30 tháng 9, 2014

Ô dù ...



Từ lâu lắm rồi, có lẽ cũng phải trên dưới gần bốn thập niên, trước khi trở thành một từ vựng mới trong ngôn ngữ tiếng Việt hiện đại, từ “ô dù” cũng đã trở thành một khái niệm để chỉ một hiện tượng xã hội tiêu cực ngày càng trở thành “đại trà” trong cơ chế nhà nước. “Ô dù” được đồng hóa với quyền lực, với bất công xã hội, với phân biệt đối xử. Bởi vì nếu không có quyền lực thì cũng chẳng ai phải cầu cạnh được “ô dù”. Bởi vì nếu xã hội bình đẳng thì cũng chẳng ai phải núp bóng “ô dù”. Bởi vì nếu mọi người đều được đối xử như nhau ... thì “ô dù” cũng hóa ra vô ích ...

Ô dù được đẻ ra là để che mưa chống nắng .... nhưng bây giờ trong tiếng Việt hiện đại thì hai chữ “ô dù” đã biến tướng theo sự “thăng hoa” của một xã hội đầy bất công phi lý trong đó .... con vua thì cứ làm vua, con sãi nhà chùa cứ quét la đa ....

Ấy thế mà không ngờ ....

Thật không ngờ !!! Mấy tuần lễ nay từ vựng “ô dù” được gắn liền với một hiện tượng mang tính đấu tranh cho dân chủ, cho tự do.

Số là mấy tuần nay (đầu tiên) là các thanh niên học sinh sinh viên, các người dân ở Hương Cảng (porto profumato) đã xuống đường biểu tình đòi tự do bầu cử ứng cử ghế Thống đốc “khu đặc trị” Hương Cảng. Và hình tượng tiêu biểu của cuộc xuống đường rầm rộ này là ... cái ... “ô dù”.

 Cách mạng ô dù ở Hương Cảng

Hàng ngàn cái “ô dù” được những người biểu tình giương lên để chống đở những luồn hóa chất hại da hại mắt do cảnh sát công an Hương Cảng xịt vào đám biểu tình.

Một cuộc biểu tình rầm rộ nhưng (cho đến nay) cũng rất ôn hòa, không một thái độ bạo động đập phá, không một đám cháy bùng nổ, nhưng cho đến nay, dù trước những de dọa của chính quyền Bắc Kinh, các cuộc biểu tình xem ra vẫn không có chiều hướng tan rã.

 Người biểu tình dùng ô dù để chống đở hóa chất do công an cảnh sát phun xịt

Chính quyền Bắc Kinh đang rất lo sợ. Cái bóng ma Thiên An Môn của năm 1989 kết cuộc bằng một cuộc thảm sát đẩm máu thanh niên học sinh sinh viên lại chập chờn hiện lên trên nóc Cấm thành của Bắc Kinh. Và nếu bộ phim Thiên An Môn được/bị tái bản lần này ... thì coi như mấy chục năm dày công xây đấp một “quyền lực mềm”, một “trổi dậy trong hòa bình”, một “cường quốc bình an” ... đem đổ sông đổ biển ... để rồi Bắc Kinh đánh rơi mặt nạ hiện nguyên hình một quốc gia đầy tham vọng bá quyền và hành xử theo bạo lực.

Nhưng người dân ở Hương Cảng muốn gì ? Họ đang tranh đấu dể đòi hỏi cái gì ?

Hương Cảng hiện nay đang rơi vào một cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử, kể từ năm 1997 khi Hương Cảng được Anh trao trả lại cho Trung Quốc. Bắt đầu từ khoảng tháng bảy vừa qua đã bắt đầu có nhiều cuộc biểu tình, và thường cũng bị công an cảnh sát đàn áp thô bạo.  Trước đó người dân ở Hương Cảng đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để thay đổi các quyền bầu cử ứng cử. Nhưng ngày 31 tháng tám vừa qua chính quyền Bắc Kinh đã tuyên bố “bất hợp pháp” cuộc trưng cầu dân ý nói trên. Do đó, những ai muốn ứng cử vào chức vụ Thống đốc Hương Cảng, sẽ được bầu lại vào năm 2017, sẽ phải được ít nhất 50% thành viên của “ủy ban bầu cử trung ương” đề cử, mà tất cả các thành viên của cái “ủy ban” này lại được chính quyền Bắc Kinh chỉ định. Diễn nôm ra là đến năm 2017 người dân Hương Cảng sẽ chỉ được quyền bỏ phiếu cho những ứng cử viên do chính đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ định. Na ná như kiểu bầu bán ở lục địa (hay ở một vài nước rồng rắn Á Châu): các ứng cử viên phải do “mặt trận” đề cử. Không có màn ứng cử viên “tự phát”.

Và quyết định trên của Bắc Kinh đã bị người dân Hương Cảng xem như là một hành động phản bội lại lời hứa mà chính Bắc Kinh đã cam kết với Luân Đôn năm 1989: đến năm 2017 Hương Cảng sẽ tổ chức một cuộc bầu cử ứng cử hoàn toàn tự do.

Thật ra thì quyết định “phản bội” của Bắc Kinh cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Ở một cơ chế độc đảng toàn trị với lớp sơn bên ngoài “thị trường định hướng” ... thì không thể nào đảng Cộng sản Trung Quốc chấp nhận một cuộc tranh cử tự do, bởi vì nếu có tranh cử tự do ... thì đấy cũng có nghĩa là đảng Cộng sản tự sát.

Dù rằng Hương Cảng, theo cam kết với Anh năm 1989, là một “đặc khu tự trị”, và Trung Quốc đã chấp nhận lời cam kết này bởi vì Trung Quốc vẫn còn cần đến Hương Cảng, vốn là cửa ngỏ kinh tế tài chính để Trung Quốc qua đó hội nhập vào nền kinh tế tài chính thế giới. Về lâu về dài, Trung Quốc có chiến lược là sẽ dần dần đưa Thượng Hải lên thay thế vị trí của Hương Cảng. Nhưng điều này còn cần đòi hỏi thời gian. Nhưng dù là “đặc khu tự trị”, nhưng chính quyền Bắc Kinh cũng không thể nào chấp nhận Hương Cảng hưởng quyền tự do bầu cử ứng cử như ở các nước Tây phương. Bởi vì người dân Hương Cảng cũng là người Trung Quốc. Một hiện tượng “dân chủ” nếu xẩy ra được ở Hương Cảng thì ảnh hưởng của nó sẽ sớm muộn gì cũng đến “lục địa”: một tỉ người Trung Quốc sống ở lục địa rồi cũng sẽ đòi hỏi quyền bình đẳng như người Trung Quốc sống ở Hương Cảng. Và lúc đó thì không phải chỉ có một hai hay vài chục cái Thiên An Môn ... mà sẽ có cả trăm cả ngàn cái Thiên An Môn đối đầu với đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều mà chính quyền Bắc Kinh không thể nào chấp nhận.

Một trong những sự kiện khá đặc thù của các cuộc biểu tình “ô dù” Hương Cảng chính quyền Bắc Kinh hôm kia đã vội vã “cảnh báo” rằng .... không bất kỳ một quốc gia nào được quyền xía vào chuyện nội bộ của Trung Quốc. (Chủ yếu là bắn tin cho Mỹ). Đặc thù ở chổ là khi ở Tây phương nổ ra các cuộc biểu tình “Occupy”, đôi khi với lý do kinh tế tài chính (thất nghiệp, mất phúc lợi xã hội ...), thậm chí có cả bạo động ... nhưng chẳng chính phủ Tây phương nào “thèm” lên tiếng “cảnh báo” rằng “chớ ai được can thiệp vào chuyện nội bộ” ...  Nhưng hễ ở Trung Quốc xẩy ra bất cứ một hiện tượng chống nhà nước ... là lập tức .... Bắc Kinh phải “cảnh báo” các nước khác. Không ai hiểu vì sao ? Chỉ biết là ở xứ Giao Chỉ thì hiện tượng đó được gọi là “diễn biến hòa bình” !!!

Roma, 30/09/2014



PS: Theo các kinh sách binh thư yếu lược kinh điển: khi nội bộ trong nước có vấn đề thì phải cho mở "xú bắp" để căng thẳng "xì" ra bên ngoài. Có thể là trong nay mai ... chính quyền Bắc Kinh sẽ nặn ra một vài hoạt động xâm chiếm biển Đông để dấy lên tinh thần ái quốc nhằm hạ hỏa tình hình ở Hương Cảng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét