế Tổng Thống thì cơn khủng hoảng “subprime” đổ ập lên đầu như cơn sóng thần gây khó khăn ngay từ đầu nhiệm kỳ. Sau đó là một chuổi liên tục khủng hoảng kinh tế tài chánh ở Châu Âu cũng gây thêm những khó khăn cho Obama. Rồi đến ông “chủ nợ” của Mỹ là Trung Quốc mấy năm nay cũng không còn có những “bước nhẩy vọt” phát triển kinh tế như trước ... cũng khiến Mỹ bị “vạ lây” .... Nói chung là tình hình kinh tế tài chánh và xã hội toàn cầu trong suốt 4 năm vừa qua không hề “khoang nhượng” Obama tí nào cả.

Đối thủ Romney đã lợi dụng tối đa cái “xui” của Obama để tấn công đối thủ. Điều này thực ra cũng dễ hiểu: bất kỳ ứng cử viên nào đang còn tại chức (như trường hợp của Obama) đều dễ bị tấn công vì đối thủ chỉ cần chỉ trích những thiếu sót hay thất bại và chỉ cần “quên” đi những thành tựu .. là có thể gây “ấn tượng” lên cử tri. Nhất là trong thời buổi khủng hoảng như hiện ... thì chính phủ các nước đều dễ bị chỉ trích.

Nhưng Romney có “khuynh hướng” lạm dụng những khó khăn của đối thủ một cách thái quá đến độ thành ra ... “dựng chuyện nói láo”. Thí dụ điển hình là khi Romney tuyên bố chỉ trích Obama đã “bán đứng” Chrysler cho Ý (Fiat-Chrysler) ... và để bây giờ Sergio Marchionne (Giám đốc điều hành của Fiat) lại đang tính “bán đứng” dàn máy sản xuất xe Jeep (của Chrysler) cho ... Trung Quốc. Chỉ mấy ngày sau, chính bản thân của Marchionne đã phải tuyên bố đính chính rằng Fiat chưa hề có một dự tính di dời sản xuất của Fiat-Chrysler ra khỏi đất Mỹ. Chấm hết. Chỉ một bản tuyên bố ngắn gọn chưa đầy nửa trang giấy A4, Romney đã bị “lật tẩy” nói láo ... Và nói láo là điều mà cử tri Mỹ rất “dị ứng” với Tổng Thống.

Có lẻ “bôi bác” Obama chưa đủ để “hút” cử tri, Romney còn mở ra hàng loạt đe dọa “thánh chiến” với các quốc gia trên thế giới: tháng 6 vừa qua thì xúc phạm đến Anh khi tuyên bố chỉ trích Anh đã thiếu sót trong tổ chức Thế Vận Hội 2012 ở Luân Đôn. Sau đó Romney quay sang “nện” Nga là “kẻ thù số một” của Mỹ (giọng điệu thời chiến tranh lạnh). Rồi tiếp tục chửi Trung Quốc là “gian lận thương trường” vì Trung Quốc cứ dìm đồng nhân dân tệ để tạo sức mạnh giả tạo cho xuất khẩu. Chưa hết, Romney còn lôi các nước Châu Âu như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý ... ra như là những “gương xấu” ... và đe dọa rằng nếu Obama thắng cử thì Mỹ sẽ có nguy cơ phá sản như các nước Châu Âu nói trên. Anh, Ý, Tây Ban Nha đều là những đồng minh chiến lược của Mỹ trên khu vực Châu Âu và Trung Đông. Trung Quốc, dù muốn dù không, vẫn đang là “chủ nợ hàng đầu” của Mỹ (theo tập san Limes thì trên tổng số nợ nhà nước Mỹ là 3382,4 tỉ đô-la, hiện nay Trung Quốc có trong tay 776,4 tỉ đô-la công trái phiếu của nhà nước Mỹ, tức là đã chiếm đến gần 23%, tức là đã xấp xỉ gần ¼ nợ nhà nước Mỹ)

 (tập san Limes)

Cử tri tự hỏi: nếu “rủi” mà Romney trở thành Tổng Thống Mỹ, thì Romney sẽ phải “ăn nói” như thế nào để giữ giao hảo với các quốc gia mà hiện nay Romney đang đe dọa “thánh chiến” ?

Thực ra thì chiến thuật “thánh chiến” nói trên của Romney chỉ là một trong những bài “kinh điển” thuật “cầm quyền trị nước” của các chế độ độc tài: để làm giảm áp lực nội bộ thì các nguyên thủ hay gây hấn với bên ngoài để dùng những căng thẳng ngoại giao như “keo sơn” dựa trên tinh thần ái quốc (cực đoan) chỉa mũi dùi ra các quốc gia khác ... để cử tri quên đi những khó khăn bất cập trong nước. Bài học kinh điển này đã được các chế độ độc tài toàn trị từ Âu sang Á, từ Phi sang Nam Mỹ vận hành để đi tìm một hổ trợ chính trị từ phía người dân trong nước.

Nhìn Romney tuyên bố “dương đông kích tây” .... đôi khi người ta chợt nghĩ đến những lãnh đạo của mấy cái đảng “cục bộ địa phương” như kiểu Đảng Lega Nord của Bossi, lúc nào cũng “giương cao ngọn cờ Padania” chống lại lại “bọn kỹ trị trong Hội đồng Châu Âu”, chống lại sự “bành trướng” của Đức, của Pháp, của Trung Quốc ... Nhưng cũng rồi chính những thành viên của chính phủ trong đó có sự hiện diện của Bossi lại lăng xăng chạy sang Bruxells để đòi “trợ cấp” hay bay sang tận Trung Quốc ... để cầu xin Trung Quốc đầu tư vào nước Ý và mua công trái phiếu của Ý ... để Ý tránh vỡ nợ nhà nước ...

 Biết rằng Romney không phải là Bossi, biết rằng không thể đem cái đảng Lega Nord ra so sánh với Đảng Cộng Hòa ở Mỹ, biết rằng Mỹ là một quốc gia (lại là 1 trong những siêu cường) và Padania ... chỉ là vùng đồng bằng lớn nhất ở mạn Bắc nước Ý ... Nhưng nghe Romney nói chuyện .... khó mà tránh không “chạnh lòng” nghĩ đến Bossi.

Dù kết quả bầu cử ở Mỹ như thế nào đi nữa thì chắc chắn Obama cũng sẽ có một chổ đứng trong lịch sử nước Mỹ: Tổng thống da màu đầu tiên trên đất Mỹ. Nhưng thông thường, trên sân khấu chính trị Mỹ thì vị Tổng thống nào mà chỉ có được một nhiệm kỳ thì thường bị xếp vào “loại B”, bị đánh giá không có đủ tài sức để thuyết phục cử tri bỏ phiếu thêm một nhiệm kỳ thứ hai. Vã lại, thông thường chính ở nhiệm kỳ thứ hai là nhiệm kỳ mà Tổng thống có khả năng phát huy hết “công suất” của mình: lý do thứ nhất là 4 năm nhiệm kỳ trước đã chuẩn bị gieo mầm, 4 năm nhiệm kỳ sau là bắt đầu gặt hái, do đó đến nhiệm kỳ thứ hai thì cử tri mới dễ  nhận ra những thành tựu (hay thất bại) của một Tổng thống. Lý do thứ hai là trong nhiệm kỳ thứ hai Tổng thống không còn bị áp lực của một mùa tranh cử sau đó (vì sau 2 nhiệm kỳ liên tục, Tổng thống không thể nào ứng cử lần thứ ba), do đó các quyết định của Tổng thống sẽ không bị đặt dưới một áp lực tranh cử tương lai.

Theo các đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thì trong những năm sắp tới Mỹ có thể bước vào giai đoạn khôi phục kinh tế, do đó, nếu Romney thắng cử thì chính Romney sẽ thừa hưởng “gia tài” do Obama đã gầy công gánh vác trong 4 năm qua.

Dựa trên các phân tích của các cuộc thăm dò ý kiến thì Romney sẽ được sự ủng hộ gần như tuyệt đối của khối cử tri “da trắng”, chủ yếu là của thành phần giàu có và trung lưu. Obama thì sẽ được sự hậu thuẩn của khối cử tri “da màu”, của các cộng đồng nhập tịch, của các thành phần thấp trong xã hội, và của các phụ nữ “sống đơn lẽ”. Nếu dựa trên con số thì “khối cử tri” của Obama đông hơn “khối cử tri” của Romney. Nhưng vấn đề đặt ra là con số phần trăm cử tri da màu, cử tri nhập cư, cử tri thuộc thành phần thấp trong xã hội đi bỏ phiếu là... rất thấp ... Vấn đề là Obama phải “động viên” được cử tri đi bỏ phiếu.

Bằng ngược lại ....

Roma, 04/11/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét