30 tháng 1, 2014

Nỗi gian truân của người không mua được hàng Ý

Hôm nay tập đoàn FIAT chính thức tuyên bố đổi tên thành FCA (Fiat Chrysler Automobilies - Phát âm "ép-xi-ây" theo cách Mỹ). Đại bản doanh sẽ được đặt ở Amsterdam và đại diện văn phòng thuế má sẽ được đặt ở London.

Cũng trong mấy hôm nay tập đoàn Electrolux của Thụy Điển đang hâm dọa sẽ đóng cửa các cơ sở sản xuất ở Ý.

Hôm nay trên nhật báo "la Repubblica" có đăng một truyện ngắn loại "khoa học giả tưởng" nhưng cũng không giả tưởng lắm ...

Nguyên tác truyện này có tên "L’odissea dell’uomo che non riusciva a comprare italiano" của nhà văn Stefano Benni.






Ông Tarquinio đẩy xe để đồ đầy ắp hàng hóa đến quầy trả tiền với vẻ mặt hầm hầm. Cô thu ngân, vốn có “cảm tình” với các bác lớn tuổi nhưng mái tóc nhuộm đen lóng lánh, chào đón ông với nụ cười mời mọc:

-          Ồ … đầy hàng thế này hỉ ông Tarquinio. Nhưng sao mà mặt mày ưu phiền thế ? Có chuyện gì không ?

-          Cô Zaira ơi, cả một đại họa Tarquinio than thở – Tôi cũng chẳng phải là người ái quần ái quốc chi cả, nhưng tôi yêu nước tôi. Làm sao tôi có thể dửng dưng trước cảnh tàn phá của cái mà người ta gọi là “tư nhân hóa” hảng xưởng ? Để rồi bán tháo bán đổ cơ ngơi tài sản của mình cho ngoại bang ? Rốt cuộc nước Ý sẽ còn giữ lại được bao nhiêu thứ trong tay ? Hổm rày thiên hạ đang bàn chuyện bán cơ quan bưu điện. Họ dám bán cho cả mấy tay Trung Quốc. Đến bưu điện thì lúc nào cũng sắp hàng dài dài, cô thử nghĩ, mai kia mốt nọ sẽ có một người Ý hưu trí nghèo khó … đứng sắp hàng với cả trăm thằng … Trung Quốc ?
-          Không … không phải như thế đâu ông Tarquinio ơi. Nào có phải là bán hết trơn hết trọi đâu …. Hy vọng thế … Tuy nhiên tôi cũng đồng ý bảo vệ “made in Italy” tới cùng. Ngoại bang không thôn tính ta được đâu ....

Nghe tới đấy, ông Tarquinio nở một nụ cười ... làm lóe sáng cả cái hàm răng giả.

-          Ông Tarquinio, tôi hiểu ông – Zaira tiếp tục –, nhưng coi nè, ngoại bang đã đặt chân lên đất nước ta rồi. Không phải tôi muốn bêu rêu những gì mà ông tính mua. Nhưng ... đây này, ông đã lấy cái thẻ sô-cô-la Pernigotti trong khi cơ sở Pernigotti vừa mới bị Thổ Nhĩ Kỳ mua. Chính ông vua của hạt phỉ (nocciole) Toksoz mua đấy. Người ta truyền tụng rằng chính ông này đã có lần gặp một con sóc kỳ diệu ...

-          Tôi không bao giờ thèm mua một thẻ sô-cô-la như thế – Tarquinio tức giận hét lên – Tôi đổi nó với mấy cục sô-cô-la “Baci Perugina” đây.

-         Ối – Zaira thở dài – mà Perugina cũng chẳng còn là ... Ý. Bây giờ đã về tay của tập đoàn siêu quốc gia Nesstlè có đại bản doanh ở Thụy Sĩ. Cũng như gói mì ống nhỏ để nấu súp (pastina per brodo) Buitoni mà ông vừa mới mua. Cả cái hũ da-ua (yogurt) có mùi việt quất (mirtillo) hiệu Parmalat, rất tiếc ông sẽ phải thất vọng, tất cả đã về tay của tập đoàn Pháp Lactalis hết rồi.

-         Bỏ, bỏ lại hết – Tarquinio nói, tay ném một cách xổ xàng mấy gói đồ vào trong một cái xe đẩy trống – Khiếp thật !!! Thôi thì tạm quên sầu với chai bia tuyệt ngon này. Hay tôi làm đại một chai spumante, hay vô luôn một chai rượu đỏ.

-        Chai bia Peroni ... rất tiếc là của Nam Phi. Và ông tính lấy chai spumante Ganci ... nhưng Ganci bây giờ là của mấy tai đại gia Nga. Còn rượu Chianti bây được sản xuất với nho trồng trong một nông trại .... thuộc quyền sở hữu của ... Hồng Kông.

-          Chán thật !!! Thôi đành phải “ta về ta tắm ao ta”: spaghetti với sốt cà.

-          Tôi không muốn tiếp tục làm ông thêm bực – Zaira vừa nói vừa lắc đầu nhè nhẹ – nhưng gói spaghetti Delvedere mà ông có trong xe là của ... Argentina, còn cái hộp cà chua Aerre ... thì vừa mới bị Mitsubishi mua lại. Mitsubishi cùng với Kawasaki đang tìm cách chế ra một loại airbag .... có hương vị ... sốt ragù !!!

-          À ... Mitsubishi .... nhưng tôi vẫn thích những chiếc mô-tô lộng lẫy huy hoàng của Ý – Tarquinio nhấn mạnh – Mấy chiếc Ducati, Benelli của chúng ta đấy.

-          Ducati thì đã “nhập quốc tịch” Đức rồi, còn Benelli thì đã bán cho Trung Quốc mất rồi – Zaira vừa thờ dài vừa vói tay lấy hàng trong xe – Nhưng trở lại chuyện đồ ăn ... nếu ông muốn lấy gói gạo Scotti thì cứ lấy ... nhưng một phần gạo này bây giờ thuộc về Tây Ban Nha đấy, nhưng tôi không thể nào cắt gói gạo làm hai. Còn cái món thịt nguội bresaola đấy là của Brazil và hộp kem Algida thì bây giờ của một công ty Anh-Hòa Lan.

-          Nghĩa là cô muốn nói là chẳng còn gì để bán cả, bởi vì tất cả đã bán đứt hết rồi phải không ? Mất hết cả rồi phải không ? Thế thì tôi đành nhịn đói phải không ? Hay còn có thể nấu nướng ?

-          Tùy – Zaira chậm rãi – tùy ông có bếp hiệu gì. Nếu ông có bếp hiệu Rex, Zoppas hay Zanussi hoặc Molteni ... thì ông nên nhớ tất cả đã trở thành Thụy Điển hết rồi. Hay ông muốn một con gà nuôi theo kiểu Ikea ? Thay vì gà nguyên con ... thì tôi đưa gà loại về nhà ông phải ... lắp ráp lại ?

Ông Tarquinio bật khóc nức nở. Hàng người phía sau lưng bắt đầu sốt ruột. “Làm ơn nhanh lên một chút !”, một gã đàn ông to béo đeo kính đen hét lên

-          Câm miệng lại, đồ chạy theo ngoại bang, không thấy được sự thê thảm à ? Chúng ta chẳng còn gì trong tay ! Chúng ta ... một dân tộc vĩ đại, một kết quả nghiên cứu gần đây xếp chúng ta thông minh vào hàng thứ mười sáu thế giới trên thế giới, thực ra chúng ta có thể lên đến hàng thứ năm ... nếu không có tên Briatore làm giảm độ thông minh trung bình của dân Ý. Thế chúng ta còn gì để có thể hy vọng ? Chắc chỉ còn mấy cái thương hiệu thời trang made in Italy ...

Một mụ tóc vàng nhìn vào là biết đã “tân trang khắp nơi” la lên với cái giọng gằn từng chữ như muốn nhấn mạnh một cách tàn nhẫn: “Bulgari, Fendi, Brioni, Pomellato, Loro Piana, Pucci và Gucci ... tất cả đều là của Pháp, Ferrè thì thuộc quyền sở hữu của Dubai, Fiorucci là của Nhật”.

-          Thế còn ông, ông thuộc đội bóng đá nào ? – Một thằng lõi quấn khăn quàng cổ sọc đỏ sọc đen với giọng nhạo báng.

-          Inter ... tôi biết, tôi biết ... đm ... đã bị một thằng từ Nam Dương qua đây mua mất rồi – Tarquinio buột miệng – cười đi, cứ cười đi, rồi tụi bây sẽ thấy kết cuộc ra sao.

-          Để yên ông ấy – Zaira lên tiếng.

-          Zaira – Tarquinio quỳ xuống trước cô thu ngân – Chỉ có cô là hiểu tôi thôi. Chúng ta hảy cùng nhau trốn đi đến một nơi nào đó trên dãy đất này. Đến bãi biển Rimini, hay lên vùng đồi núi Toscana.

-          Các khách sạn bên vùng biển Adriatico thì đang bị đám Nga thu mua, còn đồi phía đồi núi miền trung thì bị Trung Quốc vơ vét – Zaira nói một cách buồn bã.

-          Thế thì ở Roma vậy.

-          Roma thì phân nữa là của Vatican, phân nữa kia là của mụ Armellini – người đàn bà tóc vàng nói một cách khinh bỉ – và cả Vatican lẫn Armellini chẳng ai thèm đóng thuế nhà cả.

-          Vậy thì mình đi ... đến Venezia – Tarquinio nói – vùng Serenissima mộng mơ.

-          Đây này, ông đọc trên báo hôm nay đây này – gã đàn ông béo mập đeo kính đen lên tiếng – “VVV cần bán toàn bộ một khu dinh thự cổ và sang trọng, cạnh bờ biển, có khi thấp hơn cả mặt biển, chung quanh có đầm nước, có di tích cổ, có khu cờ bạc giải trí và hàng loạt căn hộ được chia cách nhau bằng sông rạch và quảng trường nho nhỏ, chỉ cần tu sửa tối thiểu. Chỉ bán cho người ngước ngoài”.

-          Đm .... – Tarquinio hét lên – mà ... cái “đằng sau” có còn là của ta nữa hay không ?

-          Tùy – bà tóc vàng nói – nếu ông vận quần bò hiệu Valentino ... thì đó là của một đại gia tù trưởng ở Qatar.

-          OK – Tarquinio lên giọng một cách tự hào – cần phải có phản ứng. Zaira ... tôi van cô. Chiều nay cô ghé qua nhà tôi. Hai ta sẽ cùng ăn cơm bên ngọn đèn cầy ... bởi vì công ty cung cấp điện Edison là của Pháp, mình ăn rau xà-lách do chính tay tôi trồng trong vườn, quả ốc chó (noci) của Sorrento và ... mì nấu với nước của thủy thần sông Tevere. Đồng ý không ?

-          Yes – Zaira trả lời . Một tràn vỗ tay không lớn lắm, xen lẫn với những câu cằn nhằn yêu cầu nhanh nhanh lên, chen lẫn tiếng thở phào nhẹ nhỏm của ai đó thấy mọi chuyện đang sắp sửa kết thúc.

Ông Tarquinio trả tiền cho số hàng ít ỏi còn lại: một kí khoai tây và một gói malloreddus (gnocchi vùng đảo Sardegna). Rồi ông rời khỏi quầy tính tiền sau khi đã lăn một nụ hôn gió cho cô thu ngân.

-          Xin lỗi – Zaira bẻn lẻn nói – mà ông cũng chẳng có số điện thoại của tôi.

-          Đúng rồi.

-          Đây .... viết đi: Tres tres siete, uno dos cinco ocho dos cinco nueve ocho. Ông biết đấy .... TIM đã bị bán rồi ....

-          Đĩ mẹ nhà nó !!! – Ông Tarquinio hét lên.

-          Dịch vụ tốt nhất là do một hãng Thụy Sĩ quản lý – Gã béo mập với cặp kính đen nhấn mạnh.


Tarquinio không nói tiếng nào. Ông ta bước ra khỏi siêu thị một cách tề chĩnh, lấy khăn giấy Tempo lau nước mắt. Zaira cũng không dám nói cho ông ta biết rằng cái tên Tempo rất Ý đó ... thực ra là của Đức ... nhưng đã được bán cho Thụy Điển và có tổng hành dinh ở Cincinnati (Mỹ).

Roma, 30/01/2014


chuyển ngữ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét