31 tháng 5, 2012

Động đất thời kinh tế toàn cầu hóa.

Lại thêm một trận động đất ở Ý. 


Thành phố l'Aquila vẫn còn điêu tàn kể từ sau vụ động đất năm 2009, với 308 người chết, tái thiết vẫn chưa đến đâu ... thì nay lại thêm động đất ở Emilia, và kể từ hôm 20 đến nay đã có hàng mấy trăm chấn động, có khi lên đến 6 độ, và theo báo chí thì đến hôm nay "chỉ" có 17 người thiệt mạng, nhưng thiệt hại về cơ sở vật chất ... nghe nói đã lên đến 5 tỉ Euro, bởi vì vùng Emilia này, thuộc vùng đồng bằng sông Po, vốn là một trong những vùng đất quan trọng của nền kinh tế về nông phẩm, thực phẩm (phô mai Parmigiano Reggiano nổi tiếng toàn cầu) và gia súc, cũng như phần lớn các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa của nền công nghệ kỹ thuật cao cấp của Ý (y sinh (biomedico), phụ tùng xe hơi, thiết bị xây dựng) rất nổi tiếng trên thế giới.



Trong số 17 người thiệt mạng, đại bộ phận phần lớn là nhân công và chính các chủ doanh nghiệp của các cơ sở sản xuất bị động đất gây thiệt hại: phần lớn tử vong là do chính nhân công và chủ nhân đã trở lại nơi cơ sở sản xuất bị thiệt hại với hy vọng là vớt vát để di tản các thiết bị còn sót lại, để tìm cách cứu vãn cơ sở sản xuất, để nhanh chóng đưa các hảng xưởng trở lại hoạt động ...


Những cái chết vì "nghề nghiệp" như đã nói trên đã đang dấy lên một cuộc khẩu chiến giữa phía công đoàn và bên hiệp hội doanh nhân: bên công đoàn thì cho rằng các doanh nhân không thể nào "ép" nhân công trở lại các cơ sở sản xuất bị thiệt hại khi tình hình chấn động chưa hoàn toàn chấm dứt. Phía bên hiệp hội doanh nhân thì bảo rằng họ chẳng ép ai cả, chỉ sau khi các "cơ quan nhà nước có thẩm quyền" tuyên bố là có thể trở lại những nơi bị chấn động ... thì họ mới mở cửa các cơ sở sản xuất .... Bên cạnh cuộc khẩu chiến nói trên, các "cơ quan nhà nước" quản lý về xây dựng, các ông bà thị trưởng, các chuyên viên xây cất, các nhà làm luật ... đang hăng hái đả kích lẫn nhau và đổ trách nhiệm cho nhau ...

Nhân công đang tìm cách cứu vớt những phong phô mai Parmigiano Reggiano trong một cơ sở sản xuất bị thiệt hại.


Theo lời kể của các nhân công của các cơ sở sản xuất trong vùng bị động đất, họ cũng sợ chấn động khi phải trở lại những hảng xưởng bị sập trước đó, khả năng tai nạn rủi ro và có thể gây thiệt mạng rất cao. Do đó ai cũng sợ. Nhưng họ cũng cho biết là thời buổi kinh tế khó khăn khủng hoảng, nếu không nhanh chóng khôi phục sản xuất thì ... làm sao có lương để sống ? Và mối lo sợ lớn nhất là nếu không nhanh chóng khôi phục sản xuất ... thì chỉ cần 1 tháng không hiện diện trên thị trường là .... Trung Quốc sẽ "chào hàng" ngay ... Có rất nhiều hảng xưởng ngay trước khi động đất cũng đang bị đe dọa đóng cửa vì chủ xí nghiệp muốn dời sản xuất sang Ấn Độ hay Trung Quốc (phần lớn đây là những cơ sở sản xuất của các tập đoàn kinh tế quốc tế) .... do đó nếu không nhanh chóng tìm cách khôi phục sản xuất thì giới lãnh đạo tập đoàn "có thể vin vào cớ là sản xuất không còn an toàn" để di dời sản xuất.

Một cơ sở sản xuất bị thiệt hại trong sau chấn động


Sợ. Sợ chết. Nhưng cái sợ mất công ăn việc làm còn lớn hơn cái chết. Các công nhân bảo rằng họ phải lựa chọn: hoặc chết vì chấn động ... hay chết đói vì mất công ăn việc làm ? Trong hai cái sợ, người công nhân đã chọn cái sợ của "thị trường" nhiều hơn là sợ của "thiên tai".

Động đất thời kinh tế toàn cầu hóa là thế !!!

31/05/2012



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét