27 tháng 1, 2014

Ba khuyết tật của căn bệnh tê liệt mãn tính ở Ý.

Các cuộc đấu khẩu sôi nổi giữa các đảng phái chính trị mấy hôm nay trên cái “gói” sửa đổi luật bầu cử là hình tượng tiêu biểu của các khuyết tật đã trói chặt nước Ý vào sự tê liệt mãn tính hàng mấy chục năm nay. Và trong đó có ba khuyết tật đặc biệt tai hại.

Khuyết tật thứ nhất là “chủ nghĩa tối đa” (massimalismo): Bất cứ một đề nghị đổi mới nào cũng đều bị cản trở với lý do là ... đề nghị đó chưa đủ .... đổi mới.

Lấy ví dụ cái “gói” sửa đổi luật bầu cử do Renzi và Berlusconi đồng ý đưa ra. So với luật bầu cử hiện hành đã được áp dụng trong ba lần bầu cử cuối cùng thì chắc chắn “gói” đề luật này cũng là một bước tiến. Dĩ nhiên không ai chối cãi rằng đề luật nói trên cũng có những khiếm khuyết, nhng điểm có thể được sửa đổi để đề luật được hoàn thiện hơn. Đấy là điều tự nhiên bởi vì khi một đề luật được nặn ra từ một kết quả hiệp thương giữa hai tầm nhìn và quyền lợi khác nhau ... thì chắc chắn phải mang những khiếm khuyết. Vã lại, trách nhiệm của Quốc hội là phân tích, bản thảo, sửa đổi để khắt phục các khiếm khuyết. Nếu Ý là một quốc gia “bình thường”, có một cơ chế nhà nước vững chãi, một đời sống chính trị lành mạnh với những đảng phái trong sạch, và dân trí không quá tồi tệ ... thì người ta sẽ nhận thức được ngay rằng, trong thời điểm này, “gói” luật nói trên là biện pháp khả thi duy nhất hội đủ cân bằng chính trị để đưa đất nước ra khỏi tình trạng tê liệt không lói thoát hiện nay ở Quốc hội. Và sau khi bầu cử với luật mới, Quốc hội mới, với một thăng bằng chính trị mới, sẽ tiếp tục bàn thảo và sửa đổi các điều lệ để khắt phục những khiếm khuyến còn tồn đọng trong luật bầu cử.

Nhưng Ý, rất tiếc, không phải là một quốc gia bình thường, cơ chế nhà nước vốn đã không vững lại còn bị tàn phá trong suốt gần hai thập niên vừa qua bởi những tệ nạn tham nhũng, hối lộ, lạm quyền, khi thường luật pháp. Do đó thay vì đặt trọng tâm vào việc giải quyết nhanh chóng những khiếm khuyết cơ bản để thông qua lập tức luật bầu cử mới, chuẩn bị cho những tình huống bất trắc nếu chính phủ phải bị “chết yểu” ... thì các ông bà đại biểu Quốc hội đang tìm cách hoàn thiện đến mức tối đa “gói” luật. Nhìn các ông bà đại biểu tuyên bố vung vãi, ai cũng ráng hò hét cho to, ai cũng muốn cho thiên hại thấy rằng mình là “số một” .. trong cứ như đang tham dự một show quiz đố vui có thưởng trong đó câu hỏi vừa được đưa ra là các thí sinh bấm chuông liên tục để tranh nhau trả lời. Cuộc chạy đua giữa các đảng phái để xem ai hơn ai ... trong như là một cuộc chạy giặc. Trong giới lãnh đạo chính trị hiện nay có một tầng lớp “chuyên nghiệp” về đề tài “cải tổ luật bầu cử” ... và trong gần hai thập niên chỉ biết ăn lương rồi ngồi “nghiên cứu” từ đề luật này sang đề luật khác ... mà không hề đẻ ra được một cuộc cải tổ nào cả. Mỗi một đề luật vừa được tung ra là các tay “chuyên nghiệp” lập tức chôn nó xuống dưới một mớ tuyên bố hổ lốn vừa phê phán vừa chỉ trích ... rồi ngồi sửa đổi .... sửa đổi mãi ... đến độ nước Ý có biết bao nhiêu đề luật cực kỳ hoàn thiện ... nhưng không bao giờ trở thành luật !!!



Khuyết tật thứ hai là “chuyên sâu” (particolarismo). Mục tiêu của “gói” đề luật Renzi-Berlusconi không phải là để hoàn thiện một cơ chế chính trị. Không. Mục tiêu chỉ nhắm vào những vấn đề cấp bách trước mắt. Đặc biệt là làm giảm sự manh mún trong Quốc hội và để tạo ổn định chính trị. Lấy ví dụ vấn đề “phần trăm tối thiểu” để có thể có đại biểu Quốc hội. Ở Đức nếu không đạt được tối thiểu 5% số phiếu ... thì coi như .. đứng ngoài cổng Quốc hội. Tháng 9 vừa rồi, cái đảng Tự Do-Dân Chủ (Freie Demokratische Partei, cái đảng của “Chàng trai Việt”), dù rằng đã từng có chân trong Hội đồng chính phủ suốt mấy năm trời trước đó ... nhưng rồi bị gạt ra khỏi Quốc hội vì không đủ đến 5%. Và chẳng thấy ai lên tiếng tố cáo rằng Đức thiếu dân chủ, rằng ở Đức các đảng lớn chơi trò “cả vú lấp miệng em” .... Thế mà 5% của “gói” đề luật đặt ra ... đang bị các đảng phái, nhất là các đảng nhỏ,  chỉ trích với những luận điệu “thiếu dân chủ” và “thảm sát ấu nhi” (infanticidio). Té ra Đức tuy là nước có nền kinh tế mạnh, đầu tàu của Châu Âu, chính trị ổn định lâu dài đến độ Bà Thủ tướng Merkel không bị chết yểu mà còn được tái nhiệm ... nhưng lại thiếu dân chủ hơn ở Ý ?

Trong bất cứ một chế độ dân chủ nghị viện “bình thường” nào cũng có các đảng lớn và các đảng nhỏ. Các đảng nhỏ có nhiệm vụ đưa ra những vấn đề mà có thể các đảng lớn “quên” hay không “để ý”. Đời sống chính trị của một đảng có thể nằm trong Quốc hội, nhưng không phải “chỉ có thể” nằm trong Quốc hội. Các đảng phái vẫn có thể hoạt động ngoài Quốc hội. Nếu không thì các đảng, nhất là đảng nhỏ, chỉ có mỗi mục tiêu chính trị duy nhất là ... đếm ghế dân biểu ???

Nhưng ở Ý thì không phải như thế. Các đảng nhỏ chỉ sống được nếu nằm trong Quốc hội. Và mục tiêu của các đảng nhỏ chỉ là tìm cách “leo lên tàu” của người chiến thắng ... để đóng vai trò “cán cân” trong Quốc hội: dù chỉ có số phần trăm phiếu ít ỏi, nhưng các đảng nhỏ vẫn nắm sinh mạng của Quốc hội, của chính phủ trong tay .... Thậm chí Chính phủ đôi khi phải lấy những quyết định chỉ phù hợp với quyền lợi của một thiểu số lobby mà các đảng nhỏ là đại diện.

Thay vì tìm cách nâng cao số phần trăm tối thiểu để tránh tình trạng manh mún trong Quốc hội, các đảng phái lại đua nhau đòi “giảm giá”. Đến cả đảng PD, hay đúng hơn là phe nhóm chống Renzi,  ... cũng “chạy theo quần chúng” đòi giảm mức ấn định phần trăm tối thiểu.



Khuyết tật thứ ba là “nhất trí tán thành” (consensualismo). Bất cứ cải tổ luật gì ... cũng cần phải có sự “nhất trí thông qua” của tất cả. Không thiếu một ai. Nhưng “nhất trí tán thành” phải là kết quả của cả một quá trình cọ xát, đối chiếu với nhau, để mỗi đảng có thể thuyết phục đưc các đảng khác theo ý mình, hay ngược lại phải chấp nhận ý kiến của các đảng khác nếu có giá trị thuyết phục hơn. Nhưng ở Ý, “nhất trí tán thành” thường chỉ là thành quả của những “trao đổi quyền lợi” cho nhau, cùng nhau gìn giữ ích lợi riêng của giai cấp, hoặc kiểu áp lực với nhau ... Do đó nếu quá trình đàm phán trao đổi quyền lợi không đi đến nơi đến chốn ... thì cải tổ không được thực hiện chỉ vì thiếu sự “nhất trí”.

Với ba khuyết tật nói trên, bất cứ một đề luật nào, bất cứ một sáng kiến cải tổ nào cũng phải “bị” hoàn hảo đến độ ... không thể áp dụng được vào thực tế của đời sống ... bởi vì cuộc sống đời thường vốn không hoàn hảo !!!

Biết làm sao bây giờ ?

Nói theo cách nói của người Ý: “Đành chịu !!!” (Pazienza !!!)



Lịch sử nước Ý rồi sẽ tiếp tục với những chính khách vĩ đại. Vĩ đại theo nghĩa là những chính khách đặt biệt ... chỉ có nước Ý mới có .... kiểu hàng hiếm. Còn ở những nước khác thì nhng người đó sẽ không bao giờ có thể trở thành chính khách .... hay tệ hơn là phải biệt xứ để trốn cảnh lao tù.

Với những cử tri như người Ý ... thì cũng đẻ ra được những chính khách Ý.

Người Ý có câu:  “Dio li fa poi li accoppia”.

Diễn Nôm ra là: “Nồi nào úp vung nấy”.

Roma, 27/01/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét