20 tháng 9, 2014

ISIS, Mỹ, Trung Quốc ... và .....



Hôm 15/09/2014 vừa rồi Paris đã tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh với sự tham gia của chính phủ của 30 quốc gia (trong đó có rất nhiều quốc gia Ả Rập ở Trung Đông) nhằm thành lập một mặt trận “chống ISIS” (Islamic State of Iraq and Syria - Tổ chức vũ trang Hồi giáo cực đoan hiện nay đang đe dọa các cán cân quyền lực của các nước Ả Rập trong vùng và lợi ích của các nước phương Tây).

Có hai sự kiện đáng chú ý.

Sự kiện thứ nhất là đây là lần đầu tiên nước Nga của Putin tham gia một cuộc họp thượng đỉnh chính trị quốc tế do Tây Âu tổ chức kể từ sau vụ Nga sát nhập Crimea.

Sự kiện thứ hai là sự hiện diện của Trung Quốc trong một bối cảnh chính trị quân sự phức tạp ở Trung Đông xen kẻ với những lợi ích ngày càng to lớn của Trung Quốc trong khu vực này.

Nhìn chung có thể nói là sự kiện ISIS, dù muốn dù không, đang làm cho Tây Âu, đứng đầu là Mỹ, đang phải tìm cách xích gần lại với Nga và Trung Quốc ... Hay nói cách khác là chính Nga và Trung Quốc, trước sự kiện ISIS cũng đang phải xét lại các động thái của mình đối với Mỹ và Tây Âu.

 Thượng đỉnh Paris để tổ chức mặt trận chống ISIS
(Federica Mogherini, ngoại trưởng Ý, là phụ nữ duy nhất có mặt trong cuộc họp)


“Từ ba thập niên trở lại đây bọn họ thủ vai “free rider” khá tốt (tiếng lóng kinh tế, ám chỉ “ăn chùa” – tức là ăn mà không trả tiền), Obama đã tuyên bố như thế trong một cuộc phỏng vấn của ký giả Thomas Friedman khi ký giả này hỏi Obama nghĩ gì về vai trò của Trung Quốc trong các vấn đề thời sự quốc tế. Bằng giọng mỉa mai nhưng cũng rất thành thật, vị Tổng thống Mỹ nói tiếp: “Giởn chơi mà nói, đôi khi tôi tự hỏi phải chăng Mỹ sẽ có ít vấn đề hơn nếu Mỹ cứ cư xử như bọn họ, như thế giới chẳng ai trong chờ điều gì ở bọn họ.” Câu nói tiêu biểu được thốt ra từ miệng của một “người lính bất đắc dĩ” (soldier reluctant) đang phải thủ vai “sen đầm duy nhất còn lại” trên hành tinh này.

Nhưng Trung Quốc sẽ hành xử ra sao ? Sẽ tiếp tục “ăn chùa” ? Hoặc sẽ trở thành một “đối tác” với phương Tây trên các vấn đề chính trị quân sự trên thế giới ?

Như ta đã biết là xưa nay Trung Quốc vẫn theo nguyên tắc “bất can thiệp” (non-intervento),  vốn được kết hợp với các khái niệm như “tôn trọng chủ quyền” (sic !!!) và “chung sống hòa bình (sic !!!). Nguyên tắc nói trên là một trong những cột trụ của chính sách ngoại giao của Bắc Kinh, vốn đã được chính Chu Ấn Lai đề ra trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của các “quốc gia không liên kết” ở Bandung (Indonesia) năm 1955.

Dù rằng công tâm mà nói thì cái nguyên tắc “bất can thiệp” nói trên ... không phải lúc nào cũng được Trung Quốc tôn trọng .... nhưng chắc chắn là đường lối đối ngoại từ trước đến nay của Trung Quốc không phải thuộc vào kiểu “can thiệp trực tiếp” (sic !!!, trừ trường hợp ở Tây Tạng va trên biển Hoa Nam - đối với Trung Quốc, còn Việt Nam thì gọi là Biển Đông, và Phlipiines thì gọi là West Sea).

Nhưng theo các nhà phân tích chính trị thì nguyên tắc “bất can thiệp” nói trên hiện nay không còn đứng vững, bởi vì nguyên tắc đó không phù hợp với việc bảo vệ các lợi ích kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Đơn cử thí dụ như trường hợp chiến tranh hiện nay ở Libya đang gây khó khăn cản trở và đe dọa các kế hoạch kinh doanh của Bắc Kinh và đã khiến khoảng 36 ngàn người Trung Quốc phải rời bỏ Libya.

Khi một quốc gia có kinh tế phát triển ồ ạt và “nuốt” năng lượng ào ào như Trung Quốc, hay cần phải bảo đảm các thị trường kinh tế cho hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, thì khó có thể tiếp tục duy trì ảnh hưởng mà không cần phải sử dụng đến “quyền lực cứng” (hard-power). Cũng chính vì thế mà Trung Quốc đã phải bắt đầu gởi binh sĩ của họ ra nước ngoài. Cách đây vài ngày báo chí có đưa tin bảy trăm lính Trung Quốc đã được điều động đến phía Nam Sudan trong kế hoạch gìn giữ hòa bình (peace keeping) của Liên Hiệp Quốc, và cũng chính Sudan là nơi Trung Quốc có nhiều quyền lợi dầu hỏa to lớn (quân đội của peace keeping có nhiệm vụ bảo vệ đúng các giếng dầu).

ISIS là một mối đe dọa cho chính con rồng Trung Quốc, nhưng là đe dọa về chính trị nhiều hơn là kinh tế. Ở Trung Quốc có một sắc tộc thiểu số khoảng chín triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ và theo đạo Hồi, đó là sắc tộc người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur), vốn xưa nay lúc nào cũng luôn luôn đòi quyền tự trị trong vùng Tân Cương (Xinjiang), thậm chí cũng đả có những hình thức đấu tranh vũ trang (như vụ khủng bố hồi tháng 10/2013 xẩy ra ngay đúng trên quảng trường Thiên An Môn). Các hoạt động tuyên truyền của al-Baghdadi (thủ lãnh của ISIS) có thể gây ra những tác động đến sắc tộc người Duy Ngô Nhĩ, thí dụ như trong bài tuyên bố ở Mosul ngày 04/07/2014 vừa qua, al-Baghdadi đã trực tiếp lên án Trung Quốc là một trong những quốc gia có chính sách đàn áp Hồi Giáo.

Khoảng đầu tháng 9 vừa rồi các lực lượng quân đội Iraq đã bắt được một binh sĩ của ISIS mang hộ chiếu Trung Quốc. Trong mấy ngày qua một nhóm bốn người Ngô Duy Nhĩ bị bắt ở Indonesia vì bị tình nghi tham gia vào một tổ chức quá khích Hồi Giáo. Theo đặc phái viên chuyên trách về Trung Đông của Bắc Kinh, ông Wu Sike, thì hiện nay có khoảng trên dưới một trăm công dân Trung Quốc đang có mặt trong các tổ chức chiến đấu của ISIS.

Trong cuộc viếng thăm Bắc Kinh tuần qua của Trợ lý về an ninh quốc gia của chính phủ Mỹ (và theo chương trình thì Tổng thống Mỹ sẽ đến Bắc Kinh vào tháng 11 sắp tới), bà Susan Rice, dựa trên các yếu tố vừa kể trên,  đã đưa ra yêu cầu Bắc Kinh hổ trợ mặt trận chống ISIS. Cho đến nay phía Trung Quốc chưa có một tuyên bố chính thức nào về yêu cầu nói trên, nhưng theo các nguồn tin “nội bộ” của chính quyền Mỹ thì Trung Quốc đã “bày tỏ sự quan tâm” về đề nghị nói trên. Và “mối quan tâm” đã được thể hiện bằng sự hiện diện của chính Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc, Li Baodong, trong cuộc họp thượng đỉnh vừa qua ở Paris để bàn về một liên minh chống ISIS.

Trước mắt cũng khó có thể tưởng tượng ra một sự tham gia trực tiếp của Trung Quốc trong các hoạt động quân sự nhằm “làm suy yếu và tiêu diệt ISIS”. Nhưng chắc chắn là Trung Quốc sẽ không có một động thái nào cản trở các hoạt động này. Theo Chen Dingding, một học giả ở đại đọc Macao, thì Trung Quốc sẽ hổ trợ “một cách âm thầm” kế hoạch chống ISIS. Tức là có thể diễn nôm ra như thế này: nếu Tập Cận Bình xưa nay vẫn luôn luôn đứng về phía của Putin trong việc phủ quyết tất cả các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc chống lại Assad (ở Siria), thì lần này Tập sẽ không phủ quyết bất cứ một quyết định nào có dính dáng đến al-Baghdadi. Với điều kiện là trong các quyết định sẽ không trực tiếp nói đến các khả năng đánh bom trên lãnh thổ Siria.

Ngoài ra bên cạnh các yếu tố chính trị, cũng đừng quên các yếu tố kinh tế: Iraq là một nhà cung cấp dầu hỏa hàng đầu cho Trung Quốc.

Đứng theo cái nhìn của Tây phương thì các động thái “mở” của Trung Quốc vừa kể trên cũng rất lô-gích. Mỹ cần một sự ủng hộ đến từ Trung Quốc, nếu không trực tiếp bằng quân sự thì chí ít cũng là những hổ trợ về chính trị trên mặt trận ngoại giao. Trung Quốc cũng cần phải liên minh với Mỹ để tiếp tục duy trì lợi ích của Trung Quốc trong khu vực Trung Đông. Một mô hình cộng sinh .... nhưng cũng (có thể) là "đồng sàn dị mộng".

Câu hỏi còn lại là: Mỹ sẽ phải đánh đổi gì để có được sự ủng hộ chính trị của Trung Quốc trong mặt trận chống ISIS ?

Có nhiều cách trả lời. Có nhiều kịch bản có thể xẩy ra.

Có điều chắc chắn là chiến lược “Pivot to Asia” (chuyển trọng tâm ngoại giao của Mỹ sang khu vực Châu Á) mà Obama đã hồ hởi tuyên bố mấy năm trước đây ... bây giờ không thấy Mỹ nói đến nữa.

Viết đến đây lại nhớ câu nói để đời của cố Thủ tướng Anh Lord Palmerston, khi ông này bị chất vấn về những quyết định bất nhất của mình với những cú xoay chiều trở mặt trên các thế cờ chiến lược, “Chẳng có bè bạn hay kẻ thù nào là vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”.

Ây vậy mà vẫn còn có người khư khư ngồi ôm “những chữ vàng và những cái tốt” của một thời !!!


Viết theo nội dung của bài báo "Coalizione anti Isis, vertice a Parigi - Porre fine a Stato islamico con ogni mezzo" đăng trên tờ "il fatto quotidiano" http://www.ilfattoquotidiano.it/2014/09/15/coalizione-anti-isis-vertice-a-parigi-porre-fine-a-stato-islamico-con-ogni-mezzo/1121016/

 Roma, 20/09/2014



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét