26 tháng 1, 2014

Đòn dĩ độc trị độc của Berlusconi để hạ Renzi.

Thứ bảy tuần rồi, 18/01/2014, chuyến tàu tốc hành của Matteo Renzi bắt đầu chuyển bánh với cuộc gặp gỡ “lịch sử” giữa (tân) Tổng bí thư trẻ nhất từ trước đến nay của đảng PD với lãnh tụ “lão” nhất của lực lượng hữu khuynh (và mị dân) của đảng FI. Sau hai tiếng đồng hồ “đàm phán”, hai bên đã có những tuyên bố rất hồ hởi trước báo chí và cả hai bên đều bày tỏ sự “vừa ý” với đề luật sửa đổi luật bầu cử “Italicum”.

Những ngày kế tiếp là cả một cơn dậy sống trên chính trường Ý, và đặc biệt là trong nội bộ của đảng PD. Sáng kiến “gặp gỡ” với “tên tội phạm nổi tiếng nhất nước Ý” để bàn thảo về những thay đổi hiến pháp và luật bầu cử ... đã khiến trong nội bộ đảng PD như ... dẫm phải kiến lửa .... Mà không phải chỉ có đảng PD. Và căng thẳng trong đảng PD đã dẫn đến quyết định từ chức của Chủ tịch đảng, Gianni Cuperlo, (và cũng là người đã tham gia  tranh cử với Matteo Renzi vào chức vụ Tổng Thư ký đảng hồi tháng 12 vừa qua).

Điều đáng chú ý tất cả các phê phán về đề luật “Italicum” do Matteo Renzi và Silvio Berlusconi “nặn ra” là tập trung vào quyết định giữ nguyên tình trạng “danh sách ứng cử viên khép” (lista bloccata), tức là cử tri vẫn sẽ không có quyền trực tiếp bầu người mình chọn vào Quốc hội, mà vẫn sẽ chỉ bầu cho “Đảng”, và ban lãnh đạo đảng sẽ trực tiếp chọn đại biểu cho vào Quốc hội.

Trừ đảng FI của Berlusconi ra, và trừ “phe” của Renzi trong đảng PD ra .... còn lại tất cả các lực lượng chính trị khác (và ngay cả “phe thiểu số” trong PD – tức là phe không theo Renzi) đều nhất quyết “giương cao ngọn cờ tự do cho cử tri trực tiếp bỏ phiếu chỉ định đại biểu Quốc hội”: từ hữu đến tả ... không thiếu một đảng nào.

Matteo Renzi đã trực tiếp phản biện các chỉ trích nói trên với hai luận điểm: thứ nhất là, theo Renzi, nếu đảng muốn thực sự trao quyền cho cử tri trực tiếp chọn đại biểu Quốc hội, thì chỉ cần tổ chức trước những cuộc “bầu tuyển chọn sơ bộ” (primarie) để các đảng viên cơ sở quyết định ai sẽ được vào danh sách ứng cử viên của đảng vào Quốc hội, cách giải quyết này cũng đã được chính đảng PD áp dụng trong lần bầu cử Quốc hội hồi tháng hai vừa qua để vượt qua sự bất cập của luật bầu cử hiện hành. Do đó, theo Renzi, nếu các lực lượng chính trị khác muốn vượt qua sự bất cập nói trên thì chỉ cần mỗi đảng tự tổ chức “bầu tuyển chọn sơ bộ” ... là xong chuyện.

Nhưng câu hỏi được đặt ra là: tại sao vẫn cứ phải giữ tính bất cập của luật cũ để rồi đề nghị các đảng tổ chức “bầu tuyển chọn sơ bộ” ? Nếu thật sự Quốc hội muốn trao quyền tự do cho cử tri bầu trực tiếp đại biểu Quốc Hội ... thì tại sao không trực tiếp xóa bỏ cái điều luật “vớ vẫn” “danh sách khép” ?  Mà lại đưa ra cách giải quyết bằng “bầu tuyển chọn sơ bộ” ???

Câu hỏi này khiến Matteo Renzi phải đưa ra luận điểm thứ hai: “Quyết định tiếp tục giữ điều lệ “danh sách khép” là “yêu cầu không khoang nhượng” của Berlusconi. Còn riêng đối với Renzi, thì ông ta sẳn sàng xóa bỏ điều lệ “vớ vẫn” nói trên”. Tức là Matteo Renzi đẩy “trách nhiệm” sang Berlusconi với hy vọng là tất cả mũi súng sẽ chỉa vào Berlusconi !!!

Hôm qua, thứ bảy 25/01/2014, một tuần đúng sau buổi gặp gỡ đã gây sóng gió trên chính trường và gây chia rẽ trong đảng PD, Berlusconi lại vừa tuyên bố rằng: “Đề luật Italicum mà Quốc hội đang bàn thảo .... là của Berlusconi, đề luật mà hắn đã muốn đưa ra từ hai mưới năm về trước (sic !!!) ... chứ không phải là của Renzi.

Như thế là sau đúng một tuần, các lá bài lần lần được lật lên ... và tới đây thì có thể ít nhiều thấy được các chiến lược của các con bài trên canh bạc.

Trước nhất phải nói là (rất tiếc) Silvio Berlusconi lại một lần nữa đã có khả năng “hồi sinh” ngay trong những lúc mà ai cũng ngỡ rằng hắn đang sắp “chầu tổ”. Từ một vai trò “bị kết án vĩnh viễn” và bị “trục xuất” ra khỏi Quốc hội .... Berlusconi lại trở lại sân khấu chính trị trong một vai trò “cha đẻ ra hiến pháp mới” cho nền Đệ Tam Cộng Hòa.

Dĩ nhiên là để trở lại chính trường, Berlusconi đã phải đợi thời cơ, và thời cơ là Matteo Renzi đang gắp rút phải “cho xe lửa khởi hành”. Ba triệu lá phiếu mà Matteo Renzi nhận được hồi tháng 12 vừa qua ... là một gia tài kếch xù ... nhưng cũng rất dễ bị bay hơi ... Nếu trong vòng thời gian ngắn hặn chừng đôi ba tháng mà Matteo Renzi không đem về một “đổi mới” nào ... thì 3 triệu lá phiếu đó sẽ ... biến thành mây khói. Trong một đảng chính trị bình thường, xin nhấn mạnh hai chữ “bình thường”, một Tổng bí thư đảng được đảng viên tín nhiệm cao như thế ... chắc chắn phải nhận được một sự hậu thuẩn (gần như) toàn diện trong đảng, và nhất là trong giới lãnh đạo đảng, nhất là trong thời điểm mà đảng đã liên tục gặp thất bại chính trị trong những năm cuối cùng. Nhưng khổ nổi, đảng PD không phải là một đảng bình thường. Tổng bí thư đảng được nhiều phiếu bao nhiêu ... thì lại càng gặp sự chống đối bấy nhiêu trong giới lãnh đạo đảng. Bất cứ một thành công chính trị lớn nhỏ nào của Matteo Renzi ... cũng sẽ làm cho phần lớn lãnh đạo đảng PD bị “nhột”, như thể những thành công đó, trong một thời gian ngắn hạn, sẽ minh chứng cho thấy sự bất tài, hay thậm chí là cố tình trị trệ, của giai cấp lãnh đạo đảng trước đây. Kết quả là Renzi phải ra sức tăng tốc để đạt một vài thành công chính trị, thậm chí phải chấp nhận những “đánh đổi”, trong khi đa số lãnh đạo đảng PD thì sẳn sàng “cản mũi kỳ đà”, thậm chí sẳn sàng “tiêu thổ kháng chiến” để làm mất uy tín của cá nhân Matteo Renzi. Và Silvio Berlusconi, như cá mập ngửi được mùi máu, đã nhanh chóng nhận thấy ngay cái thế “bất nhất” trong đảng PD ... và hắn đã ... quyết tâm tận dụng thời cơ: nếu Matteo Renzi thành công trong việc cải tổ luật bầu cử ... thì Berlusconi cũng được “thơm lây” vì đã cùng với Renzi đi bước đầu ... và trở thành “cha già dân tộc”, một hình ảnh mà hắn sẽ tận dụng để biến nó thành lá chắn công lý. Nhưng trước mắt thì vấn đề luật bầu cử đang như trái lựu đạn lúc nào cũng sẳn sàng chực nổ trên tay của Renzi (Báo chí còn gọi đây là “Việt Nam của Matteo Renzi” – ý muốn nói Matteo Renzi sẽ còn gặp nhiều khó khăn chống đối ... và thậm chí có thể bị sa lầy). Thậm chí với tuyên bố rằng quyết định giữ lại điều lệ “danh sách khép” là của Berlusconi, Mattero Renzi cũng vẫn không làm cho các mũi súng chĩa sang Berlusconi, mà vẫn chực chừ nã đạn vào Renzi.

Luật bầu cử có được thông qua hay không hay sẽ như bong bóng xì hơi ngay lập tức ... thì đối với Berlusconi chẳng ăn nhầm gì cả. Hắn sẽ chẳng mất mát gì cả. Đôi khi còn được “lãi”. Nhưng với Matteo Renzi thì khác: luật bầu cử là ván cờ sinh tử của Renzi, nếu mọi chuyện tốt đẹp như Renzi mong muốn, thì uy tín của Rezni trong đảng PD lại càng lên cao ... nhưng nếu thất bại ... thì coi như Renzi cũng tiêu tan sự nghiệp ... và cùng với Renzi là đảng PD cũng ... rụi.

Berlusconi như thế là đã lợi dùng chiêu bài “luật bầu cử” để gây căng thẳng trong đảng PD, gây căng thằng giữa đảng PD với các đồng minh trong chính phủ, và ... hy vọng là “nội chiến” trong đảng BD sẽ làm soi mòn uy tín của Renzi, thậm chí, nếu Quốc hội không thông qua được luật bầu cử thì chính Renzi là người bại trận, và ba triệu lá phiếu sẽ bay hơi.

Kết quả là Berlusconi, qua chiêu bài luật bầu cử, có thể sẽ hạ được một địch thủ chính trị mà chắc chắn một mình hắn sẽ không địch lại nỗi: trẻ tuổi, năng động, không có nợ nần công lý, không có những vết tì về mặt “ăn chơi trác tán” ....  Berlusconi bằng chính tay mình không hạ nổi Renzi .... nhưng Berlusconi vẫn có thể dùng ngay chính (lãnh đạo) đảng PD để hạ Renzi. Thậm chí hôm qua hắn còn “đổ thêm dầu vào lửa” khi tuyên bố rằng đề luật bầu cử là do chính hắn đề ra ... chứ Renzi chẳng có công cóc gì trong đó. Điều này càng làm cho các lực lượng nội bộ của đảng PD chống Renzi thêm cớ để tẩy chai đề luật. Dĩ độc trị độc là thế.

Số mạng của đề luật bầu cử rồi sẽ ra sao thì chưa ai biết ... Nhưng trước mắt người thực sự có thể “thắng cuộc” lại một lần nữa chính là Berlusconi.


Cách duy nhất để có thể hạ Berlusconi là đảng PD phải “cắn răng” ủng hộ chính Tổng bí thư của đảng  trong canh bạc, nếu cần thì cũng chỉ nên có những phê phán xây dựng hơn là những phê phán cố tình đã phá. Nhưng đã nói là đảng PD không phải là đảng bình thường .... Và hình như cánh tả ở Ý xưa nay vẫn có khuynh hướng ... thích tự hũy diệt nhau: khi sắp giành được thắng lợi thì cả đảng cố tình “nồi da xáo thịt” để đảng thất cử. Còn “rủi” đảng có thắng cử ... thì cũng sẽ “xào xáo” đến độ ... xù cả canh bạc để đi bầu lại.

Roma, 26/01/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét