30 tháng 9, 2014

Bắc Kinh tiến thoái lưỡng nan.



Đối với chính quyền Bắc Kinh mọi chuyện cũng không dễ giải quyết. Trước biển người xuống đường phản đối chính quyền một cách ôn hòa, biển người đang tràn ngập các đường phố Hương Cảng chống lại một “cường quốc đang trổi dậy”, một quốc gia đang có tham vọng trở thành một mô hình “dân chủ” trong khu vực (Châu Á Thái Bình Dương) ... xem ra đảng Cộng Sản Trung Quốc chưa có được một giải pháp để có thể đảm bảo được ích lợi của đảng.

Dĩ nhiên trên lý thuyết thì Bắc Kinh có đầy đủ mọi công cụ để thúc ép chính quyền Hương Cảng áp dụng các biện pháp mạnh. Chính phủ Bắc Kinh vẫn có thể cho tái diễn lại cảnh thảm sát đẫm máu ở Thiên An Môn như hồi tháng sáu năm 1989. Nhưng trên thực tế, những điều kiện khả thi cho Bắc Kinh hồi 25 năm về trước ... thì hôm nay hầu như Hương Cảng không có.

 Biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989

25 năm về trước Bắc Kinh đã có thể lấy quyết định thảm sát đẩm máu để quét sạch “trọn gói” cuộc biểu tình khổng lồ chống chính phủ Trung Quốc ... cũng nhờ vào mạng lưới công an cảnh sát dầy đặt, nhờ vào quyền lực thống trị của đảng và nhà nước, và nhất là nhờ vào tư duy “sống trong sợ hãi (*)” bao trùm lên toàn bộ xã hội Trung Quốc. Nhưng ở Hương Cảng thì mọi chuyện có khác: mạng lưới công an cảnh sát cũng “không bằng” ở lục địa, tư pháp (vẫn còn) là một quyền độc lập, và (nhất là) các phương tiện truyền thông không phải chỉ là “công cụ của nhà nước” (dù rằng tự do báo chí ở Hương Cảng cứ càng ngày càng bị .... “hao mòn”). Do đó, một quyết định áp dụng bạo lực ... lại rất có khả năng làm tăng thêm uy tín của những lực lượng chống đối Bắc Kinh thay vì đàn áp được nó.

 Quang cảnh Thiên An Môn sau khi quân đội đã "tạo lại được ổn định"

Và nếu như các giả thuyết trên là đúng thì những gì đang xẩy ra ở Hương Cảng sẽ mở ra một cuộc khủng hoảng kéo dài và cực kỳ trầm trọng bởi những hệ lụy thảm hại đổ lên hình ảnh và uy tín của Trung Quốc, không chỉ riêng ở Á Châu, mà trên toàn thế giới. Và những hệ lụy thảm hại đó cũng sẽ tác động lên đến nhiều mặt khác ở Hương Cảng, trong đó thị trường chứng khoán Hương Cảng (một trong những thị trường chứng khoán quan trọng trên thế giới) sẽ không tránh khỏi bị suy sụp và phải nhường ngôi lại cho Singapore. Nói trắng ra là: bạo lực không giải quyết được vấn đề, nhưng đồng lúc lãnh đạo Trung Quốc cũng không thể nào để các cuộc biểu tình tiếp tục kéo dài tạo ra một sự bất ổn định ở Hương Cảng. Bên cạnh đó những gì đang xẩy ra ở Hương Cảng có nguy cơ “đánh thức” được những người Trung Quốc đang sống trong lục địa ... và từ đó sẽ nổ ra một cuộc tranh luận nẩy lửa ngay trong hàng ngũ thượng tầng của guồng máy cai trị ở Bắc Kinh.

Cách mạng ô dù Hương Cảng 2014


Trước mắt có thể thấy rằng giải pháp khả thi duy nhất (hiện nay) là đàm phán để đi đến một thỏa thuận ngầm với các lãnh đạo của phong trào đấu tranh dân chủ ở Hương Cảng, bởi vì ngay chính lãnh đạo của phong trào cũng thừa biết rằng họ không thể nào cứ yêu sách mãi mãi. Điều này có nghĩa là có thể các bên sẽ đi đến thỏa thuận (?). Vấn đề đặt ra đối với lãnh đạo ở Bắc Kinh là .... thỏa thuận ở những điểm gì ? Quan trọng nhất là những điểm đó phải là những điểm mà đối với Bắc Kinh chắc chắn là sẽ không tạo ra “chấn thương gốc rễ” cho cơ chế quyền lực của đảng Cộng sản ... và do đó Bắc Kinh có thể chấp nhận cho “thử nghiệm” ở “khu đặc trị” Hương Cảng. Và chính đây là điều đang làm đau đầu lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc.


Viết theo nội dung của bài “Il dilemma di Pechino” của nhà bình luận chính trị quốc tế Bernard Guetta đang trên “Internazionale” http://www.internazionale.it/opinioni/bernard-guetta/2014/09/30/il-dilemma-di-pechino/

Roma, 30/09/2014




(*) Sống trong sợ hãi: tựa đề phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ra mắt công chúng năm 2005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét