22 tháng 9, 2015

Đức Giáo Hoàng và vị Lãnh đạo tối cao, giữa Jorge và Fidel hai cuộc cách mạng quyện vào nhau.



Trước sự trống rỗng của đoạn cuối của “triều đại” Castro sự tan nát của chủ nghĩa xã hội, Giáo hội được coi như là “mạng lưới an toàn” duy nhất còn lại của những thành phần nghèo khó nhất trong xã hội trong quá trình chuyển đổi ở Cuba.


Nguyên tác bài này có tên “Il Papa e il Lider, tra Jorge e Fidel l’abbraccio di due rivoluzioni” của đặc phái viên Vittorio Zucconi của nhật báo “la Repubblica” ở Washington đăng ngày 21/09/2015

*********

Giữa hai bàn tay của hai ông già, run rẩy xiết chặt nhau trong khoảng 41 phút, như một lời từ biệt, là một cuộc cách mạng đang len lỏi luồn qua để thay thế một cuộc cách mạng khác. Lịch sử Cuba của Fidel, hôm nay trên ngưỡng cửa cữu tuần trong có vẻ như một thầy tu già dịu hiền hơn là một  vị tướng nỗi loạn hào hùng trên những chiến khu đồi núi, đang chuyền sang tay của Bergolio, một người Á Căn Đình giống như Che, nhưng có điều Bergolio không nắm một tấc vũ khí. Tất cả những bí mật của sự kiện “chuyển đổi” nói trên nằm trong một cuộc gặp gỡ riêng tư sau một buỗi lễ ban phước lành cho 500 ngàn người vốn đang hy vọng vào một tương lai, nhưng cũng chính tương lai đó cũng mang nhiều lo âu khắc khoải.

Việc chuyển đổi giữa hai cuộc cách mạng, được đóng dấu bằng một cuộc gặp gỡ cực kỳ riêng tư mang hương vị của một cuộc xưng tội và làm cũng cố thêm những lời đồn đại về một khả năng “chuyển hoá” của một ông lão thời trẻ con đã được giáo dục bởi các vị linh mục dòng Tên (Gesuiti), đã diễn ra sau khi Đức Giáo Hoàng Francesco đã cử hành thánh lễ ngay chính tại quảng trường Cách mạng, nơi mà tất cả mọi mâu thuẫn của thế kỷ 20 đã đối đầu nhau, để rồi bây giờ cây Thánh giá với hình tượng Đức Chúa đang “thay thế” chân dung của Querido Commander của thời quá khứ, Ernesto Guevara. Không cần phải những tuyên bố “đao to búa lớn”, Đức Giáo Hoàng Francesco, chỉ với hình ảnh chân thực và uy quyền giáo chủ của chính mình, đã mang đến đây một điều gì đó mà chính những người tiền nhiệm của ông đã đặt chân trước đây lên Cuba, Đức Giáo Hoàng Ba Lan Karol và Đức Giáo Hoàng Đức Joseph  cũng đã không làm được: đó là những trải nghiệm bản thân, trực tiếp, mang tính nhân bản, của một “Latin bị áp bức và hy vọng được giải phóng, nhưng không phải bằng nòng súng, ở phía nam châu lục Mỹ.

 20/09/2015 -  Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng Francesco trên Quảng trường Cách mạng ở Havana

Trong một sự đảo ngược toàn bộ vị trí, hôm nay chính vị Đức Giáo Hoàng, vốn cũng được giáo dục bởi các linh mục dòng Tên, mang một thông điệp tính cách mạng đến cho một quốc gia đang được lãnh đạo bởi những cựu trò cũng của các linh mục dòng Tên như hai anh em nhà Castro. vị lãnh đạo cách mạng huyền thoại, nhưng cũng rất mong manh yếu đuối, đang đại diện cho tất cả những gì còn sót lại của một sự đề kháng bảo thủ ngày càng yếu ớt. Tất cả mọi người, từ anh em nhà Castro đến Bergoglio, cũng như tất cả những người Cuba, đều đang cố gắng tìm cách tái tạo lại một cuộc sống “cho ngày mai”, nhưng tất cả đều có chung một cảm giác, một cảm giác không nói thẳng ra được: nỗi lo sợ khắc khoải cho một tương lai của hòn đảo có thể sẽ là một sự quay về bất hạnh với một quá khứ đê tiện nhất của lịch sử của đất nước này.

Giáo hội Công giáo Cuba, một tổ chức khiêm tốn, nằm bên lề của cơ chế, sống sót một cách lơ lửng trong một nửa thế kỷ đầy trở ngại cấm đoán, với một “biên chế” chỉ có 300 linh mục trong một đất nước có 12 triệu dân, bị cấm đoán bất kỳ hoạt động tông đồ hay giáo dục nào, thậm chí còn bị cáo buộc là đồng loã hơn là đối lập với chế độ độc tài Castro, nhưng hiện nay lại đang trở thành một tổ chức có thể có khả năng trở thành một chọn lựa duy nhất còn lại, một con đê che chắn, nơi trú ẩn cho các tầng lớp xã hội sẽ bị hất ra bên lề trước các cuộc tiến công tham lam và trả thù của tư bản sau khi chế độ nhà nước sụp đỗ và sự trống trắng của đảng cộng sản sau khi anh em nhà Castro ra đi vĩnh viễn.

Kể từ năm 1991 khi Cuba bị những tay múa rối Liên Xô bỏ rơi tàn nhẫn khiến hòn đảo gần như bị huỷ diệt … cho đến sự kiện công nhận lẫn nhau giữa Mỹ và Cuba hồi tháng 8 vừa qua, và chắc chắn sẽ không còn bị cấm vận, những ai đã có dịp đến Cuba vào những tháng năm dài đó, thời của “buổi hoàn hôn của giáo trưởng Cuba”, và bây giờ có dịp quay lại đây, đều cảm nhận được rằng tất cả những người dân Cuba, xuyên qua những câu hỏi dò xét với những “du khách”, đang có những lo âu, khắc khoải vốn đang bao trùm lên một dân tộc đang sắp sửa “sang trang” tận gốc rễ.  Một mặt là niềm hy vọng sự quay trở lại ồ ạt của đám yankee, những người Mỹ vừa đáng yêu nhưng cũng vừa đáng ghét, sẽ mang theo giàu có thịnh vượng, nhưng mặt kia là sự lo âu của những thành phần xã hội thấp kém, những người chỉ biết sống vào đồng lương cố định hay vào phúc lợi xã hội, những thành phần này sẽ rất có thể sẽ rơi vào những những cái hố nghèo túng cùng cực, bị đẩy ra bên lề của quá trình “phát triển kinh tế” cũng như chính những người Nga đã trải nghiệm khi họ bị đẩy lùi ra khỏi các “câu lạc bộ” của các nhóm quyền thế khi Liên Xô tan rã.

Trong giai đoạn sắp tới khi mà hai anh em Castro sẽ để lại một khoảng trống và sự tan hàng rã ngũ của cơ chế xã hội chủ nghĩa ở Cuba, thì chỉ còn có Giáo hội công giáo là có khả năng đứng ra đóng vai trò “mạng lưới an toàn”  để cứu vớt những gia đình và những trẻ em nghèo khó trong quá trình chuyển đổi sang trang “cuồng bạo” giữa hai thời đại. Giáo xứ, trường học, các bệnh viện và trạm y tế của nhà thờ, những tổ chức thiện nguyện vốn đến hôm nay vẫn còn bị đóng cửa hoặc thậm chí bị cấm hoạt động sẽ trở thành những cái phao cứu rỗi họ, và không phải chỉ cứu rỗi linh hồn. Trong khi Karol Wojtyla là người xem  quyền tự do tôn giáo và chính trị như sao chổi dẫn đường, trong khi Joseph Ratzinger là hậu vệ của sự trung thành với Đức tin và tính chính thống của Giáo hội, thì Jorge Bergoglio, trước hàng vạn sanh linh ở Cuba, là vị Đức Giáo Hoàng có đủ uy tín để lên tiếng chống đối lại sự tham lam và cướp bóc của chủ nghĩa tư bản, một chủ nghĩa mà ngay chính ở Nam Mỹ và vùng Caribe đã gây ra những thảm hoạ tàn bạo nhất.

Bergoglio kêu gọi “hòa giải hoà hợp”, cũng như chính Hồng Y của Havana, Jaime Ortega Alamino, đã nhiều lần lặp đi lặp lại trước cộng đồng của những người Cuba ở hải ngoại (Cuba kiều), mà ngày hôm qua, nhờ vào vào các tuyến đường hàng không vừa mới được Obama cho phép mở, đã đến tham dự cùng người thân và bạn bè tại Quảng trường Cách mạng.

Lý do mà Bergoglio đang lớn tiếng kêu gọi tha thứ lẫn nhau, là vì Giáo hội lo sợ sẽ có thể nổ ra những màn trả thù, thanh toán những món nợ ân oán, niềm hận thù đã ăn sâu vào các thế hệ trong gần 60 năm của “một bức tường”, những năm đã “đông lạnh” Cuba, nhưng đồng thời cũng đã “bảo vệ” Cuba trong cái vỏ cứng của nó.

Đây chính là một thông điệp hòa bình mang tính cách mạng: bởi vì nó được xây dựng không những chỉ trên sự tự do tư tưởng và chính trị, mà nó còn nói đến công bằng xã hội. Và chính đây là điều đặc biệt nhất của chuyến công du của Bergoglio ở Cuba, và đồng thời cũng làm “áy náy” anh láng giềng vĩ đại phía bắc vốn đang chờ đợi Đức Giáo Hoàng Francesco lên bục giảng của Quốc hội Mỹ.

Đối với những ai xem bất kỳ những lời chỉ trích lên án sự tham lam và xấc láo của “nền kinh tế tài chính” đều là những sản phẩm của ý thức hệ toàn trị thì Đức Giáo Hoàng Francesco “rất là cộng sản”, nhưng trưa ngày hôm qua, tại Quảng trường Cách mạng ở Havana bánh xe lịch sử đã chuyển động. Do chính bàn tay của một người đàn ông không có được một tiểu đoàn lính trong tay đẩy tới, nhưng chính bàn tay ấy đang làm run chuyển những “thượng đế” và tạo hy vọng cho những người dân trần tục thấp cổ bé miệng.

Roma, 22/09/2015 

chuyển ngữ

1 nhận xét:

  1. Bài nhận định quá hay và đang giống như lời tiên tri cho việc gì sẽ phải đến. Càng đọc, Càng thấm thía việc kỳ diệu Thiên Chúa làm, nơi mỗi người một cách khác nhau. Đức Wojtyla, Đức Ratzinger và nay Đức Bergoglio. Chúng ta có quyền hy vọng sẽ thấy một ngày mai sáng sủa trên căn bản của tính nhân đạo mà ĐGH Phanxicô đang thực hiện. Cầu Chúa luôn ở với Ngài.

    Trả lờiXóa