22 tháng 5, 2012

Đến Tết Công-gô ???


Thông thường thì những cuộc bầu cử địa phương cấp tỉnh lớn tỉnh bé cũng chỉ ảnh hưởng đến cấu trúc chính trị cấp quốc gia (Quốc hội) một cách tương đối, và thông thường được xem như là “hàn thử biểu” để các đảng phái chính trị ở tầm quốc gia “đón gió” chuẩn bị cho mùa bầu cử Quốc hội.

Nhưng năm nay, kỳ bầu cử địa phương 2012 đã đẩy nước Ý “sang trang”: cây cột thủy ngân tăng biến vũ bảo đến độ ... làm nổ tung cả cái hàn thử biểu ...
Dĩ nhiên là tình hình kinh tế tài chính suy thoái, những khó khăn trong đời sống hằng ngày của người dân trước chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ, hảng xưởng đóng cửa, thất nghiệp gia tăng, thuế má dồn dập ... đã là những chất “xúc tác” gây nên những chuyển biến to lớn trong kỳ bầu cử này ... nhưng không thể nào phủ nhận được sự khủng hoảng trầm trọng của các đảng phái chính trị “chính thống”, bất kỳ tả hay hữu, đến cả các đảng “trung dung – ôn hòa” cũng không tránh được cơn bão.

Diển viên hài Beppe Grillo, sư tổ của phong trào 5 sao

Đọc các kết quả bầu cử ai cũng thấy sự kiện mang tính chất “sóng thần” dĩ nhiên là “đại thắng mùa xuân” của cái “Phong trào 5 sao” của anh chàng diễn viên hài  Beppe Grillo: thành phố Parma (thành phố nổi tiếng đã đẻ ra thứ phô mai nổi tiếng khắp thế giới mang tên “Parmigiano”, nổi tiếng đến độ các anh Trung Quốc đã vội vàng nhảy vô làm hàng nhái mang những tên nhại như “Parmesan”, “Parmizan”, “Parmixan” cốt để tránh bị kiện tụng bản quyền), một thành phố khoảng 186 ngàn dân cư, là thành phố lớn đầu tiên có một ông thị trưởng “5 sao”.

Federico Pizzarotti (phải), tân thị trưởng thành phố Parma


Về mặt chính trị có thể nói rằng một “chu kỳ” đã cáo chung ... dù rằng “chu kỳ” mới chưa ai biết mặt mũi ra sao, chỉ biết rằng kết quả bầu cử 2012 đã thể hiện một cách rất rõ rệt rằng nước Ý muốn “đổi mới”: một phần nhỏ của phong trào đòi đổi mới này cũng đến ngay từ bên trong nội bộ của một vài lực lượng chính trị, nhưng đại bộ phận là đến từ bên ngoài của các đảng phái truyền thống và thường bị gán cho cái thương hiệu “đả đảo chính trị” (anti-politica). Trên thực tế phong trào này cũng rất đa dạng và cũng đáng chú ý. Trước mắt có thể nói rằng phong trào này đòi hỏi một “mô hình chính trị” mới, một mô hình mà các đảng phái chính trị hiện nay không đủ sức đáp ứng, bằng chứng là con số cử tri từ chối không tham gia bỏ phiếu lần này cực kỳ cao: 48,6%, tăng đến 11% so với số cử tri không đi bỏ phiếu hồi năm 2008. Nếu trong một vòng bầu cử mà trung bình chỉ có 51 trên mỗi 100 cử tri đi bỏ phiếu ... thì có nghĩa là đã có một sự rạn nức khủng khiếp giữa xã hội hiện thực và cơ chế pháp quyền, và sự bất tín nhiệm của người dân không chỉ thể hiện đối với “giai cấp lãnh đạo đảng phái”, vốn bị xem vừa bất tài vô dụng lại thêm ăn bám ký sinh vào nhà nước, mà bất tín nhiệm ngay đối với cơ chế dân chủ nghị viện.

Nhưng thay đổi lớn có tính chất cấu trúc chính trị và có tác động lên hàng quốc gia chính là sự thay đổi về quan hệ lực lượng giửa các “cực” (poli).

Trước bầu cử, trong số các thành phố có từ 15 ngàn dân trở đã có đến 98 thành phố do phe “trung hữu” (tức là phe đám của Berlusconi cộng thêm mớ lâu la của Bossi) nắm chính quyền, trong khi “cánh trung tả” (tức là mớ hổ lốn của đảng Dân Chủ cộng với mấy cái phong trào cảnh tả nhồi thêm mớ “môi trường cây xanh”) chỉ nắm được 56 thành phố. Kể từ hôm qua mô hình địa chính đã đảo lộn: cánh tả được 95 thành phố (tức là tăng khoảng 70%) trong phe trung hữu chỉ còn nắm được 34 thành phố (tức là giảm khoảng 65%).

Nước Ý “phồn vinh và đầy khoái lạc” của Berlusconi đã biến thành tro bụi: đảng Tự Do gần như bị xóa sổ ở khắp nơi, thậm chí đến ngay cả những vùng “thánh địa” của Berlusconi ở mạn Bắc hay ở những vùng “bảo hộ” ở miền Nam đảng của Berlusconi bị gạt ngay từ vòng một. Nhìn vị Tổng Bí Thư của đảng Tự Do, Angelino Alfano, vất vã chống đở những câu hỏi của ký giả báo chí ... trong mà tội nghiệp. Thậm chí đến thành phố quê quán của Bí thư, thành phố Agrigento, cử tri cũng “thoải mái” cho đảng Tự Do chìm xuồng.

Cạnh đó, cái nước Ý muốn ly khai để thành quốc gia Padania cũng đang thoái trào: mất phiếu một cách không ngờ, dù rằng Bộ Tam Đầu Chế của cái còn lại của cái gọi là Liên Đoàn Phương Bắc (Lega Nord) đã cắn răng gồng mình cắt da xẻo thịt để tìm cách ngăn chận những hệ lụy do “cái vòng mầu nhiệm” (Cerchio magico) gia đình trị của “Bossi and Sons” gây ra, dù rằng vị tân Bí Thư sắp “giáng trần” Roberto Maroni, một trong những tên “man rợ mơ mộng” (barbari sognanti !!! – Thực tình chẳng biết chúng nó mơ gì ?), ngày đêm cứ tụng câu thần chú “vạn lý trường chinh đã kết thúc” (la traversata nel deserto è finita) ... mà không biết rằng chính bây giờ “vạn lý trường chinh” mới bắt đầu.

Có thể nói rằng cái “mô hình cộng sinh B&B” (Berlusconi & Bossi) đã chết. Một mô hình cộng sinh để một bên giữ được cho mình những đặc quyền đặc lợi kinh tế tài chánh và một bên thì bòn rút sinh khí của một vùng đất vốn truyền thống là “đắc địa” của nền kinh tế sản xuất của nước Ý (mạn đông bắc nước Ý).

Cộng sinh B&B


Còn lại “hồng Ý” (Italia rossa), với những lực lượng hổ lốn của cái gọi là “trung tả”: có thể nói là “hồng Ý” đã “trụ” lại được trước những cơn sóng thần. Nhưng có lẽ các lãnh đạo chính trị cánh tả, nếu không mê muội trên “chiến thắng”, cũng phải nhìn nhận rằng cánh tả thắng phần lớn không phải do chính thực lực hay công trạng của mình, mà chính nhờ vào những sai lầm và yếu kém của đối thủ, nhất là suốt cả mùa tranh cử đã dồn dập xẩy ra những xì-căn-đan về tham nhũng, hối lộ, lạm quyền của toàn ban toàn ngành của vùng Lombardia (xì-căn-đan Formigoni) vốn là thánh địa xưa nay của B&B và những xì-căn-đan vây quanh gia đình Bossi.

Cánh tả cũng phải thấy rằng dù kết quả bầu cử 2012 giao cờ luân lưu cho Đảng Dân Chủ, nhưng Đảng này cũng chỉ có được 25% phiếu – mà lại là 25% phiếu của chỉ 51,4% cử tri đi bỏ phiếu, tức là tính ra cũng chỉ được non 13% trên tổng số cử tri có quyền đi bầu. Và nhất là ở những thành phố lớn như Milano, Genova, Napoli hay Palermo ... những ông bà thị trưởng trúng cử hiện nay đều không phải là người của Đảng Dân Chủ.

Thậm chí khi ông Tổng Bí thư của Đảng Dân Chủ, Pier Luigi Bersani, trước sự thắng cử của “5 sao” ở Parma, đã vớt vát một cách vừa thảm thương vừa khôi hài: “đâu phải chổ nào 5 sao cũng thắng đâu, ở Budrio (Emilia Romagna) và Garbagnate (Lombardia) là phía trung tả thắng vòng hai đấy chứ”. Khổ thật. Budrio là thị trấn có 18 ngàn dân, Garbagnate thì có 27 ngàn, trong khi cái thành phố Parma có thị trưởng “5 sao” lại có đến 186 ngàn dân. Nói thế người ta gọi là “nói lấy có”.

Bộ tam của "cực thứ ba": Casini, Fini và Rutelli.

Với sự phá sản của “cực thứ ba” (terzo polo) của “bộ tam” Casini&Fini&Rutelli và nếu không có một thay đổi thật sự của luật bầu cử, thì coi như là đến năm 2013 (bầu Quốc hội mới) thì đảng Dân Chủ của Bersani cũng sẽ bắt buộc phải đem ra “hâm nóng” lại món canh nguội lạnh “liên minh trung tả” dồn vô đó vừa Vendola (SEL) vừa Di Pietro (IDV), một mô hình liên minh, mà báo chí gọi đùa là “tấm ảnh Vasto” (16/09/2011, tại thành phố Vasto, nhân lễ hội của đảng IDV của Di Pietro, có một buổi thảo luận bàn tròn về một liên minh cánh tả với sự có mặt của Bersani (Đảng Dân Chủ), của Vendola (SEL) và Di Pietro), cùng lắm chỉ có thể cho phép cánh trung tả thắng cử, nhưng chắc chắn là sẽ không tạo được điều kiện cần thiết để có thể có một chính phủ ổn định. Mô hình hổ lốn này đã một lần thất bại: năm 2008 với chính phủ “trung tả” Prodi bị ngay chính đồng minh Mastella “đâm sau lưng chiến sĩ”.

Tấm ảnh Vasto - Vendola, Bersani và Di Pietro

Sau gần hai thập niên ngụp lặn trong vũng lầy của chế độ B&B, cử tri đang lớn tiếng kêu gọi “đổi mới”. Lần này là đến phiên cánh tả phải lấy trách nhiệm, và nhất là phải có can đảm “sang trang”. Chứ còn nếu Đảng Dân Chủ với một Bersani vẫn tiếp tục ngồi rung đùi bên bờ sông chờ xác đối thủ trôi ngang ... thì coi như là nước Ý phải đợi đến “Tết Công gô” ....

Roma, 22/05/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét