14 tháng 1, 2014

Chiến tranh phương đông.


Trung Quốc, Nhật, và hai quốc gia Triều Tiên đã chọn những lãnh tụ ái quốc cực đoan. Thế là phương đông mở cuộc chạy đua vũ trang khiến phương tây cũng rúng động ...


Giới thiệu: Nguyên tác bài này có tựa đề “Guerra d’Oriente” của Giampaolo Visetti, đặc phái viên thường trú ở Bắc Kinh của nhật báo “la Repubblica”, đăng ngày 14/01/2014.
Các phần chú thích là của Huê Đăng.


Sáu mươi năm kể từ khi thế chiến thứ hai chấm dứt hiểm họa bùng nổ chiến sự lại đang xẩy ra ngay ở nơi ... mà đệ nhị thế chiến đã kết thúc một cách thê thảm: Châu Á.

Bầu không khí ở Châu Á hình như đang ngày ngày trở nên “khó thở”: trên một địa bàn vốn đang có tỉ số tăng trưởng kinh tế siêu tốc (trong khi thế giới, nhất là thế giới phương Tây, đang phải đối đầu với trì trệ) lại cùng một lúc đang có sự tập trung đáng ngại, chưa hề thấy trước đây, của các lực lượng quân sự “cực hậu hiện đại” được trang bị những vũ khí tối tân thuộc vào “thế hệ chót” (the last generation army).

Ở trong vùng viễn đông Châu Á đang xảy ra hàng loạt những căng thẳng về chính trị, về quân sự, về thương mãi giữa các quốc gia trong vùng vốn đang đối địch nhau trên những vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Mối đe dọa bùng nổ một cuộc “chiến tranh Châu Á” lại càng thêm gia tăng bởi vì cùng một lúc có đến bốn lãnh đạo chính trị mới lên nắm chính quyền ở bốn khu vực “nhạy cảm” trong vùng: chỉ trong vòng hơn một năm, từ cuối năm 2011 đến tháng ba năm 2013, Trung Quốc, Nhật, Nam Hàn và Bắc Triều Tiên đã “thay đổi nhân sự” với các chính khách bảo thủ, được sự hổ trợ chính trị của các lực lượng hữu khuynh với tinh thần ái quốc và khuynh hướng “mạnh tay quân sự”, đã đẩy các chính khách cầm quyền vào các vị thế ái quốc cực đoan và bài ngoại.

Trong khi chờ đợi kết quả bầu cử vào tháng ba sắp tới ở Ấn Độ ([1]) thì tình hình căng thẳng nói trên ở Châu Á cũng đang làm phương Tây và các nước trong khu vực báo động.

Ở Bắc Kinh, ở Tokyo, Seul, Bình Nhưỡng ... toàn bộ quyền hành ở bốn thủ đô này đang càng ngày càng trở nên .... “cá thể”, vận mạng của hơn phân nữa dân số trên thế giới và gần phân nữa tiềm lực kinh tế toàn  cầu ... lại hoàn toàn nằm trong tay của một vài nhân vật chóp bu chính trị trong vùng.

Các chuyên gia nghiên cứu chính trị trên thế giới đã bắt đầu phác họa ra một “bóng ma của thế kỷ”: vận mạng thế giới nằm trong tay của bầy “phù thủy Châu Á”, bắt chước chạy theo “sư phụ” của mô hình “độc tài toàn trị ái quốc hậu hiện đại” (neo-nationalist authoritarianism) là Vladimir Putin. Lý luận của các chuyên gia này rất đơn giản: trong khi nền dân chủ nghị viện của Mỹ và của Châu Âu đang phải chứng kiến một cách bất lực quá trình suy vong kinh tế của các cường quốc phương Tây, vốn đã thống trị thế giới trong suốt hai thế kỷ cuối, thì các chính thể “độc tài toàn trị” Á Châu đang tạo điều kiện phát triển kinh tế quốc dân ... và sẽ làm đảo lộn tất cả các cán cân quân bình trên thế giới.


Tiên tri của các chế độ hậu-cộng sản (post-comunist) và của các nền dân chủ “tôn sùng lãnh tụ”, chính là một tay gián điệp của tổ chức tình báo dưới thời Xô viết, người đã chiếm được quyền lực ở điện Cẩm Linh, gầy dựng lại một nước Nga sau khi chế độ Xô viết sụp đổ. Ở các văn phòng chính phủ và các cơ quan ngoại giao trên thế giới thiên hạ công khai dùng từ vựng “tân-putin-nít” (neo-putinism) để ám chỉ “con vi-rút đan lan lây khắp cả vùng Châu Á”. Bốn nhân vật đầy quyền lực của trào lưu tư tưởng mới này cũng chính là bốn lãnh tụ mà trong những tháng cuối gần đây đã gieo sóng gió và căng thẳng trong khu vực Thái Bình Dương: Chủ tịch Trung Quốc Cập Nhật Bình (Xi Jinping), Thủ tướng Nhật Shinzō Abe (An Bội Tấn Tam), Bà Tổng Thống Nam Hàn Phác Cận Huệ (Park Geun-hye) ... và sau cùng là nhà độc tài “tuổi trẻ trèo cao” Bắc Triều Tiên Kim Jong-un.

Cho đến cách đây khoảng một năm, dù rằng căng thẳng cũng đã bắt đầu gia tăng, người ta vẫn còn nói đến việc tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh cần thiết giữa các nhân vật có vai trò quyết định khu vực. Nhưng hôm nay, trước những sự kiện tồi tệ xẩy ra dồn dập, thì một cuộc họp nói trên coi như đã hoàn toàn bị xếp xó: Cập Nhật Bình và Shinzō Abe đang đào sâu chiến lũy bất thông đồng, Shinzō Abe và Phác Cận Huệ thì từ chối mọi đối thoại, còn Kim Jong-un thì tự mình cô lập bên kia vĩ tuyến 38 với những màn thanh trừng nội bộ, đe dọa, độc ác.

Cái “nhân cách” của bốn vị lãnh đạo nói trên, cộng thêm các cuộc đấu đá chính trị nội bộ của từng nước, rồi thêm các vết thương thù hằn lịch sử tồn đọng giữa các quốc gia với nhau, đang đe dọa Châu Á có thể rơi vào vực thẩm của những cuộc xung đột khu vực thường trực, nếu không muốn nói là một cuộc chiến tranh quy ước (conventional war).

Lãnh tụ Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn có  truyền thống gia đình xuất thân từ lực lượng vũ trang nhân dân Trung Quốc ([2]), đang ra sức chuyển đổi nền kinh tế và cố gắng thực thi một số cải tổ sâu rộng nhất từ trước đến nay trong guồng máy chính trị xã hội trong thời điểm Trung Quốc đang trên đường tiến đến vị trí cường quốc số một của thế giới. Quá trình thăng tiến của Trung Quốc cũng đã khiến Mỹ, vốn là một siêu cường đã hạ bệ Châu Âu và thống trị toàn cầu trong suốt niên đại 900, đã khuynh đảo Châu Phi lẫn Châu Mỹ La-tinh, hôm nay lo âu mất ăn mất ngũ và đã phải lên tiếng báo động các nước láng giềng của Trung Quốc.

Chỉ trong vòng vài tháng, Cập Nhật Bình, người thừa kế “được Mỹ hóa” (americanized) của “người cấm lái vĩ đại” Mao Trạch Đông, đã làm những bước “nhảy vọt” ngoài sức tưởng tượng. Phía sau những khẩu hiệu “cải cách” của Bắc Kinh là cả một chính sách chạy đua vũ trang nhằm tăng cường lực lượng chiến đấu của quân đội lớn nhất thế giới với 2,4 triệu lính tại ngũ, vừa mới cho hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm nguyên tử lực đầu tiên của Trung Quốc ([3]), mở ra hàng loạt xung đột và căng thẳng về lãnh hải với tất cả các quốc gia trong khu vực.

Nhưng căng thẳng nguy hiểm nhất hiện nay là với Nhật, trên quần đảo Điếu Ngư (Diaoyu (tiếng Trung) hay Senkaku (tiếng Nhật)), nơi mà trong thời gian qua Trung Quốc đã đơn phương thiết lập “vùng định dạng phòng không” (Air Defense Identification Zone - ADIZ) khiến đã nhiều lần xém xẩy ra những cuộc giao tranh giữa hải quân và không quân của hai nước, và cũng đã khiến Mỹ đã phải “chuyển trục sang Châu Á” (pivot to Asia) huy động đông đảo lực lượng hải quân và quân đội Mỹ đóng quân ở Châu Âu, Trung Đông và Trung Á di chuyển sang Thái Bình Dương.

Mức độ bành trướng thế lực kinh tế, tài chính và thương mãi của Trung Quốc, nhu cầu sống còn về nguyên vật liệu và đòi hỏi độc quyền khai thác các quặng đất hiếm (rare earth elements), đã khiến Trung Quốc khơi dậy tất cả các “vấn đề lãnh thổ” vốn đã bị “đông lạnh” từ hơn một thế kỷ trước, thời mà triều đại Trung Quốc bắt đầu suy vong và bị các thế lực phương Tây xâu xé.

Nhân danh tinh thần yêu nước và trên danh nghĩa kình chống lại các đồng minh của Mỹ, Bắc Kinh hiện nay đang có những động thái chống đối lại Nam Hàn, Đài Loan, Việt Nam, Philippine, Indonesia và Ấn Độ, vạch ra một trận tuyến kéo dài từ dãy Hy Mã Lạp Sơn sang đến Biển Nam Hải (Biển Đông đối với Việt Nam).

Chính sách ái quốc của Cập Nhật Bình, vốn đã phải ra tay trừ khử các phần tử “hoài cổ” tả khuynh hậu-Mao Trạch Đông ([4]) và “hảm phanh” các nhóm thế lực kinh tế ngoài khu vực nhà nước, về mặt đối ngoại lại đụng độ với nhà chính trị hữu khuynh Shinzō Abe của Nhật vốn đang phải ra sức vực lại nền kinh tế của Nhật đang bị giảm phát (deflation) đánh tả tơi, đang phải đối phó với nạn giảm dân số và quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân (sau tai nạn ở Fukushima năm 2011).

Đương kim Thủ tướng Nhật Shinzō Abe, vốn được sự hổ trợ chính trị của các đảng phái hữu khuynh đang ngày càng mang tính bài ngoại. Với lý do để gây tăng trưởng kinh tế, Abe đang đòi Nhật “xét lại” một số giá trị đã được ấn định vững chắc từ sau đệ II thế chiến ([5]). Chính phủ Nhật sẳn sàng đánh đổi nhân quyền để có được tăng trưởng kinh tế.

Chỉ trong mấy tháng mà Shinzō Abe đã tạo ra căng thẳng trên mấy quần đảo tranh chấp với Trung Quốc, và thậm chí cũng gây căng thẳng với Nam Hàn, đã quyết định tăng ngân sách dành cho quốc phòng, đòi sửa đổi hiến pháp hòa bình đã có từ năm 1945, đuổi quân đội Mỹ ra khỏi căn cứ quân sự Okinawa, và đã cho thiết lập mọt cơ quan mang tên “Hội đồng an ninh”, dựa theo mô hình của Trung Quốc nặn ra hồi tháng mười một, và bắt chước theo kiểu tổ chức của Mỹ từ năm 1947.

Với hai cái “Hội đồng an ninh” vừa mới được nặn ra ở Trung Quốc và ở Nhật thì rất có khả năng là chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, có thể là không do chủ ý, có thể chỉ là hệ lụy của những “tai nạn võ trang” giữa cường quốc kinh tế thứ hai và thứ ba của thế giới, nhưng vẫn là chiến tranh.

Trong khi ở Trung Quốc hiện nay nhan nhản đầy đường các trò chơi điện tử trong đó các nhân vật Trung Quốc đóng vai “thiện” còn Nhật toàn là hạng người tàn ác dã man, thì Shinzō Abe từ hôm 26 tháng mười hai đã liên tục đi hành hương thăm đền thờ Yasukini, nơi chôn cất 14 tên tội phạm chiến tranh Nhật. Các tay ái quốc cực đoan đang ủng hộ chính phủ Nhật xem Shinzō Abe như là thứ anh hùng kháng chiến. Nhưng đối với Bắc Kinh và với Seul thì Abe là một tên đồ tể của chủ nghĩa thực dân Nhật thời niên đại 900, một kiểu bành trướng Đức Quốc Xã phiên bản Châu Á ([6]).

Những động thái khiêu khích Trung Quốc của Shinzō Abe, vốn là vô địch về những báo động về một “đất nước mặt trời mọc” bị bao vây, cho phép dân Nhật quên đi những thất bại về chính sách kinh tế của Shinzō Abe, hướng tất cả chú ý của công luận vào cái “hiến pháp hòa bình” đã lỗi thời và cần phải được thay đổi. Nhưng cái giá mà Shinzō Abe bắt dân Nhật phải trả là căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc, cứng rắn với Nam Hàn, và làm cho Mỹ tức giận .... trong khi Mỹ đang lo lắng trước viễn ảnh phải lôi vào Thái Bình Dương những khoảng ngân sách quốc phòng vừa cao vừa vô ích ... với hy vọng kềm chế được sự bành trướng của Bắc Kinh.

Còn ở Seul thì Bà Tổng Thống Phác Cận Huệ, con gái của nhà độc tài Nam Hàn Phác Chính Hy ([7]) bị chính Bình Nhưỡng âm mưu ám sát năm 1979, đã nhanh chóng phát hiện ra được thời cơ để xiết chặc quyền lực và tăng cường sức mạnh quân sự: chỉ trong vòng vài tuần, nhờ vào các mối đe dọa đến từ Bắc Kinh, nhờ vào các động thái khiêu khích của Nhật để giữ chủ quyền trên quần đảo Trúc Đảo ([8]), và trước những tuyên bố vung vãi khiêu khích của Bắc Triều Tiên, Phác Cận Huệ đã được Quốc Hội (với đa số bảo thủ) thông qua một số đạo luật cho phép Tổng Thống có thêm quyền lực, thông qua đề án gia tăng ngân sách dành cho Quốc phòng, thông qua quyết định thiết lập “vùng định dạng phòng không”, và cho phép Mỹ đổ bộ thêm 800 thủy quân lục chiến vào Nam Hàn.

Từ hơn một thế kỷ, chưa bao giờ khu vực Châu Á có một tiềm lực kinh tế mạnh như thế, một khả năng quân sự đáng ngại, nhưng đồng thời cũng vô cùng xáo trộn bởi ý thức hệ ái quốc-hậu hiện đại, và nhất là bị đe dọa bởi sự vươn lên của một siêu cường ngay trong vùng: đó là Trung Quốc.

Châu Á vốn là một đại lục không (chưa) được trang bị những cơ chế pháp lý siêu quốc gia có khả năng triệu tập các nước trong vùng và cứu xét những “bất đồng hàng xóm”. Tâm điểm của các căng thẳng hiện nay trong vùng lại chính là Bình Nhưỡng của anh chàng thanh niên Kim Jong-un. Chỉ trong vòng một năm hắn ta đã hạ bệ tất cả những phần tử của phe nhóm “đổi mới”, thủ tiêu hết tất cả các đối thủ chính trị trong đó có cả bà con họ hàng, đã làm nhục Bắc Kinh và hăm dọa ném bom nguyên tử xuống Tokyo, Seul, thậm chí cả  Washington. Bình Nhưỡng giống như một tế bào điên dại trong một cơ thể đang lên cơn hấp hối. Vấn đề là các nước trong khu vực Châu Á đều nhận thức được rằng trước sau gì Bắc Triều Tiên cũng sẽ “tự nổ”, như một ung nhọt chưa bao giờ được chữa trị lành lặn kể từ sau Đệ II thế chiến, và Châu Á sẽ phải đối đầu với cuộc khủng hoảng chế độ của Bình Nhưỡng trong bầu không khí căng thẳng chia rẽ và trong một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tháng tư sắp tới Barack Obama sẽ bay sang Tokyo, Bắc Kinh và Seul ... và thế giới có cảm giác như Châu Á của năm 2014 là bản sao của Châu Âu năm 1914: cũng các lãnh tụ chính trị thiển cận ái quốc cực đoan, cũng những căng thẳng về kinh tế, những tranh chấp lãnh thổ từ thời xa xưa, những giấc mơ bành trướng, phục hồi, thù hằn dân tộc, rồi cũng chạy đua vũ trang với các khẩu hiệu tuyên truyền ái quốc.

Chỉ biết cầu mong rằng thế giới không đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc đại chiến mới: nhưng điều chắc chắn là hiện nay ở Châu Á mọi thứ đều tăng trưởng, từ kinh tế, thương mãi, đến quân sự .... chỉ trừ hòa bình. Và phương Tây hiện nay đã cam phận, cùng lắm là chỉ biết “điều hành tới đâu hay tới đó những cuộc xung đột mãn tính trên thế giới !!!”.

Roma, 14/01/2014


chuyển ngữ


[1] Cuộc tranh cử ở Ấn Độ đang diễn ra gay gắt, và Ý cũng bị “vạ lây” với sự kiện hai thủy quân lục chiến của Ý đang bị giam ở Ấn Độ với nghi án là đã bắn chết “vô cớ” ngư dân Ấn Độ, và đây là một “chiêu bài” của các đảng chính trị ở Ấn Độ đang tận dụng để tìm cách làm giảm uy lực chính trị của Congress Party mà Chủ tịch chính là bà Sonia Gandhi, người gốc Ý.

[2] Cha của Tập Cận Bình là Tập Trọng Huân (XiZhongxun), một trong những lãnh đạo hàng đầu của cuộc cách mạng Trung Quốc. Tập Trọng Huân, ngoài vị trí là một trong những thủ lãnh của lực lượng du kích chống Nhật, cũng đã có công trong quá trình đánh bại lực lượng Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai Shek).

[3] Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh (Liaoning)

[4] Vụ án Hoàng tử đỏ Bạc Hy Lai.

[5] Một trong những yêu cầu của Shinzō Abe là Quốc hội Nhật xóa bỏ cái “Hiến pháp hòa bình” (pacifist constitution) để Nhật có thể rộng tay phát triển quân đội.

[6] Shinzō Abe là cháu ngoại của Kishi Nobusuke, một nhân vật mà trong suốt thời Đệ II thế chiến là một trong những yếu nhân quan trọng của nền công nghệ Nhật; trong thời chiến tranh Trung-Nhật, Kishi là chỉ huy của toàn bộ guồng máy công nghệ của Nhật ở Mãn Châu, chủ yếu là dựa trên sự bóc lột sức lao động của những nô lệ Trung Quốc thời đó. Năm 1945, sau khi thế chiến kết thúc, Kishi bị Mỹ bắt giam như tội phạm chiến tranh, nhưng khi chiến tranh lạnh bắt đầu thì Mỹ thả Kishi Nobusuke không qua một phiên tòa xét xử nào ... và đến năm 1957 Kishi Nobusuke trở thành Thủ tướng bảo thủ của Nhật. Vào những thập niên 30-40, Kishi Nobusuke là người theo dân tộc chủ nghĩa (nationalist) với khuynh hướng phát-xít. Sau chiến tranh, lòng thù hằn chống cộng sâu sắc đã biến Kishi Nobusuke trở thành một đồng minh đáng tin cậy của Mỹ; Richard Nixon là một trong những người bạn thân của ông ta.

[7] Trong thời Đệ II thế chiến Phác Chính Hy cũng có một vai trò khá mờ ám: dưới một cái tên Nhật là Takagi Masao, Phác Chính Hy đã phục vụ quân đội Nhật với hàm sĩ quan của quân đội hoàng gia: Phác tốt nghiệp trường vĩ bị sĩ quan Nhật ở Mãn Châu (Manchuria), nơi mà Kishi đã có thời là chỉ huy của toàn bộ guồng máy công nghệ của Nhật chủ yếu là dựa trên sự bóc lột sức lao động của những nô lệ Trung Quốc thời đó. Phác Chính Hy cũng là người theo chủ nghĩa dân tộc, ngoài những quan hệ thâm tình với Nhật có từ thời Đệ II thế chiến, nhưng chính cái tư duy chống cộng đã cho phép Phác vẫn tiếp tục có một quan hệ thân thiện với một quốc gia đã thuộc địa một cách tàn nhẫn Triều Tiên trong nữa thế kỷ.

[8] Tên quốc tế là Liancourt, Nhật gọi là Takeshima, Nam Hàn gọi là Dokdo, một nhóm đảo nhỏ nằm giữa Nam Hàn và Nhật, cách đảo Honshu của Nhật  và góc đông nam bán đảo Triều Tiên thuộc Nam Hàn khoảng 220 km. Trúc Đảo đang trong vòng tranh chấp giữa Nhật và Nam Hàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét